7. Cấu trúc luận văn
1.2.2. Sự nghiệp sáng tác
Nhà văn Nguyễn Kiên là một nhà văn của đồng quê với văn phong giản dị, hàm súc. Đằng sau mỗi nhân vật, thân phận, mỗi cốt truyện của ông đều ẩn chứa một sự chiêm nghiệm, một triết lý nhân sinh khiến người đọc phải suy ngẫm. Với ông, điều quan trọng là “phải sống thường xuyên và phải đạt đến độ sâu sắc để cảm nhận cuộc sống một cách trực tiếp”. Nguyễn Kiên thử ngòi bút của mình trên nhiều thể loại: truyện ngắn, truyện vừa, truyện thiếu nhi và tiểu thuyết. Những tác phẩm của Nguyễn Kiên đã được xuất bản:
Trong làng (truyện ngắn, 1965, 1995); Vụ mùa chưa gặt (Tuyển chọn, 1974, 1982); Nơi xa (tuyển chọn, 1996); Đáy nước (truyện ngắn, 1985); Miếu hoang (truyện ngắn, 1992); Những mảnh vỡ (truyện ngắn, 1995); Chim khách kêu (truyện ngắn, 2001); Lá rụng (truyện vừa,1962); Chân sông (truyện vừa, 1967); Chặng đường nhớ lại (truyện vừa, 1984); Vùng quê yên tĩnh (tiểu thuyết, 1974), Nhìn dưới mặt trời (tiểu thuyết, 1981); Một cảnh đời (tiểu thuyết, 1992); Những ngày đi lưu động ( truyện thiếu nhi, 1956, 1986); Con gái người bán chim (truyện thiếu nhi,1963,1993); Năm tôi 13 tuổi (truyện thiếu nhi, 1977, 1987); Chú đất nung (truyển chọn,1996). Mặc dù thử bút trên nhiều lĩnh vực nhưng thành công hơn cả trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Kiên vẫn là truyện ngắn và tiểu thuyết.
Ở phương diện tiểu thuyết Nguyễn Kiên có ba tác phẩm: Vùng quê yên tĩnh (tiểu thuyết, 1974), Nhìn dưới mặt trời (tiểu thuyết, 1981); Một cảnh đời
(tiểu thuyết, 1992). Cả ba tiểu thuyết này tác giả đều làm sống lại không khí lao động sản xuất ở nông thôn thời kì hợp tác hóa và cuộc sống số phận của người nông dân sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.
Tiểu thuyết Vùng quê yên tĩnh được xem là một trong những thành tựu nổi bật của văn xuôi viết về nông thôn thời kì xây dựng hợp tác xã nông nghiệp trong điều kiện đất nước có chiến tranh. Vượng, Đảm là những đoàn viên, thanh niên nông thôn hăng hái trong lao động sản xuất. Họ yêu nhau. Nhưng tình yêu của họ vấp phải sự chống đối của ông Lũng - ông chú của Đảm. Ông là một người bảo thủ cầu lợi, đầy những tính toán thiệt hơn và không thiết tha gì với phong trào chung của tập thể. Ông đã cố tình không không chấp hành nghị quyết nhổ mạ chiêm để cấy mạ xuân cho đủ diện tích. Là người trong ban lãnh đạo hợp tác xã nhưng ông không gương mẫu đi đầu mà âm thầm cấy thêm mạ chiêm ở ruộng năm phần trăm. Trước tình yêu của đôi trai gái Đảm Vượng - những thanh niên có tư tưởng tiến bộ, ông đã tác động đến quyền làm cha, làm mẹ để cha mẹ cấm Đảm không được yêu Vượng. Và Đảm Vượng đã phải đấu tranh với chính bản thân mình, với ông già Lũng bảo thủ, lẩn tránh con đường làm ăn tập thể... để giữ vững tinh thần của con người mới trong cuộc sống mới. Như vậy Vùng quê yên tĩnh vừa bám sát hiện thực xây dựng xã hội chủ nghĩa, phản ánh cuộc đấu tranh giữa hai con đường làm ăn tập thể và cá thể đang diễn ra quyết liệt ở nông thôn với những vấn đề trung tâm như vào hay ra hợp tác xã, vừa giải quyết những vấn đề có ý nghĩa xã hội rộng lớn trong quá trình đưa nông thôn từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, chuyển người nông dân từ vị trí làm chủ cá thể sang cương vị làm chủ tập thể.
Tiểu thuyết Nhìn dưới mặt trời Nguyễn Kiên đề cập đến một vấn đề khác của nông thôn giai đoạn đất nước chuyển mình từ chiến tranh sang xây
dựng, cũng là vấn đề con đường làm ăn tập thể hay cá thể nhưng trọng tâm lại là việc khoán ruộng mới. Thông qua nhân vật Phác, một ủy viên ban thường vụ huyện ủy, được cử về xã Tân Hội làm bí thư Nguyễn Kiên đã phản ánh được một bước tiến mới của người nông dân trong làm ăn tập thể: khoán ruộng năng suất cao. Trong tiểu thuyết này Nguyễn Kiên cũng đã đề cập đến một vấn đề nhức nhối còn tồn tại dai dẳng ở xã hội nông thôn như: trù dập cấp dưới; ô dù, dựa dẫm vào cấp trên; kéo bè cánh làm mất đoàn kết nội bộ; thờ ơ, bàng quan với những công việc chung của tập thể...
Tiểu thuyết Một cảnh đời nhà văn Nguyễn Kiên lại tập trung chú ý đến số phận của người nông dân khi đất nước bước vào thời kì đổi mới. Đó là số phận của lão Côi, một người đã có công với cách mạng trong thời kì chiến tranh. Nhưng bước sang thời bình lão lại sống một cuộc sống đơn độc, côi cút, không nhà cửa. Đó là chị Ngọt, người đàn bà bất hạnh. Chồng bài bạc và đi theo người khác, một mình chị nuôi năm đứa con trong cảnh túng thiếu. Đó là Thẩm, một người lính trở về sau chiến tranh, đã nhiều lần bênh vực quyền lợi của mọi người, và cũng vì thế mà anh bị cắt giảm biên chế và nhận cái chết oan uổng. Đó còn là những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, không nhà, không cửa, không họ hàng thân thích... Qua tác phẩm, nhà văn đặt ra một vấn đề hết sức nhức nhối trong đời sống người dân lúc bấy giờ. Chiến tranh đã kết thúc, cần làm gì để người dân bớt đói rách, nghèo khổ? Làm gì để người dân thấy rằng mồ hôi, xương máu do họ đổ xuống phải thực sự có ý nghĩa, thực sự giúp ích cho cuộc sống của họ.
Như vậy qua ba tiểu thuyết Vùng quê yên tĩnh, Nhìn dưới mặt trời;
Một cảnh đời tác giả đã đặt ra và giải quyết được những vấn đề có ý nghĩa phổ quát trong đời sống nông thôn: sự đổi thay trong quan hệ sản xuất đã làm lay chuyển dữ dội những tư tưởng bảo thủ, những lối sống cũ đã tỏ ra lỗi thời. Trong hoàn cảnh mới con người phải đấu tranh và tự điều chỉnh mình cho phù hợp với sự vận động và phát triển của xã hội.
Về truyện ngắn có các tác phẩm Trong làng (truyện ngắn, 1965, 1995);
Vụ mùa chưa gặt (Tuyển chọn, 1974, 1982); Nơi xa (tuyển chọn, 1996); Đáy nước (truyện ngắn, 1985); Miếu hoang (truyện ngắn, 1992); Những mảnh vỡ
(truyện ngắn, 1995); Chim khách kêu (truyện ngắn, 2001)
Với một loạt các truyện ngắn của mình Nguyễn Kiên đã đề cập đến những vấn đề cơ bản của con người Việt Nam nói chung và người nông dân nói riêng cả trong thời chiến và cả trong thời bình. Đó là hình tượng những anh lính trinh sát, những thanh niên xung phong, những anh bộ đội cụ Hồ anh dũng trong cuộc chiến đấu giành lại độc lập cho Tổ Quốc Việt Nam yêu dấu (Nơi xa). Họ là lực lượng nòng cốt của cách mạng. Những người con trai, con gái ấy đã hy sinh tuổi xuân của mình vì cuộc đấu tranh chung của dân tộc. Những cô thanh niên xung phong đào đất, thông đường, lấp hố bom cho xe chạy; những anh trinh sát suốt ngày dán mắt vào ông kính đề quan sát và báo thông tin trong một hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt - núi đá vôi, núi trọc, chẳng có một bóng cây, ban ngày nóng như rang, còn ban đêm thì lạnh và ẩm ghê người; những anh bộ đội phải luôn đối mặt với kẻ địch, với hiểm nguy... Tuy nhiên những con người đó không bao giờ nao núng, run sợ. Họ dũng cảm chiến đấu và sống vui vẻ, ấm cúng trong nghĩa tình đồng đội. Đó còn là những người nông dân chất phác quanh năm chỉ biết có cày cấy, ruộng vườn nhưng khi có giặc giã lại hừng hực một tinh thần yêu nước mãnh liệt, quyết bám trụ với đất làng để chờ bộ đội gây dựng lại phong trào như bố con ông Thức trong truyện ngắn Làng.
Hòa bình lập lại, những người nông dân thuần phác lại trở thành lực lượng không thể thiếu trong công cuộc kiến thiết đất nước Việt Nam ngày một bền vững, tươi đẹp hơn. Mặc dù quê hương đang bề bộn những lo toan, nhưng những con người ấy vẫn tràn đầy hào hứng bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đầy khó khăn nhưng cũng không kém phần tự tin và hy
vọng. Họ đã gạt bỏ những bỡ ngỡ ban đầu, dần trở thành lực lượng nòng cốt, tự tin vững bước trong công cuộc đổi mới. Những anh bộ đội xuất ngũ, những bậc trung niên cao tuổi hay những đoàn viên thanh niên hăng hái đi đầu trong công cuộc xây dựng đất nước ấy được thấp thoáng ẩn hiện trong những truyện ngắn của Nguyễn Kiên như: Người yêu ngày trước, Vụ mùa chưa gặt, Mảnh lụa vân, Đất bạc màu, Kỉ niệm ruộng đất, Nhữ và Thêm, Con Nâu... Là một nhà văn có tài, có kinh nghiệm sống và viết, Nguyễn Kiên được bầu chọn là nhà văn viết truyện ngắn hay, mà Anh Keng là một ví dụ điển hình. Thông qua nhân vật anh Keng tác giả đã phản ánh được sự trưởng thành của người nông dân, nhất là những thanh niên nông thôn khi tham gia vào phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, một phong trào đang diễn ra rầm rộ, đa dạng ở nông thôn, đưa nông thôn từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, chuyển người nông dân từ vị trí làm chủ cá thể sang làm chủ tập thể. Truyện ngắn Anh Keng cũng thể hiện một năng lực viết truyện ngắn của Nguyễn Kiên: bố cục vững chãi; miêu tả tâm lý tự nhiên và tinh tế; đối thoại sinh động; ngôn ngữ giàu có, phong phú.
Bên cạnh mảng đề tài viết về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thì truyện ngắn Nguyễn Kiên còn thể hiện một một mảng đề tài khác, đó là những cảm xúc chân thành, những tình người nồng ấm và đôn hậu giữa người với người. Một loạt tác phẩm đã thể hiện điều đó: Vực thẳm, Mùa xuân, Những đưa con, Truyền thuyết về những em bé...
Đặc biệt tác phẩm Chim khách kêu của ông đã được giải thưởng Hội Nhà văn năm 2001. Năm 2002, cũng với Chim khách kêu, nhà văn Nguyễn Kiên đã được nhận giải thưởng văn học Đông Nam Á. Ngày 4/10/2002 tại Thư viện Quốc gia Bangkok - Thái Lan đã diễn ra cuộc gặp mặt của các nhà văn được nhận giải thưởng văn học Đông Nam Á với độc giả.Tại cuộc gặp mặt này, nhà văn Việt Nam Nguyễn Kiên đã có vinh dự đứng lên bục diễn giả
giới thiệu với bạn bè văn chương quốc tế và những người yêu mến văn học tập truyện ngắn Chim khách kêu của ông. Chim khách kêu đã trở thành sứ giả của văn chương Việt Nam ở diễn đàn khu vực.
Có thể nói rằng Nguyễn Kiên được người đọc nhớ đến như một bậc thầy về truyện ngắn và tiểu thuyết. Những tác phẩm của ông đầy ắp hơi thở cuộc sống, thể hiện những quan sát tinh tường của ông về con người, thời cuộc. Sáng tác của ông hấp dẫn người độc bởi nó không rườm rà, tâm lý thực, ngôn ngữ hành động phù hợp với nhân vật.