Những chấm phá về cuộc sống bấp bênh, đói nghèo và tâm

Một phần của tài liệu Nông thôn và người nông dân trong truyện ngắn nguyễn kiên (Trang 62)

7. Cấu trúc luận văn

2.1.3. Những chấm phá về cuộc sống bấp bênh, đói nghèo và tâm

tiểu nông của người nông dân

Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp, có nền văn minh lúa nước từ lâu đời. Vì thế người nông dân chiếm vị thế áp đảo trong các thành phần cư dân người Việt. Do đó hình tượng người nông dân giữ vị trí trung tâm trong nhiều tác phẩm và để lại dấu ấn đậm sâu trong nền văn học qua các thời kì. Viết về họ các tác giả văn học đã khám phá và khẳng định được những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân như: cần cù, chịu thương, chịu khó, giàu nghĩa tình... Mặt khác, văn học cũng rất quan tâm đến đời sống đói nghèo, bấp bênh của người nông dân và phản ánh cuộc sống đó với một thái độ xót xa, thương cảm.

Nghèo khổ, đói rách đã trở thành số kiếp đeo đuổi người nông dân suốt từ đời này sang đời khác. Văn học dân gian nói chung, ca dao dân ca nói riêng

đã phản ánh một cách chân thực cuộc sống cơ cực, đói cơm, rách áo, vất vả, túng thiếu quanh năm của người nông dân Việt Nam. Đến giai đoạn văn học trung đại, đời sống đói khổ lầm than của người nông dân xuất hiện nhiều trong thơ các nhà Nho nặng lòng với thời cuộc như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến...Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến 1945, đặc biệt ở mảng văn học hiện thực phê phán, người nông dân hiện lên lầm lũi, khổ cực của kiếp người nô lệ. Họ oằn mình dưới ách áp bức của địa chủ phong kiến và thực dân. Cuộc sống đói nghèo của họ thật bi thảm trong những trang viết của Ngô Tất Tố, Nam Cao, Tô Hoài... Sau 1975 cuộc sống đói nghèo của người nông dân vẫn được các tác giả quan tâm như trong sáng tác của Chu Lai, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp... Như vậy văn học viết về cái nghèo, cái khổ của người nông dân đã có một chiều dài lịch sử và ở giai đoạn nào cũng có những tác giả lớn gắn với những tác phẩm có giá trị.

Là nhà văn trọn đời chung thủy với nông thôn và người nông dân, Nguyễn Kiên có nhưng trang văn xúc động viết về cuộc sống, sinh hoạt, tình cảm... của người nông dân. Ở mảng truyện ngắn, người nông dân được phản ánh trong mối quan hệ với tập thể, với phong trào hợp tác hóa. Họ mang một cuộc đời mới, tầm vóc mới, có khả năng cải tạo hoàn cảnh và cải tạo chính mình để vượt lên. Tuy nhiên không phải vì thế mà cuộc sống đói nghèo của người nông dân không thấp thoáng xuất hiện trong các sáng tác của ông. Ví như gia cảnh nhà Khắc trong Vụ mùa chưa gặt: “Tan họp, Khắc tách ra khỏi mọi người, một mình đi lối tắt về nhà. Trời lấm tấm mưa. Mảnh sân nhà anh nhỏ xíu, đất nện chưa chặt, lại thấp hơn mặt đường, trơn nham nháp. Chỗ kê vại nước càng tệ hại. Vừa rửa chân xong, giẫm phải chỗ rêu trơn, chân anh sa ngay xuống một vũng bùn lõng bõng vì mấy con ngan ương gàn suốt ngày cứ luẩn quẩn lại đây mò nước gạo và khuấy ngầu lên. Khắc hậm hực đẩy cửa

liếp, vào nhà, xòe que diêm. Tất cả vẫn lặng ắng. Bà mẹ anh nằm ở chõng nhà ngoài, dài và mỏng dính dưới tấm chăn chiên đã sờn rách, chỉ thấy chỏm đầu già nua, cắt trọc hở ra ngoài” [32, 39]. Người ta nói “Một đêm nằm bàng năm ở”. Cái ở, cái ăn của họ đã khổ, cái ngủ của họ lại càng khổ hơn. Người mẹ già nua của anh chỉ có tấm chăn chiên đã sờn rách.Vợ con anh chen chúc nhau trên một chiếc giường hẹp: mẹ nằm dọc, con nằm ngang. Cũng vì chưa yên tâm với cuộc sống mà gia đình Tuất trong Kỉ niệm ruộng đất đã không thể chuyên tâm vì hợp tác. Tuất suốt ngày túi bụi vì công việc chung nhưng bố anh, vợ anh và cả những đưa con vẫn phải nháo nhào đi tìm công việc riêng để kiếm thêm miếng ăn cho gia đình, để tránh cái đói. “Cái cảnh hốt hoảng, đâm bổ ra khỏi làng, quay lưng lại với cánh đồng đang kêu cứu, đi kéo cá, mót lạc, chạy chợ, xin việc làm ở các công trường...” [32, 172] của gia đình Tuất không phải là ngoại lệ, đó là không khí chung của nhiều gia đình trong làng khi mà miếng cơm manh áo đang là nỗi lo toan nặng nề đối với họ.

Trong sáng tác của Nguyễn Kiên, cuộc sống đói nghèo đến cơ cực, bất hạnh của người nông dân trước cách mạng tháng Tám cũng được phản ánh trực tiếp hoặc qua những hồi tưởng trong các tác phẩm Vực thẳm, Tiếng sóng khuya. Trong Tiếng sóng khuya, đó là cuộc sống của gia đình cô Vi “Cô Vi người thôn dưới, nhờ bọn thợ cấy dắt díu, mới lên ở cho nhà chánh Tuyên được một vụ. Cô ta còn mẹ già, một người anh giai nhưng anh giai lắm con quá, ruộng đất lại không có, đều lâm vào cảnh ở đậu làm thuê cả. Sớm đi, xẩm tối lại về, nhận giã gạo mướn ở dưới đó [32, 90]. Cơ cực nhất của cuộc đời nô lệ có lẽ là Miết. Một cuộc đời nô lệ đầy tủi cực từ cái mặc cho đến cái ăn, cái ở. Theo như lời của Chánh Truyên thì “Những quân không cha, không mẹ, không khăn khố như mày, rời khỏi tay tao là liếm lá đầu chợ cả thôi” [32, 92]. Cho đến quyền sống, quyền yêu của Mết cũng bị định đoạt bởi bàn tay của Chánh Tuyên “Chánh Tuyên vẫn thường giữ thói quen gán ghép vợ

chồng cho kẻ ăn, người ở trong nhà, để mọi người phải hàm ơn hắn suốt đời, biến thành“con cháu” hắn, nai lưng làm giàu cho hắn” [32, 92]. Đó là cuộc đời Hức trong Vực thẳm. Đời Hức cũng như Mết bất hạnh ngay từ nhỏ “Gã vốn là con nhà nghèo, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải đến ở với ông xã Thịnh là bác ruột” [32, 260]. Vì nuôi Hức chẳng béo bở gì nên xã Thịnh càng ngày càng đối xử tệ bạc với Hức. Bỏ nhà xã Thịnh ra đi cuộc đời Hức bơ vơ, tội nghiệp “Gã lên phố huyện đẩy xe bò thuê, hoặc làm các công việc linh tinh khác. Cũng có khi ông xã Thịnh cần người làm đi gọi gã về, cũng có khi vì đói bụng gã tự bò về” [32, 260-261]. Hức càng thù hận, càng chống đối, càng mất phương hướng, cuối cùng rơi vào vực thẳm tối tăm. Điên khùng, đói ăn, đói mặc, chỗ ở tồi tàn, rách nát là một kết cục bi thương, thê thảm của cuộc đời Hức khiến người đọc không khỏi những xót xa, day dứt.

Là người có nhiều năm sống và gắn bó với cuộc sống của người nông dân, nhà văn Nguyễn Kiên đã có điều kiện để hiểu về đời sống của họ. Trong sáng tác viết về đề tài nông thôn và người nông dân, nhà văn đã nhìn thấy được trong thời kì kinh tế kế hoạch hóa tập trung với cơ chế hành chính bao cấp bên cạnh những mặt tích cực như tinh thần tập thể, ý thức trách nhiệm, tính tổ chức kỉ luật của người nông dân vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế của tâm lý tiểu nông. Những mặt hạn chế đó hiện hữu trong cung cách làm việc và sinh hoạt, ở cả người nông dân và những cán bộ lãnh đạo ở nông thôn. Đó là bố Tuất trong Kỉ niệm ruộng đất. Trong lời nói của ông lúc nào cũng hiển diện những chữ “ruộng nhà tôi” “thửa ruộng nhà tôi” “của nhà tôi”, Những từ, những chữ ấy chứng tỏ ông luôn luôn mang nặng “đầu óc gia đình”, chưa có ý thức vì công việc chung, vì phong trào tập thể. Nặng nề “đầu óc gia đình” nhất có lẽ là bố Keng trong Truyện ngắn Anh Keng. Ông cụ luôn luôn vun vén cho gia đình ông cụ, cho gia sản của nhà ông. Ông luôn chống đối những công việc mà Keng làm cho tấp thể “Nay họp, mai họp. Để rồi xem có được thêm công điểm họp nào không ? - Bố Keng cằn nhằn.

- Người ta họp kiểm điểm ông đội trưởng xui vợ tưới nước vào phân mà lại không đi à ! - Keng trả lời bố cộc lốc.

- Dào, dễ không có mày, người ta không kiểm điểm được!- Ông Keng không ưa cái thói cãi lại, nghiến răng chì chiết- Tao còn lạ gì lũ chúng mày, chỉ giỏi đàn đúm, đàn đúm... Liệu mà giữ lấy thân đấy, con ạ, không ai nắm tay được đến tối, gối tay được đến sáng đâu!” [32, 134]. Khi anh Keng được bầu làm đội trưởng đội sản xuất thì ông Keng chì chiết, đay nghiến “- Thế nào, được giữ chân đội trưởng có sướng không? - Vừa về đến nhà, ông Keng đốp luôn.

- Người ta bầu tôi thì tôi phải đứng ra. Bố đay gì tôi?.

- À, “phải đứng ra’ à? Mày nhất định không chịu đứng ra thì ai bắt bò mày được! Tao truyền đời cho mày biết, đến như tao, cai quản độc một cái nhà này bạc cả đầu mà vẫn chưa đâu vào đâu nữa cái ngữ mày... Ăn cơm nhà vác ngà voi... lắm người nhiều điều... nước đời khó lắm đấy, con ơi!”[32, 147].

Không những thế, rất nhiều người nông dân khi tham gia hợp tác xã, họ mới chỉ nhìn thấy được cái lợi trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài nên trong một số hoàn cảnh họ dễ bị nao núng, lung lay ý chí, dẫn đến ngại đổi mới, không dám mạo hiểm: “Năm ấy đang có phong trào tăng vụ, hợp tác xã quyết định mở chiến dịch cấy thêm mấy chục mẫu Nam Ninh xuân. Keng triệu tập họp đội sản xuất, phổ biến kế hoạch mới và lập tức xã viên làm ồn lên như chợ vỡ:

- Xem bên Võ Lăng kia kìa, năm ngoái cấy Nam Ninh, sâu ăn sạch, mất cả chì lẫn chài!

- Yêu cầu không cấy Nam Ninh. Cấy Nam Ninh bạc đất, đến vụ mùa rồi ăn bùn!

- Tôi hỏi ông đội trưởng, chửa xong chiêm đã bắt cấy Nam Ninh, mà giời đất như thế này, chết trâu chính phủ có bồi thường không ạ!

- Lại còn khoản phân...

- Khoản thóc giống” [32, 148-149].

Nói chung mọi người đều ngại vất vả, sợ hỏng ăn, cứ hai bát úp một là hơn nên người ta viện đủ mọi lý do để từ chối. Tâm lý an phận thủ thường xưa nay vốn ăn sâu vào cách sống, cách sinh hoạt của người nông dân nên không phải một sớm, một chiều mà có thể thay đổi được.

Tâm lý tiểu nông không chỉ có trong suy nghĩ, sinh hoạt của người dân mà Nguyễn Kiên còn nhìn thấy nó trong cung cách làm việc của một số cán bộ trong hợp tác xã. Ví như ông Lung trong truyện ngắn anh Keng: lãnh đạo hợp tác xã nhưng ông luôn tìm cách làm lợi cho gia đình mình. Theo lời anh Keng thì ông có thật nhiều những việc làm đáng chê trách như: “Chẳng hạn như chuyện ông Lung dành ruộng mượt bùn cho vợ cấy, ruộng ít cỏ cho vợ đi vơ cỏ là dành thửa nào, ở đồng nào, chuyện ông Lung bày cho vợ gánh phốt phát bằng thúng ướt rồi đem thúng về giặt, lấy nước tưới rau...” [32, 141]. Bên cạnh đó còn một số cán bộ làm việc theo kiểu đối phó với cấp trên, làm việc một cách lưng chừng thiếu nhiệt huyết, say mê, thích làm theo ý riêng của mình. Đó là ông chủ nhiệm Yên Hòa trong Nhữ và Thêm: “Nói tóm lại ông chủ nhiệm Yên Hòa là một người mà cán bộ cấp trên về làm việc với ông ta, thật dễ mà thật khó. Ông ta không tranh luận, không phản đối, anh đề ra việc gì lập tức ông ta bắt tay vào thực hiện ngay nhưng chỉ thực hiện có chừng mực và nhẹ nhàng lái nó đi theo ý riêng(...) Có giời biết ông chủ nhiệm Yên Hòa đã “pha chế” những điều chúng tôi bàn bạc ra thành cái gì? Ông ta không làm gì sai đến mức huyện phải khiển trách, nhưng cũng không bao giờ tiến bước lên hàng đầu. Bao giờ cũng chỉ lửng lơ và ông ta lửng lơ được là nhờ sự “pha chế” [32, 187]...

Như vậy trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, trong xu thế đổi mới đất nước, đổi mới bộ mặt nông thôn vẫn còn tình trạng đói nghèo, bấp bênh của cuộc sống người dân, vẫn nặng nề tâm lý tiểu nông ở cả người dân và người cán bộ lãnh đạo. Đó là những cản trở cần phải được thay đổi, xóa bỏ trên con đường xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở nước ta lúc bấy giờ.

Một phần của tài liệu Nông thôn và người nông dân trong truyện ngắn nguyễn kiên (Trang 62)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w