Sử dụng thủ pháp so sánh

Một phần của tài liệu Nông thôn và người nông dân trong truyện ngắn nguyễn kiên (Trang 124)

7. Cấu trúc luận văn

3.3.2.Sử dụng thủ pháp so sánh

So sánh là “phương thức biểu đạt bằng ngôn ngữ một cách hình tượng dựa trên cơ sở đối chiếu hai hiện tượng có những dấu hiệu tượng đồng nhằm làm nổi bật đặc điểm, thuộc tính của hiện tượng này qua đặc điểm, thuộc tính của hiện tượng kia” [17, 282]. Trong phạm vi đề tài này chúng tôi sử dụng khái niệm so sánh với tư cách là một biện pháp tu từ. So sánh tu từ “là một biện pháp tu từ ngữ nghĩa, trong đó người ta đối chiếu hai đối tượng khác loại của thực tế khách quan, không đòng nhất với nhau hoàn toàn, mà chỉ có một nét giống nhau nào đó, nhằm diễn tả bằng hình ảnh một lối tri giác mới mẻ về đối tượng” [37, 262].

Trong văn học, so sánh tu từ là một phương thức giàu chức năng biểu cảm. Bằng con đường so sánh, người nghệ sỹ không chỉ phát hiện ra rất nhiều đặc điểm thuộc tính của một đối tượng, mà quan trọng hơn nó thể hiện cách nhìn, cách cảm độc đáo của họ về đối tượng hoặc hiện tượng đó. Mỗi hình ảnh có tính nghệ thuật, thực chất là một cái mới được sản sinh. Người nghệ sỹ

cần đến nó để thể hiện những quan sát, cảm nhận, những liên tưởng mới lạ, độc đáo, tránh những lối mòn giăng sẵn trên mỗi bước đường sáng tạo. Do đó so sánh là một trong những biện pháp quan trọng vừa tạo cho người đọc những ấn tượng thẩm mĩ hết sức phong phú vừa giúp người nghệ sỹ bộc lộ tính chủ quan một cách rõ nhất.

Trong truyện ngắn viết về nông thôn và người nông dân, Nguyễn Kiên đã sử dụng một cách dày đặc biện pháp tu từ so sánh. Có khi nó được sử dụng trong khuôn khổ một ngữ: cấy lúa như đánh bạc, bán chạy như tôm tươi, vơ tiền nhiều như vơ cỏ, vàng óng như lụa mỡ gà, trong suốt và thơm ngọt như nhựa thông tươi, trắng lốp như những cánh cò, nhằng nhịt như cuộn chỉ rối, phát triển tràn lan như bệnh cúm... Rõ ràng trong khi so sánh, Nguyễn Kiên đã sử dụng những hình ảnh so sánh gần gũi với cuộc sống người nông dân, nó tạo nên tính chất thân thuộc, quê kiểng. Hơn nữa những ngữ này tác giả đặt vào lời nói của nhân vật nên nó góp phần thể hiện được suy nghĩ đơn giản, bộc trực, hồn hậu của những con người suốt đời gắn bó với đồng ruộng và lũy tre làng. Có khi biện pháp so sánh được thể hiện trong khuôn khổ một câu văn: Lòng yêu chồng, đối với chị vừa là tình thương gần như mù quáng của người mẹ, vừa là sự phục tùng cũng gần như mù quáng của đứa con. Nước sông vỗ vào bờ cát màu phớt hồng, êm ái như chú mèo con dụi chân vào bụng chân người và đầu những con sóng gợn hình cánh cung mỏng manh như sợi tơ nhện vương trên cát, hiện ra rồi lại tan đi.Trong đêm tối tiếng rào rào giần gạo như tiếng thì thầm của một giấc mơ không rõ rệt lướt nhanh qua giấc ngủ của Đài... Có lúc biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong cả đoạn văn: “Đối với ông, mỗi gia đình đơn độc như cái lá súng tròn xoe nổi bồng bềnh trên mặt chuôm ao và lá súng nào cũng tưởng nhầm mình chỉ cần hút không khí trong nước để sống bằng cái cuống riêng của mình là đủ” [32, 31] hay “Đất quê Mận đang già cỗi đi. Già đi... cũng giống như bà cụ chắt hàng xóm nhà Mận: đầu trọc, chân tay khô như que củi, vú teo lại, chỉ còn sống

độc với một ao ước lẩm cẩm là con cái năng quà bánh cho mình để rồi không ăn, để rồi đem chia cho một đàn cháu chắt và ngay sau đó lại bắt đầu trách móc cha mẹ chúng chẳng bao giờ ỏ ê đến mình” [32, 110-111]..

Trong truyện ngắn của Nguyễn Kiên thủ pháp tu từ so sánh được vận dụng một cách linh hoạt, khéo léo và giàu ý nghĩa. Trước tiên nó được sử dụng để cụ thể hóa đối tượng, giúp cho người đọc hình dung đối tượng một cách dễ dàng, thú vị kể cả những đối tượng vốn vô hình, khó nắm bắt. Chẳng hạn suy nghĩ của ông nội Trung trong Mảnh lụa vân được tác giả cụ thể hóa qua biện pháp so sánh: “Vấn đề là như thế. Ông đã già và ý nghĩ của ông nó sù sì, rắn chắc như mỏm đá. Mỏm đá hình thành từ bao giờ không rõ, thời gian cứ phủ mãi rêu lên... Qua hình thức so sánh những suy nghĩ vốn vô hình trở thành có hình có khối, ta cũng biết được đó là những suy nghĩ không dễ gì lay chuyển, thay đổi. Nó đã được thử thách qua thời gian của gần như cả một đời người của ông nội Trung. Còn đây là câu văn diễn tả thật sinh động những toan tính của nhân vật Xung trong Đất bạc màu: “Mọi tính toán của Xung bao giờ cũng kín đáo, như mach nước chảy ngầm, phải dò tìm mới thấy được và ngay chính bản thân Xung cũng chỉ nghe văng vẳng tiếng rì rầm đều đều của nó từ nơi xa xôi nào vọng lại” [32, 119]. Xung là một con người có nhiều toan tính cho cá nhân. Nhưng những toan tính của anh lại được che đậy bằng một vẻ bề ngoài sôi nổi, nhiệt tình. Tác giả đã cụ thể hóa nó bằng hình ảnh so sánh mạch nước ngầm mà âm thanh của nó chỉ rì rầm đều đều từ xa xôi nào vọng lại, không dễ nắm bắt. Lợi thế của biện pháp nghệ thuật so sánh là ở chỗ: không cần phải câu chữ dài dòng, chỉ cần lựa chọn được một hình ảnh so sánh đắc địa thì tất cả đặc điểm của đối tượng được bộc lộ một cách cụ thể, rõ nét. Và trong truyện ngắn của mình, Nguyễn Kiên đã làm được điều đó.

So sánh tu từ còn có tác dụng trong việc diễn tả sinh động những suy nghĩ của các nhân vật, đặc biệt là những suy nghĩ phức tạp: “Đối với ông, mỗi gia đình đơn độc như cái lá súng tròn xoe nổi bồng bềnh trên mặt chuôm ao

và lá súng nào cũng tưởng nhầm mình chỉ cần hút không khí trong nước để sống bằng cái cuống riêng của mình là đủ” [32, 31]. Đó là những suy nghĩ của ông nội Trung trong Mảnh lụa vân về hình ảnh mỗi gia đình. Trong lúc mọi người hăng hái góp công, góp sức, góp của vào xây dựng hợp tác xã thì ông nội Trung lại có tư tưởng chỉ vun đắp cho riêng gia đình mình. Tất cả những bí quyết mà ông có được trong việc sắp khung cửi và dệt lụa hoa ông giữ riêng trong óc, giấu kín nó ở đấy như giấu vào trong hòm và khóa lại bằng cái lưỡi. Ông chỉ vào hợp tác xã bằng cái xác khung cửi, ông không thể đưa vào hợp tác xã những vật báu cất kín trong óc ông. Và gia đình ông chỉ cần sống bằng nghề mà ông truyền lại, ngoài ra không cần gì hết. Bằng hình ảnh so sánh ấy Nguyễn Kiên còn thể hiện một thái độ phê phán nhẹ nhàng đối với những con người còn mang tư tưởng tư hữu, chưa có ý thức trong việc xây dựng hợp tác xã như ông nội Trung.

Thủ pháp so sánh có khi được sử dụng để diễn tả những cảm nhận của nhân vật về người thân của mình, nhất là người vợ: “Người vợ, đối với anh, vẫn còn là một cô gái mà tâm hồn họ như cả bầu trời mênh mông, bí ẩn và đầy sức hấp dẫn mới chỉ hé ra, chiếu rọi vào tâm hồn anh một vài tia sáng” [32, 292]. Tâm hồn người phụ nữ Việt Nam là thế: bao dung, độ lượng, vị tha, giàu đức hy sinh, mênh mông, cao cả. Họ là bầu trời bình yên, là vầng trăng hiền từ, là biển cả thẳm sâu... mà con người khi đối diện với nó vừa choáng ngợp, vừa say mê, ngưỡng mộ, trân trọng. Trong tác phẩm Mùa xuân, Nguyễn Kiên đã diễn tả thật sinh động nhưng cảm xúc chân thành của nhân vật Giăng về tâm hồn người vợ của mình: bao la, sâu thẳm, bí ẩn, đầy sức hấp dẫn. Anh luôn khao khát khám phá, kiếm tìm, chiếm lĩnh mà không thể chiếm lĩnh trọn vẹn. Hơn nữa đối với anh tâm hồn người vợ phát ra những tia sáng ấm áp, xua tan đi những giá lạnh cho con người. Chính vì thế khi anh bị thương, anh cần sự chăm sóc ân cần, sự chở che, đùm bọc thương yêu của người vợ. Đó là

điểm tựa tinh thần vững chắc nhất mà anh cần có để vượt qua nỗi đau đớn về thể xác bởi sự hành hạ của những vết thương, thắp lên trong anh niềm tin về cuộc sống ngày mai.

Cũng có lúc thủ pháp so sánh được sử dụng để diễn tả sinh động những âm thanh mơ hồ không rõ nét, nhưng cái rõ nét chính là khao khát, là ước mơ, là tâm trạng của nhân vật: “Tiếng ông Thức rì rầm, rì rầm như từ trong lòng đất vọng lên” [247]. Bố con ông Thức sống trong khổ cực, đau đớn, dằn vặt bởi cái làng Trung Nghĩa của ông đã bị chính người con rể - chồng chị Thức dẫn quân địch về càn quét, triệt hạ. Bám trụ lại làng với hy vọng quân ta sẽ trở về phục kích lại địch. Và quả thực tiếng súng nổ rền ở bốt cầu Đá Xanh, họ biết quân ta đã về. Tâm trạng của hai bố con ông hồi hộp, cuống quýt. Trên khuôn mặt họ hiện lên những mong mỏi, bâng khuâng. Ông Thức lẩm bẩm: Lại vào kế hoạch thu đông rồi!. Lời nói được ông nhắc đi nhắc lại, nhẹ nhàng, thủ thỉ, rì rầm. Nó không còn là thứ âm thanh thuần túy, nó là niềm vui, là hạnh phúc, là niềm mong mỏi đã thành hiện thực của hai bố con ông. Có lúc biện pháp so sánh được sử dụng để diễn tả ngoại hình của nhân vật: “Chị Thức nhìn bố, thấy bố gầy gò xanh xao, râu tóc mọc dài, đen đủi và cáu bẩn như một mảnh vườn hoang dại” [32, 247]. Rõ ràng với việc lựa chọn hình ảnh so sánh “một mảnh vườn hoang dại” tác giả vừa diễn tả được ngoại hình khắc khổ, tội nghiệp của ông Thức, lại vừa gợi lên hình ảnh làng mạc Trung Nghĩa sau khi bị giặc càn quét: tất cả mọi người hoặc đã bỏ đi hoặc đã chết, nhà cửa vườn tược ra tro cả, làng càng thêm tiêu điều xơ xác, hoang dại, dữ tợn và bí hiểm. Và chính sự tiêu điều xơ xác của làng đã thành nỗi đau khổ của ông Thức. Nỗi đau đó không chỉ ẩn dấu trong tâm can ông mà còn hiện hình ra bên ngoài bằng dáng vẻ khắc khổ của ông.

So sánh là phương thức diễn đạt tu từ khi đem sự vật này đối chiếu với sự vật khác miễn là giữa hai sự vật có một nét tương đồng nào đó để gợi ra

hình ảnh cụ thể, những cảm xúc thẩm mĩ trong nhận thức của người đọc và người nghe. Như vậy với việc khai thác và sử dụng thủ pháp tu từ so sánh, Nguyễn Kiên tạo được một sức lôi cuốn, hấp dẫn với người đọc trong truyện ngắn của mình bởi tính mới mẻ, sống động, bất ngờ của những hình ảnh so sánh. Đồng thời chính thủ pháp so sánh đã góp phần tăng tính truyền cảm, biểu cảm cho tác phẩm và xác lập một phong cách riêng cho tác giả, tạo ấn tượng khó phai trong lòng người đọc.

Một phần của tài liệu Nông thôn và người nông dân trong truyện ngắn nguyễn kiên (Trang 124)