7. Cấu trúc luận văn
2.3.1. Vẻ đẹp của thiên nhiên làng quê
Thiên nhiên là một đề tài quen thuộc trong văn học từ xưa đến nay. Có biết bao nhiêu bức tranh đẹp, gợi cảm, giàu chất thơ đã xuất hiện trong các tác phẩm từ thơ đến tiểu thuyết, truyện ngắn, ghi dấu tên tuổi của các tác giả. Đặc biệt rất nhiều tác giả đã thành công ở mảng đề tài thiên nhiên làng quê như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bính... Những
cây đa, bến nước, sân đình, con đò, dòng sông, hoa cau, hoa xoan, cánh đồng, đàn cò... là những hình ảnh quen thuộc làm nên vẻ đẹp nên thơ, yên bình, thanh tĩnh của nông thôn Việt Nam.
Trong truyện ngắn Nguyễn Kiên thiên nhiên làng quê xuất hiện không nhiều. Và dường như ông cũng không dụng công mấy trong việc tạo nên những bức tranh thiên nhiên. Tuy nhiên qua những trang văn của ông chúng ta cũng thấy được những bức tranh thiên nhiên làng quê đẹp, thơ mộng, mang đặc thù riêng của thiên nhiên vùng chiêm trũng đồng bằng Bắc Bộ- nơi Nguyễn Kiên đã có một thời gian dài sống và gắn bó.
Dòng sông hiền hòa mát lành, từng đi vào thơ văn, trở thành những hình tượng nghệ thuật sinh động. Đó là dòng sông tuổi thơ yêu dấu trong thơ Tế Hanh, là dòng sông Hương duyên dáng trong thơ Thu Bồn, trong bút kí
Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường, là dòng sông Đà khi dữ dội hung bạo khi đằm thắm trữ tình trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân... Trong truyện ngắn Nguyễn Kiên dòng sông xuất hiện rất nhiều lần, như trở thành một hình tượng thiên nhiên trung tâm trong truyện ngắn của ông. Không phải là những dòng sông rộng lớn, mênh mông với những đợt sóng dữ mà là những con sông nhỏ, uốn lượn quanh làng quê, hiền hòa, nhẹ nhàng, cần mẫn quanh năm bồi đắp phù sa cho quê hương. Trong Người yêu ngày trước là một dòng sông trong xanh, êm ả, dòng sông trong một buổi xế chiều mùa hè “Dòng sông đang mùa cạn, nước trong xanh, trông rõ cả những viền sỏi trắng và từng đám rong uốn lượn dưới đáy nước. Xa xa, ánh vạt mây chiều màu cá vàng lóng lánh phủ trên cánh bãi ven đê làm cây cỏ sáng rực” [32, 8]. Đó là dòng sông trong Mảnh lụa vân
“Con sông nhỏ chảy qua một làng trù phú vùng Hà Đông. Nước sông vỗ vào bờ cát màu phớt hồng, êm ái như chú mèo con dụi chân vào bụng chân người và đầu những con sóng gợn hình cánh cung mỏng manh như sợi tơ
nhện vương trên cát, hiện ra rồi lại tan đi” [32, 26]. Dường như Nguyễn Kiên đã huy động tất cả các giác quan: thính giác, thị giác và cả cảm giác nữa để cảm nhận, miêu tả dòng sông trong những câu văn giàu tính nhạc. Nó ngân nga một tình cảm trìu mến thân thương với dòng sông quê. Chính con sông đã bồi đắp phù sa, đem lại sự trù phú, màu mỡ, giàu có cho ngôi làng dệt Hà Đông. Dòng sông cũng gắn bó với những trò nghịch ngợm của con trẻ và chuyên chở ước mơ của chúng bay cao, bay xa “Bọn trẻ tranh nhau ùa xuống nước. Sóng cũng tranh nhau tràn lên bãi cát màu hồng, những ngọn sóng to hơn vươn tới chỗ cát khô, thấm ngay xuống”... “Một đoàn thuyền nhỏ xinh, trắng lốp như những cánh cò, đoàn thuyền chở đầy lụa vân làm bằng nõn chuối ra khơi. Sóng vỗ bập bềnh và gió thổi xuôi theo luồng nước chảy. Bọn trẻ chạy lên bờ, vài đứa phởn chí nhảy ào xuống sông, té nước lên tung tóe” [32, 36]. Được cảm nhận một cách cụ thể, tỉ mỉ qua từng thời khắc, trong sự hài hòa giữa mặt trời, bãi cát, con sóng, trong niềm mến yêu thiết tha là dòng sông trong Tiếng sóng khuya.
Làng quê chắc hẳn không thể thiếu những cánh đồng. Cánh đồng trở thành không gian quen thuộc với sinh hoạt và lao động của người nông dân. Thậm chí cánh đồng là cả niềm vui, hạnh phúc và lo lắng, trăn trở của người nông dân chân lấm tay bùn. Đó là cánh đồng vào buổi sáng sớm còn phủ lấp trong màn sương dày lẫn ánh mặt trời “Phía trước mặt trời mọc nhưng sương còn mù mịt phủ khắp cánh đồng” [13]. Còn khi mặt trời đã lên cao, sương đã tan, người đi làm đồng đã nhộn nhịp. Quang cảnh cánh đồng hiện ra thật vui mắt: “Từ trong làng từng tốp người đổ ra đồng thăm lúa, sửa bờ mương hoặc đi kéo cá ở nhưng cánh đồng xa. Các em bé gái họp thành từng đoàn đi cắt cỏ trâu, những đuôi tóc cắt ngắn nhảy nhót sau lưng và những đôi quang gánh xinh xẻo bung biêng văng đi văng lại. Các em bé trai thả trâu trên bãi, la hét ầm ĩ. Mặt trời vượt khỏi lũy tre làng, tráng một lớp màu vàng rực trên
lưng những chú bê non lông mỡ và mịn như tơ đang chạy quẩn theo mẹ” [32, 50]. Còn đây là cánh đồng đã chín mẩy vàng, hứa hẹn một mùa bội thu cho bà con nông dân: “Vụ mùa năm nay thời tiết thuận. Lúc lúa đang phơi mà nắng hanh vàng bừng lên rất sớm, xấy khô mặt đất ẩm hơi đêm và những giọt sương trong suốt, nhỏ li ti trên cành lá. Những cơn gió heo may giải đồng suốt ngày thổi phấn hoa lúa tung bay trong tiếng xào xạc khô giòn vừa êm ái, vừa rạo rực tràn lan khắp đó đây. Ít lâu sau những khóm lúa mang bông nặng trĩu bắt đầu run rẩy kéo nhau đổ rạp về một phía, phủ kín những bờ cỏ xanh và những dấu chân người. Cánh đồng ửng chín một màu vàng đậm đà, mộc mạc, không chói lọi những đầy sức sống. Một làn hương thơm thoảng nhẹ chờn vờn trong bầu không khí se lạnh vừa giấu kín, vừa phô bày nỗi phập phồng mong đợi một niềm vui say đắm nào chưa rõ đang rón rén lại gần” [32, 63]. Trong truyện ngắn Nguyễn Kiên xuất hiện thấp thoáng hình ảnh lũy tre, con đường, nhịp cầu, vầng trăng, bãi dâu: “Làng mạc ở đồng bằng đều có lũy tre bao bọc, hiền hòa và ấm cúng như nhau” [32, 26], “Thân nhìn nhịp cầu đổ in dưới mặt sông một vệt đen sì”[32, 8], “Em gật đầu cho qua chuyện rồi chạy ra ngõ xóm, băng qua bãi dâu xanh, xuống bến sông cùng các bạn bè nghịch nước, chơi thả thuyền” [32, 27], “Con đường vắng vẻ chạy hút về phía xa với hai hàng cây non trải đều đặn, thỉnh thoảng xen vào một cây bạch đàn mảnh dẻ và mềm mại cao vút lên” [32, 85].
Bên cạnh những bức tranh thiên nhiên làng quê thơ mộng, sáng tươi thì vẫn có những hình ảnh thiên nhiên gợi buồn, gợi cái lạnh lẽo, thê lương: “Sau những chùm rễ si rủ mành mành, thấy làn nước đồng chiêm trắng xóa và hình như dựng đứng lên. Xa xa một tháp chuông nhà thờ nhô cao; trên đỉnh tháp, mảnh trăng hạ tuần treo lơ lửng, cô độc và rầu rĩ” [32, 80, 234]. Đó còn là một thiên nhiên cằn cỗi, bạc màu cần bàn tay khối óc của con người cải tạo: “Vẫn con đường đất trơ trụi lượn vòng chân đồi, sỏi dăm kêu xào xạo dưới
chân, bụi bay mù mịt và phủ lên hai méo cỏ từng mảng màu hung hung như lông bò. Vẫn những tràn ruộng khập khễnh, đất khô nỏ, bạc phếch ra dưới ánh nắng nhợt nhạt mùa đông. Và làng Phương Tiến của Mận thấp thoáng ở xa kia, vẫn trên một quả đồi nửa xanh cây, nửa lở lói, hằn lên những đường nước chảy và những miệng lò đục đá ong; nhà cửa thấp bé, quây thành từng cụm chồng chất từ chân lên đến tận lưng chừng đồi” [32, 110]. Cũng cánh đồng làng nhưng không có cái vui vẻ, nhộn nhịp; cũng không có cái sáng tươi với nắng với gió, sương, hương thơm lan tỏa của mùi lúa đang trĩu nặng mà lại là cánh đồng chiêm trũng, nước ngập trắng băng, lúa chỉ nhìn thấy ngọn và những ngọn lúa cũng bị lướt gãy trong sóng nước: “Từ cánh Trẩm xuôi xuống cuối huyện, đồng ngập trắng băng, chỉ thấy thưa thớt đây đó những vạt cỏ dại nhô lên như những mũi chông và bóng mấy con giang, con cốc kiếm ăn quanh quẩn điểm thành những đốm đen nhờ nhờ, nhỏ xíu. Riêng cánh đồng Trẩm còn trông thấy ngọn lúa, những ngọn lúa rối bời, lướt đi, ẩn hiện trong sóng nước đục ngầu, như những mớ tóc xõa” [32, 173].
Như vậy, thiên nhiên trong truyện ngắn Nguyễn Kiên xuất hiện không nhiều, và nó cũng không trở thành hình tượng nghệ thuật trung tâm. Tuy nhiên không phải vì thế mà những bức tranh thiên nhiên được ông miêu tả thiếu tính sinh động, hấp dẫn. Ngược lại bằng tài năng của mình, Nguyễn Kiên đã để lại những trang văn miêu tả thiên nhiên gợi cảm, ấn tượng; góp phần làm phong phú vẻ đẹp thiên nhiên làng quê vốn xuất hiện rất nhiều trong thơ văn xưa nay.