Giọng điệu

Một phần của tài liệu Nông thôn và người nông dân trong truyện ngắn nguyễn kiên (Trang 108)

7. Cấu trúc luận văn

3.2.Giọng điệu

Trong Từ điển Thuật ngữ văn học của nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên), giọng điệu được hiểu là “thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân, sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm” [17, 134]. Giọng điệu trong tác phẩm văn học là giọng điệu nghệ thuật; nó khác với ngữ điệu là phương tiện biểu hiện của lời nói, thể hiện qua cách lên giọng, xuống giọng, nhấn mạnh, nhịp điệu... ; nó “là một phạm trù thẩm mỹ của tác phẩm văn học. Nó đòi hỏi người trần thuật kể chuyện hay như thơ trữ tình phải có khẩu khí, giọng điệu riêng. Giọng điệu trong tác phẩm gắn với các giọng “trời phú” của tác giả nhưng mang nội dung khái quát nghệ thuật phù hợp với đối tượng thể hiện. Giọng điệu trong tác phẩm có giá trị đa dạng, có nhiều sắc thái trên cơ sở một giọng điệu cơ bản chủ đạo chứ không đơn điệu” [17, 135]. Trong sáng tạo nghệ thuật, giọng điệu có vai trò rất lớn. Theo Khrapchenko: “hiệu suất của lối kể chuyện, của hành động kịch, của lời lẽ trữ tình trước hết thể hiện ở giọng điệu chủ yếu”. Đối với tác phẩm văn học, giọng điệu nghệ thuật không chỉ là yếu tố hàng đầu của phong cách nhà văn, là phương tiện biểu hiện quan trọng của tác phẩm mà còn là yếu tố có vai trò thống nhất mọi yếu tố khác của hình thức tác phẩm

vào một chỉnh thể. “Thiếu một giọng điệu nhất định, nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm, mặc dù đã có đủ tài liệu và sắp xếp trong hệ thống nhân vật” [17, 134-135]. Hơn nữa, giọng điệu ở đây không chỉ là một tín hiệu âm thanh có âm sắc đặc thù để nhận ra người nói mà là một hiện tượng “siêu ngôn ngữ”, phụ thuộc vào cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm, khuynh hướng nghệ thuật của tác giả và của thời đại. Trong sáng tác, mỗi nhà văn thường có một giọng điệu riêng khiến ta khi đọc văn của họ dễ dàng nhận ra dáng vẻ và cốt cách ở mỗi người. Đối với Nguyễn Kiên trong truyện ngắn viết về nông thôn và người nông dân, ông đã tạo cho mình một giọng điệu trần thuật riêng. Đó là giọng điệu ngợi ca, tin tưởng; giọng trữ tình, thương cảm và giọng phê phán nhẹ nhàng.

Một phần của tài liệu Nông thôn và người nông dân trong truyện ngắn nguyễn kiên (Trang 108)