Khái niệm truyện ngắn

Một phần của tài liệu Nông thôn và người nông dân trong truyện ngắn nguyễn kiên (Trang 42)

7. Cấu trúc luận văn

1.3.1. Khái niệm truyện ngắn

Hiện nay nhận diện cũng như sáng tạo về thể loại truyện ngắn là một nỗ lực liên tục cho cả người sáng tác và giới nghiên cứu phê bình. Từ W. Gớt thế kỷ XVII cho đến Sêkhốp, từ Lỗ Tấn đến Môpatxăng, từ Antônốp đến Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Kiên… Đối với Pautốpxky thì “Truyện ngắn phải ngắn gọn là cái bình thường diễn ra như cái không bình thường. Cái không bình thường diễn ra như cái bình thường”. Nguyễn Kiênquan niệm “Tôi cho rằng truyện ngắn là một trường hợp, trường hợp đó là một quan hệ (tình huống) những khoảnh khắc trong quan hệ giữa con người và đời sống”. Nguyễn Công Hoan: “Truyện ngắn không phải là truyện mà là một vấn đề được xây dựng bằng chi tiết”. Nguyên Ngọc thì cho rằng: “Truyện ngắn là một bộ phận của tiểu thuyết nói chung, vì thế không nên nhất thiết trói buộc truyện ngắn vào những khuôn mẫu gò bó. Truyện ngắn có nhiều vẻ, có truyện viết về cả một đời người, lại có truyện chỉ ghi lại một vài giây phút thoáng qua”

Để có một cái nhìn thống nhất hơn, toàn diện hơn về truyện ngắn, chúng tôi khảo sát một số khái niệm truyện ngắn trong các cuốn: Từ điển thuật ngữ văn học, Từ điển văn học, 150 thuật ngữ văn học...

Trong Từ điển Tiếng Việt, truyện ngắn được giải thích “là truyện bằng văn xuôi, có dung lượng nhỏ, số trang ít, miêu tả một khía cạnh tính cách, một mẫu trong cuộc đời nhân vật” [53, 1629].

Từ điển văn học cho rằng: “Hình thức tự sự loại nhỏ, truyện ngắn khác truyện vừa ở dung lượng nhỏ hơn, tập trung miêu tả một mảnh của cuộc sống, một biến cố hay một vài biến cố xảy ra trong một giai đoạn nào đó của đời sống nhân vật, biểu hiện một mặt nào đó của tính cách nhân vật, thể hiện một mặt nào đó của đời sống xã hội. Cốt truyện ngắn thường xảy ra trong một không gian, thời gian hạn chế, Kết cấu của truyện ngắn cũng không chia nhiều tuyến phức tạp. Truyện ngắn được viết ra tiếp thu liền một mạch, đọc một hơi không nghỉ nên đặc điểm của nó là tính ngắn gọn. Để thể hiện nổi bật tư tưởng, chủ đề, khắc họa nét tính cách nhân vật, viết truyện ngắn phải có trình độ điêu luyện, biết mạnh dạn gọt tỉa và dồn nén. Do đó trong khuôn khổ ngắn gọn, những truyện ngắn thành công có thể biểu hiện được những vấn đề có tầm khái quát rộng lớn”[20, 20]

`Theo định nghĩa của Từ điển thuật ngữ văn học truyện ngắn “là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Nội dung thể loại truyện ngắn bao gồm hầu hết các phương diện của đời sống: đời tư, thế sự, sử thi, nhưng cái độc đáo của nó là ngắn. Truyện ngắn được viết ra để tiếp thu liền một mạch, đọc một hơi không nghỉ” [17, 370].

Còn theo 150 thuật ngữ văn học của Lại Nguyên Ân thì cho rằng “thể tài tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, thường được viết bằng văn xuôi, đề cập hầu hết các phương diện của đời sống con người và xã hội. Nét nổi bật của truyện

ngắn là sự giới hạn về dung lượng; tác phẩm truyện ngắn thích hợp với việc người tiếp nhận (độc giả) đọc nó liền một mạch không nghỉ” [3, 359].

Như vậy với các ý kiến trên ta thấy tất cả coi truyện ngắn là một: “Thể tài tác phẩm tự sự cỡ nhỏ”, và “thường được viết bằng văn xuôi”, đề cập hầu hết các phương diện của đời sống con người và xã hội. Điểm chung cơ bản đó là sự giới hạn về dung lượng của truyện ngắn và thích hợp với người tiếp nhận “đọc nó liền một mạch không nghỉ...”. Trong phạm vi luận văn này, chúng tôi sử dụng khái niệm trong sách Từ điển thuật ngữ văn học của nhóm Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) làm cơ sở cho nghiên cứu của mình.

Một phần của tài liệu Nông thôn và người nông dân trong truyện ngắn nguyễn kiên (Trang 42)