Giọng phê phán nhẹ nhàng

Một phần của tài liệu Nông thôn và người nông dân trong truyện ngắn nguyễn kiên (Trang 117)

7. Cấu trúc luận văn

3.2.3.Giọng phê phán nhẹ nhàng

Giọng điệu chủ đạo trong những sáng tác của Nguyễn Kiên là cảm hứng ngợi ca xen lẫn với giọng trữ tình thương cảm. Tuy nhiên trong sáng tác của ông cũng là giọng suy tư, trăn trở, đau đáu một nỗi niềm trước hiện thực thời kỳ hợp tác hóa, trước những thăng trầm của cuộc sống, tính cách con người. Những hiện tượng phản cảm, lệch lạc đều có thể trở thành đối tượng phê phán của Nguyễn Kiên. Nhưng có điều cần chú ý là giọng điệu phê phán

trong văn ông thường không sâu cay, chua chát mà thiên về châm biếm nhẹ nhàng, qua đó giúp người đọc thấy được mặt trái của đối tượng và những điều nhà văn muốn nói. Chính điều này góp phần làm cho độc giả thấy văn của Nguyễn Kiên gần gũi, lôi cuốn hơn.

Trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp nước ta những năm sáu mươi, vấn đề tư tưởng tư hữu đang là vật cản lớn cản trở bước tiến của xã hội. Trong những truyện ngắn của Nguyễn Kiên, hiện tượng này đã được đề cập một cách thẳng thắn và trong khi phản ánh ông đã thể hiện thái độ phê phán một cách nhẹ nhàng. Đó là ông nội Trung trong tác phẩm Mảnh lụa vân: “Đối với ông, mỗi gia đình đơn độc như cái lá súng tròn xoe nổi bồng bềnh trên mặt chuôm ao và lá súng nào cũng tưởng nhầm mình chỉ cần hút không khí trong nước để sống bằng cái cuống riêng của mình là đủ” [32, 31]. Đó là những suy nghĩ của ông nội Trung trong Mảnh lụa vân về hình ảnh mỗi gia đình. Trong lúc mọi người hăng hái góp công, góp sức, góp của vào xây dựng hợp tác xã thì ông nội Trung lại có tư tưởng chỉ vun đắp cho riêng gia đình mình. Tất cả những bí quyết mà ông có được trong việc sắp khung cửi và dệt lụa hoa ông giữ riêng trong óc, giấu kín nó ở đấy như giấu vào trong hòm và khóa lại bằng cái lưỡi. Ông chỉ vào hợp tác xã bằng cái xác khung cửi, ông không thể đưa vào hợp tác xã những vật báu cất kín trong óc ông. Và gia đình ông chỉ cần sống bằng nghề mà ông truyền lại, ngoài ra không cần gì hết. Bằng hình ảnh so sánh, với giọng văn nhẹ nhàng, chậm rãi tác giả đã thể hiện một thái độ phê phán nhẹ nhàng đối với những con người còn mang tư tưởng tư hữu, chưa có ý thức trong việc xây dựng hợp tác xã như ông nội Trung. Đó cũng là tư tưởng của ông Keng trong tác phẩm Anh Keng, bố Chanh trong tác phẩm Vụ mùa chưa gặt. Tuy nhiên đó là những hiện tượng không phải là nhiều và họ sẽ thấu hiểu, sẽ thay đổi khi chứng kiến sự phát triển của phong

trào sản xuất. Chính vì thế sau mỗi tác phẩm thay cho giọng phê phán là giọng điệu tin tưởng của tác giả.

Bên cạnh việc đề cập đến những vấn đề chủ yếu của đời sống lao động ở nông thôn như tính công điểm hay khoán theo năng suất, nhà văn Nguyễn Kiên còn hướng ngòi bút của mình đến những vấn đề nhức nhối còn tồn tại dai dẳng ở xã hội nông thôn như trù dập cấp dưới; ô dù, dựa dẫm vào cấp trên; kéo bè kéo cánh làm mất đoàn kết nội bộ; thờ ơ, bàng quan với những công việc chung của tập thể; vào hợp tác xã những toan tính nhiều cho cá nhân; chuộng hình thức, khoa trương, tô vẽ... Đó là những hiện tượng ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người nông dân, kéo chậm lại công cuộc xây dựng cuộc sống mới ở nông thôn. Viết về những vấn đề đó văn Nguyễn Kiên cũng thể hiện một giọng điệu phê phán, mặc dầu không gay gắt những thấm thía. Phải chăng ông muốn những hiện tượng đó sẽ phải thay đổi để cuộc sống nông thôn sẽ sáng sủa, tốt đẹp hơn. Đây là giọng văn phê phán nhẹ nhàng của Nguyễn Kiên khi viết về ông chủ nhiệm Yên Hòa: “Nói tóm lại ông chủ nhiệm Yên Hòa là một người mà cán bộ cấp trên về làm việc với ông ta, thật dễ mà thật khó. Ông ta không tranh luận, không phản đối, anh đề ra việc gì lập tức ông ta bắt tay vào thực hiện ngay nhưng chỉ thực hiện có chừng mực và nhẹ nhàng lái nó đi theo ý riêng(...) Có giời biết ông chủ nhiệm Yên Hòa đã “pha chế” những điều chúng tôi bàn bạc ra thành cái gì? Ông ta không làm gì sai đến mức huyện phải khiển trách, nhưng cũng không bao giờ tiến bước lên hàng đầu. Bao giờ cũng chỉ lửng lơ và ông ta lửng lơ được là nhờ sự “pha chế” [32, 187. Nhân vật Xung trong tác phẩm Đất bạc màu lại là một cán bộ trẻ hăng hái, nhiệt huyết nhưng thiếu gắn bó với phong trào vì luôn luôn có những toan tính thiệt hơn cho bản thân: “Mọi tính toán của Xung bao giờ cũng kín đáo, như mạch nước chảy ngầm, phải dò tìm mới thấy được và ngay chính bản thân Xung cũng chỉ nghe văng vẳng tiếng rì rầm đều

đều của nó từ nơi xa xôi nào vọng lại” [32, 119]. Câu văn dài, gồm nhiều vế, nhiều thông tin, ngắt thành nhiều quãng, đặc biệt với hình ảnh so sánh tác giả muốn phản ánh thật chân thật, tỉ mỉ, cụ thể những toan tính bên trong của Xung vốn được che đậy bằng một vẻ bên ngoài nhiệt tình, sôi nổi nên không phải ai cũng nhìn thấy được. Và rõ ràng thái độ của tác giả là không đồng tình. Tất nhiên không phải là một thái độ gay gắt mà chỉ là một sự khéo léo nhẹ nhàng mà người đọc không tinh ý thì cũng không dễ nhận ra.

Giọng điệu nghệ thuật có một vai trò rất quan trọng trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm văn học cũng như với bản thân nhà văn. Bởi nó không chỉ giúp tác giả một cách đắc lực trong việc chuyển tải những dụng ý nghệ thuật mà còn tạo nên nét riêng cho tác phẩm và thể hiện phong cách độc đáo của nhà văn như M. Khrapchencô đã từng nói: “cái quan trọng trong tài năng văn học (...) là tiếng nói của mình (...), là cái giọng riêng biệt của chính mình không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kỳ một người nào khác”[26, 55]. Xét ở khía cạnh này, có thể khẳng định Nguyễn Kiên đã bước đầu thành công trong nỗ lực tạo cho sáng tác của mình một giọng điệu riêng, không lặp lại, tạo ấn tượng khó phai trong lòng người đọc.

Một phần của tài liệu Nông thôn và người nông dân trong truyện ngắn nguyễn kiên (Trang 117)