Sử dụng phương ngữ Bắc bộ

Một phần của tài liệu Nông thôn và người nông dân trong truyện ngắn nguyễn kiên (Trang 129)

7. Cấu trúc luận văn

3.3.3. Sử dụng phương ngữ Bắc bộ

Ngôn ngữ hình thành từ cuộc sống và phản ánh cuộc sống của từng địa phương. Ở Việt Nam chủ yếu có ba vùng phương ngữ chính: phương ngữ bắc (Bắc bộ), phương ngữ trung (Bắc Trung Bộ), phương ngữ nam (Nam trung Bộ và Nam Bộ). Các phương ngữ này khác nhau chủ yếu ở ngữ âm, rồi đến từ vựng, cuối cùng là có chút khác biệt về ngữ pháp.

Theo tác giả Hoàng Thị Châu “Phương ngữ là một thuật ngữ ngôn ngữ học để chỉ sự biểu hiện của ngôn ngữ toàn dân ở một địa phương cụ thể với nhưng nét khác biệt của nó so với ngôn ngữ toàn dân hay với một phương ngữ khác” [04, 29]. Từ địa phương Tiếng Việt luôn vận động và phát triển, đa dạng và phong phú. Trong sáng tác văn học việc sử dụng vốn từ địa phương thì dễ gặp ở nhiều tác phẩm cả thơ và văn xuôi vì mỗi tác giả đều sinh ra và lớn lên ở một địa phương nhất định nào đó. Và các từ địa phương khi đi vào tác phẩm văn học đã được các tác giả chọn lọc, sắp xếp tạo nên giá trị thẩm mĩ cho tác phẩm của họ.

Nguyễn Kiên sinh ra, lớn lên và gắn bó với vùng quê Bắc bộ, nhà văn đã có sự lựa chọn cho riêng mình trong việc sử dụng ngôn ngữ địa phương Bắc bộ trong các sáng tác, đặc biệt là trong các truyện ngắn. Từ ngữ địa phương trong truyện ngắn của ông đã được sử dụng một cách khéo léo, vừa phải, phù hợp nên có tác dụng lớn trong việc miêu tả đời sống thôn quê, tâm

lý, tính cách người dân quê, đem đến giá trị thẩm mĩ cao cho tác phẩm và gây ấn tượng mạnh đối với độc giả.

Ấn tượng đầu tiên đối với người đọc chính là với hệ thống các từ địa phương biến âm, và các từ thuần phương ngữ, nhà văn Nguyễn Kiên trong truyện ngắn của mình đã tạo nên một không gian sinh hoạt đậm màu sắc văn hóa Bắc bộ. Các từ biến âm như: giả ơn (cảm ơn), giả nợ (trả nợ), giũ liền mấy cái (rũ liền mấy cái), xum họp (sum họp), con giai (con trai), chín nhăm cân khô (chín lăm cân khô), hăm nhăm (hai lăm), giổ lên (nhổ lên), chí vào khoảng không (chỉ vào khoảng không), trên giời (trên trời), giồng (trồng),

thiên thẹo (xiên xẹo)... ; các từ thuần địa phương: gơ dây (trồng dây), đánh song tay (đánh hai tay), xí phần (tranh phần), tốc ngay (chạy ngay), khí hình thức (chuộng hình thức), duy trì (kiên quyết), biết tỏng ( biết tất cả), làm ù

(làm ngay)... người dân Bắc bộ cũng thường có thói quen lược đi một yếu tố đối với các từ ghép đẳng lập, chẳng hạn như: bố đay gì tôi (bố đay nghiến gì tôi), cấy ít chiêm (cấy ít lúa chiêm), ông lập nó làm trưởng (ông lập nó làm con trưởng), thím ấy phải biết e chứ (thím ấy phải biết e dè chứ), trông chững quá (trông chững chạc quá)... tất cả làm ta hình dung được một không gian văn hóa với cảnh sắc, con người, đời sống, tâm lý, tính cách đậm chất Bắc bộ. Đây là không khí một buổi đội sản xuất của anh Keng ngả lợn liên hoan sau chiến dịch cấy Nam Ninh:

- Phải hãm một tí tiết, anh đội trưởng ạ!

- Dào, hãm làm gì, một đống người.

- Đống thì mặc đống chứ. Chỉ kể riêng cánh ta thôi. Theo trâu vắt diệt, mồ hôi không kịp vuốt, chẳng nhẽ không ưu tiên được bát tiết canh.

- Cánh ta cũng phải có tiêu chuẩn: ai không biết uống rượu thì miễn. Như anh Keng...

- Vâng, ông nào tiện tay bốc cho cháu dúm muối. Phần cháu thế nào cũng được, chỉ xin nhớ cho phần bố cháu. Ông cụ thế nào cũng phải có cay.

- Còn phần thợ cấy thì sao đây? - Vừa lúc ấy chị cả Lạt te tái chạy tới và la lên - Cả tháng bán mặt cho đất bán lưng cho giời, dễ kém các ông thợ cày!

- Nhà chị đàn bà, vào bếp đun ù nồi nước lên đi! [32, 153].

Một loạt các từ địa phương xuất hiện trong đoạn văn thể hiện không khí vui vẻ, thân tình, cởi mở của những người nông dân. Sau một vụ cấy cày vất vả, người ta quyết định ngả một con lợn, cho bõ cái công phơi nắng suốt từ đầu vụ. Tất cả đều hân hoan, phấn khởi. Đối với họ phần thưởng không phải là một cái gì to tát mà chỉ là một bữa liên hoan vui vẻ, bếp nhà nào cũng thơm inh cả lên. Mọi thắc mắc, đố kị, mọi chuyện phiền toái, bực mình người ta đều quên sạch. Đó chính là không khí nông thôn, đời sống nông thôn, con người nông thôn được thể hiện sinh động trong đoạn văn.

Sử dụng phương ngữ trong ngôn ngữ nhân vật cũng có tác dụng thể hiện các mối quan hệ của họ, chủ yếu là những quan hệ thân tình, gắn bó có phần suồng sã. Chẳng hạn lời nói của bà Đài nói với anh Đài khi anh có điều kiện về phép thăm gia đình: “Nhà có ai mà về - Bà mẹ gắt anh và đổi ngay giọng như dỗ dành một đứa trẻ - Hẵng ở đây kể chuyện bộ đội cho bu nghe tí đã nào. Hay là ở đây thái dây lang thay cho bu, để u chạy ù ra chợ... Mày muốn ăn canh cá dấm hay cá rô rán giòn nào. Mẹ mày chứ, cốt cho mày ăn, mày lại cứ “tùy u, tùy u” nghĩa là làm sao! Đã tùy u thì ngồi vào đây mà thái dây” [32, 67]. Hay là lời đối thoại của anh Keng và Chị Lạt về chuyện công điểm:

- Thế nhà ta nhận bao nhiêu?

- Tôi xin rút hăm nhăm công.

- Thì u em tính, có độc mình tôi, lại còn công tác. U em vụ cấy này

hẵng cứ “cho ra ngoài vấn đề”!

- Ngoài vấn đề - Lạt bật ngay dậy - Tôi khỏe rồi, mai tôi đi làm cho xem. Quanh quẩn ở nhà mãi, cuồng cả chân tay lên!

- Dào, sợ rồi không có sức - Keng kéo dài giọng mỉa mai - dưng mà

bây giờ tôi thử hỏi, u em đi làm thì vứt con cho ai” [32, 162]. Còn đây là lời ông Cúc nói với anh Đài: “Anh Đài về phép đấy hử? Mới ăn cơm bộ đội có mấy năm mà trông chững quá! Mời anh sang chơi... Bà cụ nhà đang ở ngoài khu chăn nuôi ý” [32, 65]. Như vậy trong những đoạn văn trên nhân vật của Nguyễn Kiên trong lời đối thoại của mình sử dụng rất nhiều từ địa phương. Nó vừa thể hiện không khí thân mật, suồng sã, vừa giúp người đọc cảm nhận tình cảm chân tình, thương yêu giữa những người trong gia đình.

Trong một số ngữ cảnh, từ địa phương được dùng để thể hiện trạng thái cảm xúc, vừa thể hiện tính cách nhân vật, đặc biệt là lúc nhân vật có trạng thái cảm xúc tức giận. Đây là lời vặc nhau của chị Chanh với một người đàn bà về mảnh đất thừa sau chiến dịch thủy lợi:

- Nhà chị mù à? Tôi đã gơ dây ở đây, sao nhà chị lại giổ lên? - Bà vừa

đánh song tay nhào vào trước mặt Chanh, ngón tay trỏ xương xẩu chí vào khoảng không, như một mũi dùi.

- Bà bảo ai mù? Ai cuốc ở đây cho bà đặt dây? Ai mù? - chanh cố nín nhịn những cũng không kém phần ngoa ngoắt.

- Tôi thì vạch ra cho nhà chị biết: nhà chị đừng cậy ta đây là vợ chủ nhiệm, lấy thịt đè người, vực dậy lúc nửa đêm, ra cuốc bừa phứa lên để phần! [32, 51]. Những từ ngữ địa phương trong đoạn văn trên vừa thể hiện tâm trạng của nhân vật, đồng thời cũng giúp người đọc cảm nhận tính cách nanh nọc, ngoa ngoắt, chao chát của người đàn bà. Không phải là tính cách nanh nọc như người đàn bà kia Mận trong Đất bạc màu là một cô gái hiền

lành, dễ thương, nhanh nhẩu, đảm đang, tính tình thay đổi bất chợt, đang nói cười vui vẻ đấy đã xịu ngay mặt xuống, nín thinh hoặc đỏ mặt lên, vùng vằng, dằn dỗi, tranh cãi đến cùng. Ngay trong cách dùng từ địa phương đã thể hiện tính cách đó của Mận.

Mận đỏ mặt chạy thẳng từ ngoài đồng về, tìm Xung, giẫy lên như ong châm:

- Anh Xung, anh có biết dững ai chửi em ở đầu làng kia không?” [32, 122]. Còn khi cô giận dỗi Xung: “Phải, hàng đầu. Dưng mà màng lưới chưa có, nước chưa chủ động được, tưới tiêu theo khoa học làm sao?Anh bàn thì anh đi mà làm. Tôi không thí nghiệm vu vơ! - Mận không nén được cơn tức giận pha chút hờn dỗi, liền gạt phắt và hậm hực bỏ đi”[32, 122-123]. Còn trong những lời của bà Đài trong Những người đàn bà ở làng ta lại cảm nhận được tính cách của một con người nông dân ngay thẳng, thật thà, chất phác có phần đanh đá nhưng nhân hậu, bao dung, giàu tình cảm: “Giời đánh thánh vật nhà chị. Tôi không có làm cái trò quái quỉ ấy. Chị cứ chia riêng lợn, riêng chuồng ra cho tôi”... “Ông cứ nói thế chứ, chỉ cần một mụn con gái út của ông cũng đủ đánh đố con giai cả làng này! Người đâu có người... Gà mới gáy sang canh đã vục dậy, mo cơm nắm dắt sau lưng đi cắt cỏ ăn điểm. Cỏ nào có ra cỏ, gọt từng nắm cứ như gọt anh trọc đầu, lại còn bị người ta giữ đồng, người ta bắt liềm, làm tình, làm tội nữa chứ. Thế mà nửa buổi đã có gánh cỏ cật về cân rồi. Cân xong lại tốc ngay ra lò gánh gạch thuê. Tôi trông thấy mồ hôi, mồ kê nhễ nhại, tôi cứ kêu giời lên. Từ ngày tôi ra làm chăn nuôi với chị ấy, tôi không phải với chị ấy nhiều. Tôi chẳng có tính đồng bóng” [32, 69- 70]. Như vậy với việc dùng các từ địa phương, nhân vật của Nguyễn Kiên trong truyện ngắn trở nên chân thực, gần gũi, sinh động như con người ngoài đời sống thực. Từ đời sống thực bước vào trang sách rồi lại từ trang sách

bước ra đời sống thực, nhân vật của Nguyễn Kiên có một sức sống lâu bền trong lòng người đọc là vì như thế.

Trong một tác phẩm văn học nếu quá lạm dụng từ địa phương sẽ dẫn đến tình trạng người đọc khó hiểu. Biết lách qua được điều đó, trong truyện ngắn của mình, Nguyễn Kiên đã sử dụng phương ngữ Bắc bộ một cách khéo léo với dụng ý tu từ rõ rệt. Chính vì thế nó đã góp phần xác lập một phong cách riêng cho nhà văn và đem lại hứng thú cho độc giả.

Tiểu kết chương 3

Có thể nói rằng để lại ấn tượng trong lòng người đọc bởi truyện ngắn Nguyễn Kiên đã cung cấp một bức tranh khá hoàn chỉnh, đầy đặn về cuộc sống nông thôn và con người nông dân Việt Nam nhất là vào những năm nước ta tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp. Tuy nhiên để có được thành công đó, nghệ thuật đóng vai trò không nhỏ. Với nghệ thuật xây dựng nhân vật sinh động; giọng điệu đa dạng; sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, đậm màu sắc văn hóa Bắc bộ, Nguyễn Kiên đã tạo được duyên riêng trong sáng tác của mình, xứng đáng là nhà văn của nông thôn - trọn cuộc đời chung thủy với nông thôn và người nông dân.

KẾT LUẬN

1. Xã hội Việt Nam nguồn gốc là xã hội nông nghiệp, nền văn hóa làng xã khép kín trong lũy tre xanh có từ hàng ngàn năm nay. Mọi sự biến động của đất nước dù lớn hay nhỏ đều xáo động tới người nông dân mạnh nhất. Đặc biệt nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội từ nền sản xuất nhỏ, lạc hậu, phân tán cho nên cuộc đấu tranh giữa hai con đường làm ăn cá thể và tập thể cùng những vấn đề trực diện của chủ nghĩa xã hội thường bắt đầu diễn ra ở nông thôn. Vì vậy nông thôn trở thành mảng đề tài lớn cho các nhà văn phản ánh. Nhiều tên tuổi nhà văn ở các giai đoạn khác nhau đã thành danh với mảng đề tài này như: Phạm Duy Tốn, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Kim Lân, Nguyễn Khải, Vũ Thị Thường, Đào Vũ, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Minh Châu, Tạ Duy Anh, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Ngọc Tư... Là người sinh ra, lớn lên và từng gắn bó sâu nặng với nông thôn và người nông dân, có những hiểu biết sâu sắc về cuộc sống nông dân, Nguyễn Kiên đã miệt mài trên thửa ruộng ấy, và càng cày sâu cuốc bẫm, thửa ruộng càng màu mỡ, càng có được mùa gặt bội thu. Thành công của Nguyễn Kiên về mảng đề tài nông thôn và người nông dân được ghi nhận trên cả tiểu thuyết và truyện ngắn. Riêng ở mảng truyện ngắn, ông đã có được thành công trên cả hai phương diện nội dung phản ánh và nghệ thuật thể hiện.

2. Ở phương diện nội dung, truyện ngắn của Nguyễn Kiên đã tái hiện một cách sinh động không khí nông thôn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội kể cả những thành tựu và cả những tồn tại cần phải khắc phục. Truyện ngắn của Nguyễn Kiên cũng phản ánh được những vẻ đẹp của tình cảm, của thiên nhiên nông thôn. Đặc biệt trong truyện ngắn của mình, Nguyễn Kiên đã xây dựng được hình tượng những người cán bộ lãnh đạo năng nổ, nhiệt tình, có trách nhiệm với công việc chung; những thanh niên nông thôn nhanh nhẹn,

sung mãn về thể lực, giàu khát vọng, hoài bão, có nhu cầu, có khả năng tiếp thu nhanh nhạy những thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật và quản lý hiện đại, năng động sáng tạo học hỏi những cái mới; là những người phụ nữ lam lũ vất vả với công việc xã hội và gia đình, giàu đức hy sinh thương yêu chồng con hết mực, nhẫn nhục chịu đựng để tạo hòa khí. Mặc dù không phải là không có những mặt trái, mặt chưa được trong tính cách, tư tưởng của một số nhân vật, nhưng đó là những hiện tượng cá biệt. Chủ yếu trong những trang văn của Nguyễn Kiên vẫn là những hình tượng đẹp về con người và cuộc sống nông thôn Việt Nam.

3. Để làm nên thành công ở đề tài nông thôn, Nguyễn Kiên đã sử dụng nhiều phương thức nghệ thuật trong việc thể hiện đời sống và xây dựng nhân vật. Tạo nên những hình tượng nhân vật sống động, để lại ấn tượng cho người đọc, Nguyễn Kiên đã chú tâm trong việc miêu tả ngoại hình, hành động kết hợp với diễn tả nội tâm, xây dựng những mẫu đối thoại sinh động. Chính vì thế nhân vật Nguyễn Kiên hiện lên đa dạng, chân thực như ngoài đời sống. Điều đáng ghi nhận trong nghệ thuật thể hiện của truyện ngắn Nguyễn Kiên còn ở giọng điệu đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, từng hoàn cảnh: có khi là giọng điệu ca ngợi, tin tưởng; có khi là giọng trữ tình thương cảm; có khi lại là giọng phê phán nhẹ nhàng. Ngôn ngữ trong sáng tác Nguyễn Kiên không phải là thứ ngôn ngữ gọt giũa, trau chuốt, hoa mĩ mà là thứ ngôn ngữ dân giã dời thường, gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày. Nguyễn Kiên sử dụng nhiều tục ngữ, thành ngữ, ca dao, những lối ví von so sánh quen thuộc trong văn học dân gian, sử dụng phương ngữ Bắc bộ trong lời nói của nhân vật, tạo nên một thế giới nhân vật rất riêng rất ấn tượng - thế giới nhân vật người nông dân. Và tất cả đã góp phần xác lập một phong cách nghệ thuật riêng của Nguyễn Kiên: Nhà văn của nông thôn.

4. Dù còn có một số hạn chế nhưng truyện ngắn của Nguyễn Kiên đã đem lại những cảm nhận cụ thể mà sâu sắc về nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ giai đoạn những năm sáu mươi của thế kỉ XX, khi nước ta đang sôi nổi xây dựng một cuộc sống mới. Bằng những sáng tác của mình, Nguyễn Kiên đã góp phần tạo nên diện mạo riêng cho nền văn học nước nhà, đặc biệt là giai đoạn văn học 1945 -1975. Với những đóng góp đó, Nguyễn Kiên đã sớm tạo được chỗ đứng trong lòng bạn đọc và xác lập cho mình một vị trí vững chắc trong nền văn học Việt Nam hiện đại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh (2001), Từ điển Hán - Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội

2. Vũ Tuấn Anh, Bích Thu (chủ biên, 2001), Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội.

3. Lại Nguyên Ân (2003), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia

Một phần của tài liệu Nông thôn và người nông dân trong truyện ngắn nguyễn kiên (Trang 129)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w