Nét đẹp một thời của phong trào hợp tác hóa

Một phần của tài liệu Nông thôn và người nông dân trong truyện ngắn nguyễn kiên (Trang 56)

7. Cấu trúc luận văn

2.1.2. Nét đẹp một thời của phong trào hợp tác hóa

Những năm đầu của thập niên sáu mươi, miền Bắc nước ta bước vào xây dựng theo đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa do đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (1960) của Đảng đề ra. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc diễn ra với nhịp độ khẩn trương và thực sự trở thành phong trào cách mạng rộng lớn, có hiệu quả của quần chúng nhân dân. Biểu hiện của

phong trào này là tiến hành xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Mô hình hợp tác xã nông nghiệp được xây dựng trên quan điểm làm chủ tập thể về tư liệu sản xuất. Nói nôm na là”làm chung, ăn chung”. Cách vận hành của hợp tác xã có thể hình dung ngắn gọn như sau: Các gia đình nông dân vào hợp tác xã bằng cách góp ruộng đất, trâu cày và một số vật dụng lao động khác vào làm ăn chung. Các tư liệu sản xuất được phân công cho các hộ gia đình bảo quản và chăm sóc theo kiểu“tập thể quản lý, cá nhân chịu trách nhiệm”. Thành quả lao động chung, tức là lúa gạo, hoa màu... sẽ được tập kết về sân kho và chia cho các hộ gia đình, tùy theo số nhân công và ngày lao động đã được ông tổ trưởng chấm công trước đó.

Nguyễn Kiên là nhà văn được ghi nhận là người có nhiều đóng góp cho văn học viết về nông thôn giai đoạn này trên cả phương diện tiểu thuyết và truyện ngắn. Ở mảng truyện ngắn một số tác phẩm như Vụ mùa chưa gặt,

Mảnh lụa vân, Kỉ niệm ruộng đất, Nhữ và Thêm, Con Nâu, Người yêu ngày trước, Anh Keng...đã diễn tả được tinh thần góp ruộng, góp trâu, góp công sức... của người nông dân vào công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp; tinh thần hăng hái tham gia sản xuất, cải tiến kĩ thuật; tinh thần chủ động, dám nghĩ dám làm... của người nông dân.

Phong trào hợp tác xã rầm rộ như một ngày hội. Người ta đua nhau vào làm ăn tập thể: “Bấy giờ làng mở cuộc vận động chuyển từ tổ đổi công lên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Đâu đâu cũng nghe nói đến hợp tác xã...” [32, 45]. Bố Chanh trong Vụ mùa chưa gặt là một người rất thận trọng, lúc đầu ông vẫn đang còn rất phân vân có nên vào hợp tác xã hay không, thậm chí ông ngoan cố với cái tư tưởng tư hữu nhưng rồi dần dần trong không khí sôi động của bà con chòm xóm, cùng với sự thuyết phục của Khắc và Chanh, ông cũng tham gia vào phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Hăng hái nhất chính là lớp trẻ, những con người mang tư tưởng tiến bộ,

mong muốn xây dựng hợp tác xã vững mạnh. Tiêu biểu là Khắc, Chanh trong Vụ mùa chưa gặt. Họ không chỉ tham gia một cách tích cực mà còn vận động bà con làng xóm, anh em bằng mọi hình thức, hoặc là tuyên truyền bằng lời nói, có khi cả bằng hành động:“Bọn Khắc làm một cái quan tài giả, khiêng đi dọc làng, vào lúc chạng vạng tối. Một anh chàng ngỗ ngược đi trước đánh thanh la. Rồi đến một đội bát âm với cái trống khẩu kêu bập bõm như người bước hụt, hai cái nhị rầu rĩ chẳng ăn nhịp vào đâu hết và bốn anh chàng gầy nhẳng khiu gân cổ, đỏ mặt lên thổi những bài kèn não nuột một cách hài hước. Sau cùng là đoàn các cô gái vừa đi vừa xô đẩy nhau, úp mặt vào vai nhau mà cười. Chanh được phân công cùng Khắc gọi loa tuyên án cái thây ma tư hữu khi còn sống đã gây đủ mọi tội lỗi như thế nào...” [32, 46]. Khắc và Chanh cùng thanh niên trong làng muốn làm một cuộc đưa đám tư tưởng tư hữu để tất cả mọi người chỉ còn biết đến phong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Tinh thần hợp tác xã còn ngấm sâu vào cả những đưa trẻ như Trung trong Mảnh lụa vân. Ông em là một người thợ dệt giỏi nổi tiếng. Cả làng chỉ có ông là người dệt được thứ vải lụa vân thôi. Nhưng ông muốn chỉ truyền nghề duy nhất cho Trung. Nhưng Trung thì lại khác. Em muốn gia đình mình hòa vào tập thể, mảnh lụa vân mà ông giấu như giấu của riêng ấy phải là của chung tập thể, của hợp tác xã. Hợp tác xã sẽ phát triển nó, đưa nó vào tận Sài Gòn và cả ra nước ngoài nữa. Nó sẽ làm rạng rỡ quê hương Trung, là niềm tự hào của cả quê hương: “Trong tiếng thoi reo vang, đứa cháu cảm thấy ông mình có cái gì xa lạ. Nghe mẹ nói về lai lịch của mảnh lụa mẫu do ông cải hoa Trung nghĩ “Hỏng rồi ! Hợp tác xã muốn dệt thứ lụa vân của ông. Nhưng ông lại giấu mẫu hàng. Mẹ sợ ông. Chỉ có mình thôi, mình phải liệu mới được” [32, 31-32]. Có lẽ như khao khát của Trung, bác chủ nhiệm mong muốn hàng lụa vân của hợp tác xã bác như đoàn thuyền của đám trẻ con kia cứ đi mãi, đi đến những chân trời xa xôi.

Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp cũng tạo ra một khí thế rộn ràng tươi vui, hồ hởi, phấn khởi tràn ngập khắp thôn cùng ngõ hẻm. Nó tạo nên một nguồn sức mạnh to lớn để đổi mới bộ mặt nông thôn. Đã từng có những câu ca diễn tả sức mạnh của lối làm ăn tập thể:

Nghiêng đồng đổ nước ra sông Hay: Vắt đất ra nước thay trời làm mưa

Câu trên tả cảnh tát nước từ những cánh đồng bị úng để cứu cho lúa khỏi chết. Câu dưới tả cảnh tát nước từ sông vào những cánh đông khô cạn để cứu hạn hán. Nó cũng đề cao khả năng “cải tạo thiên nhiên của lối làm ăn tập thể”. Đúng là phong trào hợp tác hóa đã tạo nên những sức mạnh không có gì địch nổi. Ta hãy xem một buổi chống úng của bà con nông dân trong

Kỉ niệm ruông đất: “Ba giờ sáng ngày hăm nhăm, đột nhiên trống ngũ liên nổi. Các đoàn thanh niên trèo lên nóc cổng xóm và trạc cây cao chót vót, quay loa về bốn phía truyền đạt mệnh lệnh của ban chỉ huy chiến dịch chống úng. Tiếng trống, tiếng loa xoay tròn, đan chéo nhau, chạy đuổi nhau, xuyên qua làn gió ẩm ướt, xô cửa ùa vào từng nhà. Cả làng trở dậy, hối hả đi nhóm lửa thổi cơm.

Sáu giờ sáng tất cả đã tập hợp đầy đủ theo từng đội sản xuất, dọc theo hai con bờ vùng như hai cánh tay cong cong từ lũy tre làng vươn ra, ôm lấy cánh đồng Trẩm. Được ngót bốn trăm người trong số tám trăm mười bảy nhân khẩu toàn thôn. Mỗi nhóm đều có cờ và mỗi người đều có dụng cụ trong tay: guồng đạp, gầu dai, gầu sòng, gầu vảy, cả thùng, nồi đồng, chậu thau. Các cụ già còn có sức vóc, các em bé cũng có mặt(...). Ba hồi trống nổi. Tôi nghe thấy rất nhiều bà con ở tận xa hò nhau: ông Tuất đánh trống lệnh rồi đây !

Bốn chiếc guồng đạp đặt ở bốn góc đồng Trẩm bắt đầu quay, tiếng trục gỗ nghiến ken két nổi bật hẳn lên giữa tiếng gầu tát, tiếng thùng, nồi, chậu thau va chạm nhau” [32, 172-173].

Quả thực phong trào hợp tác hóa nông nghiệp đã làm thay đổi bộ mặt của nông thôn miền Bắc. Theo chủ trương của Đảng, hợp tác hóa nông nghiệp sẽ kết hợp chặt chẽ với cải tiến kĩ thuật và phát triển sản xuất, hợp tác hóa đi đôi với thủy lợi hóa và tổ chức lại sản xuất, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Lao động tập thể đã làm cho nhiều đoàn viên thanh niên khắp các vùng nông thôn miền Bắc phát huy tính chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và thay đổi dần cả một nếp sống, một phong trào lao động thụ động xưa cũ. Người nông dân phong kiến ngày xưa lao động làm công, phụ thuộc vào các địa chủ. Họ thụ động trong làm ăn, bảo gì làm nấy, cui cút tội nghiệp, cả đời quẩn quanh với lũy tre làng, vua không biết mặt, chúa chẳng biết tên. Thế nhưng phong trào hợp tác hóa nông nghiệp của những năm sáu mươi ở nước ta, người ta gặp những con người nhanh nhẹn, hoạt bát, tích cực, chủ động trong lãnh đạo và trong sản xuất. Họ không nề hà bất kì công việc gì. Gương mẫu, đầu tàu, xông xáo, gánh vác hết tất cả mọi công việc tập thể như: gặt lúa, làm vụ xuân, đổ thóc thuế, thu nợ và thu mua lương thức. Đó là Thân trong Người yêu ngày trước, đó là Nâu, Khắc trong Vụ mùa chưa gặt, đó còn là Cúc trong Những người đàn bà ở làng... Không chỉ hăng hái xông pha trong lao động sản xuất, người nông dân, nhất là những thanh niên làng còn gương mẫu đi đầu trong cải tiến kỉ thuật, áp dụng khoa học vào lao động sản xuất. Đó là Mận, Xung trong Đất bạc màu.

Như vậy, cùng với Tầm nhìn xa của Nguyễn Khải, Cái lô cốt của Châu Diên hay Cái hom gió của Vũ Thị Thường... sáng tác của Nguyễn Kiên đã phản ánh cuộc đấu tranh giữa hai con đường một cách uyển chuyển, tinh tế, có sức khái quát cao. Với những cốt truyện nhẹ nhàng; câu chuyện làm ăn đời thường đan cài với chuyện tình yêu trai gái, tác giả đã đề cập đến những vấn đề chủ yếu của nông thôn giai đoạn những năm 50, 60 của thế kỉ XX. Đó là cuộc đấu tranh trong nội bộ nhân dân trên con đường làm ăn tập thể.

Đó là sự xuất hiện của lớp người mới - người chủ thực sự của nông thôn xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên so với sáng tác của tác giả trên thì ta thấy truyện ngắn của Nguyễn Kiên vấn đề đấu tranh giữa hai con đường chưa thật sự quyết liệt. Trong Cái hom gió Vũ Thị Thường đã phản ánh cuộc đấu tranh giữa đôi trai gái Thắm Thân, những thanh niên ưu tú, nhiệt tình với ông Xanh - ông bố vợ tương lai bảo thủ, cầu lợi đầy những tính toán thiệt hơn và không thiết tha gì với phong trào chung. Ông không chấp hành nghị quyết gieo thêm mạ cấy của tổ với những thứ lí luận cay cú. Vì thế, ông đã trở thành một vật cản lớn công việc chung và tình yêu đôi lứa. Cuộc đấu tranh ấy diễn ra quyết liệt, mạnh mẽ và thắng lợi cuối cùng thuộc về đôi trai gái Thắm, Thân. Trong Cái lô cốt, Châu Diên lại phản ánh vấn đề cuộc sống chuyển từ thời chiến sang thời bình có những đòi hỏi mới, con người có theo kịp và vượt qua được những thử thách của cuộc sống mới hay không. Việc ông Nẫm bảo thủ, thành kiến, mang nặng tâm lý tự mãn của người đã được thử thách nên đã thụt lùi lại phía sau, đứng bên lề cuộc sống, tách mình ra khỏi tập thể tổ đổi công, cố thủ trong cái lô cốt bỏ không ở xóm Thiềm đã trở thành cái biểu tượng của sự cản trở bước tiến của người nông dân thời kì hòa bình, xây dựng. Hình bóng của ông Nẫm là hình bóng của sự ngộ nhận, của tâm lí tự mãn lỗi thời còn sót lại cần được giải quyết dứt điểm. Trong truyện ngắn của Nguyễn Kiên, con đường đấu tranh đó diễn ra nhẹ nhàng, đơn giản; chưa phải là những vấn đề được đặt lên hàng đầu, đầy tính chất phức tạp, phải tập trung giải quyết trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hơn nữa hợp tác hóa nông nghiệp là một vấn đề khó khăn, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cho nên không phải ai cũng nghe theo và hưởng ứng ngay tức khắc. Vẫn còn diễn ra cuộc đấu tranh sôi nổi giữa lối làm ăn tập thể với lối làm ăn cá thể, giữa lớp người mới mang tư tưởng tiến bộ của thời đại với lớp người xưa cũ còn mang nặng những tính

toán và nếp sống cũ. Cuộc đấu tranh ấy diễn ra âm thầm trong gia đình và gay gắt ngoài xã hội xung quanh những vấn đề như: bình công chấm điểm, công hữu hóa tư liệu sản xuất, giữa kết quả của lối làm ăn tập thể và cá thể... Những tồn tại đó kéo dài đã hạn chế đáng kể hiệu quả làm ăn của hợp tác xã. Tuy nhiên trong sáng tác của Nguyễn Kiên, những tồn tại này mới chỉ thấp thoáng xuất hiện. Có thể nói các tác phẩm của Nguyễn Kiên chưa phản ánh quá trình vận động ở nông thôn, những vấn đề thời sự nóng bỏng đang diễn ra, với cái nhìn phản biện tích cực. Nhà văn phải là người rất mẫn cảm trước những chủ trương, chính sách đó, phải là người sớm nhận ra những khiếm khuyết của bước đi chính sách, và không ngần ngại đề cập trong tác phẩm một cách sòng phẳng, không né tránh. Nêu cái xấu, cái dở để mà khắc phục chứ không có ý gì khác. Tác phẩm Nguyễn Kiên chủ yếu vẫn là ca ngợi một chiều. Để phản ánh phong trào hợp tác hóa với cái nhìn tỉnh táo, phản biện tích cực thì Nguyễn Kiên chưa làm được.

Một phần của tài liệu Nông thôn và người nông dân trong truyện ngắn nguyễn kiên (Trang 56)