Hình tượng người phụ nữ nông thôn

Một phần của tài liệu Nông thôn và người nông dân trong truyện ngắn nguyễn kiên (Trang 73)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.2. Hình tượng người phụ nữ nông thôn

Phụ nữ Việt Nam là một lực lượng căn bản, nguồn nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển toàn diện xã hội Việt Nam. Trải qua hàng nghìn năm xây dựng và bảo vệ đất nước, đấu tranh chống thiên tai, duy trì nòi giống, phụ nữ Việt Nam luôn kiến tạo nên những đức tính quý báu mang đậm bản sắc truyền thống.

Trong truyện ngắn của Nguyễn Kiên, người phụ nữ xuất hiện khá nhiều, dường như họ có mặt trong hầu hết các tác phẩm góp phần làm nên bộ mặt riêng của thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn của ông. Họ là những con người lam lũ vất vả với công việc xã hội và gia đình, giàu đức hy sinh thương yêu chồng con hết mực, nhẫn nhục chịu đựng để tạo hòa khí trong gia đình và cũng là những con người chịu nhiều bất hạnh.

Chanh trong Vụ mùa chưa gặt là một người phụ nữ tần tảo, lam lũ, chịu thương chịu khó. Chồng tối ngày túi bụi với công việc tập thể, mọi công việc gia đình trút cả lên vai của chị. Chị lặng lẽ chấp nhận: “Chị bận bịu, lo lắng quanh năm, làm đến u mê cả người và chắt chiu từng hạt thóc rụng. Vụ

trước thay được bộ đòn tay bằng tre ngâm, dồn và lợp lại được mái nhà. Vụ sau bó được cái thềm, những đêm sáng trăng đã có thể trải chiếu ra, ngồi ru con ngủ và đợi chồng về uống ấm nước vối nóng ủ trong giỏ” [32, 55]. Cúc trong Những người đàn bà ở làng ở cái tuổi mười tám nhưng thu xếp mọi việc khéo léo và ổn thỏa. Theo lời của mẹ Đài thì cô là mẫu người đủ đánh đổ con giai cả làng này vì sự cần cù siêng năng chăm chỉ của cô: “Người đâu có người... Gà mới gáy sang canh đã vục dậy, mo cơm nắm giắt sau lưng đi cắt cỏ ăn điểm. Cỏ nào có ra cỏ, gọt từng nắm cứ như gọt anh trọc đầu, lại còn bị người ta giữ đồng, người ta bắt liềm, làm tình, làm tội nữa chứ. Thế mà chỉ quá nửa buổi đã được gánh cỏ cật về cân rồi. Cân xong lại tốc ngay ra lò gánh gạch thuê. Tôi trông thấy mồ hôi mồ kê nhễ nhại, tôi cứ kêu giời lên” [32, 70]. Ta đã từng xúc động với hình ảnh những con cò lam lũ trong ca dao, xúc động với hình ảnh bà Tú trong Thương vợ của Tú Xương, nay lại cảm động và trân trọng những người phụ nữ trong truyện ngắn Nguyễn Kiên bởi sự chăm chỉ, cần cù của và cả đức hy sinh của họ: “Chanh buồn rầu nhìn chồng, không nói gì hết. Việc nhà chị không lo thì trút cho ai? Cũng như phần đông người đàn bà khác trong làng, chị sẵn sàng hy sinh tất cả cho chồng con và tìm hạnh phúc trong sự hy sinh lặng lẽ đó (...) Với một người vợ như Chanh, gia đình không còn là cái tổ ấm, nó dần trở thành nơi ẩn trốn, hớ hênh mà kín đáo, không bao giờ những người ngoài cuộc quấy rầy” [32, 55].

Người phụ nữ vốn vẫn thường là người có sự chịu đựng, nhẫn nhục để tạo sự ấm êm, họ chính là hòa khí trong gia đình. Không còn chế độ phong kiến nhưng thói gia trưởng vẫn còn ăn sâu trong tính cách ứng xử của bố Keng. Trong gia đình tất cả mọi việc quyền quyết định đều do ở ông. Mái gà nhà ông đẻ, theo ý của ông, bà Keng phải mang lên tận chợ huyện bán, người ta bớt mất hai xu, chỉ còn một đồng rưỡi. Về đến nhà ông Keng đã quát tháo: “Đồ khôn nhà dại chợ, đã lên đến trên ấy, không bán được chín xu thì thôi

chứ, của thêm vào chẳng có lại có của bào ra ! [32, 132]. Bà cãi lại ông, ông quắc mắt lên quát, bà đành im bặt. Hễ cứ mỗi lần không vừa lòng với anh Keng, ông lại về trút bực tức lên đầu vợ: “Vợ nuông con, vượt quyền chồng cũng không thể được. bao nhiêu lời chì chiết ông đổ cả lên đầu vợ (...) Bà vợ nghe mệt quá đã ngủ từ lúc nào nhưng ông vẫn cứ dẫn dụ, quát nạt và lôi cả những chuyện từ hồi hai người mới lấy nhau ra mà kể lể” [32, 136]. Sự chịu đựng của bà Keng có cái gì đó tội nghiệp và làm ta thấy thương cảm. Trong gia đình phong kiến ngày xưa người phụ nữ chỉ là cái bóng của chồng, họ lặng lẽ, thụ động, chịu đựng. Và có lẽ hôm nay ý thức đó vẫn còn trong suy nghĩ của bà Keng. Tuy nhiên người phụ nữ vốn ưa yên ổn, sự chịu đựng của họ cũng thật đáng trân trọng bởi nó đem lại sự êm ấm cho gia đình.

Đó là Chanh trong Vụ mùa chưa gặt. Chồng tối ngày lo toan công việc tập thể, Chanh lặng lẽ gánh vác công việc gia đình, chăm lo nuôi dạy con cái, vun vén tổ ấm của mình. Chanh thương yêu chồng: “Lòng yêu chồng, đối với chị vừa là tình thương gần như là mù quáng của một người mẹ, vừa là sự phục tùng gần như mù quáng của đứa con” [32, 42-43]. Mỗi khi Khắc cố tìm ra một chuyện không vừa lòng với vợ để nhắc nhở chị thì Chanh cố tỏ ra ngoan ngoãn để anh vừa lòng. Chính vì thế mà nhà anh vẫn được tiếng là một gia đình êm ấm. Bà Ngạch trong truyện ngắn Con Nâu cũng là một người phụ ôn tồn, nhẹ nhàng. Chính nhờ bà mà cơn giận của ông Ngạch với Chi dịu bớt và việc Chi muốn lên nông trường chăn bò đã được toại nguyện:

- Ngày mai con không đi chăn bò. Ngạch hơi sững ra, ông hất hàm:

- Sao? mày bận hả? Bận gì ?

Chi im. Một lúc sau, bà Ngạch mới dẽ dàng nói:

- Ngày mai phiên chợ huyện, nó muốn đi mua mấy thước vải với mấy thứ lặt vặt...

- Gương lược hả? Phấn sáp, “bi dăng tin”, nước hoa... hả? Bà Ngạc vẫn dẽ dàng:

- Sao ông nóng thế? Con gái đến tuổi, cũng phải cho nó sắm sữa một tí. Với lại nó sắp đi...

- Đi đâu? - Ngạch quát - Chi, mày đi đâu? Muốn đi đâu cũng phải hỏi ý kiến tao.

- Thì hôm nọ nó đã hỏi ông, ông chửi lấp đi - bà Ngạch cố đỡ cho con gái - chỉ vì nó sợ ông...” [32, 330-331].

Người phụ nữ trong truyện ngắn Nguyễn Kiên cũng chịu nhiều bất hạnh. Luyến trong Người yêu ngày trước chồng hy sinh ngoài mặt trận, một mình chị lo toan mọi công việc gia đình. Theo lời kể của tác giả ta hình dung một chị Luyến tất bật hết công việc này đến công việc khác: cắt cỏ, rửa cỏ; vớt bèo cho lợn, đi bán gạo chợ Gốm, vò rơm, bán thóc nghĩa vụ, đi gánh cát cho công trường...Vì sao chị phải lam lũ vất vả như thế, bởi trên đôi vai của chị mang gánh nặng gia đình và công việc của tập thể. Nhưng điều đáng khâm phục là dù vất vả nặng nhọc nhưng chị không hề phàn nàn, kêu ca một tiếng. Dường như sinh ra người phụ nữ nông thôn đã ý thức được điều đó, người ta vui vẻ làm việc và giải quyết một cách êm ru tất cả những công việc lớn, nhỏ, trong gia đình, ngoài xã hội. Nỗi bất hạnh của chị Thức Trong làng lại khác. Chồng làm phản kéo quân về triệt hạ làng Trung Nghĩa. Một sự việc ngoài sức tưởng tưởng của chị. Một nỗi đau đớn đến có thể phát rồ phát dại. Nỗi đau của chị là nỗi đau của một người vợ mất chồng: “Nghĩ tới chồng, chị Thức giật mình sợ hãi. Nét mặt chị vừa u ám, vừa căm giận: lưng chị cúi gập, mắt nhìn cắm xuống bàn chân nhưng thỉnh thoảng vẫn lóe lên những tia sáng dữ dội: đó là lúc chị phải vật lộn với những ý nghĩ hốt hoảng và đau đớn đến có thể phát rồ phát dại của một người vợ biết trước mình sắp mất chồng” [32, 231-232]. Đó còn là nỗi đau của một người bị phản bội. Người chồng mà chị

yêu thương, gửi gắm niềm tin bấy giờ đã đứng về chiến tuyến bên kia. Cả làng Trung Nghĩa tan hoang trong phút chốc chỉ vì chồng chị làm phản, dẫn địch về phá làng. Nỗi đau quá lớn làm chị không thể nói thêm được điều gì ngoài lời thông báo một tin sét đánh với cả hai cha con ông Thức “nhà con ở trên bốt đi dò mìn”. Chị còn đau đớn hơn nữa khi chị lại mang thai đứa con của người chồng phản bội: “Một cái thai, bắt đầu là một giọt máu, sau là một đứa trẻ thân yêu. Một mình chị sẽ ấp ủ cho nó và hai tay đỡ nó lên lúc nó chào đời. Người cha đưa trẻ sẽ làm gì trên bốt địch kia, chị chưa thể đoán trước hết. Nhưng chị sẽ bất chấp, chị sẽ đương đầu với mọi chuyện... Ôi chỉ thương cho cái thai, nó còn nằm trong bụng mẹ mà cũng chẳng yên lòng vì chị cứ cuộn lên bao nhiêu sự đau đớn.” [32, 242]. Chiến tranh nó gieo rắc không biết bao nhiêu nỗi bất hạnh, đớn đau. Và nỗi bất hạnh đớn đau của chị Thức sẽ còn theo chị suốt cả cuộc đời. Đó cũng là nỗi đau, nỗi bất hạnh của những người đàn bà trong Mảnh lụa vân, Những đứa con, Tiếng sóng khuya... Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng những người phụ nữ này đều gặp những bất hạnh trong cuộc sống. Một nhà văn có hiểu biết sâu sắc về nông thôn và con người nông dân, ông đã viết về họ với một nỗi cảm thông sâu sắc. Tuy nhiên điều làm nên sức hấp dẫn của những trang văn Nguyễn Kiên chính là ở chỗ ông đã phát hiện ra ở những người phụ nữ nông thôn những vẻ đẹp đáng trân trọng. Điều đó đã khẳng định giá trị nhân văn trong cảm quan nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Kiên.

Một phần của tài liệu Nông thôn và người nông dân trong truyện ngắn nguyễn kiên (Trang 73)