Giọng trữ tình, thương cảm

Một phần của tài liệu Nông thôn và người nông dân trong truyện ngắn nguyễn kiên (Trang 114)

7. Cấu trúc luận văn

3.2.2.Giọng trữ tình, thương cảm

Trong truyện ngắn của Nguyễn Kiên nhất là truyện ngắn viết về đề tài nông thôn và người nông dân, trữ tình thương cảm cũng là một giọng điệu chủ đạo và có sự thể hiện đa dạng: có khi là giọng ấm áp, đôn hậu; có lúc trữ tình sâu lắng; rồi đau đớn, xót xa; hoặc day dứt, nghẹn ngào. Giọng điệu ấy thể hiện tập trung ở các yếu tố cơ bản như khung cảnh nghệ thuật, hình tượng nhân vật, ngôn ngữ trần thuật.

Ta bắt gặp trong truyện ngắn Nguyễn Kiên những khung cảnh thiên nhiên thật trữ tình, thơ mộng. Đó là khung cảnh thiên nhiên trữ tình của một làng quê trù phú vùng Hà Đông trong truyện ngắn Mảnh lụa vân: “Con sông nhỏ chảy qua một làng trù phú vùng Hà Đông. Nước sông vỗ vào bờ cát màu phớt hồng, êm ái như chú mèo con dụi chân vào bụng chân người và đầu những con sóng gợn hình cánh cung mỏng manh như sợi tơ nhện vương trên cát, hiện ra rồi lại tan đi. Trong làng tiếng thoi dệt lụa lách cách suốt ngày đêm. Làng mạc ở đồng bằng đều có lũy tre bao bọc, hiền hòa và ấm cúng như nhau. Nhưng mỗi làng mỗi vẻ. Ở đây người làng mỗi khi xa quê, họ thường nhớ nhất tiếng thoi trong các khung cửi lụa. Cũng như một con người khi đặt

tay lên ngực mình, lắng nghe tiếng trái tim mình, trong nỗi nhớ sâu xa và sắc cạnh nhất của họ, mỗi khi vẳng lên nhịp con thoi reo lách cách, rộn rã và mải miết suốt từ sáng thực sớm đến thực khuya là họ có ngay cái ý nghĩ trái tim của làng mình đang đập, cả làng mình đang bao bọc lấy mình” [32, 26]. Dường như Nguyễn Kiên đã huy động tất cả các giác quan: thính giác, thị giác và cả cảm giác nữa để cảm nhận, miêu tả làng quê trong những câu văn êm dịu, có nhịp điệu chậm rãi, vừa giàu hình ảnh và nhạc điệu, lại vừa uyển chuyển tinh tế. Mỗi câu văn như một nét vẽ đơn sơ, không cầu kì kiểu cách nhưng lại gợi dậy được cái hồn của cảnh vật, cái thần thái của thiên nhiên khiến người đọc thấy hiện ra trước mắt một bức tranh quê rất Việt Nam. Đặc biệt tác giả dùng những câu văn thật trữ tình để diễn tả cái cảm xúc thân thương, tự hào, trìu mến của mỗi người con khi xa quê, tiếng con thoi lách cách chính là nhịp đập của trái tim làng hòa vào nhịp đập của trái tim họ. Vì viết về nông thôn nên trong truyện ngắn Nguyễn Kiên không thể thiếu khung cảnh những cánh đồng làng. Đó là cánh đồng làng một buổi sáng bình minh với từng lớp người đi làm đồng; những đứa trẻ chăn trâu, cắt cỏ; những chú bê non lông mỡ và mịn cùng một màu vàng rực của ánh mặt trời buổi sáng; là những con mương nhỏ; từng vạt cỏ mới bén, xanh và êm đổ thoai thoải xuống tận mí nước; những đàn cá nhỏ li ti chập chờn ẩn hiện, lao vút đi trong tiếng róc rách nhẹ nhàng của một cái cống cỏn con nào đó. Đó là cánh đồng làng đã chín trĩu bông, một màu vàng đậm đà mộc mạc và hương lúa thoảng nhẹ chờn vờn trong sương sớm (Vụ mùa chưa gặt). Phải thật hiểu và gắn bó với đồng quê Nguyễn Kiên mới có thể có những câu văn miêu tả tỉ mỉ, chi tiết và ẩn đằng sau đó là cảm xúc trìu mến, thân thương của ông với những gì được xem là hồn cốt, là bản sắc của nông thôn Việt Nam. Ta cũng bắt gặp trong truyện ngắn của Nguyễn Kiên hình ảnh những con đường làng, dòng sông, hàng cau hay vầng trăng, khóm tre... Mỗi hình ảnh đều gắn với kỉ niệm về tình yêu đôi

lứa ngọt ngào (Những người đàn bà ở làng, Người yêu ngày trước, Mùa xuân) hay một cảm xúc, tình cảm nào đó của nhân vật (Tiếng sóng khuya, Trong làng). Chính vì thế khung cảnh thiên nhiên trở thành bầu không khí trữ tình để nhân vật bộc lộ tâm trạng và tính cách của mình.

Nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Kiên thường là những nhân vật giàu tâm trạng bởi họ được đặt trong những mối quan hệ gắn bó, thân thiết, gần gũi như tình vợ chồng, tình yêu nam nữ, tình làng xóm... Những mối quan hệ gắn bó ấy đã mang lại một bầu không khí trữ tình thật sâu sắc cho truyện ngắn của ông. Đó là nỗi niềm giăng mắc, xôn xao của cô thanh niên xung phong với chàng trinh sát trong Nơi xa; đó là những bối rối lo lắng xen lẫn với niềm xao xuyến của một tình cảm mới nảy nở trong lòng cô gái Đậm trong Mùa xuân; là một tình yêu chưa rõ nét như sợi tơ trời bẫy giăng trước mặt Đài và Cúc trong Những người đàn bà ở làng; là những khát khao cháy bỏng của một tình yêu cũ nay bùng trỗi dậy trong Người yêu ngày trước; là những trăn trở, giằng xé bởi một bên là tình yêu và một bên là những toan tính cho riêng mình của Xung trong Đất bạc màu; là tình nghĩa vợ chồng ngọt ngào, chung thủy trong Vụ mùa chưa gặt. Nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Kiên cũng là những nhân vật hay hoài niệm. Từ hiện tại, nhân vật hồi tưởng về quá khứ với những cảm xúc mạnh mẽ trước những ám ảnh của kỉ niệm. Họ là những người đã trải qua nhiều cay đắng và họ thổn thức, xót xa mỗi khi nhớ về nó. Đó là những hoài niệm về nỗi cay đắng một thời của Miết trong Tiếng sóng khuya, của nhân vật tôi trong Những đứa con, của Hức trong

Vực thẳm... Chính dòng hoài niệm của nhân vật đã đem lại sắc thái trữ tình, thương cảm cho truyện ngắn Nguyễn Kiên.

Hệ thống ngôn từ trong truyện ngắn Nguyễn Kiên cũng rất tự nhiên và giàu tính biểu cảm. Chất chứa trong đó là những nỗi niềm, những suy tư về cuộc đời và con người với những biểu hiện thật phong phú, đa dạng. Có khi là

giọng ấm áp, đôn hậu khi nói về tình vợ chồng “Từ khi lấy chồng, Chanh tưởng chừng những phút giây say đắm chỉ xảy ra một lần thôi. Nhưng không phải một lần. Nhưng cũng không phải mãi mãi... Chanh yêu chồng. Lòng yêu chồng, đối với chị vừa là tình thương gần như mù quáng của người mẹ, vừa là sự phục tùng gần như mù quáng của đứa con” (Vụ mùa chưa gặt). Có khi là giọng trữ tình sâu lắng chất chứa biết bao tâm sự của những con người đang đang yêu (Người yêu ngày trước, Nơi xa, Mùa xuân). Nhưng có lúc lại chất chứa sự đau đớn, xót xa khi nghĩ về nỗi khổ cực, bất hạnh mà mình đã trải qua (Tiếng sóng khuya, Những đứa con). Và có lúc còn là sự day dứt đến nghẹn ngào khi nghĩ về những sai lầm của quá khứ để rồi không còn cơ hội làm lại “Suốt cuộc đời bi thảm và tội lỗi dài dằng dặc của gã chỉ có thời gian ngắn ngủi là trong sáng và tươi đẹp: đấy là thời gian gã sống gắn bó với anh em chúng tôi trong đội du kích. Có lẽ mối tình vừa ngọt ngào, vừa chua chát đối với Nuột thường vẫn gợi cho gã nhớ lại cái kỉ niệm xa xôi và không bao giờ trở lại ấy...” (Vực thẳm).

Trong nhiều tác phẩm truyện, Nguyễn Kiên đã không đứng ngoài, nhà văn hoà mình vào câu chuyện, tỏ ra hiểu và nắm bắt được tâm lí người trong truyện - tâm lí muôn hình muôn vẻ và luôn luôn biến chuyển không dễ gì nắm bắt được, chính vì thế lời trần thuật cũng là những lời tâm sự, giãi bày, là diễn biến tâm lý khác nhau của nhân vật, nó tạo nên sắc điệu trữ tình thương cảm cho giọng điệu trong tác phẩm của ông.

Một phần của tài liệu Nông thôn và người nông dân trong truyện ngắn nguyễn kiên (Trang 114)