7. Cấu trúc luận văn
2.2.3. Hình tượng những người cán bộ lãnh đạo ở nông thôn
Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu đã mở ra một thời kì mới cho dân tộc ta. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng và bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với hy vọng hình thức nền kinh tế tập thể, kinh tế nhà nước sẽ tạo nên một đời sống tốt đẹp cho nhân dân, không còn tình trạng người bóc lột người, chúng ta đã tiến hành hợp tác xã trong sản xuất nông
nghiệp: ruộng đất là của chung, sở hữu của toàn dân, của hợp tác xã, Nhà nước cử các ban chủ nhiệm hợp tác xã để lãnh đạo nhân sản xuất và đảm bảo công điểm cho người lao động. Trong hoàn cảnh đó, những người cán bộ ở địa phương có vai trò hết sức quan trọng. Họ là những người trực tiếp lãnh đạo người nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đời sống của người nông dân có thay đổi không, phong trào hợp tác hóa có bền vững không, nông thôn có khởi sắc không phần lớn nhờ vào phẩm chất và tài năng lãnh đạo của những con người này. Là người gắn bó, am hiểu sâu sắc về cuộc sống nông thôn, nhà văn Nguyễn Kiên đã tái hiện trên các trang viết của mình một cách phong phú và sinh động hình ảnh những người cán bộ lãnh đạo ở nơi đây.
Họ là những chủ nhiệm hợp tác xã, những đội trưởng đội sản xuất, bí thư chi bộ... nhiệt tình, năng nổ; không quản ngại khó khăn; hy sinh lợi ích cá nhân, gia đình vì phong trào tập thể. Họ làm việc với cả bầu nhiệt huyết, sự tận tâm, không mảy may tư lợi. Trên những cánh đồng làng, ủy ban hợp tác xã, sân đình, con đường... luôn hiển diện bóng dáng của họ cần mẫn, tận tụy với công việc chung. Đó là Khắc, Nâu trong Vụ mùa chưa gặt, là Keng trong
Anh Keng, là Ban trong Những người đàn bà ở làng, là Thân trong Người yêu ngày trước, là Tuất trong Kỉ niệm ruộng đất...
Thân trong Người yêu ngày trước là người có hoàn cảnh rất éo le, neo bấn: vợ anh bị bệnh nặng rồi chết, để lại cho anh hai đứa con dại, người mẹ già càng ngày càng yếu đi. Công việc nhà của anh không có ai cáng đáng. Thế nhưng Thân vẫn say sưa với công việc chung: “Cuối năm công việc của Thân vừa bận rộn, vừa nặng nề gấp bội. Thân là bí thư chi bộ xã. Anh phải quán xuyến mọi việc: gặt mùa, làm vụ xuân, đổ thóc thuế, thu nợ và thu mua lương thực... Thân đi suốt ngày, hết thôn nọ sang thôn kia, nhiều bữa gặp đâu ăn đấy, có đêm một hai giờ sáng mới về ” [32, 7]. Dường như theo dõi suốt cả
thiên truyện ta không hề thấy Thân trong không gian gia đình. Phải chăng bởi vì Thân quá bận bịu với công việc chung, nhưng đó cũng là dụng ý của tác giả: ít chú tâm vào không gian riêng tư mà đặt nhân vật vào không gian rộng lớn -không gian cộng đồng để nhân vật thể hiện năng lực của bản thân với phong trào tập thể: “Buổi chiều Thân từ văn phòng ủy ban xã về, đến nhà cô bí thư thanh niên hỏi xem việc chế biến phân tiến hành ra sao, rồi anh lại sang ông Tảo bảo ông chuẩn bị họp huyện báo cáo kinh nghiệm chuẩn bị chống rét cho trâu; anh lại ở khu chuồng trâu tập thể; đêm đến anh lại có việc qua sân phơi hợp tác xã”[32, 9]. Điều quan tâm của Thân là việc chia công sao cho công bằng, là chuyện gặt thí điểm, công tác thu mua lương thực. Dường như công việc tập thể đã rút hết sức lực của anh: “Thân ngồi xổm bên đống thóc, chiếc đèn bão hắt ánh sáng lên khuôn mặt hốc hác của anh. Luyến để ý thấy anh gầy rộc người đi nhanh quá, râu ria mọc lởm chởm và đôi mắt thiếu ngủ lúc nào cũng cứng đờ” [32, 16].
Đó là Khắc trong Vụ mùa chưa gặt. Công việc gia đình trút hết lên đôi vai của vợ, suốt từ sáng đến tối nào họp, nào ra đồng, nào kiểm kê, nào phân phối... Cả sức lực, tâm huyết anh dành cả cho phong trào hợp tác. Hạnh phúc của anh là có một người vợ luôn tận tụy, chịu khó, hiểu và biết giữ uy tín cho chồng. Tuất trong Kỉ niệm ruộng đất là một người lãnh đạo tâm huyết và tài năng. Cái bộ máy của làng, của một hợp tác xã tuy nhỏ bé nhưng hêt sức phức tạp đã được Tuất điều khiển một cách vững vàng. Ta hãy xem Tuất sắp xếp công việc chống úng cánh đồng Trẩm: “- Bây giờ thế này: ông thôn đội, xin ông ra đồng bảo ngay mấy người đơm cá phải đạp bờ vùng lại ngay. Ai không tuân theo là phá hoại sản xuất... Ông thủ kho, xin ông cứ truy sổ xem đội nào ký nhận mượn gầu đầu tiên thì bảo đội ấy phải đi tìm. Rồi ông cho tất cả số guồng ra đình để tổ nông cụ sữa lạ... Ông thanh niên, xin ông cho tập ngay đội xung kích lại, chia nhau đi kiểm kê tại chỗ, từng nhà một... Còn việc
lên huyện báo cáo, xuống cửa hàng chợ ga mua thêm dụng cụ, đi kiểm tra đồng, nắm tình hình tư tưởng, chuẩn bị họp xã viên... tôi đề nghị thế này... thế này...” [32, 170]. Và thế là công việc chống úng cánh đồng Trẩm vô cùng khó khăn, phức tạp cũng đã được tiến hành. Ba giờ sáng ngày hăm nhăm, trống ngũ liên hồi. Sáu giờ sáng tất cả đã tập hợp đầy đủ theo từng đội sản xuất. Ba hồi trống nổi, người ta reo hò: ông Tuất đánh trống lệnh rồi đây! Và thế là một không khí khẩn trương sôi nổi đã diễn ra: guồng đạp rào rào, tiếng gầu, tiếng thùng, nồi, chậu thau va chạm nhau, tiếng nước Ààào... ààào như tiếng người kiêu hãnh thách thức. Có được không khí hào hứng, phấn khởi ấy là nhờ sự động viên khuyến khích kịp thời, sắp xếp kế hoạch gọn gẽ của Tuất: “Suốt buổi làm chốc chốc lại có một cán bộ tất bật chạy lại tìm Tuất, lo lắng nói bà con đang thế này, thế kia... và Tuất thường gạt đi giữa chừng, vỗ vai người kia bảo: “Cậu cứ làm thế này, thế này... cho tớ. Cứ thế là ổn hết nghe chưa?”Trong việc đốc chiến, Tuất có một vẻ gì đó hơi độc đoán- độc đoán một cách thân mật. Chúng tôi làm cùng với anh chị em thanh niên. Tuất luôn để mắt tới cả cánh đồng, hễ thấy chỗ nào rời rạc là anh lại xúi: “Các cậu nổi trống lên đi, phất cờ về phía kia kìa, hò khích cho họ mấy câu...” [32, 174]. Anh dành tâm huyết cho công việc chung nên mọi công việc gia đình anh trút cả lên vai của vợ. Vì thế anh cũng có nỗi phiền lòng vì vợ con, bố anh đã không nghe lời anh. Họ như hầu hết người trong làng Đoài đã đâm bổ ra khỏi làng, quay lưng lại với cánh đồng. Họ đi kéo cá, mót lạc, chạy chợ, xin việc ở các công trường với nỗi lo lắng cháy bỏng chỉ cho riêng mình. Nhưng biết làm sao được, gia đình - tập thể rất khó để dung hòa cả hai. Nguyễn Kiên rất thấu hiểu cuộc sống nông thôn và ông thông cảm với những khó khăn, vất vả, cả những hy sinh của người cán bộ lãnh đạo ở nông thôn.
Keng trong Anh Keng cũng là những người cán bộ lãnh đạo giàu tâm huyết, vì công việc chung mà không quản ngại khó khăn, vất vả. Anh Keng
vốn sinh ra trong một gia đình mọi quyền quyết định đều ở bố. Bố anh định liệu tất cả. Ngay cả tương lai của anh, bố anh cũng đã xếp đặt cho cả rồi... Anh sống cằn cỗi như một cụ già, vừa ngây thơ như một trẻ nhỏ. Thế rồi anh được bầu vào làm đội trưởng đội sản xuất. Ban đầu công việc đội trưởng của anh cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là chiến dịch cấy lúa Nam Ninh. Người ta sợ hỏng ăn, ngại vất vả nên phản đối quyết liệt. Anh không chỉ phải giải thích, vận động bà con mà phải đi đầu trong mọi công việc đồng áng: “Keng trực tiếp phụ trách nhóm thợ cày. Hôm nào anh cũng dậy từ tờ mờ đất, đi dẻo một lượt, khua các ông thợ cày dậy. Trở về nuốt vội mấy lưng cơm, anh lại đi dẻo lượt nữa, kỳ khi nào các ông ấy đã đi hết, anh mới đánh trâu theo” [32, 149]. Nhờ nhiệt tình, hăng say và quyết tâm của anh Keng mà cuối cùng chiến dịch cấy Nam Ninh muôn vàn khó khăn cũng đã thành công. Anh lấy Lạt, chẳng mấy chốc đôi vợ chồng trẻ đã có một cậu con trai bụ bẫm. Nhưng cũng vì thế mà vợ chồng anh lại càng bận bịu thêm, nào việc nhà, việc nước thế nhưng anh Keng vẫn không hề bê trễ công việc chung: “Keng đi suốt ngày, đêm đến lại họp hành, mờ cả mắt. Ấy thế mà về đến nhà, nhiều khi cơm nước vẫn chưa xong, con chưa đi đón về” [32, 163]. Kể cả những ngày giáp tết, anh vẫn cứ phải lăn lộn với công việc: “Hai mươi chín Tết, Keng vẫn phải chạy suốt ngày vì theo quyết định chung, đội anh phải dốc toàn lực ra đồng cấy cho xong. Tối nhọ mặt người, Keng mới về nhà, bụng đói meo, chân tay mỏi rã rời” [32, 164]. Mặc dù chỉ là một đội trưởng đội sản xuất nhưng anh Keng đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của một người cán bộ lãnh đạo. Chính những người như anh góp phần không nhỏ cho sự thành công của công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp ở nước ta lúc bấy giờ.
Trong truyện ngắn Nguyễn Kiên vẫn thấp thoáng xuất hiện những cán bộ lãnh đạo còn thiếu tâm huyết với công việc chung, vì lợi ích cá nhân, gia đình hơn là lợi ích tập thể. Đó là ông đội trưởng Lung trong tác phẩm Anh
Keng. Ông ta có nhiều tật xấu “Chẳng hạn như chuyện ông Lung dành ruộng mượt bùn cho vợ cấy, ruộng ít cỏ cho vợ đi vơ cỏ là dành thửa nào, ở đồng nào, chuyện ông Lung bày cho vợ gánh phốt phát bằng thúng ướt rồi đem thúng về giặt, lấy nước tưới rau...” [32, 141]. Bên cạnh đó còn một số cán bộ làm việc theo kiểu đối phó với cấp trên, làm việc một cách lưng chừng thiếu nhiệt huyết, say mê, thích làm theo ý riêng của mình. Đó là ông chủ nhiệm Yên Hòa trong Nhữ và Thêm: “Nói tóm lại ông chủ nhiệm Yên Hòa là một người mà cán bộ cấp trên về làm việc với ông ta, thật dễ mà thật khó. Ông ta không tranh luận, không phản đối, anh đề ra việc gì lập tức ông ta bắt tay vào thực hiện ngay nhưng chỉ thực hiện có chừng mực và nhẹ nhàng lái nó đi theo ý riêng(...) Có giời biết ông chủ nhiệm Yên Hòa đã “pha chế” những điều chúng tôi bàn bạc ra thành cái gì? Ông ta không làm gì sai đến mức huyện phải khiển trách, nhưng cũng không bao giờ tiến bước lên hàng đầu. Bao giờ cũng chỉ lửng lơ và ông ta lửng lơ được là nhờ sự “pha chế” [32, 187]. Khác với mảng tiểu thuyết của Nguyễn Kiên, đối tượng những cán bộ này còn xuất hiện nhiều thì trong truyện ngắn của ông chỉ xuất hiện thoáng qua, không rõ nét. Nghĩa là Nguyễn Kiên khi xây dựng người cán bộ lãnh đạo trong truyện ngắn của mình ông vẫn luôn luôn đặt niềm tin vào phẩm chất đạo đức tốt đẹp của họ, tin vào nhiệt tình của họ với công việc, với phong trào của tập thể.