Ngôn ngữ dân dã, đời thường, gần gũi với người nông dân

Một phần của tài liệu Nông thôn và người nông dân trong truyện ngắn nguyễn kiên (Trang 120)

7. Cấu trúc luận văn

3.3.1.Ngôn ngữ dân dã, đời thường, gần gũi với người nông dân

Văn học là loại hình nghệ thuật ngôn từ. Vì thế những tác phẩm văn học có giá trị cao đều được nhà văn sử dụng ngôn từ giàu tính nghệ thuật. Trong đó “ngôn ngữ người trần thuật chẳng những có vai trò then chốt trong phương thức tự sự mà còn là yếu tố cơ bản thể hiện phong cách nhà văn, truyền đạt cái nhìn, giọng điệu, cá tính của tác giả” [17; 213].

Nguyễn Kiên là nhà văn sinh ra ở làng quê Việt Nam, nơi làng Lụa, Vạn Phúc, Hà Đông và có một thời gian dài đi thực tế “ba cùng” với bà con nông dân. Vì lẽ đó văn phong của Nguyễn Kiên có một đặc điểm: dân dã, đời

thường, gần gũi với bà con nông dân khiến cho các tác phẩm của ông vừa mang nét riêng rất đặc sắc, phản ánh đúng cuộc sống nông thôn và phù hợp với đề tài mà ông chuyên tâm theo đuổi - đề tài nông thôn và nông dân.

Trong nhiều tác phẩm của mình, Nguyễn Kiên không quá dụng công trong lựa chọn ngôn ngữ cũng như không phải đắn đo cân nhắc nhiều khi thể hiện lời nói của nhân vật. Nhân vật của ông thường nói những lời nói hàng ngày của người nông dân nơi thôn quê: Cấy lúa như đánh bạc, ai thắc mắc làm quái gì!, Còn xem làm quái gì nữa. Tong mẹ nó phương án rồi, các ông “quản trị, quan em” ơi!, Thôi, trọc đầu càng mát, Ấy, nhà Đởm nó cứ chơi xấu thế đấy. Chả trách ngoảng đi ngoảng lại nó đã làm được nhà ngói rồi đấy, Mười lăm đồng một cân cũng nhắm mắt ngửa thúng ra... Như vậy trong lời nói của họ cứ xuất hiện trở đi trở lại những lúa, gạo, phương án, hợp tác xã, nhà ngói, sân gạch... những thứ vốn gắn bó mật thiết, là mối quan tâm thường nhật của họ. Trong đối thoại người nông dân cũng thường hay nói trống không: Vò rơm à?, Không; Trông đấy thì biết còn phải hỏi, Chắc đập sót đấy (Người yêu ngày trước); Ăn rồi, Lại đi đâu?, Thả nó ra, Đừng đùa

(Những người đàn bà ở làng);`Bây giờ í?, Mai nhá, Ừ,mai, Ngâm mạ, Ừ, ngâm mạ (Anh Keng). Trong những ngữ cảnh nhất định người ta cho phép tĩnh lược thành phần trong lời thoại mà đối tượng giao tiếp vẫn có thể lĩnh hội được. Tuy nhiên ở một phương diện khác ta thấy kiểu đối thoại như thế này nó thể hiện sự đơn giản trong tính cách của nhân vật và mối quan hệ thân mật, suồng sã của họ. Ngôn ngữ của những người nông dân thường chất phác, mộc mạc, suồng sã, pha chút tục tĩu. Không phải là thứ ngôn ngữ sắc sảo, trau chuốt, gọt giũa, khách khí. Tâm trạng, suy nghĩ của họ được bộc lộ ngay trong ngôn ngữ, không chút dấu giếm, đặc biệt là những lúc họ bức tức hoặc mâu thuẫn với một ai đó. Đây là lời của ông Keng quát bà Keng khi bà lên chợ huyện bán trứng đề người ta bớt mất hai xu:

“- Đồ khôn nhà dại chợ, đã lên đến trên ấy, không bán được chín xu thì thôi chứ, của thêm vào chẳng có lại có của bào ra!

Bà vợ cãi:

- Dào, hai đồng xu thì làm gì, cũng coi như tôi uống bát nước chè tươi... Ông Keng quắc ngay mắt lên:

- Lại còn quạc cái mồm ra nữa à? Uống bát nước nó khác, nó béo bổ vào thân mình. Đằng này đi ném vào chỗ giời ơi đất hỡi, dễ rồi người ta ơn đời mình đấy. Nay hai xu, mai hai xu...” [32, 132-133]. Trong lời của ông Keng ta thấy tính cách gia trưởng cùng bản tính tằn tiện, chắt lót nhiều khi đến thành keo kiệt. Người nông dân là thế, quanh năm đầu tắt mặt tối, vất vả cực nhọc nhưng họ cũng chẳng dám hoang phí một đồng. Suốt đời họ góp nhặt, ki cóp không phải cho mình mà cho con, cháu của họ. Còn đây là lời nói có phần suồng sã, pha chút tục tĩu của người nông dân: “- Cha bố mày, ngu như con bò. Những đứa bên hợp tác xã có phải cháu ông đâu. Chúng nó làm cho nhà mình à!” (Mảnh lụa vân): “Các mẹ trẻ ngứa ngáy cái gì mà ghê ghớm thế kia?... Nhà chị mù à? Tôi đã giơ dây ở đây, sao nhà chị lại giổ lên” (Vụ mùa chưa gặt); “Thôi được mày đã chó đen giữ mực thì ông cho mày miếng đất ở bìa làng, vợ chồng đem nhau ra đấy mà ở. Cái cơ ngơi này ông để cho thằng Chỉnh, ông lập nó làm trưởng, ông không cần mày. Đồ ngu như con chó, làm cỗ bưng đến tận miệng cho ăn còn bõ. Chúng mày giỏi, chúng mày tự tạo lấy, túng thiếu đừng có vác rá đến nhà ông... Tôi đã bảo với bà rằng họ nhà tôi không phải họ nhà tôm, cứt lộn lên đầu, bà đã hiểu chưa?” (Anh Keng). Ngôn ngữ xưng hô, gọi tên của các nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Kiên cũng mang tính đặc trưng của người nông dân. Xưng hô trong mối quan hệ vợ chồng: Nhà ơi, Mẹ cái Cam (Cam là tên của con đầu), Mẹ đĩ, U em. Gọi tên những người lớn tuổi hơn mình là, gọi tên những đứa trẻ con một cách thân mật: các nhóc, gọi bí thư chi bộ xã là ông bí, đặc biệt nam nữ thanh niên gọi nhau thường là: đằng ấy, chị ấy:“- Đằng ấy... đi chơi với tớ

cái đi!” [32, 135] “- Tớ có cái khăn vuông len đẹp lắm, hôm nào tớ đưa cho đằng ấy chít, chít cái khăn kia phí hoài cả đời người đi!” [32, 262] “Còn nhà chị ấy, vừa vừa cái mồm chứ. Nhà chị là người đứng đắn...” [32, 139]. Đó là kiểu xưng hô, gọi tên vốn rất quen thuộc trong ca dao, dân ca nhất là ca dao, dân ca về tình yêu nam nữ.

Trong truyện ngắn Nguyễn Kiên viết về đề tài nông thôn và người nông dân, ta bắt gặp rất nhiều các thành ngữ, tục ngữ, ca dao với nhiều kiểu loại phong phú, được sử dụng một cách linh hoạt: có khi chúng được dùng nguyên dạng, có khi chúng được sử dụng một cách sáng tạo bằng cách thay đổi trật tự từ, thêm bớt từ hoặc mượn ý với cách diễn đạt mới...vừa thể hiện cuộc sống, tính cách, tình cảm, tâm trạng, lối sống của người nông dân vừa tạo nên một không gian nghệ thuật rất đặc trưng trong truyện ngắn của ông. Đó là các thành ngữ, tục ngữ như: Lấy thịt đè người,, Giời đánh thánh vật, Dãi nắng dầm mưa, Đi guốc vào bụng, Vơ đũa cả nắm,Đàu bò đầu bướu, Chửi chó mắng mèo, Không khăn không khố (Khố rách áo ôm), Ngậm bồ hòn

(Ngậm bồ hòn làm ngọt), Được bữa này không biết bữa mai (Được bữa này hay bữa mai), Đất khách quê người, Không ai nắm tay được đến tối, gối tay được đến sáng, Lắm người nhiều điều, Có ăn nhạt mới biết thương mèo... Nguyễn Kiên cũng vận dụng rất nhiều câu ca dao vào lời nói của nhân vật tạo sự uyển chuyển trong ngôn ngữ, vừa đậm chất nông dân: Hỡi cô yếm trắng lòa lòa. Sao cô không bảo mẹ già nhuộm thâm. Hay: Hóa ra như thể con tằm, cùng ăn một lá, cùng nằm một nong. Hóa ra như thể con ong, con xoắn con xuýt con trong con ngoài. Hoặc: Chàng đưa khăn gói thiếp mang.Nặng nề thiếp gánh cho chàng đi không!. Chẳng duyên, chẳng nợ, chẳng tình, đồng không quãng vắng... (Chẳng duyên chẳng nợ chẳng tình. Đồng không quãng vắng sao mình gặp ta), Gái khôn tránh khỏi đò đưa. Trai khôn tránh khỏi vợ thừa người ta...Nông thôn với đời sống nông nghiệp, văn minh lúa nước

chính là khởi nguồn cho kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam. Những nét đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc tích lũy từ ngàn đời được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác qua con đường truyền miệng đã trở thành nguồn văn hóa nuôi dưỡng bao tâm hồn Việt. Nhờ thế mà ngôn ngữ Việt ngày nay trở nên phong phú và giàu tính dân tộc biết nhường nào. Tận dụng sự giàu có từ văn hóa dân gian, Nguyễn Kiên đã đưa vào trong tác phẩm của mình nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao gắn liền với đời sống nông thôn truyền thống. Nó tạo ra một phong cách ngôn ngữ gần gũi quen thuộc, góp phần vào việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, làm phong phú kho tàng ngôn từ nghệ thuật của nền văn học nước nhà. Thành công của nhà văn chính là sự khẳng định “tiếng ta”là thứ tài sản quý báu và mỗi người đều phải có trách nhiệm gìn giữ, nâng niu, trân trọng và phải luôn làm mới nó.

Một phần của tài liệu Nông thôn và người nông dân trong truyện ngắn nguyễn kiên (Trang 120)