7. Cấu trúc luận văn
3.2.1. Giọng ngợi ca, tin tưởng
Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ ne vơ về đình chiến ở Đông Dương như một nét gạch nối đậm nét giữa hai thời kì phát triển của lịch sử dân tộc. Chúng ta đã kết thúc cuộc kháng chiến chín năm trường kì gian khổ bằng sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước toàn dân. Chúng ta bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng niềm tin sâu sắc và sự quyết tâm cao độ. Hơn nữa miền Nam vẫn còn chìm trong máu lửa, vẫn không chịu sống quỳ, vùng lên tự giải phóng. Trong bối cảnh xã hội ấy văn học nói chung, truyện ngắn của Nguyễn Kiên nói riêng bám vào hai nguồn mach chính: truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc trong lịch sử và kháng chiến, công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội với một giọng điệu ngợi ca, tin tưởng.
Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nông thôn đã đem lại biết bao đổi thay cơ bản trong cuộc sống xã hội, trong tâm tư, tình cảm và ước mơ của con người. Một loạt truyện ngắn của Nguyễn Kiên thời kì này như: Vụ mùa chưa gặt, Mảnh lụa vân, Kỉ niệm ruộng đất, Nhữ và Thêm, Con Nâu, Người yêu
ngày trước, Anh Keng... đã ngợi ca tinh thần góp ruộng, góp trâu, góp công sức của người nông dân vào công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp; tinh thần hăng hái tham gia sản xuất, cải tiến kĩ thuật; tinh thần chủ động, dám nghĩ dám làm...của người nông dân. Đây là không khí một buổi thanh niên làng tổ chức đưa đám cái tư hữu: “Bọn Khắc làm một cái quan tài giả, khiêng đi dọc làng, vào lúc chạng vạng tối. Một anh chàng ngỗ ngược đi trước đánh thanh la. Rồi đến một đội bát âm với cái trống khẩu kêu bập bõm như người bước hụt, hai cái nhị rầu rĩ chẳng ăn nhịp vào đâu hết và bốn anh chàng gầy nhẳng khiu gân cổ, đỏ mặt lên thổi những bài kèn não nuột một cách hài hước. Sau cùng là đoàn các cô gái vừa đi vừa xô đẩy nhau, úp mặt vào vai nhau mà cười. Chanh được phân công cùng Khắc gọi loa tuyên án cái thây ma tư hữu khi còn sống đã gây đủ mọi tội lỗi như thế nào...” [32, 46]. Rõ ràng trong đoạn văn có chất giọng hài hước bởi tính chất hình thức và còn nhiều ngây thơ trong việc làm của bọn Chanh, Khắc; tuy nhiên không phải là kiểu cười trào phúng mà là cái cười đôn hậu, tin tưởng của tác giả. Nhà văn đặt một niềm tin vào tinh thần hăng hái, nhiệt tình của những thanh niên nông thôn trong không khí mới, cuộc sống mới. Họ là lực lượng hùng hậu quyết định đến thành công của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta lúc bấy giờ. Tinh thần hợp tác xã còn ngấm sâu vào cả những đưa trẻ như Trung trong Mảnh lụa vân: “Trong tiếng thoi reo vang, đứa cháu cảm thấy ông mình có cái gì xa lạ. Nghe mẹ nói về lai lịch mảnh lụa mẫu do ông cải hoa. Trung nghĩ: “Hỏng rồi! Hợp tác xã muốn dệt thứ lụa vân của ông. Nhưng ông lại giấu mẫu hàng. Mẹ sợ ông. Chỉ có mình thôi, mình phải liệu mới được” [32, 32]. Một đoạn văn diễn tả độc thoại nội tâm của một đứa trẻ. Trẻ con vốn vô tư hồn nhiên trước mọi vấn đề của cuộc sống, thế nhưng em bé Trung đã biết trăn trở, suy nghĩ, xác định trách nhiệm của mình trước công cuộc lớn của đất nước. Đối với Trung ông có một cái gì xa lạ, bởi tư tưởng tư
hữu ăn sâu và không thể thay đổi được nơi ông. Chỉ có Trung mới có thể đưa mẫu hàng hoa đẹp nhất mà ông có được vào hợp tác xã, đưa những mẫu hàng đó cùng với hợp tác xã của Trung đi xa. Rõ ràng trong sáng tác của Nguyễn Kiên cách mạng xã hội chủ nghĩa là cuộc cách mạng sâu rộng và triệt để nhất trong lịch sử. Nó tác động tới mọi lĩnh vực của cuộc sống, làm cho con người phát triển trên nhiều phương diện. Những con người của thời đại mới có sự thay đổi sâu sắc về nhận thức và tình cảm, biết quan tâm tới nhiều vấn đề của xã hội, biết sống vì tập thể.
Với Nguyễn Kiên phong trào hợp tác hóa nông nghiệp cũng tạo ra một khí thế rộn ràng tươi vui, hồ hởi, phấn khởi tràn ngập khắp thôn cùng ngõ hẻm. Nó tạo nên một nguồn sức mạnh to lớn để đổi mới bộ mặt nông thôn. Theo chủ trương của Đảng, hợp tác hóa nông nghiệp sẽ kết hợp chặt chẽ với cải tiến kĩ thuật và phát triển sản xuất, hợp tác hóa đi đôi với thủy lợi hóa và tổ chức lại sản xuất, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Lao động tập thể đã làm cho nhiều đoàn viên thanh niên khắp các vùng nông thôn miền Bắc phát huy tính chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và thay đổi dần cả một nếp sống, một phong trào lao động thụ động xưa cũ. Đây là hình ảnh của Mận trong công việc cải tạo đất bạc màu: “Mận đi kiểm tra từng hàng một, bà nào cấy nhiều dảnh phải nhổ lên cấy lại, nhiều lúc đâm ra cáu gắt nhau ầm ĩ...Mận theo dõi quá trình sinh trưởng của cây lúa thí nghiệm. Ngày nào cô cũng ra ruộng nhìn mặt trời, đo mực nước, vạch từng khóm lúa ra xem xét rồi ghi tỉ mỉ vào sổ” [32, 118]. Câu văn được tách thành nhiều vế, cung cấp nhiều thông tin “ra ruộng nhìn mặt trời, đo mực nước, vạch từng khóm lúa ra xem xét rồi ghi tỉ mỉ vào sổ” chứng tỏ sự nhanh nhẹn, hoạt bát, nhiệt tình của Mận. Không phải kiểu sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên như ngày xưa mà bây giờ họ đã biết áp dụng khoa học kỉ thuật. Họ chủ động, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm thực hiện bằng được công việc của mình cho dù
nhiều lúc họ cũng vấp phải nhiều cản trở. Như vậy công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta lúc bấy giờ đã tạo nên một lớp người mới - người chủ thực sự của nông thôn xã hội chủ nghĩa. Và Nguyễn Kiên cũng đã cho người đọc thấy rằng thắng lợi của chủ nghĩa xã hội chính là ở chỗ đã tạo nên một con đường tự giác trong nhận thức, tình cảm của mọi người; nó đã thực sự tạo được sức mạnh cuốn hút người nông dân; nó đã đem lại một cuộc sống hơn hẳn, mới hẳn và mỗi người nông dân khi soi mình vào đó thấy gương mặt của mình tươi vui hơn.
Ngày mồng 5-8-1964, những quả bom đầu tiên của không quân Mỹ đã dội xuống miền Bắc Việt Nam. Một thời kì dữ dội, khốc liệt và oai hùng nhất của của dân tộc Việt Nam bắt đầu. Một cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã diễn ra trên toàn bộ dải đất hình chữ S. Mảnh đất miền Bắc mới hồi sinh sau mười năm khôi phục phát triển kinh tế, những vết thương chiến tranh chưa kịp hàn gắn đã phải đối mặt với hàng chục triệu tấn bom đạn. Nội dung tác phẩm văn học cũng như mục đích của các tác giả trong thời kì chống Mỹ chủ yếu hướng vào sự ngợi ca các chiến công, các kì tích anh hùng của người dân lao động bình thường. Ta bắt gặp trong truyện ngắn Nguyễn Kiên những anh lính trinh sát, những cô thanh niên xung phong, những anh bộ đội cụ Hồ anh dũng: “Lần này anh đi xa. Anh đã trở thành một lính trinh sát pháo binh. Bọn anh dựng trạm trên đỉnh núi và suốt ngày phải thay nhau dán mắt vào ống kính nhìn lên bầu trời xanh thẳm...Mây làm vướng mắt chúng tôi. Đồng chí chính trị viên đơn vị bảo chúng tôi là không được bực tức, vì mây trời cũng là mây của Tổ Quốc. “Mây của Tổ Quốc...”, đã bao giờ cô nghĩ như vậy chưa?...”[32, 208-212]. Đoạn văn viết về chiến tranh, về những con người trong chiến đấu nhưng không đi vào miêu tả cái dữ dội, cuồng phong của trận chiến; tính chất đằng đằng sát khí của chiến sỹ; nghĩa là trong truyện ngắn Nguyễn Kiên không tạo nên âm hưởng dài hơi và điệp khúc hùng hùng của
người người lớp lớp mà là âm hưởng nhẹ nhàng, sâu lắng của suy nghĩ, tình cảm.Tình yêu Tổ Quốc đã ăn sâu vào máu thịt của người lính trinh sát. Anh yêu tất cả và chiến đấu vì tất cả. Mây làm vướng mắt anh nhưng anh vẫn yêu vì đó là “mây của Tổ Quốc”. Còn đây là hình ảnh bố con ông Thức trong tác phẩm Trong làng: “Hai bố con ông Thức nhất quyết ở lại làng, chống chọi với cái bốt mang tên làng mình đang mọc lù lù ở ngã ba” [32, 235]. Câu văn dài, chia thành nhiều vế cộng với những từ ngữ như “quyết”, “chống chọi” thể hiện một sự quyết tâm cao độ của hai bố con ông Thức. Và ẩn chứa trong câu văn còn là lòng sục sôi căm hận. Bố con ông Thức cũng như cái làng Trung Nghĩa của họ: “Những mảnh đất cũ vẫn còn. Cỏ dại nhú lên những mầm non xanh. Đầu những cành cây gãy, nhựa vẫn rỉ ra trắng như sữa. Chim chóc đã lác đác bay về. Mặt trời ấm áp vẫn chiếu xuống những nền đất cũ và tất cả những chuyện vui buồn của từng nhà vẫn cứ lồ lộ hiện ra, không run sợ, không che dấu” [32, 238]. Trong đau thương vẫn bất khuất, trong hoang tàn vẫn xanh tươi. Một loạt hình ảnh trong đoạn văn: “cỏ dại nhú lên những mầm non xanh”, “chim chóc đã lác đác bay về”, “mặt trời ấm áp vẫn chiếu” không chỉ diễn tả sức sống của cây cỏ mà còn là sức sống của con người. Một sức sông bất diệt không sức mạnh bạo tàn nào có thể khuất phục được. Những người nông dân thuần phác, quanh năm chỉ biết có cày cấy, ruộng vườn ấy quyết bám trụ với đất làng, quyết không bỏ làng để chờ bộ đội về gây dựng lại phong trào. Những con người ấy rất đỗi bình thường mà vĩ đại vì mang trong mình lý tưởng cách mạng cao đẹp, sẵn sàng xả thân bảo vệ quê hương, Tổ Quốc. Tất cả họ đều sống chung với bom đạn Mỹ nhưng họ dám coi thường, vượt lên tất cả mọi hiểm nguy.
Như vậy giọng điệu ngợi ca tin tưởng là giọng điệu chủ đạo trong truyện ngắn của Nguyễn Kiên viết về đề tài nông thôn và người nông dân. Giọng điệu ấy được thể hiện qua việc tái hiện lại không khí của phong trào
hợp tác hóa nông nghiệp ở nước ta những năm sau hòa bình lập lại, trong cách xây dựng hình tượng những người nông dân- anh hùng trong lao động sản xuất và chiến đấu, thể hiện qua nghệ thuật xây dựng hình tượng biểu trưng cho sức sống mãnh liệt của dân tộc. Đằng sau những vỉa ngầm của ngôn ngữ cuồn cuộn những cảm xúc trào dâng, những trang văn được viết bằng những trải nghiệm cá nhân trong truyện ngắn của Nguyễn Kiên đã khẳng định sự vĩ đại của dân tộc qua những thăng trầm lịch sử đau thương, nhưng cũng rất đỗi hào hùng. Trong các truyện ngắn của ông vẻ đẹp của con người và dân tộc Việt thể hiện qua sức sống mãnh liệt, nghị lực phi thường cùng niềm tin bất diệt vào ngày mai tươi sáng của dân tộc