Tp.HCM.
- Các KĐTM phát triển trong các khu vực nội thành hiện hữu:
Giai đoạn đầu, các dự án khu dân cư, KĐTM phát triển tập trung trong khu vực nội thành hiện hữu, trên cơ sở cải tạo và phát triển các khu ở hiện có, những quỹ đất chưa phát triển dọc kênh rạch, tái phát triển các quỹ đất sau khi di dời khu sản xuất, các khu đất chuyển đổi công năng và tận dụng các cơ sở hạ tầng chung của đô thị… Các khu đô thị này có quy mô nhỏ, từ vài hecta đến vài chục hecta, thực chất là phát triển các khu nhà ở nhằm đáp ứng quỹ nhà ở đô thị. (Khu dân cư Rạch Miễu Phan Xích long, Khu K300 Cộng Hòa, Khu dân cư Hồ Văn Huê, Khu căn cứ 26 Q. Gò Vấp, Khu dân cư P.25 Q.Bình Thạnh,…) [Hình 1 – 9].
- Các KĐTM được đầu tư và phát triển trong khu vực các quận nội thành phát triển và ngoại thành
Năm 1994 – 1995, khi dự án KĐTM Nam Sài Gòn được nghiên cứu lập quy hoạch phát triển và đầu tư, tạo cơ sở phát triển và mở rộng đô thị Tp.HCM về phía Nam. Cùng với định hướng QH không gian và phát triển mạng lưới giao thông kết
nối với các Quận Huyện và khu vực trong định hướng quy hoạch chung và quy hoạch vùng Tp. HCM góp phần hình thành rất nhiều KĐTM tập trung phát triển ở khu vực giáp ranh nội thành và khu vực ngoại thành, trên cơ sở chuyển đổi các quỹ đất sản xuất nông nghiệp sang phát triển đô thị. Các KĐTM này có quy mô trung bình và lớn được phân bố chủ yếu ở một số khu vực sau:
+ Khu vực phát triển về Phía Nam Tp gồm Quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh.
Các KĐTM đa phần tập trung phát triển trên các trục giao thông chính như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Lương Bằng, Chánh Hưng, Phạm Hùng…, bao gồm khu ĐTM Phú Mỹ Hưng, Phú Mỹ, Nam Long, Him Lam, Trung Sơn, Phú Long,…với các đặc điểm chính: Khu vực được thuận lợi về vị trí, gần trung tâm thành phố (khu Phú Mỹ Hưng cách trung tâm Tp khoảng 5km); Hệ thống hạ tầng giao thông chính kết nối tốt với khu vực trung tâm thành phố, hạ tầng kỹ thuật ngoài ranh KĐTM được hoàn thiện tốt, làm đòn bẫy phát triển đô thị; Hệ thống hạ tầng trong ranh dự án được đầu tư tương đối đồng bộ, đặc biệt là KĐTM Phú Mỹ Hưng; Hệ thống hạ tầng XH và các dịch vụ công cộng đô thị trong tổng thể khu đô thị Nam Sài Gòn được định hướng QH ngay từ đầu và được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, tương đối đầy đủ; Riêng đối với khu vực huyện Nhà Bè, trong tương lai đây là khu vực có nhiều dự án phát triển đô thị như KĐTM Quốc tế GS - Nhà Bè, KĐT cảng Hiệp Phước,… có vị trí tương đối độc lập, cách xa khu vực trung tâm thành phố, thuận lợi để phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở đồng bộ.
Tuy nhiên khu vực này tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong định hướng phát triển chung của thành phố như: trên tuyến giao thông huyết mạch Nguyễn Hữu Thọ kết nối khu vực với trung tâm thành phố, mật độ dự án khu ĐTM tập trung cao ( Khu Him Lam Kênh Tẻ, khu Phú Long, Phú Hoàng Anh, KenTon,…), xây dựng các công trình bám sát mặt đường sẽ ảnh hưởng đến khả năng lưu thông và an toàn trong tương lai; hơn nữa khu vực này là vùng trũng của thành phố, địa chất đất rất yếu, nguy cơ gây ngập lụt cao do phát triển đô thị và tác động của biến đổi khí hậu.
+ Các KĐTM phát triển ở khu vực phía Đông, Đông Bắc thành phố ( Quận 2, Quận Thủ Đức, Quận 9)
Trước đây, động lực phát triển chính của khu vực này là trục Quốc lộ 1A, với việc hình thành các KĐTM và khu dân cư như: Khu ĐTM An Phú An Khánh, Thảo Điền, Nam Rạch Chiếc, KĐT công nghệ cao Quận 9, Làng Đại học quốc gia,…Hiện nay việc kết nối tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt (Đại lộ Đông Tây), Tỉnh lộ 25B, Đường cao tốc Tp. HCM ‒ Long Thành ‒ Dầu Giây, đại lộ Phạm Văn Đồng,… đã góp phần hình thành rầt nhiều các khu dân cư, KĐTM theo hướng phát triển này như: Khu Thạnh Mỹ Lợi, Đông Thủ Thiêm, Khu Thăng Long, đặc biệt là KĐTM Thủ Thiêm,… [Hình 1 – 11 ]
Đặc điểm của hướng phát triển này có nhiều thuận lợi như: tiếp giáp với lõi trung tâm thành phố; nằm trên hành lang phát triển nhiều khu chức năng trọng tâm của thành phố: Khu trung tâm mở rộng (khu ĐTM Thủ Thiêm), khu công nghệ cao, khu làng đại học quốc gia, khu công viên lịch sử văn hóa dân tộc và tuyến kết nối sân bay quốc tế Long Thành… Đây là khu vực thuận lợi phát triển các KĐTM, Tuy nhiên, cần quan tâm đến một số khu vực có những bất lợi về cao độ nền đất tự nhiên thấp, nền địa chất yếu…
+ Các Khu ĐTM phát triển theo hướng Tây, Tây Bắc ( Quận 12, Tân Phú, Bình Tân, Huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi)
Các dự án khu ĐTM, khu dân cư đa phần phát triển dọc tuyến Xuyên Á (Trường Chinh), trục Cộng Hòa, Tuyến đường vành đai trong, Quốc lộ 1A, Đường Nguyễn Oanh – Hà Huy Giáp, Quang Trung, Nguyễn Văn Quá, khu vực dọc Kênh Tham Lương và khu vực dự kiến trạm dừng tuyến Metro Bến Thành – Tham Lương… như Khu dân cư An Lạc – Bình Trị Đông Q. Bình Tân (81,41ha), Khu đô thị Vĩnh Lộc Q. Bình Tân (110 ha), Khu dân cư An Sương Q. 12 (65,74 ha), khu tái định cư 38 mẫu – trạm Metro Tham Lương - Q12, khu Celadon City ( 82ha – Quận Tân Phú)...[Hình 1 – 12]
Đặc điểm khu vực này tương đối xa lõi trung tâm thành phố, mạng lưới giao thông kết nối vào khu vực trung tâm bị hạn chế (ít tuyến chính dẫn vào, lộ giới đường nhỏ, mật độ lưu thông cao…), do đó ảnh hưởng đến tốc độ phát triển các KĐTM theo hướng này. Tuy nhiên đây là khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh và dân cư tập trung sống rất đông với mật độ cư trú cao, phát triển tự phát,… bởi những yếu tố như: gần các khu công nghiệp tập trung của thành phố thu hút lực lượng lao động nhập cư, điều kiện địa chất đất đai tốt, ít tốn kém chi phí xây dựng công trình, giá nhà đất không quá cao, tình hình xây dựng nhà trái phép…
- Xét về mối quan hệ của KĐTM với cấu trúc đô thị thành phố
Trên cơ sở phân tích vị trí, chức năng và mối quan hệ của KĐTM với tổng thể đô thị, có thể nhận dạng đặc trưng của các KĐTM như sau:
(1)Khu ĐTM “phụ thuộc” có quy mô nhỏ (20 – 50ha), cơ bản đây là những khu dân cư tập trung được đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật bên trong của dự án. Hầu như các khu ĐTM này phụ thuộc rất nhiều vào thành phố như cơ bản nhất là việc làm, hạ tầng xã hội, các dịch vụ giải trí…
(2) Khu ĐTM tương đối độc lập, bên cạnh chức năng ở là chính, thường gắn
thêm những chức năng khác như: Khu thương mại dịch vụ, khu y tế, khu công nghệ cao, khu vui chơi – giải trí, hay gần với các khu sản xuất tập trung, các khu vực tập trung đầu mối giao thông công cộng. Khu ĐTM dạng này tương đối hoàn chỉnh về phân bổ các khu chức năng, có khả năng cung cấp việc làm cho cư dân tại chỗ. Về quy mô khoảng vài trăm ha, có bán kính đi lại so với lõi trung tâm thành phố khoảng 10-20km và tiếp cận với mạng lưới giao thông chính của toàn đô thị,…
(3) Là những KĐTM có tính độc lập cao, xây dựng gắn kết với các chức năng
đặc biệt nào đó. Chúng có thể là những đô thị độc lập theo kiểu TP công nghiệp tập
trung, các tổ hợp nghiên cứu – công nghệ, vui chơi giải trí. Vị trí các KĐTM này có bán kính khá xa khu vực lõi trung tâm chính, như dự án khu đô thị Cảng Hiệp Phước, Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, …
Ngoài hệ thống các KĐTM được lập và đầu tư trong địa giới hành chính của TP. HCM còn xuất hiện hệ thống các khu đô thị mới của các tỉnh thành lân cận
được đầu tư tại các vị trí giáp ranh với TP. HCM và có mục đích chính là đáp ứng, khai thác nhu cầu trực tiếp của thành phố. Loại hình khu đô thị này được xác định là một thành phần trong sự phát triển của TP. HCM trong định hướng Quy hoạch vùng kinh kế trọng điểm phía Nam và QH vùng Tp.HCM [Hình 1 – 13 ].