Nội dung liên minh công-nông-trí trên một số lĩnh vực cơ bản

Một phần của tài liệu Liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức Việt Nam điều kiện mới (Trang 82)

7.3.1.Nội dung kinh tế của liên minh công - nông - trí

Hơn lúc nào hết phải tạo lập mối quan hệ tác động qua lại hữu cơ giữa các ngành kinh tế công nghiệp - nông nghiệp - khoa học, kỹ thuật thì mới đẩy mạnh được CNH, HĐH đất nước. Trong đó trọng tâm là đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Bên trong cơ cấu ngành kinh tế đó là một cơ cấu xã hội, mà vị trí, vai trò của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức là trụ cột, nền tảng. Trong quá trình hợp tác, liên kết giữa công - nông - trí nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thúc đẩy quá trình CNH, HĐH, đặc biệt là CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nội dung kinh tế của liên minh trước hết do yêu cầu đáp ứng hài hòa các nhu cầu, lợi ích kinh tế của các chủ thể tham gia vào khối liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và Nhà nước. Trong đó Nhà nước giữ vai trò trọng tài điều tiết hài hòa các quan hệ lợi ích. Để định dạng đúng nội dung kinh tế và giải quyết các lợi ích kinh tế, Nhà nước phải đưa ra và thực hiện đúng các chính sách kinh tế: chính sách giá cả, chính sách thuế; chính sách tiền lương; chính sách ưu tiên, chính sách bảo hiểm, bảo trợ, v.v…

Khi tạo lập mối quan hệ giữa công nghiệp - nông nghiệp - khoa học, kỹ thuật phải tính đến giá cả các mặt hàng, nhất là "giá cánh kéo" giữa hàng công nghiệp, hàng nông sản và hàng hóa thuộc khoa học, kỹ thuật, công nghệ.

Trên cơ sở quy luật kinh tế thị trường Nhà nước phải tính đúng, tính sao cho phù hợp giữa các loại giá trên thị trường thì mới tạo lập được liên minh công - nông - trí trên thực tế. Các chính sách thuế, thuế nông nghiệp, thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập v.v… cũng phải tính toán, cân nhắc khoa học mới góp phần giải quyết nội dung kinh tế của liên minh công - nông - trí ở nước ta hiện nay.

Các chính sách kinh tế phải tác động trực tiếp vào phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó có sự phát triển đa dạng của các thành phần kinh tế, các loại hình sở hữu. Sự quản lý của Nhà nước trong kinh tế thị trường định hướng XHCN trước hết ở chỗ phát huy vai trò điều tiết của Nhà nước đối với sự phát triển các thành phần kinh tế, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đều trở thành các động lực phát triển đất nước.

Quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nhằm tác động biến nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng hiện đại với mối quan hệ gắn bó giữa công nghiệp với nông nghiệp, giữa khoa học, kỹ thuật với nông nghiệp, làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Giải quyết hài hòa các lợi ích kinh tế cho các chủ thể tham gia vào liên minh, liên kết có ý nghĩa quyết định sự phát triển bền vững, hiệu quả của liên minh công - nông - trí ở nước ta - một nước quá độ lên CNXH từ một nền nông nghiệp lạc hậu với tỷ lệ lao động phần lớn là nông dân.

Để đạt mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì các chương trình, kế hoạch phát triển và liên kết giữa công nghiệp - nông nghiệp - khoa học, kỹ thuật phải được giải quyết trước hết ở nội dung kinh tế, lợi ích kinh tế, phù hợp giữa các chủ thể tham gia vào liên minh công - nông - trí. Vai trò của các chính sách kinh tế của Nhà nước có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện tốt nội dung kinh tế của liên minh.

Thực tiễn của việc thực hiện các nội dung kinh tế của liên minh công - nông - trí ở Việt Nam thời gian gần đây đã cho thấy hiệu quả của quan hệ liên minh, liên kết giữa 4 nhà (nhà nông, nhà công nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước) trên cơ sở giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế cho công nhân, nông dân, nhà khoa học, kỹ thuật và Nhà nước. Ở Công ty Mía đường Lam Sơn - Thanh Hóa và các mô hình kinh tế trang trại ở Thái Bình, Bắc Giang, Hà Nội,v,v… đều chứng minh tầm quan trọng của nội dung kinh tế của liên minh công - nông - trí trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH.

Một phần của tài liệu Liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức Việt Nam điều kiện mới (Trang 82)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(108 trang)
w