- Về hành vi:
14.1.2. nghĩa của giáo dục môi trường với sự phát triển của trẻ mầm non
Mỗi người chúng ta đều có thể cảm nhận được ảnh hưởng của môi trường ở một mức nào đó đến cơ thể và biết rằng môi trường là nguồn gốc của các tri thức cụ thể đầu tiên và để lại cho ta những cảm giác được lưu giữ suốt đời.
Trẻ em ở mọi nơi luôn tìm cách tiếp xúc với môi trường bằng mọi cách. Tất cả mọi sự vật, hiện tượng trong môi trường xung quanh (con người, động vật, thực vật, sông hồ, suối… ) đều có thể làm cho trẻ chú ý, làm chúng phấn khởi và cung cấp tri thức phong phú cho sự phát triển của trẻ. Sự chú ý của con người đến tự nhiên, sự gắn bó với chỗ vui chơi thời thơ ấu sẽ hình thành và phát triển tình yêu quê hương, đất nước và giáo dục tình cảm yêu nước. Màu sắc, hình dạng, mùi vị của các loài hoa, giọng hót của các loài chim, tiếng nước suối đổ, tiếng cọ của cọ, tiếng rì rào của lá, tiếng lạo xạo của cát dưới chân… đều có thể đem lại cảm xúc cho trẻ trước thiên nhiên và là nguồn tư liệu quý giá để phát triển ở trẻ tình cảm thẩm mỹ và giáo dục trí tuệ. Việc lĩnh hội được cách quan sát và lắng nghe thiên nhiên cho trẻ ngay từ thời thơ ấu, mở rộng tri thức cho chúng, hình thành xu thế hứng thú.
Môi trường là nguồn tri thức thực tế mà trẻ có thể lĩnh hội được một cách có ý thức dựa trên nhận thức cảm tính và giáo dục thái độ đúng với nó. Sự thiếu hụt tri thức, phản ánh đúng hiện thực hàng ngày có thể dẫn đến những thành kiến và mê tín dị đoan. Biểu tượng không đúng sẽ là nguyên nhân gây nên thái độ thiếu nhân hậu của trẻ đối với động vật, dẫn đến tàn sát chúng (ếch nhái, côn trùng … ). Điều này không chỉ làm hại môi trường, mà còn ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ, làm trẻ trở nên hung bạo hơn. Hơn nữa, việc sửa đổi những biểu tượng không đúng ở trẻ thường khó hơn là hình thành biểu tượng mới. Chính vì vậy, điều quan trọng là ngay từ lứa tuổi mầm non cần hình thành những tri thức đúng về môi trường.
Việc giáo dục môi trường cho trẻ sẽ góp phần giải quyết nhiệm vụ phát triển trẻ một cách toàn diện các mặt trí tuệ, đạo đức, lao động, thẩm mỹ.
- Giáo dục môi trường góp phần phát triển trí tuệ cho trẻ
Quá trình lĩnh hội tri thức về tự nhiên vô sinh, động vật, thực vật, con người và mối quan hệ đơn giản giữa các sự vật và hiện tượng tự nhiên phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.
Nhận thức của trẻ sẽ hoàn thiện các giác quan, tích lũy kinh nghiệm cảm tính ở trẻ, hình thành các khái niệm đơn giản. Việc lĩnh hội tri thức về môi trường có liên quan trực tiếp đến sự phát triển ở trẻ khả năng nhận thức, tư duy logic, chú ý, ngôn ngữ, sự quan sát, say mê … Để phát triển tư duy và hình thành thế giới quan duy vật, cần cho trẻ tiếp xúc sự vật hiện tượng xung quanh, dạy chúng tìm cách giải thích những hiện tượng quan sát được và có ý thức về mối quan hệ giữa chúng. Dạy trẻ quan sát (tập trung chú ý dến hiện tượng một cách có mục đích) là phát triển ở trẻ sự chú ý. Đây là phẩm chất tâm lý có liên quan chặt chẽ với sự phát triển trí tuệ, là điều kiện không thể thiếu được để chuẩn bị cho trẻ sẵn sang học tập ở phổ thông.
Trong quá trình giáo dục môi trường, trẻ không chỉ lĩnh hội tri thức về tự nhiên mà tình cảm trí tuệ ở trẻ cũng được hình thành. Cùng với khả năng quan sát, tính ham hiểu biết của trẻ cũng phát triển. I. P. Paplop coi đó là đặc điểm cơ bản của con người được thể hiện ở phản xạ tìm tòi định hướng. Ở trẻ mẫu giáo, phản xạ này thể hiện ở chỗ trẻ liên tục đặt ra các câu hỏi cho người lớn (“Đây là cái gì? Nó như thế nào? Tại sao nó lại như vậy?”). Do vậy, việc làm thỏa mãn tính ham hiểu biết của trẻ cần phải thực hiện ở bất kì nơi nào có thể làm được, lôi cuốn trẻ tham gia vào giải quyết các vấn đề khác nhau. Các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, sự ham hiểu biết của trẻ có liên quan tới việc lĩnh hội khả năng xác định những dấu hiệu đặc trưng của động, thực vật, xác định mối liên hệ giữa cấu tạo của các cơ quan riêng biệt và điều kiện sống của chúng.
- Giáo dục môi trường góp phần phát triển tình cảm đạo đức cho trẻ. Giáo dục trẻ tình yêu thiên nhiên, có thái độ giữ gìn, bảo vệ động, thực vật … Trẻ thường gắn bó và coi trọng những gì chúng tự chăm sóc. Sự đa dạng của động thực vật ở trường mầm non, việc trẻ trực tiếp chăm sóc chúng sẽ hình thành những phẩm chất nhân
cách quan trọng như thái độ coi trọng lao động, biết yêu lao động, có thói quen lao động, có trách nhiệm với công việc được giao.
- Giáo dục môi trường góp phần phát triển thể chất và lao động. Hình thành ở trẻ tình yêu lao động, thái độ bảo vệ tự nhiên, một số kỹ năng trồng cây và chăm sóc động vật. Điều quan trọng là trẻ phải cảm thấy thích thú trong quá trình lao động, kết quả lao động. Sự tiếp xúc và lao động trong tự nhiên còn cần thiết để củng cố sức khỏe của trẻ và phát triển thể chất cho chúng (phát triển các cơ và củng cố hệ thần kinh của chúng). Việc trẻ làm quen với lao động của người lớn trong tự nhiên, giáo dục sự tôn trọng lao động của người lớn cũng góp phần hình thành ở chúng tình yêu lao động.
- Giáo dục môi trường còn là phương tiện để phát triển thẩm mỹ. Cái dẹp của tự nhiên có thể ảnh hưởng đến mọi trẻ. Khi cho trẻ làm quen với tự nhiên, cần hướng sự chú ý của trẻ đến sự náo nhiệt của thiên nhiên như tiếng thác nước đổ, tiếng chim hót, tiếng côn trùng kêu, hình dạng và sắc thái của lá, mùi vị của hoa, sự vận động của động vật. Trong quá trình đó, trẻ học được cách cảm nhận vẻ đẹp của tự nhiên để từ đó chúng biết cảm nhận thế giới với mọi sự hấp dẫn và đa đạng của nó.