Môi trường kinh tế vĩ mô tác động theo nhiều hướng khác nhau đến sự hình thành và phát triển của cấu trúc sở hữu trong hệ thống NHTM. Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định sẽ thu hút các luồng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường tài chính trong nước, tăng cường các mối quan hệ liên kết lẫn nhau thông qua sở hữu cổ phần. Mối liên kết này sẽ giúp NHTM trong nước củng cố năng lực tài chính, tận dụng lợi thế về công nghệ và kinh nghiệm quản trị tài chính, quản trị rủi ro từ các tổ chức nước ngoài. Khi đó, sự ổn định kinh tế vĩ mô cùng với các chính sách khuyến khích đầu tư sẽ thúc đẩy các lợi ích mà SHC mang lại cho sự phát triển của các NHTM.
Hơn nữa, sự tham gia của các NH hay các cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ làm tăng tính cạnh tranh của thị trường tài chính trong nước. Sự cạnh tranh này sẽ thúc đẩy các NH trong nước hoạt động hiệu quả hơn, làm tăng tính ổn định của hệ thống NH. Từ đó sẽ góp phần hạn chế tác động tiêu cực của SHC đến sự an toàn và hiệu quả của hệ thống NHTM thông qua việc nâng cao các chuẩn mực về đảm bảo an toàn hoạt động cũng như năng lực quản trị rủi ro.
Ngược lại, những bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ gây ra các tác động tiêu cực đến thị trường tài chính nói chung và hoạt động của hệ thống NH nói riêng. Sự lành mạnh của hệ thống NHTM thể hiện ở hiệu quả kinh doanh, sự an toàn và khả năng chống đỡ rủi
ro, sẽ suy giảm do ảnh hưởng lan tỏa và tác động truyền dẫn rủi ro của SHC giữa các
NH và giữa NH với khu vực kinh tế.
Thể chế kinh tế cũng là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự tác động của SHC đến sự lành mạnh của hệ thống NH. Theo Phạm Duy Nghĩa (2012),
thể chế kinh tế được hiểu theo nghĩa rộng “gồm những luật chơi chính thức hoặc phi
chính thức định hình nên phương thức ứng xử của con người”. Thể chế chính thức bao gồm các quy định pháp luật, các thiết chế thi hành và những quy trình kiểm soát quyền lực công cộng khác được thực hiện bởi những cơ chế khách quan. Thể chế phi chính thức bao gồm các quy tắc bất thành văn, quy phạm được tuân thủ trong quan hệ giữa các nhóm người.
Một thể chế kinh tế phù hợp với việc tăng tính tuân thủ pháp luật, tăng hiệu quả ban hành và thực thi các chính sách, là một trong những tiền đề để phát triển kinh tế nói chung và hệ thống NHTM nói riêng. Khi đó, các mối quan hệ SHC và tác động của SHC đến sự lành mạnh của hệ thống NHTM được kiểm soát chặt chẽ, để hạn chế các tác động tiêu cực cũng như thúc đẩy các tác động tích cực vốn có của nó.
Đặc điểm và mức độ phát triển hệ thống tài chính của mỗi quốc gia ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển SHC. Trong HTTC dựa vào ngân hàng (bank-based financial system), các NH đóng vai trò chủ đạo trong việc huy động và phân bổ nguồn vốn, giám sát các quyết định đầu tư của nhà quản lý DN. Các NH thường hình thành các mối liên kết với nhau và với khu vực tư nhân để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, đồng thời gia tăng mối quan hệ sở hữu để đảm bảo nguồn vốn ổn định, giảm thiểu rủi ro từ các cú sốc bên ngoài. Như vậy, HTTC dựa vào NH tạo điều kiện cho sự phát triển mạng lưới SHC. Sự gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau càng làm cho các tác động tiêu cực của SHC ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến sự lành mạnh của hệ thống NH.
Trong khi đó, với HTTC dựa vào thị trường (market-based financial system), thị trường chứng khoán (“TTCK”) có vai trò tích cực trong việc đa dạng hóa và cung cấp các công cụ để luân chuyển vốn, quản lý rủi ro, đồng thời cũng khắc phục được nhược điểm của HTTC dựa vào ngân hàng. TTCK phát triển sẽ thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư với sự đa dạng hóa của các sản phẩm tài chính. Khi đó, các NH sẽ dễ dàng huy động vốn trên TTCK, thay vì huy động vốn dựa vào các mối quan hệ hay đi vay các NH khác. Điều này giúp cơ cấu cổ đông của NH đa dạng, làm giảm quan hệ SHC lẫn nhau giữa các NH và giữa các NH với DN. TTCK có tính thanh khoản càng cao thì
mối quan hệ lâu dài giữa DN và người cho vay (các nhà đầu tư trên thị trường) mang
tính lỏng lẻo hơn. Các nhà đầu tư có thể dễ dàng bán cổ phiếu của mình hoặc phát hành
cổ phiếu để huy động vốn trên TTCK và giảm sự phụ thuộc lẫn nhau thông qua SHC.