Sở hữu chéo làm suy yếu năng lực quản trị của các NHTM

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Tác động của sở hữu chéo đến hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam (Trang 77)

Các nhóm cổ đông lớn thường tham gia vào HĐQT hay ban điều hành của NH và chi phối hoạt động của NH thông qua các quyết định, nghị quyết của HĐQT. Sự tập trung quyền kiểm soát và điều hành vào tay thiểu số cổ đông, một mặt, mang lại tác động tích cực đối với việc thống nhất chiến lược phát triển của NH, nhưng mặt khác tạo khả năng lạm dụng quyền lực để trục lợi cho nhóm cổ đông thiểu số và gây hại cho lợi ích các cổ đông khác.

Lợi dụng sở hữu chéo để cấp vốn giá rẻ từ NH cho các DN thân hữu là trường hợp thường thấy của việc quản trị vì lợi ích nhóm. Điều này gây thiệt hại cho NH nói riêng và dẫn tới phân bổ bất hợp lý nguồn lực của nền kinh tế. Nhóm DN nhận được dòng vốn lớn với chi phí thấp sẽ có năng lực cạnh tranh vượt trội mà không cần tới bất kỳ cải thiện nào trong quản lý, hay tiến bộ trong công nghệ sản xuất. Cùng lúc đó, phần còn lại của nền kinh tế phải gánh chịu chi phí vốn cao và bị bào mòn năng lực cạnh tranh. Tựu chung lại, sức cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế suy giảm.

Trường hợp ông K có thể được xem là điển hình cho sự tập trung quyền lực và làm suy giảm năng lực quản trị NH. Về mặt pháp lý, ông K không phải là cổ đông lớn của ACB, nhưng thực tế ông K và nhóm cổ đông liên quan đến ông gồm bà L - vợ ông K và nhóm sáu công ty mà ông K làm Chủ tịch HĐQT hay tổng giám đốc lại nắm đến 15% cổ phần ACB vào cuối năm 2012. Ông K cũng là người đứng ra thành lập Hội đồng sáng lập của ACB nhằm duy trì quyền điều hành và chỉ đạo đối với hoạt động kinh doanh của NH mà không chịu sự giới hạn của Luật các TCTD. Bên cạnh đó, từ năm 2003 đến tháng 8/2012, ông K cũng là Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, có chức năng giúp cho HĐQT thực hiện việc thẩm định các dự án đầu tư trình cấp có thẩm quyền quyết định. Phải chăng vì thế mà nguồn vốn hàng ngàn tỷ đồng được dễ dàng cấp cho Nhóm sáu công ty của ông K. Vai trò của HĐQT và ban điều hành của ACB dường như bị lu mờ trước sức ảnh hưởng quá lớn của ông K. Sự thâu tóm quyền lực của ông K còn là biểu hiện của sự suy yếu năng lực quản trị của ACB.

Trong trường hợp Sacombank, Thanh tra Nhà nước đã kết luận số tiền mà Sacombank cho các công ty gia đình ông T (nguyên là Chủ tịch HĐQT) và nhóm công ty liên quan đến Công ty Thành Thành Công vay đã lên tới 7.000 tỉ đồng, tương đương hơn 51% vốn điều lệ của NH này (10.700 tỉ đồng). Điều này vi phạm quy định bởi Luật các TCTD không cho phép một NH cho nhóm công ty liên quan đến thành viên HĐQT vay quá 25% vốn điều lệ của NH đó. Các khoản vay lớn này chỉ được thực hiện khi gia đình ông T chiếm ưu thế trong HĐQT và có khả năng chi phối các hoạt động đầu tư và cho vay của NH. Sự sai phạm có quy mô rất lớn và xảy ra trong thời gian dài mà hệ thống quản trị nội bộ và quản trị rủi ro của Sacombank đã không phát hiện ra, hoặc không tiết lộ dưới sức ép của ban điều hành cho thấy tính độc lập và khách quan trong cơ chế quản trị điều hành đã bị suy giảm với sự tích tụ quyền lực vào tay một số cổ đông.

Như vậy, sự tồn tại của hành vi thao túng và lũng đoạn hoạt động NH thông qua sở hữu chéo là tín hiệu báo động năng lực quản trị nội bộ yếu kém tại những tổ chức kinh doanh dựa trên niềm tin của công chúng và thường được xem là có tính chuyên nghiệp cao này.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Tác động của sở hữu chéo đến hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam (Trang 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)