Có thể thấy, việc tham gia sở hữu chéo giữa các NH nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo tiền đề cho hoạt động M&A. Hoạt động mua bán sáp nhập sẽ gặp nhiều thuận lợi đối với các NH của cùng chủ sở hữu vì hạn chế được sự xung đột lợi ích, thúc đẩy quá trình M&A diễn ra nhanh chóng và giảm được chi phí giao dịch. Có thể nói, đây là tác động hai chiều bởi lẽ việc thúc đẩy mua bán và sáp nhập lại chính là một trong các giải pháp giúp hạn chế tình trạng SHC phức tạp như hiện nay.
SHC giữa Sacombank và Eximbank mang yếu tố tích cực như vậy. Sacombank đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Eximbank trên cơ sở phát huy thế mạnh riêng của từng NH nhằm đem lại hiệu quả chung cao nhất, từ đó xem xét nghiên cứu khả năng hợp nhất/sáp nhập trong vòng 3-5 năm tới.
Hoạt động M&A trong NH dưới cơ chế SHC nếu thành công sẽ giúp tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của NH, từ đó nâng cao tính lành mạnh của hệ thống
NH. Điển hình như trường hợp hợp nhất ba ngân hàng SCB, Đệ Nhất và Tín Nghĩa
thành NHTMCP Sài gòn vào khoảng đầu năm 2012, dưới sự bảo trợ của BIDV. Trước
khi hợp nhất, ba NH này lâm vào tình trạng mất khả năng thanh khoản trầm trọng do
đã sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn mà chủ yếu là cho vay để đầu tư bất động sản, hầu hết các tỷ lệ an toàn hoạt động chưa được đảm bảo theo đúng quy định mà cụ thể là không duy trì đủ dự trữ bắt buộc, tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 9%. Sau một năm tái cơ cấu, hoạt động của SCB đã được những chuyển biến tích cực, cải thiện đáng kể tình trạng thanh khoản và các tỷ lệ an toàn hoạt động, trong đó tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu hợp nhất của SCB cuối năm 2012 đạt 10,7%. SCB đã cân đối được nguồn vốn để hoàn trả các khoản vay tái cấp vốn của NHNN và các TCTD khác. Theo báo cáo tài chính của SCB đến 31/12/2012, số dư các khoản huy động trên thị trường 2 đã giảm 46,2%, tương đương 15.648 tỷ đồng so với đầu năm, trong khi huy động trên thị trường 1 tăng 35,7% (khoảng 28.103 tỷ đồng). Tổng dư nợ cho vay của SCB đạt 88.155 tỷ đồng, tăng 22.085 tỷ đồng (33,4%) so với đầu năm. Trong đó, tỷ lệ nợ quá
hạn và nợ xấu trên tổng dư nợ tuy vẫn còn ở mức cao (lần lượt là 8,8% và 7,2%) nhưng đã giảm đáng kể so với trước khi hợp nhất. Trong năm 2012, SCB đã đạt lợi nhuận trước thuế 77 tỷ đồng.
Tóm lại, ở một mức độ nào đó, SHC đã có những tác động tích cực nhất định đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống NH thông qua thúc đẩy hoạt động mua bán sáp nhập. SHC giúp ổn định cơ cấu sở hữu, quản trị của NH. Hơn nữa, SHC giúp nâng cao năng lực về vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, thể hiện rõ ở hình thức NHLD và sự tham gia của các cổ đông chiến lược nước ngoài vào NHTM. Đó là
tiền đề cho sự phát triển an toàn và lành mạnh của hệ thống NH trong tương lai.