Phân loại nợ, trích dự phòng rủi ro

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Tác động của sở hữu chéo đến hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam (Trang 75)

Các quy định đảm bảo an toàn hoạt động hiện hành đã quy định cụ thể về việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Theo Quyết định số 493/2005/QD-NHNN

ngày 22/4/2005 của NHNN (“Quyết định 493”) được bổ sung và sửa đổi bởi Quyết

định số 18/2007/QD-NHNN ngày 25/4/2007 của NHNN (“Quyết định 18”), NH được yêu cầu lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng trên cơ sở hàng quý dựa trên nhóm nợ đã phân loại (Xem phụ lục 2). Ngoài ra, các TCTD phải trích lập dự phòng chung bằng 0,75% tổng dư nợ cho vay khách hàng từ nhóm 1 đến nhóm 4. Khoản dự phòng cùng với vốn tự có là lá chắn tài chính của NHTM. Tuy nhiên, việc trích lập dự phòng sẽ làm tăng chi phí và giảm lợi nhuận của NH để chia cho các cổ đông.

Vì vậy, các NHTM thường có xu hướng che đậy tỷ lệ nợ xấu bằng nhiều kỹ thuật khác nhau. Theo quy định, các NHTM có đủ khả năng và điều kiện có thể phân loại nhóm nợ theo định tính dựa trên hệ thống đánh giá tín dụng nội bộ của NH đó.

Điều này tạo điều kiện để các NHTM chuyển các khoản nợ xấu sang nhóm nợ thấp hơn để giảm trích lập dự phòng. Hơn nữa, các NHTM còn có thể đảo nợ cho khách hàng bằng cách cấp khoản tín dụng mới nhằm giúp người vay trả gốc và lãi của các khoản nợ khi đến hạn. Điều này làm tăng tổng dư nợ tín dụng, và che đậy được tỷ lệ nợ xấu thực của NH. Vì trích lập dự phòng ít hơn nên báo cáo của các NH đều thể hiện là có lãi. Trường hợp điển hình như NHTMCP Nhà Hà Nội (Habubank) chỉ báo cáo tỷ lệ nợ xấu là 4,7% và kết quả kinh doanh năm 2011 vẫn có lãi. Tuy nhiên, theo các số liệu báo cáo trong đề án sáp nhập Habubank vào NHTMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) thì tỷ lệ nợ xấu của Habubank lên tới 16% và nếu trích lập dự phòng đầy đủ thì Habubank lỗ lên tới 4.066 tỷ đồng.

Do hoạt động này đã bị NHNN giám sát chặt chẽ bằng việc kiểm soát các hồ sơ vay vốn và quy định tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hàng năm, các NHTM đã dùng nhiều cách thức khác để lách. NHTM có thể ủy thác đầu tư cho công ty quản lý và khai thác tài sản (AMC) của mình để AMC này ký kết hợp tác đầu tư với khách hàng. Như vậy, khoản tài trợ này sẽ được thể hiện thành mục tài sản có khác, thay vì là khoản cho vay khách hàng, trên báo cáo tài chính của NH. Cách thức này giúp cho NH lách qua các quy định về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hàng năm và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Thực tế có thể thấy khoản mục tài sản có của các NH tăng đột biến. Chẳng hạn như đến cuối năm 2012, tổng tài sản có khác của NH An Bình tăng lên gấp 5 lần (1.500 tỷ) so với cuối năm 2011. Báo cáo tài chính năm 2012 của NHTMCP Hàng Hải cũng thể hiện khoản phải thu và tài sản có khác tăng lên hơn 4.000 tỷ, gấp 1,5 lần so với số dư năm 2011.

Như vậy, thông qua sở hữu chéo, các NHTM đã lách được các quy định về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hàng năm và việc trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu, “làm đẹp” báo cáo tài chính của NH.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Tác động của sở hữu chéo đến hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam (Trang 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)