SHC giữa ACB, Eximbank và Sacombank

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Tác động của sở hữu chéo đến hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam (Trang 55)

Cấu trúc sở hữu giữa ba ngân hàng Eximbank – Sacombank và Á Châu (ACB) được xem như là cấu trúc sở hữu chéo phức tạp nhất. Đây là các NHTMCP có quy mô lớn hàng đầu trong hệ thống NH. Cổ phiếu của các NH này đều được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Nhìn vào Hình 2.5 có thể thấy đến 31/12/2012, Eximbank là cổ đông pháp nhân lớn nhất và nắm 9,73% cổ phần của Sacombank. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn Exim là công ty được Eximbank góp vốn đầu tư, cũng nắm 4,41% cổ phần của Sacombank. Như vậy, thực chất nhóm cổ đông của Eximbank nắm đến 14,14% cổ phần của Sacombank.

Đến cuối năm 2012, gia đình ông T còn nắm giữ 7,435% cổ phần Sacombank (gồm ông T nắm 3,98%, tương đương 42,7 triệu cổ phiếu và con trai ông T nắm 3,46% tương đương 37,1 triệu cổ phiếu). Tuy nhiên, theo thỏa thuận, sổ cổ phiếu này đã được

Sacombank sử dụng để cấn trừ vào các khoản cho vay, đầu tư trái phiếu và phải thu khác với tổng giá trị thỏa thuận là 1.597 tỷ đồng (Báo cáo tài chính, 2012).

Sacombank còn bị chi phối bởi nhóm cổ đông của gia đình ông B với tỷ lệ sở hữu lên đến 11,54% nếu tính cả cổ phần của NH Phương Nam. Tuy nhiên, Sacombank cũng đầu tư vào 2,08% cổ phần của Eximbank. Theo báo cáo của cơ quan giám sát không được công bố chính thức, đến ngày 30/6/2013, nhóm cổ đông của ông P – Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Sacombank lại nắm đến 6,8% cổ phần của Eximbank.

Ngoài các cổ đông chiến lược là Vietcombank, NH Sumitomo Mitsui và Quỹ đầu tư VOF Investment Limited; Eximbank còn có các nhóm cổ đông lớn liên quan đến ông K và nhóm cổ đông liên quan ACB. Nhóm cổ đông liên quan đến ông K góp vốn đầu tư vào Eximbank thông qua CTCP Đầu tư Á Châu (ACI) và Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội (ACI-HN), là hai công ty trong nhóm sáu công ty của ông K. Đến cuối năm 2012, nhóm cổ đông của ông K nắm đến 11,85% cổ phần của Eximbank và giới tài chính đều biết ông là cổ đông lớn của NH này. Tuy nhiên, các thông tin không được công bố do tỷ lệ nắm giữ của mỗi công ty đều dưới 5%.

Công ty TNHH chứng khoán ACB (ACBS) – công ty 100% vốn góp của ACB, cũng là cổ đông khá lớn của Eximbank song tỷ lệ chưa đến 5% nên không thuộc diện phải công bố thông tin. Theo những thông tin thu thập được, ACBS vừa đầu tư trực tiếp vào Eximbank vừa đầu tư gián tiếp thông qua hợp đồng ủy thác đầu tư với ACI và

ACI-HN. Vào khoảng cuối năm 2012, ACBS đã bán ròng 53 triệu cổ phiếu Eximbank

và đến 31/12/2012, ACBS chỉ còn nắm giữ 5 triệu cổ phiếu của NH này. Ngoài ra, ACB cũng có 12,8 triệu cổ phần Eximbank nên tổng lượng cổ phiếu Eximbank do ACB và ACBS nắm giữ là hơn 17,8 triệu với tỷ lệ sở hữu 3,05% .

Hình 2.4: Sở hữu chéo giữa ACB – Eximbank – Sacombank

Nguồn: Nguyễn Đức Mậu và Nguyễn Xuân Thành (2012) và tác giả tổng hợp từ các Báo cáo tài chính, Báo cáo thường niên, Báo cáo Đại hội cổ đông, trang web của các NH nêu trên, và các trang báo điện tử khác như: Cafef.vn, Gafin.vn của các NHTM trong những năm 2011 – 2013

(*)Tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông liên quan đến Công ty Cổ phần Đầu tư Á Châu (**)Tỷ lệ sở hữu bao gồm cả ủy thác đầu tư

Hơn nữa, ông K là người trong Hội đồng sáng lập của ACB. Tuy không trực tiếp sở hữu ACB, nhưng những người liên quan đến ông là bà L (vợ ông K) và CTCP Đầu tư Châu Á (ông K là Chủ tịch HĐQT) nắm đến 13,89% cổ phần của của ACB. Như vậy, có thể thấy ACB ảnh hưởng có ảnh hưởng đến hoạt động của Eximbank thông qua nhóm cổ đông của ông K và của chính NH.

Tóm lại, mạng lưới sở hữu chéo giữa ba NH Eximbank, Sacombank và ACB đã trở nên phức tạp với các hoạt động đầu tư đan chéo giữa các NH. Các nhóm cổ đông gia đình đã hình thành và có ảnh hưởng chi phối đến hoạt động của một số NH.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Tác động của sở hữu chéo đến hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam (Trang 55)