Khái niệm tình huống thực tiễn và bài toán có nội dung thực tiễn

Một phần của tài liệu Luận án Góp phần phát triển năng lực toán học hóa tình huống thực tiễn cho học sinh Trung học phổ thông qua dạy học Đại số và Giải tích (Trang 30)

Theo [73, tr.979], tình huống là "sự diễn biến của tình hình, có mặt cần phải đối phó". Như vậy, theo nghĩa này tình huống bao hàm sự biến thiên và phụ thuộc. Trong [55,tr.183], tác giả Nguyễn Bá Kim quan niệm khái niệm này trên cơ sở của lí thuyết hệ thống, ông cho rằng: một tình huống là một hệ thống phức tạp bao gồm chủ thể và khách thể, trong đó chủ thể có thể là người, còn khách thể là một hệ thống nào đó. Một tình huống mà khách thể tồn tại ít nhất có một phần tử chưa biết, được gọi là tình huống bài toán đối với chủ thể. Đứng trước một tình huống, chủ thể đặt ra mục đích tìm phần tử chưa biết, dựa vào các phần tử khác của khách thể thì có một bài toán đối với chủ thể.

Dựa vào quan điểm trên của tác giả Nguyễn Bá Kim, chúng tôi quan niệm:

Tình huống thực tiễn là tình huống mà khách thể của nó chứa đựng các yếu tố mang nội dung thực tiễn (tức là mang nội dung các hoạt động của con người).

Bài toán có nội dung thực tiễn là bài toán mà khách thể của nó chứa đựng các yếu tố mang nội dung thực tiễn.

Cần phải xác định một cách rõ ràng khái niệm “thực tiễn” và khái niệm “thực tế”. “Thực tiễn” là toàn bộ là hoạt động của con người, trước hết là lao động sản xuất; trong khi đó, “thực tế” là tổng thể nói chung những gì đang tồn tại, đang diễn biến trong tự nhiên và trong xã hội về mặt có liên quan đến đời sống con người.

Luận án chỉ quan tâm đến những tình huống thực tiễn đơn giản, phổ biến trong cuộc sống mà bằng kiến thức phổ thông, học sinh có thể nhận thức được.

Quan niệm về tình huống thực tiễn và bài toán có nội dung thực tiễn như đã trình bày trên sẽ được chúng tôi sử dụng trong toàn bộ Luận án.

Một phần của tài liệu Luận án Góp phần phát triển năng lực toán học hóa tình huống thực tiễn cho học sinh Trung học phổ thông qua dạy học Đại số và Giải tích (Trang 30)