Yếu tố kỹ thuật

Một phần của tài liệu BÀI BÁO CÁO THỰC TẬP-TỔNG QUAN VỀ QUẢN TRỊ KINH DOANH QUỐC TẾ (Trang 92)

Chương 6 QUẢN TRỊ NGUYÊN VẬT LIỆU

6.1.2. Yếu tố kỹ thuật

Loại kỹ thuật mà công ty sử dụng để chế tạo sản phẩm có thể ảnh hưởng đến quyết định chọn nơi sản xuất sản phẩm. Thí dụ: một số kỹ thuật chỉ có thể sản xuất ở 1 quốc gia để phục vụ thị trường các quốc gia khác trong khu vực. Trong những trường hợp khác thì kỹ thuật có thể phục vụ cho hoạt động sản xuất của các vùng liên quan. Ba vấn đề cần quan tâm trong yếu tố kỹ thuật là: mức chi phí cố định khi áp dụng loại kỹ thuật này, quy mô tối ưu và tính chất tự động hóa.

Chi phí cố định: trong một vài trường hợp, chi phí cố định của việc xây dựng và đưa nhà máy vào hoạt động rất cao. Thí dụ: chi phí khoảng 1 tỷ USD để xây dựng và đưa vào hoạt động 1 nhà máy sản xuất chip. Do vậy, chỉ nên xây dựng nhà máy ở một quốc gia để phục vụ các quốc gia khác trên thế giới. Ngược lại, khi chi phí cố định thấp thì nên xây dựng các nhà máy sản xuất ở một số quốc gia, như vậy công ty có thể phục vụ tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng ở các quốc gia mà công ty hoạt động. Sản xuất ở nhiều quốc gia khác nhau có thể giúp công ty tránh được những rủi ro vì khi trở thành quá phụ thuộc vào 1 quốc gia thì rủi ro sẽ rất cao, đặc biệt khi tỷ giá hối đoái thay đổi.

Quy mô tối ưu: Khi khối lượng sản phẩm sản xuất ra tăng lên và chi phí sản xuất 1 sản phẩm giảm thì công ty có thể đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô. Trong trường hợp này, sản xuất tăng lên sẽ tận dụng được tối đa lợi thế của máy móc thiết bị và việc tăng năng suất lao động nhờ chuyên môn hóa cao hơn trong quá trình sản xuất làm cho chi phí sản xuất giảm. Tuy vậy, chi phí sản xuất 1 sản phẩm chỉ giảm nếu quy mô sản xuất tăng lên trong một giới hạn nhất định. Vì nếu quy mô sản xuất vượt quá giới hạn đó thì việc tăng quy mô sản xuất sẽ làm tăng chi phí. Mức quy mô đó gọi là quy mô tối ưu.

Quy mô tối ưu của sản xuất là yếu tố cơ bản có ảnh hưởng đến các quyết định sản xuất tập trung hay phân tán:

- Nếu quy mô lớn thì nên xây dựng nhà máy sản xuất ở một vài quốc gia nhất định để xuất hàng hóa sang thị trường các quốc gia lân cận.

- Trong trường hợp, quy mô tối ưu nhỏ và khi chi phí cố định thấp thì nên xây dựng nhà máy ở các quốc gia là thị trường mục tiêu để phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng ở các quốc gia khác nhau và tránh được rủi ro tỷ giá hối đoái thay đổi.

- Trong trường hợp quy mô tối ưu nhỏ và chi phí cố định cao thì phải so sánh hiệu quả của 2 phương án.

Mức độ tự động hóa: mức độ tự động hóa có liên quan chặt chẽ với quy mô sản xuất của DN kinh doanh quốc tế. Mức độ tự động hóa thường gắn với quy mô sản xuất lớn và ngược lại. Mức độ tự động hóa phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật chế tạo tự động- kỹ thuật cho phép công ty sản xuất một tập hợp nhiều sản phẩm cuối cùng đạt chất lượng quy chuẩn, thường chỉ có các nhà máy quy mô lớn mới có thể đạt được.Hơn nữa, công ty sử dụng kỹ thuật tự động sẽ đạt tỷ lệ thành phẩm cao. Có 2 cấp kỹ thuật tự động, đó là máy móc tự động và hệ thống chế tạo tự động. Sử dụng hệ thống máy móc tự động trong kinh doanh quốc tế cho phép công ty có thể làm cho sản phẩm phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách hàng ở các quốc gia khác nhau.Hệ thống máy móc tự động cho phép công ty có thể điều chỉnh sản lượng sản phẩm theo yêu cầu đa dạng của các thị trường khác nhau mà không cần xây dựng nhà máy ở các quốc gia khác nhau.

Như vậy công ty sẽ quyết định tập trung sản xuất ở một quốc gia khi yếu tố kỹ thuật đảm bảo để thực hiện tập trung sản xuất ở 1 quốc gia hoặc trong 1 quốc gia nhất định trên thị trường mục tiêu có chi phí cố định lớn và quy mô tối ưu cao.

Một phần của tài liệu BÀI BÁO CÁO THỰC TẬP-TỔNG QUAN VỀ QUẢN TRỊ KINH DOANH QUỐC TẾ (Trang 92)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(106 trang)
w