Nét tiêu biểu của nhân vật: con người hành động

Một phần của tài liệu Nghệ thuật xây dựng nhân vật tiểu thuyết của Nhất Linh (Từ nhân vật tư tưởng đến nhân vật tâm lí) (Trang 51)

Tiểu kết chương

2.3.1.Nét tiêu biểu của nhân vật: con người hành động

Nét nổi bật ở nhân vật tư tưởng là tính hành động, nhân vật là một con người hành động. Các nhân vật của tiểu thuyết luận đề Nhất Linh hầu hết đều hành động rất nhất quán. Xâu chuỗi hành động của nhân vật lại, người đọc có cảm giác hình như nhân vật chịu sự tác động của một động cơ, ý đồ đã được vạch sẵn. Mỗi một chuỗi hành động tất nhiên đều bộc lộ một nét tâm lí, một tính cách, một tư tưởng nào đó của nhân vật, hoặc là đấu tranh quyết liệt chống lại cái cũ, đề ra một quan niệm mới, một lối sống mới thể hiện tư tưởng tự do dân chủ tiến bộ, hoặc lưỡng lự phân vân khi đến với cái mới, nhượng bộ hoàn cảnh để cầu an…Hành động nhất quán của các nhân vật luôn đấu tranh trực diện với các thế lực cũ chỉ đạt giá trị tư tưởng - xã hội. Hành động lưỡng lự nước đôi của các nhân vật thể hiện qua sự băn khoăn tựđánh giá.

Dũng thì lúc nào cũng sống trong tâm trạng buồn nản, không sao hoà hợp được với gia đình và xã hội xung quanh. Dũng sống trong một gia đình giàu có, đông đúc nhưng chàng luôn cảm thấy bơ vơ, lạc lõng. Chàng sống trong sự thất vọng và buồn chán. Ở với gia đình quan lại, chàng chán cảnh khom lưng, luồn cúi, giả tạo của bọn phong kiến nên chán chường muốn lên đường để làm cách mệnh. Chính vì vậy mà có lần Loan đã nói với Dũng: “Lúc nào em cũng thấy anh buồn”, cả khi họ đi bên nhau trong niềm vui nhưng Dũng cũng phảng phất những lo lắng vẩn vơ, chẳng khác nào như những bông hoa phù dung đang độ nởđẹp vào mùa thu mà cái chết đã ngấm ngầm ở bên trong. Nhận xét về nhân vật Dũng, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử viết: “Ở đâu cũng đau khổ, cái gì cũng làm chàng đau khổ, chàng là người không ưa băng bó vết thương của lòng mình lại mà cứ tìm cách cấu xé thêm lòng mình ra” [63, 105]. Gia đình Dũng và xã hội xung quanh là một sự khác biệt, một bên là sự giầu có, sang trọng, hào nhoáng với hàng dãy ô tô đưa khách về dự lễ mừng thọ với những vẻ mặt béo tốt hồng hào, một bên là nghèo khó, tiều tụy (gia đình nhà Nho lỡ vận như gia đình Loan, gia đình cụ Chánh Mạc đang phải chật vật kiếm sống). Dũng luôn cảm thấy bức bối, lạc lõng trước lối sống trưởng giả, tầm

thường, vô vị và giả dối của xã hội thượng lưu. Dũng sống trong hai không gian, không gian của khát vọng tình yêu, không gian của lí tưởng hành động và không gian đóng kín nặng nề của gia đình như tù ngục giam hãm chàng. “Dũng thấy rằng khi buồn cho Tạo là chính chàng đã buồn cho đời chàng. Phải sống một đời ngang trái nhưng chàng không có đủ cam đảm để thoát ly” [2, 290]. Trong tâm trạng cô đơn, băn khoăn, đau khổ trước cuộc sống thực tại, suy nghĩ của Dũng thể hiện một nhận thức khá mới mẻ - hướng tới tự do, dân chủ, trong lòng dấy lên hoài bão “hành động” ra đi.

Đi đâu? Đi tìm ý nghĩa cuộc sống. Dũng luôn day dứt, trăn trở để lựa chọn cho mình một lẽ sống, một hướng đi: ra đi để thoát ly, đểđi làm cách mạng, đểđoạn tuyệt hẳn với cuộc sống giàu sang, trưởng giả nhưng đầy bất công, giả dối mà chàng tuy thuộc về nó nhưng vẫn hằng khinh bỉ, xấu hổ hay chấp nhận cuộc sống tù túng ấy? Dũng hiểu người làm cách mạng là phải dũng cảm thoát ly, phải lạnh lùng cắt đứt mọi mối liên lạc với cuộc đời cũ, nhưng điều ấy với chàng không hề dễ dàng. Vì thế, nội tâm nhân vật luôn sống trong sự giằng xé, mâu thuẫn giữa cá nhân với gia đình, giữa tình yêu và bổn phận, chí hướng và hoàn cảnh…

Trong suy nghĩ và tư tưởng của Dũng luôn vang lên câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống. Ý nghĩa ấy nằm ở đâu, đâu là cái làm nên ý nghĩa trong sự tồn tại của con người, bao gồm cả tình yêu và lí tưởng? Dũng không thể sống đơn giản, thỏa hiệp với gia đình, với hoàn cảnh sống để rồi an phận chấp nhận cuộc sống giàu sang mà tẻ nhạt, vô vị. Trái lại, chàng muốn thoát ly gia đình vì bất bình trước hiện thực bất công, phi lí của xã hội phơi bày ra trước mắt: Sự độc ác của ông Tuần - cha chàng, sự nhẫn nhục chịu đựng của người nông dân, sự giàu sang thừa bứa, cuộc sống tầm gửi nhỏ nhen của mọi người trong gia đình chàng, ai cũng bám vào ông Tuần, không ai phải làm gì cả mà vẫn sung sướng…Tất cả khiến cho Dũng thấy gia đình như tù ngục, và sự giàu sang của mình, của gia đình mình chỉ là một cái nhục, Dũng nghĩ: “- Giàu một cách thẳng thắn cũng đã khó chịu rồi, huống hồ giàu một cách không xứng đáng. Người ta ngoài cái ăn mặc, còn có cái liêm sỉ…” [2, 267]. Dũng đã đấu tranh tư tưởng, chiến thắng những cái nhỏ bé, yếu đuối trong con

người mình đểđược lên đường. Thoát ly với Dũng không chỉ vì sự thôi thúc của lí tưởng xã hội mà trước hết là để thoát ra khỏi từ trường của hoàn cảnh sống mà chàng sợ có lúc nào đó chính chàng sẽ bị lây nhiễm rồi trở thành ông Tuần thứ hai kế nghiệp cha chàng. Thoát ly với Dũng không chỉ dừng lại như là một hành động có tính chất phản kháng xã hội, có tính chất chính trị, mà thoát ly trong ý thức nhân vật còn là hành động tiếp cận với những giá trị hiện sinh khi gắn liền với ý thức thoát ly là những băn khoăn, khắc khoải không ngừng về ý nghĩa của cuộc sống.

Dũng đã băn khoăn rất nhiều trước khi quyết định dấn thân vào cuộc đời gió bụi. Dũng băn khoăn và thậm chí hoài nghi về lí tưởng mà những người bạn của chàng theo đuổi: Khi Thái ra đi, Dũng đã tự hỏi: “- Anh Thái đi như vậy để làm gì: Chẳng qua không biết làm gì nữa thì liều lĩnh” [2, 194] và “Dũng có cái cảm tưởng rằng Thái đi như thế là đi thay cho mình, hình như tất cả những nỗi chán chường, đau khổ của một đời mình, Thái đã đem theo hết” [2, 195]. Bởi vậy, trong những giây phút băn khoăn, Dũng nhận ra rằng mình “phải sống một đời ngang trái nhưng chàng không có đủ can đảm để thoát ly; mà thoát ly rồi, cái đời tương lai của chàng sẽ đại khái như đời Thái và Tạo, hai cảnh đời mà trước kia mới nghĩ đến chàng đã thấy buồn nản vô cùng” [2, 290]. Vậy thì cuộc đời của Thái và Tạo đâu phải là lí tưởng, là khuôn mẫu để noi theo, đâu phải là điểm dừng cho cuộc tìm kiếm của Dũng. Vì vậy, Dũng luôn băn khoăn không ngừng về ý nghĩa của cuộc sống. Cuộc đời phải có ý nghĩa, nhưng ý nghĩa đó là gì? Là cái mà người ta không bao giờ có thể tìm thấy được, tìm được có chăng chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi, mong manh dễ tan biến, nhưng Dũng vẫn không ngừng tìm kiếm và khao khát được tìm kiếm. Có thể nói từ Đôi bạn, nhân vật của Nhất Linh đã nhận thức được phi lí như một phần tất yếu của tồn tại. Trong Đôi bạn, những người bạn của Dũng và cuối cùng là Dũng, họ đều đã lựa chọn từ bỏ cuộc sống sang trọng, giàu có, an nhàn để dấn thân vào một cuộc sống khổ cực hơn, nay đây mai đó, nhưng có thật sự họ tìm được sự vui vẻ, thỏa mãn ở trong lòng? Phải chăng buồn vui chỉ là do mâu thuẫn giữa hoàn cảnh và tâm hồn? “Những cái vui khổ của anh không ở cảnh đời anh; sống sang

trọng trong một tòa nhà lộng lẫy, hay sống nay đây mai đó trong cảnh nghèo nàn như hiện giờ, lúc nào anh cũng vẫn là anh, anh cũng vẫn có chừng ấy cái vui, cái khổ.

Anh phải sống vượt ra ngoài xã hội bình thường, vượt ra ngoài hoàn cảnh gia đình của anh, đó là một sự không thể tránh được mà không phải là tùy ý anh muốn.

Cái vui khổ của đời anh chỉ là cái vui khổ của một người hay nghĩ ngợi, không lúc nào mãn nguyện nên phải mãi mãi đi tìm một sự bình tĩnh cho tâm hồn, một sự bình tĩnh có mà lại không, gặp được nhưng lại mất ngay vì xã hội của anh sống là một xã hội đương thay đổi…sự tìm kiếm không bao giờ ngừng ấy có lẽ là sự an ủi độc nhất của anh” [2, 179].

Dũng là con quan, sống trong cảnh giầu sang và đứng trước một tương lai tươi sáng với một cuộc hôn nhân “môn đăng hộ đối” nhưng chàng lại muốn được sống tự do. Bởi thế, Dũng luôn luôn trăn trở trong ý định đoạn tuyệt với thực tại để ra đi, để hành động. Chàng nghĩ: “- Giản dị như không…Muốn hành động, muốn sống theo chí hướng chân thật của mình chỉ có một cách là thoát ra khỏi hoàn cảnh này. Làm gì có hai đường mà còn phải lôi thôi nghĩ ngợi” [2, 314]. “Dũng không nghĩ đến cách rời khỏi gia đình mà vẫn còn liên lạc với gia đình. Đối với chàng, phải cắt đứt hết các dây liên lạc, phải đoạn tuyệt hẳn mới gọi là đi” [2, 314]. Chàng ra đi không phải vì tình yêu tan vỡ, chàng ra đi là để thoát thân, thoát đời tù hãm, “phải như thế chàng mới có cái cảm tưởng rõ rệt về sựđổi thay, về sự thoát thân. Đi mà còn vương víu đến gia đình thì công việc làm của chàng ở nơi khác vẫn bị ảnh hưởng của gia đình, của hoàn cảnh cũ. Chàng muốn được như con bướm thoát khỏi cái kén tối tăm, bay lên nhẹ nhàng trong ánh sáng mặt trời, tự do đi tìm hoa trong các vườn xa lạ: bay đi và không nghĩ đến cái kén kia, không còn biết cái kén dính ở cành cây nào nữa” [2, 314]. Chàng luôn coi cảnh đời sau này khi đã bỏ nhà đi mới là cuộc sống đích thực của mình.

Ngoài Dũng thì các nhân vật bạn của Dũng như: Thái, Tạo, Xuân Trúc, Cận, Loan, Hà, Phương …cũng đều là những nhân vật của những trăn trở, suy tư với khát vọng và kết quả là đưa đến hành động lên đường. Họ là những thanh niên ít nhiều chịu ảnh hưởng Tây học, mang tư tưởng tân tiến, đều có ý thức sâu sắc về giá trị

sống của mình và luôn làm chủ sự sống ấy. Họ sống trong những mối quan hệ luân thường của xã hội phong kiến nhưng lại luôn trăn trở, thao thức để kiếm tìm một phương thức sống mới, một cuộc đời mới, luôn băn khoăn tìm cách giải phóng mình khỏi hoàn cảnh đang sống.

Thái là “người cách mạng” quen với kiểu ngang tàng và gần gũi nhất với Dũng về tính cách. Thái sau khi sang Tầu đã nhiều lần tù tội và đều trốn thoát. Thái hành động như là một sự cần thiết, kể cả trong nguy hiểm anh không thoả mãn hoàn toàn. Những khi nhớ đến bạn, Dũng nghĩ về cuộc đời chìm nổi của Thái, một con người “đã chán cả sự sống, không tin ở công việc của mình, nhưng lúc nào cũng hoạt động để cố vượt ra khỏi sự buồn nản bao phủ dày đặc quạnh mình” [2, 288].

Người bạn khác của Dũng là Tạo, vì hoàn cảnh xô đẩy đi làm “cách mạng”, đã bền bỉ hoạt động trong cảnh cùng khổ, thản nhiên vui vẻ trước cái chết. Những dòng thư Tạo viết cho Dũng đã chứng tỏ điều ấy: “Tôi chắc lần này thì khó thoát được. Thôi thế cũng xong. Tôi không sợ chết đâu. Tôi cũng không buồn gì cả. Hình như lúc này tôi thấy đất mát lắm, giá nhắm mắt nằm xuống, bốn bề đất mát mẻ rồi chẳng biết gì nữa, cũng hay hay” [2, 283]. Hàng loạt các bạn của Dũng như Vương, Xuân, Minh, Cận, Trúc, Hà …cũng đều không bằng lòng với xã hội đương thời, không bằng lòng với cuộc sống tù túng, đơn điệu.

Qua số phận, hành động…của các nhân vật trên đã phản ánh tâm trạng của một lớp thanh niên đau đớn, chán chường sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Lâm Thao thất bại. Đó cũng là điều thường thấy trong văn chương lãng mạn. Đó là thái độ không chấp nhận thực tại quy định nhiều nét tiêu biểu của nhân vật lãng mạn. Đó là con người đơn độc và u buồn, hoặc mơ màng ẩn dật, trốn chạy cuộc đời, hoặc không biết dùng sức mạnh vào việc gì trong cái xã hội mà mình đã đoạn tuyệt nên loay hoay kiếm tìm một cách vô vọng, thành con người thừa, hoặc nổi loạn chống lại xã hội. Con người trong Đôi bạn luôn có tâm trạng cô đơn, đau khổ, băn khoăn.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật xây dựng nhân vật tiểu thuyết của Nhất Linh (Từ nhân vật tư tưởng đến nhân vật tâm lí) (Trang 51)