Tiểu kết chương
2.1. Khái niệm nhân vật tư tưởng
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, nhân vật tư tưởng là: “Loại nhân vật tập trung thể hiện một tư tưởng, một ý thức tồn tại trong đời sống tinh thần của xã hội…Nhân vật tư tưởng cũng có thể chứa đựng những phẩm chất tính cách, cá tính và nhân cách. Nhưng cá tính và tính cách không phải là hạt nhân tạo nên cấu trúc của nhân vật tư tưởng. Nhân vật tư tưởng trong văn học cổ và văn học lãng mạn thường mang tính chất tượng trưng, trong văn học hiện thực lại kết hợp mật thiết với yếu tố tính cách và loại hình. Trong sáng tác, loại nhân vật này thường dễ rơi vào công thức, trở thành loa phát ngôn cho tư tưởng của tác giả” [29, 233 - 234].
Nếu như nhân vật tính cách là nhân vật toàn diện, phức tạp, có cả mặt tốt - xấu, tối - sáng, sang - hèn, có đời sống tâm lí và bộc lộ tư tưởng của nhà văn, thì nhân vật tư tưởng là nhân vật có tư tưởng, nhân cách, nhưng cơ bản của nó là hiện thân của một ý thức, ví dụ: Giăng-văn-giăng, Gia-ve trong Những người khốn khổ của V.Huy-gô. Nói chung, nó có trong tiểu thuyết hiện thực chủ nghĩa.
Nhân vật tư tưởng có hạt nhân cấu trúc là một tư tưởng, một ý thức. Nhân vật tư tưởng có nhiều điểm tương đồng với nhân vật chức năng. Nếu như nhân vật chức năng là loại nhân vật “được giao cho nhiệm vụ” thực hiện một chức năng cố định nào đó trong tác phẩm và trong việc phản ánh đời sống, thì nhân vật tư tưởng là loại nhân vật được giao cho nhiệm vụ thể hiện một tư tưởng, một quan niệm, một khát vọng nào đó của tác giả. Tác giả gửi gắm tư tưởng, mong muốn của mình về các vấn đề xã hội nhân sinh thông qua hình tượng nhân vật. Nhân vật tư tưởng, thông qua các hành động, ý nghĩ, lời nói …của mình đã giúp nhà văn gửi tới độc giả bức thông điệp trong đó chứa đựng tư tưởng của nhà văn về các vấn đề của đời sống.
Xây dựng nhân vật tư tưởng, nhà văn: “Nhằm tới việc phát biểu hoặc tuyên truyền cho một tư tưởng nào đó về đời sống, và việc phát biểu, tuyên truyền đó đôi khi được thực hiện lộ liễu không cần che giấu” [62, 93]. Nhân vật có khi trở thành cái loa phát ngôn cho tư tưởng của tác giả. Chính vì vậy, sựđa dạng của tính cách phần nào bị hi sinh. Nhân vật có thể có sự mâu thuẫn, giằng xé nội tâm; có sự phân vân, lưỡng lự nước đôi trong việc lựa chọn cho mình một con đường, một hướng đi; vừa nhượng bộ hoàn cảnh lại vừa muốn quyết liệt đấu tranh …nhưng cuối cùng, hành động, tư tưởng, lựa chọn của nhân vật vẫn tuân theo ý đồ, động cơ đã được vạch sẵn, vẫn phục vụ cho mục đích thể hiện tư tưởng của nhà văn.
Nhân vật tư tưởng, với chức năng thể hiện một tư tưởng, một vấn đề nhận thức, một quan niệm nào đó của tác giả, cũng có thể chứa đựng những phẩm chất tính cách, cá tính và nhân cách, có thểđồng thời là một tính cách sinh động (như trường hợp nhân vật Hoàng trong truyện ngắn Đôi mắt của Nam cao), nhưng cá tính và tính cách không phải là hạt nhân tạo nên cấu trúc của nhân vật tư tưởng. Người đọc tìm đến với kiểu loại nhân vật này như đến với những bức thông điệp tư tưởng mà nhà văn - thông qua nhân vật - gửi tới cuộc đời chứ không phải để tìm những điển hình sinh động của tính cách hay những diễn biến nội tâm đầy mâu thuẫn, phức tạp.
Trong thực tế văn học đã có không ít loại nhân vật này. Điền trong Trăng sáng là một nhân vật tư tưởng, là người phát ngôn cho quan niệm vị nhân sinh của Nam Cao. Hộ trong Đời thừa hoàn toàn không phải là một tính cách. Nam Cao đã gửi gắm trong nhân vật này nỗi đau đớn, bi kịch của con người trước mâu thuẫn không thểđiều hòa giữa khát vọng về sự nghiệp văn chương và lẽ sống tình thương cao cả với thực tế nghiệt ngã, bị áo cơm ghì sát đất khiến con người tha hóa. Độ trong Đôi mắt là sự thể hiện thế giới quan cách mạng của những người trí thức đi theo kháng chiến, đối lập với quan niệm và cách nhìn người, nhìn cuộc kháng chiến đầy lạnh lùng, tàn nhẫn của những kẻ mang danh trí thức mà có tư tưởng độc địa như nhân vật Hoàng. Đó đều là những nhân vật tư tưởng khác với các nhân vật Chí Phèo, Bá Kiến là những nhân vật có tính cách dữ dội, sinh động.
Nhân vật tư tưởng mang trong mình một tư tưởng nào đó vềđời sống xã hội. Tư tưởng đó có thể tiến bộ hay lạc hậu; tốt hoặc xấu; đúng hoặc sai; phù hợp với xu hướng tiến bộ, đi lên của thời đại hoặc có tính chất phá hoại, phản động, chống lại xu thế tiến bộ chung; có thểđược nhiều người đồng tình, ủng hộ hoặc bị lên án, bác bỏ; có thể đấu tranh cho lợi ích của cả cộng đồng hoặc chỉ để thể hiện cái Tôi của tác giả …Do đó, “tầm vóc” của nhân vật tư tưởng phần lớn được quy định bởi tầm vóc của tư tưởng mà tác giả muốn biểu đạt, gửi gắm.
Người đọc tìm đến với nhân vật tư tưởng trước hết cũng là để tiếp thu những bài học cần thiết cho mình hoặc để tìm thấy ở nhân vật tư tưởng những tư tưởng mới mẻ, tiến bộ, có ích với cuộc đời. Nhân vật tư tưởng trong các tiểu thuyết luận đề của Nhất Linh, Khái Hưng chiếm được tình cảm và sự ủng hộ, đề cao của đông đảo độc giả thời bấy giờ vì đã thể hiện được những tư tưởng tiến bộ, nhân văn như tư tưởng tự do dân chủ; tư tưởng đề cao quyền tự do cá nhân và hạnh phúc của con người; nhân danh chủ nghĩa nhân đạo và tinh thần dân chủ, văn minh, tiến bộ để chống lại những quan niệm cổ hủ và những kiềm tỏa của lễ giáo phong kiến, đấu tranh cho quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc và tự do lựa chọn tình yêu, hôn nhân, đặc biệt yêu cầu giải phóng phụ nữ khỏi sự áp bức của chếđộđại gia đình…
Nhân vật tư tưởng trong tiểu thuyết luận đề mang tư tưởng luận đề của nhà văn. Nhất Linh quan niệm tiểu thuyết luận đề là tiểu thuyết viết ra: “để nêu lên một lí thuyết, để tán dương, để tuyên truyền một cái gì tác giả cho là tốt đẹp, để đả đảo một cái gì tác giả cho là xấu xa, viết tiểu thuyết để phụng sự, để chứng tỏ một cái gì đó” [7, 17]. Như vậy, tiểu thuyết luận đề là những tác phẩm văn học được viết ra để minh họa cho một chủđề, một ý đồ tư tưởng nào đó mà tác giả muốn gửi gắm. Do đó, nhân vật tư tưởng trong tiểu thuyết luận đề bị luận đề chi phối, muốn hiểu được nhân vật phải hiểu được luận đề của tác phẩm.
Nhân vật tư tưởng trong tiểu thuyết luận đề bị chi phối bởi một động lực nhất quán duy nhất. Tâm lí nhân vật như là phương tiện để minh họa cho luận đề tác phẩm, vì thế, luôn hướng đến mục đích chứng minh cho luận đề xã hội, cho tư tưởng mà nhà văn đã xác định trước. Tâm lí nhân vật có thểđược miêu tả rất tinh vi
trong những tình huống, trạng thái nào đó nhưng nhìn tổng thể vẫn là đơn điệu, một chiều. Mọi biểu hiện tâm lí đều nhằm bộc lộ một tư tưởng, một mong muốn hay khát vọng nào đó, đều nhằm bộc lộ tình cảm và dục vọng tiêu biểu nhất của nhân vật, hầu như những biểu hiện bên ngoài của nhân vật thường trùng khít với nội tâm, cá tính của nó.
Nhân vật chỉ được chiếu rọi ở một góc nhìn, một hệ quy chiếu và hầu hết đều hành động rất nhất quán. Xâu chuỗi hành động của nhân vật lại, người đọc có cảm giác hình như nhân vật chịu sự tác động của một động cơ, ý đồ đã được vạch sẵn. Mỗi một chuỗi hành động đều bộc lộ một nét tâm lí, một tính cách, một tư tưởng nào đó của nhân vật, hoặc là đấu tranh quyết liệt chống lại cái cũ, đề ra một quan niệm mới, một lối sống mới thể hiện tư tưởng tự do dân chủ tiến bộ, hoặc lưỡng lự phân vân khi đến với cái mới, nhượng bộ hoàn cảnh để cầu an…Nhân vật được miêu tả qua các xung đột xã hội và xung đột tư tưởng nên tâm lí nhân vật cũng liên quan trực tiếp đến các vấn đề xã hội.
Nhân vật tư tưởng trong tiểu thuyết luận đề của Nhất Linh mang trong mình những tư tưởng tiến bộ của lớp thanh niên trẻ có học thức, được tiếp xúc với văn minh phương Tây hiện đại. Đó là những nhân vật lí tưởng, đại diện cho những tư tưởng mới. Họ cảm nhận được cuộc sống ngột ngạt tù túng, bị mất tự do khi phải sống trong vòng kiềm tỏa và ràng buộc của chế độ đại gia đình và ý thức hệ phong kiến cổ hủ. Họ có ý thức sâu sắc về sự biến chuyển của thời đại và khao khát có được cuộc sống tự do, bình đẳng, sống cuộc đời có nghĩa. Loan trong Đoạn tuyệt, Dũng trong Đôi bạn, Nhung trong Lạnh lùng…luôn tự tin vào quyền con người, luôn chủ động đấu tranh để giành quyền tự quyết về cuộc đời mình. Nhân vật Loan trong Đoạn tuyệt không còn phải giữ gìn, nương nhẹ với cái thể chế đã đầy đọa đời nàng. Nàng đấu tranh quyết liệt để bảo vệ quyền làm người của mình: “Không ai có quyền chửi tôi, không ai có quyền đánh tôi”, “Bà cũng là người, tôi cũng là người, không ai hơn kém ai”. Loan luôn có ước muốn: “Mình phải tạo ra một hoàn cảnh mới hợp với quan niệm mới của mình và khẳng định rằng: “Em có quyền tự lập thân em”. Nói tóm lại, nhân vật tư tưởng là kiểu
nhân vật điển hình của tiểu thuyết luận đề, bị quy định bởi các nguyên tắc thể loại tiểu thuyết này.