Thể hiện tâm lí nhân vật qua tả cảnh thiên nhiên

Một phần của tài liệu Nghệ thuật xây dựng nhân vật tiểu thuyết của Nhất Linh (Từ nhân vật tư tưởng đến nhân vật tâm lí) (Trang 118)

Tiểu kết chương

3.3.3.Thể hiện tâm lí nhân vật qua tả cảnh thiên nhiên

Trong truyện cổ, thiên nhiên rất ít có cơ hội xuất hiện và nếu có thì chỉ đóng vai trò như cái nền của hành động, các sự kiện, biến cố mới là cái được tác giả quan tâm. Thiên nhiên chưa được cá thể hóa, chưa thoát khỏi mớ công thức tả cảnh ước lệ, đăng đối. Ở tiểu thuyết Tố Tâm - dấu son đầu tiên của quá trình hiện đại hóa thể loại - cảnh thiên nhiên ít nhiều đã được cá thể hóa và được khắc họa bằng ngòi bút tả chân tài hoa. Nhà văn tả thiên nhiên không phải chỉ để tả tình. Thiên nhiên xuất hiện như một lối thoát cho những tâm hồn lãng mạn. Các nhân vật tìm đến thiên nhiên nhưđể nối kết lại trường giao cảm giữa những tâm hồn lãng mạn đang quá cô đơn, đang bị ý thức hệ phong kiến cầm tù. Tố Tâm thực sự khai phá một không gian mới, khoáng đạt, mở hướng cho các tác phẩm sau này xây dựng nên những hình tượng thiên nhiên đầy sống động và quyến rũ.

Đến các nhà văn trong Tự lực văn đoàn, thiên nhiên không chỉđược miêu tả rất phong phú, đa dạng mà còn được đặt trong mối quan hệ hài hoà với con người và góp phần bộc lộ tâm lí, tính cách. Nhất Linh rất có khả năng trong việc sử dụng thủ pháp này. Qua việc miêu tả bức tranh thiên nhiên rộng lớn với nhiều góc độ, sắc thái, cả không gian, thời gian và môi trường hoạt động của nhân vật được mở rộng, điều đó giúp nhân vật bộc lộ tâm lí. Thiên nhiên được Nhất Linh thể hiện qua thế giới cảm giác của nhân vật.

Nếu nhưở Đôi bạn, thiên nhiên xuất hiện với tần số cao nhưng chủ yếu vẫn nhằm làm bối cảnh hoạt động cho nhân vật và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thể hiện nhân vật, thiên nhiên không chỉ tạo nên không gian bối cảnh cho nhân vật xuất hiện mà còn làm tôn thêm vẻ đẹp của nhân vật. So với Đôi bạn, rất ít cảnh thiên nhiên được miêu tả trong Bướm trắng. Bướm trắng rất khác biệt so với các tác phẩm khác của Nhất Linh cũng như của các nhà văn cùng nằm trong Tự lực văn đoàn. Thiên nhiên góp phần bộc lộ tâm lí nhân vật nhưng mức độ xuất hiện không còn nhiều so với các tiểu thuyết trước.

Trong tiểu thuyết Bướm trắng, thiên nhiên được miêu tả không nhiều (4 lần), song mỗi lần được khắc hoạ đều phần lớn là thiên nhiên chứa đựng tâm lí, thiên nhiên có sức gợi, sức khám phá, sức liên tưởng, sức dung chứa vô cùng sâu rộng cảm giác của nhân vật và có đóng góp đáng kể trong việc hoàn thiện bức chân dung tâm lí của nhân vật. Đó là thứ thiên nhiên ẩn ức, thoả mãn cả phần linh giác trong cảm thức kiếm tìm chìa khoá, giải mã đời sống tâm lí nhân vật. Thiên nhiên hiện lên trong Bướm trắng chính là bức tranh tâm cảnh, là nơi kí thác những cảm xúc tinh vi của nhân vật. Và như thế, thiên nhiên cũng thay đổi theo các trạng thái tâm lí của nhân vật. Điều đặc biệt là thiên nhiên trong Bướm trắng thường được quy chiếu về không gian tuổi thơ, thiên nhiên quá vãng với vườn rau, vòm trời, cánh bướm…hoàn cảnh thiên nhiên tâm lí xuất hiện thường là những “va chấn” tinh thần. Chẳng hạn, khi Trương đến gặp bác sĩ Chuyên để biết rõ sự thật về tình hình bệnh tật, trong sự lo lắng và nghi ngờ khôn nguôi về tình trạng sức khoẻ, nhìn thấy mấy bông cẩm chướng vàng trắng lẫn đỏ cắm trong một bình sứ tại phòng khám,

Trương “nghĩ đến những cái vui của cuộc đời nởở những nơi khác” [1, 29]; “một bông cẩm chướng trắng, gió lọt vào làm rung động như một cánh bướm. Tưởng nhớ đến ngày chủ nhật nắng - một ngày đã xa lắm chàng đứng nhìn những con bướm trắng bay lên một luống cải lấm tấm hoa vàng - và nhớ cả cái ngạc nhiên của mình khi nhìn cảnh rất thường ấy” [1, 29]. Nỗi ám ảnh về bệnh tật, về cái chết và tâm trạng lo buồn của nhân vật ngả bóng xuống đồ vật khiến tất cả chìm trong u sầu và “nhuộm một vẻ buồn âm u nhưở ngoài thế giới người đời” [1, 29].

Thiên nhiên còn hiện ra qua sự tiếc nuối quá vãng: “Lòng chàng lắng xuống và từ thời quá vãng xa xăm nổi lên một hình ảnh yêu quý của tuổi thơ trong sáng: khu vườn rau của mẹ chàng với những luống rau diếp xanh thẳm, những luống thìa là lá nhỏ như sương mù và hôm nào trời nắng, những mầm đậu hoà lan tươi non nhú lên qua lần rơm ủ. Rồi đến khi luống đậu nở hoa trắng có những con bướm rất xinh ởđâu bay về” [1, 155]. Hình ảnh thiên nhiên trong kí ức hay vòm trời tuổi thơ trong trẻo như một nốt nhạc vút lên thanh cao trong cái đời vật vã đau khổ, trong cuộc sống tương lai đen tối của Trương. Thiên nhiên hiện ra sau những chấn động tâm lí của nhân vật. Nó lấp lánh mời gọi nhân vật trên con đường tìm đến với hạnh phúc; nó nâng niu cái phần thơ ngây, nhỏ dại và trong trẻo trong tâm hồn nhân vật; nó như sự an ủi, xoa dịu vết thương lòng của nhân vật khi nhớ về quá khứ êm đềm; nó như lời hứa hẹn tốt đẹp trong tương lai; nó nâng đỡ và truyền sức mạnh cho nhân vật để chiến thắng những phần u tối trong con người mình, tiếp tục sống giữa cuộc đời đầy những cám dỗ và thử thách.

Nhất Linh đã dùng nhiều cảnh thiên nhiên để diễn tả tâm lí, tâm trạng của Trương khi gặp gỡ Thu, người con gái đẹp mà chàng biết là sẽ yêu. Lúc đó bầu trời bừng sáng, cảnh vật xung quanh tươi vui: nắng to, ngói đỏ, phố rộn ràng, “Trương đã thấy trong người đổi khác, cuộc đời và cảnh trời đất lúc đó cũng nhiễm một vẻ khác hẳn lúc thường…Trời bỗng nắng to: bức tường trắng và nóc ngói đỏ tươi của một ngôi nhà mới xây vụt qua cửa xa rực rỡ như một thứ đồ chơi, sơn còn mới. Trương thấy tiếng người, tiếng xe cộ mới qua lại dưới phố cũng vừa bừng nổi to hơn như theo ánh nắng mà ồn ào, rộn rịp hẳn lên. Ánh nắng chiếu vào trong xe điện,

in trên tấm áo trắng của Thu…nắng mới ngon lạ” [1, 13 - 14]. Khi Trương bên cạnh người yêu, chàng thấy cuộc sống trở nên rất đẹp, “nắng cũng đẹp mà mưa cũng đẹp” [1, 25].

Quang cảnh nhộn nhịp của cuộc sống con người với những đám cưới, đám mừng thọ được cảm nhận theo cảm giác chủ quan của Trương: “chàng thấy cảnh trời đất đẹp rực rỡ sáng lạn. Lá cây chàng thấy xanh hơn và màu các bông hoa trong vườn tươi thắm như ướt nước…gió và ánh sáng làm chàng chói mắt và say sưa bàng hoàng như người uống rượu” [1, 93 - 94].

Ngay cả khi ra tù, trong giấc mơ Trương mơ “bướm trắng”, “hoa cải vàng”, chàng nghĩ tới tương lai giấc mơ tình yêu, cuộc sống tốt đẹp. Hình ảnh “bướm trắng”, “hoa cải vàng” đã bốn lần xuất hiện trong tác phẩm ở những thời điểm quan trọng. Lần thứ nhất, khi đến phòng khám, Trương “tưởng nhớ đến ngày chủ nhật nắng - một ngày đã xa lắm chàng đứng nhìn những con bướm trắng bay lên một luống cải lấm tấm hoa vàng” [1, 29]. Khi biết sẽ chết thì “mắt chàng tự nhiên nhìn vào mấy bông hoa cẩm chướng và hình ảnh những con bướm bay trong nắng một ngày chủ nhật đã xa xôi lại hiện ra trước mắt” [1, 34]. Khi Trương bày tỏ tình yêu với Thu ở quê: “Trên một cây bàng nhỏ, những lộc mới đâm, màu xanh non hơi phớt hồng, trông như một đàn bướm ởđâu bay vềđậu yên” [1, 71]. Lúc ở vũng bùn truỵ lạc “hình ảnh yêu quý của tuổi thơ trong sáng: khu vườn rau của mẹ chàng…luống đậu nở hoa trắng có những con bướm rất xinh ởđâu bay về” [1, 155]. Thiên nhiên như sợi dây bảo hiểm khi con người ta chơi vơi, tuyệt vọng, nó giúp cho con người le lói một cái gì đó, tìm về niềm hi vọng, sự bình an của cuộc sống và nhìn rõ mình hơn. Nó là niềm an ủi tươi sáng, khát khao cháy bỏng về tình yêu, lòng ham sống một cuộc sống tươi đẹp. Thiên nhiên như một phương tiện hữu hiệu để miêu tả và khám phá thế giới nội tâm phong phú của nhân vật. Đó là đóng góp của Nhất Linh trong tiến trình phát triển văn học nước nhà.

Cảnh vật thiên nhiên trong Bướm trắng được miêu tả gắn với cảm xúc, tâm trạng nhân vật. Thiên nhiên đẹp, hài hoà với tâm trạng con người được hiện lên qua những hình ảnh, màu sắc lung linh và đượm hương thơm ngát. Đặng Tiến nhận xét:

“Trong tác phẩm của Nhất Linh, hương của thiên nhiên Việt Nam phảng phất khắp nơi và quyện vào hồn nhân vật: hương hoa khế, hoa cam, hoa bưởi, hoa lan rừng, hương cốm, hương lúa chín, hương rạ rơm mới gặt, hương gỗ mục và đất mới xới…Hương là bản chất của thực tế nhưng của một thực tế không còn cụ thể nữa mà đang vượt cụ thể để trở thành trừu tượng. Hương là bản chất của ngoại giới nhưng của một ngoại giới không còn vị trí nữa mà đang tan thành cảm giác” [37, 69].

Như vậy, ở Bướm trắng, thiên nhiên dường như chỉ là cái cớ để con người bộc lộ cảm xúc, tâm trạng, thế giới nội tâm mới là chủ thể. Thiên nhiên được hiện lên qua thế giới cảm giác của nhân vật. Có khi đó là không gian của tiềm thức, gợi cho con người nhiều liên tưởng: “Ngoài đường cái có tiếng lăn lạch cạch của một chiếc xe bò đi qua, Trương đoán là một xe rau ở ngoại ô lên chợ sớm. Lòng chàng lắng xuống và từ thời quá vãng xa xăm nổi lên một hình ảnh yêu quý của tuổi thơ trong sáng: khu vườn rau của mẹ chàng với những luống rau diếp xanh thắm, những luống thìa là lá nhỏ như sương mù và hôm nào trời nắng, những mầm đậu hoà lan tươi non nhú lên qua lần rơm ủ. Rồi đến khi luống đậu nở hoa trắng có những con bướm rất xinh ởđâu bay về” [1, 155].

Không gian tươi tắn, trong trẻo ấy không phải của thực tại, thực tại là cuộc sống trụy lạc của Trương trong một nhà “xăm”, sau một đêm mệt mỏi, chìm đắm trong khói thuốc phiện. Không gian được miêu tả ở đây là một không gian mang tính biểu tượng cho một quá khứ tươi đẹp đối lập với hiện tại. Là không gian của tiềm thức, của miền thiêng trong tâm hồn. Trương bất chợt thức dậy tiếp thêm cho chàng sức sống, buộc chàng phải nhìn lại mình để mà thay đổi.

Như vậy, thiên nhiên trong Bướm trắng đã trở thành một thủ pháp để bộc lộ cảm giác, tâm trạng của nhân vật. Dòng suy nghĩ của con người vận động đôi khi chỉ nhờ sự liên tưởng tới một hình ảnh thiên nhiên ở bên ngoài: một cánh bướm trắng gợi nên hình ảnh người yêu mặc áo lụa trắng.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật xây dựng nhân vật tiểu thuyết của Nhất Linh (Từ nhân vật tư tưởng đến nhân vật tâm lí) (Trang 118)