Đối thoại qua những cử chỉ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật xây dựng nhân vật tiểu thuyết của Nhất Linh (Từ nhân vật tư tưởng đến nhân vật tâm lí) (Trang 93)

Tiểu kết chương

3.3.1.2. Đối thoại qua những cử chỉ

Biện pháp đối thoại qua những cử chỉ hay đối thoại không lời cũng được Nhất Linh sử dụng thành công để các nhân vật Trương - Thu trao đổi tình cảm với nhau. Ở nhân vật Trương và Thu, ngoài hình thức giao tiếp bằng ngôn ngữ, còn giao tiếp với nhau bằng các hình thức phi ngôn ngữ. Ánh mắt, nụ cười, vẻ mặt của họ tham gia vào cuộc đối thoại không đơn giản chỉ là để bổ sung cho ngôn từ bên ngoài mà là những tín hiệu thẫm mỹ gợi ra một cuộc đối thoại khác, hoặc là sẽđược thể hiện, hoặc được thực hiện ngầm bên trong, dưới lớp vỏ ngôn từ. Kiểu đối thoại này có ý nghĩa biểu đạt trạng thái tâm lí nhân vật rất sâu sắc. Loại đối thoại này chính là một phương tiện hữu ích để trao đổi tình cảm giữa các nhân vật “chàng” và “nàng”, tạo nên mô típ “yêu trong tâm hồn, trong ý tưởng” của văn chương Tự lực văn đoàn.

Các nhân vật chính của hai tiểu thuyết Đôi bạn và Bướm trắng thường dùng lối đối thoại qua những cử chỉ để lặng lẽ bày tỏ tình cảm của mình cho nhau hoặc phân tích tâm lí lẫn nhau, khám phá tâm hồn, cảm nhận tình cảm dành cho nhau. Lúc này những gì được miêu tả, biểu hiện đều được khái quát từ phía nhân vật.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất tham gia vào hành vi đối thoại không lời là ánh mắt. Ánh mắt là “cửa sổ tâm hồn”, con người có thể biểu lộ thái độ, tình cảm dành cho nhau qua ánh mắt nhìn nhau. Vì thế, Nhất Linh đã sử dụng ánh mắt như một phương tiện để hai nhân vật Trương - Thu thể hiện tình cảm của mình và trả lời lại những tình cảm từ phía người đối thoại với mình. Đồng thời qua các sắc thái biểu hiện khác nhau của ánh mắt, các nhân vật có thể cảm nhận được

tình cảm của đối phương dành cho mình, có thể bay vào tâm hồn nhau để dò tìm, khám phá. Chuyện nhìn nhau của các cặp tình nhân là chuyện muôn thuở, nhưng mỗi cách nhìn lại biểu lộ một trạng thái tâm lí khác nhau, cho thấy những tính chất khác nhau của các mối quan hệ tình cảm. Trong khi Dũng và Loan, với mối tình thanh sạch, thầm kín, thì chỉ nhìn nhau âu yếm thôi, đã: “sợ lộ rõ quá, Dũng với một lá cỏ mím môi nhấm ngọn lá” thì Chương và Tuyết trong Đời mưa gió, với một mối tình đầy nhục cảm, có một cách nhìn nhau khác hẳn: “Rồi hai cặp mắt nhìn nhau, hai cặp mắt nồng nàn đắm đuối. Chương rùng cả mình”.

Nếu như Dũng và Loan trong Đôi bạn đặc biệt thích nói với nhau bằng ánh mắt và cảm nhận được tự do sống với rung động của lòng mình, thì Trương và Thu cũng dùng ánh mắt để trao đổi tình cảm cho nhau. Trong hầu hết những lần gặp gỡ của Trương và Thu, Nhất Linh đều dùng hình thức đối thoại này để miêu tả tình cảm giữa hai người. Tuy là một người truỵ lạc, sa ngã ăn chơi với tâm hồn bệ rạc, chán chường nhưng với Thu, Trương luôn dành cho nàng những tình cảm trong sạch, âu yếm thầm kín đầy sự tôn thờ, nâng niu, trân trọng chứ không giống như với những cô gái giang hồ khác. Điều đó bộc lộ tính chất phức tạp trong đời sống tình cảm của Trương. Trong tâm hồn một kẻ sa ngã như Trương không hoàn toàn là những cái xấu xa mà có cả những phần trong sáng, cao thượng. Ngoài những lúc Trương và Thu yên lặng nhìn nhau để tận hưởng những giây phút êm đềm hiếm hoi giữa họ, thì họ còn nói với nhau nhiều điều qua những tín hiệu của ánh mắt. Trong một lần lấy cớ đến trường mượn bài của anh em về chép để gặp Mỹ, sau đó là về nhà Thu chơi, Thu đã dùng ánh mắt của mình để nói riêng cho Trương hiểu ý muốn của mình khi hát: “Mắt thu thấy sáng long lanh mỗi lần nhìn chàng. Chàng biết là Thu đương nghĩ:

- Em hát để cho một mình anh nghe.

(…) Chàng lim dim mắt lại và trong vùng ánh nhỏ lọt vào mắt chỉ còn in có hình khuôn mặt Thu với hai con mắt yêu quý đương nhìn chàng [1, 142].

Trên đường đi chùa Thầy, Trương và Thu đã tận dụng chiếc gương xe để tự do nhìn nhau trong gương: “hai người yên lặng nhìn nhau”…[1, 160].

Chỉ cần như thế hai nhân vật đã thấu hiểu tình yêu dành cho nhau. Chính qua hình thức đối thoại không lời này đã mở ra một bước đột phá trong tình yêu của Trương và Thu. Hai người không còn âm thầm yêu nhau trong sự kín đáo, tế nhị “Tình trong nhưđã mặt ngoài còn e” nữa, mà chính thức bày tỏ tình yêu với nhau qua cái ôm thật chặt và nụ hôn nồng nàn, mê man trong cái thú thần tiên.

Có lẽ vì Trương và Thu luôn giao cảm với nhau bằng ánh mắt, ánh mắt đã trở thành một chìa khoá đặc biệt để giải mã những uẩn khúc, bí ẩn trong cảm xúc, thái độ của hai người dành cho nhau, mà đôi mắt Trương đã trở thành nỗi ám ảnh trong Thu. Đó là đôi mắt: “Trông hơi là lạ, khác thường; tuy hiền lành, mơ màng nhưng phảng phất có ẩn một vẻ hung tợn; hai con mắt ấy Thu thấy là đẹp nhưng đẹp một cách não nùng khiến nàng xao xuyến như cảm thấy một nỗi đau thương” [1, 14]. Thu thường nhìn đôi mắt ấy mà đoán định những hành động sắp tới của Trương và Trương cũng căn cứ vào ánh mắt của Thu mà đo tình cảm dành cho mình. Vì vậy, Trương đã tức giận Thu vô cùng, “giận Thu ứ lên cổ” [1, 224] khi trên chuyến tầu Hải Phòng - Hà Nội, họ tình cờ gặp nhau đúng lúc Trương ra tù, trước mắt những người thân, Thu không thèm nhìn chàng dù chỉ một lần, đôi lông mày nàng cau lại, vẻ mặt lãnh đạm kiêu hãnh. Trương chỉ cảm thấy vui trở lại, bao nhiêu nghi ngờ về Thu tiêu tán đi hết, lại còn thấy Thu đẹp nhất từ xưa tới nay khi nhận thấy cái nhìn của Thu lúc xuống ga. Cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ để Trương nhận thấy rằng: “Thu vẫn yêu mình” [1, 232].

Hình thức đối thoại mang tính chất ám chỉ và đối thoại qua những cử chỉđã làm rõ cảm giác về người khác trong nhân vật Bướm trắng. Ở tiểu thuyết luận đề, hình thức giao tiếp này không được phát huy tác dụng do phải phù hợp với bước phát triển của luận đề. Còn ở tiểu thuyết tâm lí, mối giao cảm giữa những nhân vật được nâng lên bình diện thứ nhất nên hình thức này đã phát huy được tác dụng giúp các nhân vật cảm nhận về nhau và cùng cảm nhận về thế giới. Chính quá trình khám phá về nhau ấy là một nét mới mà Nhất Linh đem đến cho nghệ thuật và nhân vật trong tiểu thuyết của mình. Nó khiến cho tiểu thuyết Nhất Linh có những yếu tố gần gũi với đời sống con người cá nhân hơn so với tiểu thuyết trung đại.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật xây dựng nhân vật tiểu thuyết của Nhất Linh (Từ nhân vật tư tưởng đến nhân vật tâm lí) (Trang 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)