Tiểu kết chương
2.2.1. Quan niệm về tiểu thuyết luận đề
Tiểu thuyết luận đề được hiểu là tiểu thuyết mà cốt truyện và số phận nhân vật được dùng để chứng minh cho một vấn đề triết học, đạo đức, xã hội (tức luận đề) có trước.
Có ý kiến cho rằng tiểu thuyết nào mà chẳng có luận đề. Vì thế, chúng tôi nhận thấy cần phải phân biệt hai khái niệm: tiểu thuyết luận đề với luận đề (hoặc chủ đề) của tiểu thuyết. Trong bất kì cuốn tiểu thuyết nào cũng chứa đựng ít nhất một chủđề, nhưng không phải hễ cứ nêu lên và giải quyết một chủ đề thì tác phẩm lập tức trở thành tiểu thuyết luận đề. Luận đề của tiểu thuyết chính là chủđề, là vấn đề triết lí xã hội, đạo đức và các loại hình tư tưởng khác được đặt ra trong tác phẩm. Chủ đề được hình thành từ hiện thực đời sống thông qua sự khái quát hóa của nhà văn, chủđề toát ra từ ý nghĩa khách quan của tác phẩm. Còn ở tiểu thuyết luận đề, luận đề là cái có trước, cốt truyện và nhân vật được dùng để chứng minh luận đề. Nếu cốt truyện và nhân vật phù hợp với luận đề thì tiểu thuyết luận đề được coi là thành công. Còn nếu ngược lại, luận đề không có được cốt truyện và nhân vật phù hợp thì tiểu thuyết luận đề sẽ không thành công.
Một đặc điểm của tiểu thuyết luận đề là tính định hướng trong khai thác nhân vật và cốt truyện. Nếu như ở tiểu thuyết bình thường, nhân vật được phát triển tự nhiên như trong cuộc sống thì với tiểu thuyết luận đề, sự can thiệp của tác giả khá rõ. Để khẳng định và bảo vệ cho luận đề của mình, nhà văn luôn luôn xây dựng hai tuyến nhân vật đối lập, có mâu thuẫn, xung đột gay gắt với nhau, trong đó nhân vật chính diện mang tư tưởng luận đề, luôn là “phát ngôn viên” cho tư tưởng của chính tác giả, nhân vật phản diện thì chống lại. Mặt khác, nhân vật thường chỉđược khai thác ở những bình diện có lợi cho luận đề. Kết thúc tiểu thuyết luận đề thường là “có hậu”, nhân vật chính diện bao giờ cũng thắng, nhân vật phản diện thì bị lên án và vì thế, tiểu thuyết luận đề thường mang mầu sắc đạo đức và duy lý.
Nhà nghiên cứu Phạm Thế Ngũ cho rằng: “Tiểu thuyết luận đề là tiếng để dịch thành ngữ Pháp “Roman à thèse”. Luận đềđây là chỉ cái chủ trương, cái quan niệm có hệ thống của một tác giả về một vấn đề trọng đại của tư tưởng và liên quan đến xã hội nhân sinh. Nhà văn viết ra một câu chuyện với chủ ý trình bày những nhân vật, dẫn dắt các tình tiết để đi đến một kết cục, tất cả nhằm bênh vực cái quan niệm riêng của mình… Người ta nhận ra tiểu thuyết luận đề ở chỗ, tác giả đã rõ rệt chủ ý bênh vực một quan niệm, để chống lại một quan niệm khác và rõ rệt uốn nắn câu chuyện, khuôn đúc nhân vật, phục vụ cho chủ ý của mình” [50, 244].
Tiểu thuyết luận đề thường không mở rộng diện phản ánh mà thường khái quát từ chiều cao với rất ít sự kiện và nhân vật. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đánh giá: lối tiểu thuyết luận đề là lối rất mới ở nước ta. Mà trong thể loại này thì tiểu thuyết của Nhất Linh là “những tiểu thuyết chiếm địa vị cao hơn cả”. Nói về loại tiểu thuyết này, Nhất Linh cũng đã đưa ra quan niệm: “Viết luận đề tiểu thuyết nghĩa là viết tiểu thuyết để nêu lên một lý thuyết, để tán dương, tuyên truyền một cái gì tác giả cho là tốt đẹp, để đả đảo một cái gì tác giả cho là xấu xa, viết tiểu thuyết để phụng sự, để chứng tỏ một cái gì đó …” [7, 17]. Như vậy, có thể hiểu tiểu thuyết luận đề là những sản phẩm văn học được viết ra để minh hoạ cho một chủđề nào đó, một ý đồ tư tưởng nào đó mà tác giả muốn gửi gắm.
Các nhà văn Pháp đầu thế kỉ XX coi tiểu thuyết luận đề ở ngoài phạm vi nghệ thuật và chứng minh một luận đề bằng tiểu thuyết là một sự điên rồ thật sự, bởi trong khái niệm tiểu thuyết và luận đề đã có sự đối lập. Luận đề: Là những lí thuyết, những vấn đề về khoa học, xã hội, triết học,đạo đức, chính trị…(như : xã hội dân chủ, cách mạng giải phóng, đạo đức mới, chếđộ tập thể, vấn đề nhân quyền…). Luận đề là đơn âm, là khô cứng, là lí lẽ mà người sáng tác bảo vệ, thuyết phục người đọc theo quan điểm của mình. Tiểu thuyết là hư cấu, là tưởng tượng, là phiêu lưu. Theo quan niệm hiện đại thì tiểu thuyết là hình thức đối thoại lớn của tác giả và người đọc. Tiểu thuyết mô tảđời sống riêng của con người trong mối quan hệ rộng lớn của xã hội. Tiểu thuyết mang tính tự do, động, để ngỏ.
Tiểu thuyết luận đề chỉ có một tiếng nói của tác giả. Tác giả dùng cách nói thẳng, cho nhân vật nói thẳng, như vậy phần nào có sự đối lập đơn âm của luận đề với đa âm của tiểu thuyết, sự linh hoạt của tiểu thuyết với sự khô cứng của luận đề, sự tự do, để ngỏ của tiểu thuyết với logic chặt chẽ của luận đề. Nếu như trong tiểu thuyết tâm lí, nhân vật thường tìm đến sự sâu lắng của thế giới nội tâm, thì trong tiểu thuyết luận đề, các nhân vật lại trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh cũ - mới, xông xáo, hăng hái với những hoạt động bề nổi. Nếu như một bên là tâm lí của đời sống đấu tranh thì bên kia sẽ là tâm lí của đời sống tình cảm.
Nếu như ở tiểu thuyết tâm lí, yếu tố tâm lí chính là điều mà tác giả quan tâm thể hiện, miêu tả, xử lí trong tác phẩm; tâm lí nhân vật có quan hệ mật thiết với cốt truyện, thể hiện xung đột, kiểu nhân vật, phong cách ngôn ngữ …thì ở tiểu thuyết luận đề, tất cả các yếu tố làm nên tác phẩm đều được dùng để chứng minh cho một vấn đề tư tưởng - xã hội đã được hình thành trong ý đồ sáng tác của tác giả. Nếu tiểu thuyết tâm lí thuộc giai đoạn cuối của phong trào Tự lực văn đoàn biểu hiện rõ thái độ thoát ly của các nhà văn, thì tiểu thuyết luận đề thuộc giai đoạn đầu biểu hiện rõ thái độ nhập thế của họ.
Ở Việt Nam, tiểu thuyết luận đề có thểđược hiểu như một ý tưởng về phong hóa, phong tục, ý tưởng chống lại gia đình phong kiến, ý tưởng đòi hỏi tự do tự lập cho con người cá nhân nẩy sinh ở một thời kì lịch sử nhất định (mấy thập niên đầu thế kỷ XX ).
2.2.2. Đôi bạn - một tiểu thuyết luận đề
Đôi bạn là tiểu thuyết thiên về luận đề, là một tác phẩm cách mạng dấn thân trong hoạt động xã hội với hình ảnh hiên ngang hào hùng của những chàng thanh niên yêu nước như Thái, Tạo . . . thoát ly gia đình để bước vào cuộc đời gió bụi làm cách mạng và hình ảnh của một chàng yêu nước lãng mạn như Dũng. Nhận xét về tiểu thuyết luận đề của Nhất Linh, GS Phan Cự Đệ viết: “Nhờ sự gắn bó máu thịt giữa hình tượng và luận đề, sự kết hợp khá nhuần nhị những phán đoán trí tuệ với những rung cảm của tâm hồn nên tiểu thuyết Nhất Linh nâng cao được ý nghĩa xã hội và sức khái quát của tác phẩm mà vẫn không rơi vào tình trạng minh hoạ một
cách khô khan công thức” [17, 379]. Thế Phong nhận xét về tiểu thuyết Đôi bạn: “Công lao lớn nhất của Nhất Linh là tạo cho đời một cuốn tiểu thuyết mà chủ đề thật sự là hành động cách mạng bí mật” và “Đôi bạn rất tiêu biểu cho bước chuyển tiếp diễn ra ở thanh niên, từ giấc mơ hạnh phúc cá nhân, đến giấc mơ ưa thích hành động anh hùng” [59, 82].
Cốt truyện của tiểu thuyết Đôi bạn nhằm minh hoạ cho những tư tưởng của Nhất Linh. Đôi bạn khá tiêu biểu cho bước chuyển tiếp tư tưởng của nhiều thanh niên thời đó, từđấu tranh cho hạnh phúc cá nhân đến giấc mơ ra đi tìm lý tưởng, thể hiện mong muốn về một xã hội lí tưởng. Đôi bạn đã thể hiện những băn khoăn, nung nấu về khát vọng hành động, ý thức thoát ly của một số thanh niên đang bị nhấn chìm trong nỗi dằn vặt, đau nhói vì cuộc sống không có lí tưởng, không lối thoát. Đôi bạn là những âm vang đầy trăn trở, suy tư trong cuộc ra đi của đôi bạn Dũng - Trúc, là khúc hát trong ngần về “cái thủa ban đầu lưu luyến ấy” của đôi bạn Loan - Dũng… Khẳng định tự do cá nhân của những cái Tôi đối lập với lễ giáo phong kiến, những cái Tôi “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”, băn khoăn đi tìm kiếm hạnh phúc trong một sự đổi thay của xã hội - đó chính là điều mà chúng ta đọc được trong Đôi bạn.
Ở tiểu thuyết Đôi Bạn, tác giả thể hiện cuộc vận động trữ tình trong tâm hồn của con người, hướng tới những khát vọng lãng mạn về tình yêu, về lí tưởng. Tiểu thuyết Đôi bạn đã thể hiện được những tư tưởng tiến bộ của lớp thanh niên trẻ có học thức, được tiếp xúc với văn minh phương Tây hiện đại. Nhà văn đã xây dựng nên những nhân vật lí tưởng đại diện cho những tư tưởng mới. Họ có ý thức sâu sắc về sự biến chuyển của thời đại, họ cảm nhận cuộc sống thật ngột ngạt, tù túng trong các ràng buộc của chế độ đại gia đình và hệ ý thức phong kiến cổ hủ. Vì thế, họ khao khát có được cuộc sống tự do.
Đôi Bạn còn thể hiện tư tưởng, quan niệm của Nhất Linh về tình yêu. Tình yêu trong khát vọng của tuổi trẻ, của thế hệ thanh niên trí thức những năm 30 của thế kỉ XX là một tình yêu lãng mạn, trong sáng, lành mạnh, vĩnh cửu, trong đó sự thanh sạch, thầm kín được tôn thờ.