Đối thoại mang tính chất ám chỉ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật xây dựng nhân vật tiểu thuyết của Nhất Linh (Từ nhân vật tư tưởng đến nhân vật tâm lí) (Trang 88)

Tiểu kết chương

3.3.1.1.Đối thoại mang tính chất ám chỉ

Nếu như ở Đôi bạn, đối thoại mang tính chất ám chỉ có rất ít thì ở Bướm

trắng đã được sử dụng thường xuyên. Biện pháp nghệ thuật này dù đã được Nhất Linh sử dụng trong các tiểu thuyết luận đề, nhưng đối thoại mang tính chất ám chỉở tiểu thuyết tâm lí có một biểu hiện khác so với trước. Ở tiểu thuyết luận đề, các nhân vật mượn đối thoại để khích bác, mỉa mai bóng gió một người thứ ba. Qua các đoạn đối thoại ấy, bản chất đố kị, nhỏ nhen của nhân vật được bộc lộ. Chẳng hạn đoạn đối thoại giữa mẹ con bà Phán khi Loan không biết nhà có giỗ, đi chơi vừa về đến nhà trong tiểu thuyết Đoạn tuyệt: “Bà Phán Lợi ngồi ở sập uống nước, thấy nàng về ngọt ngào hỏi:

- Mợđi chơi mát về?

Loan cúi đầu không đáp, đi rẽ sang buồng bên cạnh. Bà phán hỏi to: - Mợđã xơi cơm chưa để bảo nó dọn cơm.

Rồi bà lên tiếng gọi con gái:

- Bích ơi! Con dọn cơm lên để chị xơi đi.

Bích đang nói chuyện với em là cô Châu, thấy mẹ gọi, vội đáp: - Thưa mẹ, nhà hết cơm rồi, chỉ còn ít cháy thôi ạ” [3, 221].

Lời đối thoại giữa hai mẹ con bà Phán về hình thức bề ngoài thì rất ngọt ngào, tình cảm, quan tâm đến Loan nhưng thực chất là nhằm mục đích châm biếm, mỉa mai Loan đã không làm tròn phận sự của một người con dâu theo quan niệm của bà.

Nhưng ở tiểu thuyết tâm lí, các nhân vật dùng đối thoại để tìm hiểu, thăm dò lẫn nhau. Qua các cuộc trò chuyện, trao đổi tư tưởng tình cảm ấy, mối giao cảm giữa con người với con người được thiết lập, các nhân vật có điều kiện hiểu nhau hơn để rồi có thể xích lại gần nhau, yêu thương nhau, cảm hoá nhau hoặc có thể là ngược lại, trở nên xa cách, hiểu lầm, thù ghét nhau. Trong đối thoại mang tính chất ám chỉ thường song song tồn tại hai lớp nghĩa: Ngôn từ đối thoại diễn đạt nghĩa tường minh và một lớp nghĩa hàm ẩn nằm khuất sau từng câu đối thoại. Vì vậy cũng có thể gọi đây là đối thoại ngầm. Hình thức đối thoại này thường được sử dụng giữa các cặp tình nhân như Loan - Dũng (Đôi bạn), Nam - Lan (Đẹp), Thu - Trương (Bướm trắng), đôi khi cũng được sử dụng ở một vài quan hệ khác như ông Thiện - Cảnh, ông Thiện - Hoằng (Băn khoăn).

Có thể nói các nhân vật của Nhất Linh và Khái Hưng thường dùng đối thoại để chơi trò ú tim với nhau, nhằm thử thách tình cảm của nhau hoặc thăm dò tình ý của đối phương, khám phá những tình cảm về nhau. Tham gia vào trò chơi ngôn ngữđầy thông minh, tinh tế ấy sẽ giúp họ dần dần hiểu được tâm hồn, tình cảm của nhau, họ có thể hoàn toàn sung sướng, hạnh phúc khi biết chắc họ không thờơ với nhau, luôn nghĩ tới nhau và hiểu nhau, nhưng cũng có thểđau xót khi thấy khoảng cách tâm hồn giữa họ quá lớn, để rồi lặng lẽ khép lòng mình lại, chôn sâu tình cảm

vào đáy lòng. Lối đối thoại ngầm này, ngoài việc đóng vai trò là chìa khoá giải mã những bí ẩn, những khuất khúc éo le trong thế giới tâm lí, tình cảm giữa các nhân vật, còn cung cấp cho người đọc cảm nhận sâu sắc về những nhân vật đang được miêu tả: Họ mang trong mình những tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, luôn khao khát tìm kiếm những điệu hồn đồng điệu.

Đối thoại mang tính chất ám chỉ trong Bướm trắng được dùng để các nhân vật tìm hiểu, thăm dò thái độ, tình cảm của nhau, có khi là trước mặt người khác mà vẫn giữ được sự kín đáo, tế nhị. Trong những lần gặp gỡđầu tiên, đối thoại ngầm vừa giúp nhân vật hiểu được tình cảm của nhau, vừa “không để ai nghi ngờđược” [1, 24]. Chiều ba mươi tết, Trương đến thăm Thu. Đây là lần đầu tiên Trương đến một mình mà không đi cùng Hợp hay Mỹ. Dường như sự đồng cảm giữa hai con người mới quen được Trương phát hiện ra qua lời nói của Thu: “- Chiều ba mươi tết trời trông buồn lạ” [1, 19]. Đây cũng là cảm nhận của Trương vì chàng cũng đang định nói thế thì Thu đã nói trước. Ngoài ra câu nói này còn lặp lại ngữđiệu câu nói của Trương trong lần hai người gặp gỡđầu tiên trên xe điện: “- Sau mấy ngày u ám, trông nắng mới ngon lạ” [1, 14]. Lòng Trương tràn ngập hi vọng, hồi hộp vì cảm thấy rõ là Thu có thể sẽ yêu mình, “cái cảm tưởng ấy không dựa vào một câu nói, một cử chỉ rõ rệt nào của Thu cả, mà chính lại dựa vào những thứ không rõ rệt của câu nói” [1, 20].

Chiều mồng ba tết, Trương lại đến nhà Thu theo lời mời của Thu hôm ba mươi tết: “- Mùng ba tết anh lại đánh bạc cho vui” [1, 19] mà Trương cố tình làm như không nghe thấy lời mời. Trước tất cả mọi người, Trương nói lí do đến chơi: “- Tết chỉ có cái thú đánh bạc. Nhưng tôi không biết đánh với ai vì chỉ có mình ăn tết với mình. Cứ mỗi năm tết đến tôi lại bắt đầu buồn, buồn ngay từ chiều ba mươi” [1, 22]. Thực ra câu nói này là hướng đến Thu. Trương muốn gợi cho Thu nhớ lại cuộc gặp gỡ hôm ba mươi tết, nhớ lại sự đồng cảm của hai người khi cùng có cảm giác buồn vào lúc ấy. Thu cũng tỏ ra là người tinh tế, nhạy cảm khi đáp lại: “- Mà em nhận ra rằng ở nhà này năm nào cũng vậy, cứ mồng ba mới bắt đầu đánh bạc [1, 23]. Cầu nói đầy ẩn ý của Thu làm Trương giật mình.

Câu nói đầy ẩn ý này là Thu muốn nhắc Trương nhớđến câu mời hôm trước, Thu thấy Trương tỏ ra không nghe thấy lời mời vậy mà chàng lại đến. Vẻ mặt kiêu hãnh hơi lánh sau bà cụ cùng nụ cười mỉm và hai con mắt sáng lên có vẻ tinh nghịch là tâm trạng đắc thắng, sung sướng của Thu khi biết Trương đã mắc mưu. Cái giật mình của Trương như một tín hiệu hay bằng chứng của sự thua cuộc trong trò chơi ú tim với Thu - một cô gái thật thông minh.

Để tiếp tục dò ý tứ của Thu, “dò ý trước mặt cả mọi người mà không ai nghi ngờđược” [1, 24], nhân lần đầu thắng được đồng hào ván mới của Thu, Trương nói: “Ván này ăn được đồng hào ván mới …ngon lạ” [1, 24]. Việc cố tình nhấn mạnh vào từ “ngon lạ” là muốn gợi xem Thu có còn nhớ tới lời nói mà hai người đã dùng trong buổi đầu gặp nhau không. Nếu nàng còn nhớ thì có nghĩa là Thu đã để ý đến chàng. Thu cũng đáp lại bằng việc cất tiếng nói một mình: “- Trời cứ âm u mãi không thấy nắng mới” [1, 25]. Vậy là Thu và Trương đã bẻđôi câu nói của Trương hôm gặp mặt đầu tiên trên xe điện: “- Sau mấy ngày u ám, trông nắng mới ngon lạ” thành 2 mảnh, rồi cùng nhau khớp lại sau một đoạn đối thoại xoay quanh chuyện thắng thua bài bạc. Trương đóng vai kẻ xướng: “- Ván này ăn được đồng hào mới …ngon lạ”, còn Thu phụ hoạ: “- Trời cứ âm u mãi không thấy nắng mới”. Kết quả là Trương và Thu đều cảm thất sung sướng. Trương sung sướng không phải vì thắng bạc, vơđược tiền cả làng mà vì cảm nhận được tình cảm của Thu dành cho mình, biết được Thu đã để ý đến chàng, có thiện cảm với chàng ngay từ lần đầu tiên gặp nhau trên xe điện, nàng đã nhớ cả câu nói vu vơ của chàng. Trương thấy được hai người thật sự tâm đầu ý hợp với nhau, sung sướng khi thấy Thu đã hiểu ý mình và phép thử của chàng mang lại hiệu quả tốt đẹp. Lời đáp lại của Trương để thể hiện niềm hạnh phúc, vui sướng đó: “- Sống lúc nào cũng như lúc này thì cảnh nào cũng đẹp. Nắng cũng đẹp mà mưa cũng đẹp” [1, 25]. “- Sung sướng quá” [1, 26]. Thu cũng sung sướng không kém gì Trương: “- Đánh để thua mới được. Người được thì vui, người thua cũng thích không kém gì” [1, 26].

Tâm trạng sung sướng ấy của Thu chỉ có Trương mới hiểu được còn mọi người khác thì thấy câu ấy là vô lí, vì thế Hợp nói: “- Cái đó thì hơi nghi” [1, 26].

Qua những lời đối thoại mang tính chất ám chỉ thăm dò tình cảm ấy, Trương và Thu đã hiểu được tình cảm của nhau, họ đang hướng về nhau, đồng cảm với nhau trong khi những người khác không biết gì cả.

Trương và Thu lại tiếp tục đối thoại ngầm với nhau trong lần về trại ấp của gia đình Thu. Hợp giới thiệu căn nhà với mọi người sẽ ngủ là căn nhà trước để cho cậu của Hợp ở - ông cậu đã mất mà Trương đã gặp Thu lần đầu tiên vào hôm mọi người đi đưa đám ma ông ấy trở về. Cả Trương và Thu đều không quên cái ngày ý nghĩa đó nhưng lại làm như không nhớđể đối thoại ngầm với nhau, tiếp tục dò xét tình cảm, thái độ của nhau. Trong cuộc tranh luận ngầm này, Thu đã tỏ ra không hiểu được ngầm ý của Trương là giả vờ không nhớ để trêu đùa Thu nên nàng đã giận dỗi Trương bằng vẻ mặt lãnh đạm, hơi cau mày nhìn chàng khi thấy chàng mỉm cười khiến Trương sau đó phải giả vờ là đã nhớ ra để Thu nguôi giận.

Tuy vậy nhưng cả hai người đều hiểu được ngầm ý của cuộc tranh luận là không quan hệ gì đến chuyện nhớ quên hôm đưa đám mà để thăm dò tình cảm của nhau. Riêng Hợp là người ngoài thì ngơ ngác không hiểu, mà còn tự trách mình gây ra cuộc tranh luận quanh quẩn không đâu vào đâu ấy.

Vì đây là đối thoại ngầm nên thường song song tồn tại hai lớp nghĩa. Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn, nên không phải lúc nào những nhân vật tham gia giao tiếp cũng hiểu được đúng ngầm ý của nhau, vì vậy dẫn đến sự hiểu lầm đáng tiếc là không thể tránh khỏi. Mức độ hiểu lầm nhẹ có thể chỉ gây ra sự giận dỗi nhưng nặng hơn là sự xa cách, chia ly.

Chẳng hạn như lần Trương muốn thăm dò xem ý nghĩ của Thu đối với mình ra sao từ khi Thu nhận được thư của mình nên đã nói: “Lát nữa phải viết thư cho bà chủ nhà mới được” [1, 76], “- Giờ viết cái nữa cho bà khỏi mong” [1, 76]. Thu trả lời: “- Anh viết làm gì nữa. Viết một cái…” [1, 76]. Thu bỏ lửng câu nói, ngừng lại vì nàng không tìm được câu nói nào có hai nghĩa để Trương hiểu được mà Hợp không nghi ngờ. Ý của Thu muốn nói là: Trương không cần phải viết thêm lá thư thứ hai nữa, chỉ cần viết một cái là Thu đã hiểu được tâm trạng, tình cảm của Trương rồi. Nhưng Trương lại hiểu nhầm ý của Thu là bảo chàng từ nay đừng viết thư cho nàng

nữa, nghĩa là Thu không cần tình yêu của Trương nên việc trao đổi tình cảm qua thư từ cho nhau là không cần thiết. Sự tức giận, tự ái, cảm thấy tấm lòng, tình yêu của mình bị tổn thương nặng nề đã khiến Trương thốt ra những lời không thật với lòng mình: “- Nói đùa đấy, chứ bà ấy cần gì mình mà phải viết thư. Cái thư trước tôi cũng chẳng định bụng gửi. Viết rồi chẳng lẽ lại không gửi…” [1, 77]. Chỉ vì sự hiểu lầm này mà đôi trai gái đã phải xa nhau nửa năm trời. Trong những lời đối thoại tưởng như rất bình thường, bình tĩnh ấy lại ẩn giấu biết bao sự bực tức, khó chịu cũng như thất vọng, tự ái trong tâm hồn Trương.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật xây dựng nhân vật tiểu thuyết của Nhất Linh (Từ nhân vật tư tưởng đến nhân vật tâm lí) (Trang 88)