1.2.1. Khái niệm nhân vật
Nhân vật là khái niệm không chỉ dùng trong văn chương mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Vì vậy, trong lịch sử nghiên cứu đã có rất nhiều khái niệm về nhân vật. Theo bộ “Từđiển Tiếng Việt” của Viện ngôn ngữ học do Hoàng Lê chủ biên, Nxb Đà Nẵng, 2002 thì nhân vật là khái niệm mang hai nghĩa. Thứ nhất, đó là đối tượng
(thường là con người) được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm văn học nghệ thuật. Thứ hai, đó là “người có một vị trí quan trọng trong xã hội”. Như vậy, với cách hiểu như trên, nhân vật được dùng phổ biến ở nhiều mặt, cả ở đời sống văn học nghệ thuật và đời sống chính trị, xã hội, văn hoá…Nhưng trong phạm vi nghiên cứu của luận văn, chúng tôi chỉ đề cập đến khái niệm nhân vật theo nghĩa thư nhất của bộ Từđiển Tiếng Việt, tức là nhân vật trong tác phẩm văn chương. Nhân vật có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ, nhân vật (đó là “persona”) lúc đầu mang ý nghĩa chỉ cái mặt nạ của diễn viên trên sân khấu. Theo thời gian, thuật ngữ này được sử dụng với tần số cao để chỉđối tượng mà văn học miêu tả, thể hiện.
Cuốn Lí luận văn học, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1987 do nhóm tác giả Trần Đình Sử, Phương Lựu, Nguyễn Xuân Nam chủ biên, có định nghĩa khá kĩ về nhân vật văn học: “Nói đến nhân vật văn học là nói đến con người được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm, bằng phương tiện văn học. Đó là những nhân vật có tên như Tấm, Cám, Thạch Sanh…Đó là những nhân vật không tên như thằng bán tơ, một mụ nào đó trong Truyện Kiều…Đó là những nhân vật trong truyện cổ tích, đồng thoại, thần thoại, bao gồm cả quái vật lẫn thần linh, ma quỷ, những con vật mang nội dung và ý nghĩa con người…” [61, 61 - 62].
Trong cuốn giáo trình Lí luận văn học, Nxb Giáo dục Hà Nội, 1993 do GS Hà Minh Đức chủ biên lại có một định nghĩa khác về nhân vật: “Nhân vật trong văn học là một hiện tượng nghệ thuật mang tính ước lệ, đó không phải là sự sao chụp đầy đủ mọi chi tiết biểu hiện của con người qua những đặc điểm điển hình về tiểu sử, nghề nghiệp, tính cách…Và cần chú ý thêm một điều: Thực ra khái niệm nhân vật thường được quan niệm với một phạm vi rộng hơn nhiều, đó không chỉ là con người có tên hoặc không tên, được khắc hoạ sâu đậm hoặc chỉ xuất hiện thoáng qua trong tác phẩm, mà còn là những sự vật, loài vật khác mang bóng dáng, tính cách của con người…cũng có khi đó không phải là con người, sự vật cụ thể mà chỉ là một hiện tượng về con người hoặc có liên quan đến con người, được thể hiện nổi bật trong tác phẩm” [22, 102].
Khái niệm nhân vật văn học có khi được sử dụng một cách ẩn dụ, không chỉ một con người cụ thể nào mà chỉ một hiện tượng nổi bật trong tác phẩm. Chẳng hạn, có thể nói “đồng tiền” là nhân vật chính trong Ơgiêni Grăngđê của Banzăc hay “nhân dân” là nhân vật chính trong Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc và trong
Chiến tranh và hòa bình của L. Tolstoi, ca cao là nhân vật chính trong Ðất dữ của G. Amađô, chiếc quan tài là nhân vật trong tác phẩm Chiếc quan tài của Nguyễn Công Hoan...Tô Hoài nhận xét về Chiếc quan tài: “Trong truyện ngắn Chiếc quan tài của Nguyễn Công Hoan, nhân vật không phải là người mà là một chiếc quan tài. Nhưng chiếc quan tài ấy chẳng phải là vô tri mà là một sự thê thảm, một bản án tố cáo chế độ thảm khốc thời Pháp thuộc. Như vậy, chiếc quan tài cũng là một thứ nhân vật”. Tuy vậy, nhìn chung, nhân vật vẫn là hình tượng của con người trong tác phẩm văn học.
Do vậy, khái niệm nhân vật trong tác phẩm văn học không chỉ dừng lại ở con người mà còn ở cả những hình tượng liên quan đến con người. Với cách hiểu này, ta có thể coi “thời gian” trong truyện của Sêkhốp, các loài động vật (Dế Mèn, Dế Choắt, Châu chấu, Bọ ngựa…) trong Dế Mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài là những nhân vật văn học. Bởi chúng được nhà văn “giao nhiệm vụ” thể hiện quan niệm sống, ý tưởng của con người và thể hiện tư tưởng của tác phẩm. Vì thế, nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người có thật trong đời sống ngay cả khi tác giả xây dựng nhân vật với những nét rất gần với nguyên mẫu có thật. Nhân vật thường được thể hiện qua những dấu hiệu nổi bật về tên gọi, tiểu sử, tính cách, nghề nghiệp, hoàn cảnh, những đặc điểm riêng …chứ không phải là sự sao chụp y nguyên hiện thực ngoài đời. Những dấu hiệu này thường được giới thiệu ngay từ đầu và thông thường, sự phát triển về sau của nhân vật gắn bó mật thiết với những giới thiệu ban đầu đó.
Nhân vật văn học không giống với các nhân vật thuộc các loại hình nghệ thuật khác. Nhân vật văn học được thể hiện bằng chất liệu riêng là ngôn từ. Vì vậy, nhân vật văn học đòi hỏi người đọc phải vận dụng trí tưởng tượng, liên tưởng để dựng lại một con người hoàn chỉnh trong tất cả các mối quan hệ của nó.
Như vậy, có rất nhiều định nghĩa về nhân vật văn học, nhưng các định nghĩa đều mang những nội hàm giống nhau. Thứ nhất, nhân vật văn học là đối tượng mà văn học miêu tả, thể hiện bằng phương tiện văn học. Thứ hai, đó là những con người hoặc những con vật, đồ vật, sự vật, hiện tượng mang linh hồn con người, là hình ảnh ẩn dụ của con người. Thứ ba, đó là đối tượng mang tính ước lệ và có cách điệu so với đời sống hiện thực bởi nó đã được khúc xạ qua lăng kính chủ quan của nhà văn.
Đối với mỗi nhân vật văn học thì tính cách được coi là đặc điểm quan trọng nhất, là “nội dung của mọi nhân vật văn học”. Vì vậy, trước kia trong một số giáo trình đã gọi nhân vật là tính cách. Ở đây cần hiểu tính cách là những phẩm chất xã hội lịch sử của con người, thể hiện qua một vài đặc điểm cá nhân, gắn với phẩm chất tâm - sinh lí của họ. “Tính cách cũng là nhân vật nhưng là nhân vật được thể hiện với một chất lượng tư tưởng và nghệ thuật cao hơn, tuy chưa đạt đến mực độ là những điển hình” [22, 105]. Tính cách của nhân vật vừa bao gồm những thuộc tính riêng biệt, độc đáo mang tính cá nhân, lại vừa mang những nét chung tiêu biểu cho nhiều người trong xã hội. Đồng thời tính cách không tĩnh tại, bất biến mà có một quá trình phát triển phù hợp với logic phát triển khách quan của đời sống. Như vậy, tính cách tiêu biểu cho nhân vật. Trong tác phẩm văn chương, có nhân vật được khắc hoạ tính cách nhiều hay ít, nhưng cũng có những nhân vật không được khắc hoạ tính cách, điều này phụ thuộc vào ý đồ sáng tạo nghệ thuật của nhà văn.
Trong tiểu thuyết trung đại, nhân vật chủ yếu là nhân vật tính cách. Nó được xây dựng thông qua các biến cố, các sự kiện theo dòng thời gian tuyến tính, tác phẩm thường được chia theo chương, hồi. Mỗi một hồi lại tái hiện một sự kiện, biến cố mà nhân vật tham gia. Tính cách của nhân vật được bộc lộ thông qua biến cốđó. Trong khi đó, ở tiểu thuyết hiện đại, nhân vật không chỉ được quan tâm đến tính cách mà còn được chú ý đến diễn biến tâm lí, đến sự đa diện trong tâm hồn nhân vật. Điều này khiến cho nhân vật của tiểu thuyết hiện đại không ước lệ theo kiểu tư duy nghệ thuật cổ điển mà cụ thể, sinh động hơn nhiều. Trong mối tương quan với cốt truyện, nhân vật cổ điển bị ràng buộc, chi phối bởi cốt truyện và bị hạn chế bởi
bút pháp cũ, trong khi đó nhân vật trong tiểu thuyết hiện đại giữ vai trò lớn trong tác phẩm, nhiều khi chi phối và phá vỡ cốt truyện.
Gắn với sáng tác ngôn từ của những thời đại khác nhau, nhân vật văn học in dấu những xu hướng của văn xuôi nghệ thuật. Tiêu biểu cho sử thi là nhân vật lí tưởng hoá; ở truyện ngắn cổ điển là kiểu nhân vật mặt nạ cố định; ở truyện ngắn lãng mạn là kiểu nhân vật bị vò xé bởi những mâu thuẫn; ở truyện ngắn hiện thực thế kỉ XIX - XX là nhân vật được miêu tả trong tính xx hội lịch sự cụ thể, có đời sống tâm lí; ở một số trào lưu văn học và sân khấu trong thế kỉ XX còn có phản nhân vật, tức là một kiểu nhân vật văn học bị tước bỏ nhiều nét vốn có của nó (so với các trào lưu truyền thống) nhưng vẫn đứng ở vị trí trung tâm của tác phẩm. Nhân vật trong tác phẩm văn học vô cùng phong phú và đa dạng. Từ những góc độ khác nhau có thể phân chia nhân vật văn học thành nhiều kiểu loại khác nhau.
Nhân vật vừa là yếu tố thuộc về nội dung, vừa là yếu tố thuộc về hình thức, bởi vậy nó có vị trí và chức năng vô cùng quan trọng trong tác phẩm văn học. Nhân vật là phương tiện để khái quát hiện thực (nhân vật là công cụ để tạo nên thế giới nghệ thuật, là phương tiện để tái hiện con người với các đặc điểm về tính cách, số phận, chiều hướng con đường đời). Nhân vật là phương tiện để khái quát những quy luật của cuộc sống con người, thể hiện những hiểu biết, những ao ước, kì vọng về con người. Nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về một cá nhân nào đó, về một loại người nào đó, về một vấn đề nào đó của hiện thực. Nhân vật chính là người dẫn dắt người đọc vào một thế giới riêng của đời sống trong một thời kì lịch sử nhất định. Nhà văn còn sáng tạo nhân vật là để thể hiện những cá nhân xã hội nhất định và các quan niệm về cá nhân đó. Nói cách khác, nhân vật là phương tiện khái quát các tính cách, các số phận con người và các quan niệm về chúng. Nhân vật còn là phương tiện để khái quát tư tưởng và quyết định hình thức của tác phẩm. Trong tác phẩm văn xuôi tự sự, nhân vật và cốt truyện giữ vai trò chủ đạo. Nhân vật sẽ xâu chuỗi các sự kiện, tình tiết của tác phẩm, là nơi để nhà văn thể hiện quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mĩ về con người, đồng thời góp phần tạo nên giá trị, sức hấp dẫn và sự thành công của tác phẩm.
Nhân vật là yếu tố cơ bản nhất trong tác phẩm văn học. Nó là tiêu điểm để bộc lộ chủđề và đến lượt mình, nó lại được các yếu tố có tính chất hình thức của tác phẩm tập trung khức hoạ. Nhân vật, do đó là nơi tập trung giá trị tư tưởng và nghệ nghệ thuật của tác phẩm.