nghệ thuật tiểu thuyết của Nhất Linh đã đạt đến một trình độ mới. Nhất Linh đã tổng kết những chặng đường nghệ thuật và tư tưởng, đem hết kinh nghiệm sống và
viết của đời mình để tạo nên tác phẩm. Xóm Cầu Mới là một trong hai tiểu thuyết dài nhất trong văn nghiệp của tác giả, khoảng 600 trang, cho thấy ông đã có nhiều chuyển hướng mới cả về nội dung lẫn hình thức. Xóm Cầu Mới là một tác phẩm xã hội giá trị của nền văn chương Việt Nam, có chiều sâu tâm lí, Nhất Linh đã chau chuốt hành văn của ông một cách tỉ mỉ. Đây là tác phẩm quan trọng mang những kì vọng của Nhất Linh về một bộ tiểu thuyết trường giang trên mười ngàn trang, diễn tả những phức tạp muôn mặt của cuộc đời. Ởđây không còn chủđề, không còn đấu tranh xã hội, cũng không phơi bày một triết lý sống nữa, mà chỉ có đời trần trụi. Trong Xóm Cầu Mới, Nhất Linh đã đạt đến cái đích của tiểu thuyết mà ông mong muốn “không phải là sự diễn tả đời sống nữa, nó chính là đời sống, đời sống rung động và hồi hộp, mà không chỉ là đời sống bên ngoài mà còn là đời sống bên trong, đời sống bí ẩn của tâm hồn”. Nhất Linh tạo không gian nội tâm và ngoại giới của mỗi nhân vật và đi sâu vào không gian ấy như thể ông bị nhân vật lôi cuốn đi, từ Mùi, Siêu, đến những người xung quanh như Tý, Bé, Triết, Mạch, ông Lang Hàn, U già, vợ chồng bác Lê, Nhỡ, Đỗi, Bà Chủ Nhật Trình, ông Năm Bụng, cậu Ấm, cụ Án v.v...
Xóm Cầu Mới có những nét khác biệt so với các truyện tình cảm, xã hội của Nhất Linh trước đây, nó cũng cho thấy ông đã cố gắng tìm một kỹ thuật, một ý hướng sáng tác mới để phù hợp với trào lưu đương thời. Văn phong của Nhất Linh trong Xóm Cầu Mới ngắn, gọn, đơn giản, ông chủ trương không làm văn nữa, tức là bỏ lối viết văn chương của thời lãng mạn để trở về với lối viết nguyên thủy “có lời là vì ý, được ý hãy quên lời” rất Nam Hoa Kinh mà những nhà văn lớp sau như Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến, Võ Hồng đã ít nhiều chịu ảnh hưởng.
Nhất Linh không xây dựng nên nhân vật nữa mà chính những nhân vật dựng nên cõi viết Nhất Linh. Ngòi bút vừa xây nên nhân vật vừa từ nhân vật đi ra, tự nhiên như không phải tả gì cả. Cách xây dựng tiểu thuyết của Nhất Linh không giống cái “không khí” Tolstoi nữa, tức là đã ra khỏi thế kỉ XIX để bước vào thế kỉ XX mà hồi tưởng, mơ mộng, kí ức được tận dụng triệt để với Marcel Proust. Nhất
Linh trong Xóm cầu mới sử dụng hồi tưởng và kí ức như một lợi khí mới của tiểu thuyết. Xóm cầu mới có thể coi là tác phẩm theo chủ nghĩa hiện thực mới.
Nhất Linh bắt đầu viết Dòng sông Thanh Thủy ngày 28/11/1960. Đây là một trường giang tiểu thuyết, gồm: Ba người bộ hành, Chi bộ hai người và Vọng quốc. Về văn phong và nghệ thuật, Dòng Sông Thanh Thủy không phải là tác phẩm nổi bật nhưng là cuốn sách mạnh nhất về tư tưởng và chính trị của Nhất Linh. Đây là câu chuyện về giai đoạn kinh hoàng của cách mệnh, hai đảng Việt Nam Quốc Dân Đảng, gọi tắt là Việt Quốc, và Việt Minh thanh toán nhau trong bắt bớ và thủ tiêu.
Dòng sông Thanh Thủy là một bộ tiểu thuyết thoát ra ngoài cõi viết của Nhất Linh, một người mà cho đến năm 1960 vẫn đặt vấn đề chính trị ra ngoài văn học? Về phương diện kỹ thuật tiểu thuyết, Dòng Sông Thanh Thủy hơi loãng, thua Đôi
Bạn, Bướm Trắng và Xóm Cầu Mới, nhưng có giá trị lịch sử và nhân văn.
Vậy là qua mỗi chặng đường sáng tác, với cá tính sáng tạo của mình, Nhất Linh đã luôn tìm tòi đểđổi mới thể loại tiểu thuyết. Có thể tóm lược một số nét như sau:
Tiểu thuyết của Nhất Linh đã từ bỏ kết cấu theo trình tự thời gian, chương hồi mà đi vào kết cấu theo diễn biến và quy luật tâm lí: Từ tuân thủ lối kết cấu của tiểu thuyết truyền thống, Nhất Linh đã đi đến phá vỡ lối kết cấu ấy khi ông tập trung xây dựng lối kết cấu dựa trên trạng thái tâm lí nhân vật thay vì lối kết cấu dựa trên cốt truyện với những sự kiện và biến cố bên ngoài của nhân vật. Với lối kết cấu theo quy luật tâm lí, bên cạnh thời gian nhiều chiều, Nhất Linh còn xây dựng cả thời gian tâm lí. Trong nhiều tiểu thuyết của Nhất Linh, sự xuất hiện một cách phong phú các yếu tố tâm lí như tiềm thức, vô thức, hồi tưởng, liên tưởng, tưởng tượng đã làm cho bình diện thời gian trần thuật không còn theo trình tự trước sau. Ông đã đi sâu vào miêu tả những diễn biến trong nội tâm nhân vật với lối văn giản dị, trong sáng.
Nếu như các tác phẩm truyền thống ở thế kỷ XVIII chỉ chú trọng xây dựng một cốt truyện chặt chẽ, hô ứng, thời gian trong tác phẩm diễn tiến trên trục thời gian một chiều, thường bỏ qua những chi tiết bộn bề của cuộc sống, mà chỉ chú ý tới những sự kiện, hành động lớn trong cuộc đời nhân vật, các chi tiết nhiều khi chỉ có giá trị tượng trưng, ước lệ. Tiểu thuyết của Nhất Linh đã phá vỡ khuôn khổ của
cốt truyện truyền thống, không còn đi theo trình tự thời gian của cốt truyện cổ mà đã đi thẳng vào vấn đề một cách đột ngột, rồi kết thúc một cách bất ngờ. Truyện có thể bắt đầu từ một quãng đời bất kì của nhân vật. Cốt truyện không còn giữ vai trò chi phối tính cách nhân vật mà chịu chi phối bởi sự phát triển của tính cách.
Càng về sau trong các tiểu thuyết của ông, ông đã đi sâu miêu tả những chi tiết tưởng chừng như rất đơn giản trong bộn bề cuộc sống thường ngày nhằm làm nổi bật tính cách, số phận của nhân vật. Cốt truyện không đơn thuần là những sự kiện, hành động mà bao gồm cả quá trình diễn biến tâm lí quanh co, phức tạp trong tâm hồn nhân vật. Các sự kiện có vai trò quan trọng trong việc khơi nguồn cho dòng chảy tâm lí và định hướng cho hành động của nhân vật.
Nhất Linh đã giã từ quan niệm truyền thống, noi theo cổ nhân như có lần ông từng tuyên bố trên báo Nam Phong (1924, số 79): “Ta chỉ nhận thấy rằng, văn chương Kiều có thể làm cái mẫu rất tốt cho văn chương chữ quốc ngữ, và người nào làm văn cũng nên theo cách làm văn trong Truyện Kiều, vì những câu thơ trong Kiều đã tới cực điểm” để đi vào quan niệm mới về văn học. Ông chuyển hướng từ tư tưởng, cảm hứng nghệ thuật, đề tài đến lối viết. Tiểu thuyết của ông không còn thể hiện quan niệm thẩm mĩ phương Đông và in bóng dáng của truyện thơ nôm mà nhà văn chuyển sang tư tưởng xã hội và quan điểm thẩm mĩ kiểu phương Tây, quan tâm đến số phận con người cá nhân, đến quyền sống, quyền tự do dân chủ, quyền được hưởng hạnh phúc, lòng khát khao lí tưởng. Điều này được thể hiện trong hàng loạt tác phẩm: Nắng thu, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Đôi bạn rồi Bướm trắng và sau này là Xóm cầu mới, Dòng sông Thanh Thuỷ. Ông có hoài bão dùng văn chương cải tạo xã hội con người.