Đặc điểm của nhân vật trong tiểu thuyết

Một phần của tài liệu Nghệ thuật xây dựng nhân vật tiểu thuyết của Nhất Linh (Từ nhân vật tư tưởng đến nhân vật tâm lí) (Trang 35)

Một trong những thành phần quan trọng nhất của tiểu thuyết là nhân vật. Nói đến tiểu thuyết là nói đến việc xây dựng nhân vật. Vấn đề vai trò, vị trí và phương thức tồn tại của nhân vật trong tiểu thuyết như thế nào thì luôn là vấn đề lí thuyết mà mọi nền lý luận văn học đều quan tâm lý giải.

Tiểu thuyết phản ánh cuộc sống từ góc độ đời tư, đi sâu vào phản ánh số phận con người, do đó, nhân vật của tiểu thuyết khác với nhân vật trong các thể loại khác như sử thi, kịch, thơ… Nhân vật của tiểu thuyết có những đặc điểm riêng mà nhân vật thuộc các thể loại khác không có được.

Nhân vật sử thi là những con người chỉ nhìn thấy và biết ở mình có những gì mà người khác nhìn thấy và biết ở nó. Ở con người này chẳng có gì phải tìm tòi, ước đoán, hoàn toàn không chủđộng trong tư tưởng, trong ngôn ngữ. Từ đó có thể thấy, về cơ bản, nhân vật sử thi được tạo ra vẻđẹp vô song, trong sáng như pha lê và đạt được tính hoàn chỉnh nghệ thuật về hình tượng con người. Nếu đối tượng của sử thi là những nhân vật của quá khứ dân tộc thì nhân vật tiểu thuyết là những con người của thời hiện tại. Nhân vật tiểu thuyết là “con người nếm trải”. Tức là nhân vật phải chịu rất nhiều những trải nghiệm trong cuộc đời với bao nhiêu thăng trầm, biến đổi, những đau khổ dằn vặt, suy nghĩ. Bởi lẽ, nhân vật trong tiểu thuyết luôn chịu tác động của hoàn cảnh. Trong sử thi, nhân vật tương đối đơn giản, phù hợp với quan niệm phổ biến về kiểu loại nhân vật đó. M. Bakhtin nhận xét, con người trong tiểu thuyết khác với sử thi là thường không đồng nhất với chính nó. Không có nhân vật nào thống nhất với chính nó từ đầu đến cuối tác phẩm. Chúng ta thường xuyên bắt gặp những kiểu nhân vật hai mặt, hay những mâu thuẫn, đối kháng tâm lí trong chính bản thân nhân vật. Một người có địa vị cao trong xã hội nhưng lại xử sự rất xấu và ngược lại. Nghĩa là nhân cách con người tiểu thuyết phức tạp hơn nhiều

so với những lược đồđơn giản về vị thế, giới tính, giai cấp,…của chính họ. Vì vậy, mặt tâm lí của nhân vật luôn là trung tâm nhấn mạnh của tiểu thuyết.

Truyện ngắn chỉ có thể nói về nhân vật trong quỹ thời gian ngắn, có những biến động lớn mà người đọc không thể hiểu rõ tiểu sử, sự phát triển cụ thể của cuộc đời họ. Còn tiểu thuyết với khuôn khổ rộng lớn về thời gian và không gian, nhà văn có thể khai thác nhân vật, miêu tả nhân vật một cách tỉ mỉ, toàn diện theo suốt quá trình một cuộc đời.

Nếu ký chỉ từ một con người thực, một bối cảnh thực để xây dựng nên hình tượng điển hình thì tiểu thuyết lại có khả năng cùng một lúc tạo dựng được hình tượng điển hình từ nhiều con người, tính cách, bối cảnh khác nhau.

Cũng giống như phương thức miêu tả của một số thể loại văn học khác, nhân vật trong tiểu thuyết được nhà văn miêu tả qua những chi tiết, những xung đột, tình tiết biến cố, những mâu thuẫn bên trong. Vì vậy, nhân vật trong tiểu thuyết phải tương tự với con người trong cuộc sống, nó phải là con người mang bản chất xã hội một cách chân thực khách quan, song nó lại phải có cá tính, có cuộc đời, số phận riêng, độc lập.

Nhân vật trong tiểu thuyết đa dạng, phong phú, có thể là con người toàn vẹn, đầy đặn, được miêu tả nhiều mặt, tinh tế, chi tiết như con người đang sống; có thể được miêu tả sinh động, hoàn chỉnh từ góc độ ngoại hình đến tính cách, nội tâm, từ tình cảm đến lý trí, từ tính cách đến số phận, từ hành động đến tâm lí, ngôn ngữ, các mối quan hệ, từ bình diện ý thức đến vô thức, từ tư tưởng đến bản năng. Sự miêu tả đã đạt đến mức độ lập thể, toàn vẹn. Người viết có thể khai thác nhân vật một cách toàn diện, tỉ mỉ theo từng bước thăng trầm của số phận. Nhưng nhân vật trong tiểu thuyết cũng có thể chỉ là những phiến đoạn, một dòng nội tâm hoặc thậm chí nhân vật chỉ còn những phân mảnh.

Nhân vật trong tiểu thuyết phát triển có quá trình, tham gia vào tình huống với nhiều hành động khác nhau nên có sức sống nội tại, tự nó tìm thấy con đường đi của nó trong tác phẩm. Giữa nhân vật và hoàn cảnh luôn có mối quan hệ tác động lẫn nhau. Nhân vật chịu sự chi phối mạnh mẽ của hoàn cảnh, lệ thuộc vào hoàn

cảnh. Đôi khi nhân vật cũng có thể làm thay đổi hoàn cảnh trong phạm vi nhất định, nhưng hoàn cảnh vẫn giữ một vai trò quyết định trong tiểu thuyết. Hoàn cảnh ởđây được nhận thức là “vận mệnh” tác động trực tiếp đến nhân vật, quyết định số phận nhân vật.

Nhân vật tiểu thuyết có rất nhiều, sốđông, nhiều khi xuất hiện với cả gia tộc, dòng họ, thậm chí nhiều thế hệ. Số lượng nhân vật có thể lên tới 500 như trong

Chiến tranh và hòa bình hoặc Hồng lâu mộng. Cách tiếp cận nhân vật cũng rất đa dạng. Nhà tiểu thuyết có thể miêu tả nhân vật qua hành động và tâm lí như tiểu thuyết thế kỷ XIX, ví như phép biện chứng tinh thần của L. Tolstoi; nhưng cũng có thể miêu tả qua hồi ức hay dòng ý thức như nhiều tiểu thuyết thế kỷ XX của M. Proust, J. Joyce, J. Kawabata,… Nhân vật tiểu thuyết có đời sống và số phận riêng phù hợp với sự phát triển tính cách của nhân vật và logíc của đời sống. Nhân vật tiểu thuyết là hình bóng của con người, có tác động đến lối sống của con người.

Nhân vật tiểu thuyết tuy bắt nguồn từ cuộc đời thực và luôn có mối liên hệ với cuộc đời, nhưng không vì thế mà đồng nhất nhân vật tiểu thuyết với con người thật ngoài cuộc đời, vì đây là nhân vật của hư cấu và tưởng tượng, là nhân vật có tính chất điển hình được xây dựng theo quan niệm nghệ thuật của nhà văn, là nhân vật của một thời đại nhất định nhưng nó cũng là nhân vật của mọi thời đại.

Nhân vật tiểu thuyết trước tiên là con người bình thường của đời sống hàng ngày với những quan hệ cụ thể. Tiểu thuyết hiện đại từ chối loại nhân vật “bề trên”, mỗi nhân vật là cả một thế giới không hềđơn giản một chiều mà hết sức phong phú và sâu sắc. Tác giả Thiếu Sơn trong Phê bình và cảo luận cho rằng nhân vật tiểu thuyết phải là những người “tầm thường” nhưng mang bản sắc nhân loại với cái nghĩa là những phẩm chất “yếu hèn”, “cao thượng” mà cho dù ai, ởđịa vị nào cũng ít nhiều có. Thạch Lam trong Theo dòng đề cao nhân vật như một phức hợp đa diện, một con người rất tốt có thể có lúc giận dữ, tàn ác như một người rất ác có thể có lúc hiền lành nhân từ. Người ta là người với những sự cao quý và hèn hạ của con người. Những hành vi của người ta không chỉ do lẽ phải và tri thức, mà phần nhiều định đoạt bởi những nguyên nhân sâu xa khác: tính di truyền, tạng người, tính

chất…Vũ Bằng trong Khảo về tiểu thuyết khái quát thêm rằng nhân vật tiểu thuyết là một nhân vật phản chiếu hình ảnh của đời, là một nhân vật như chúng ta đây, một nhân vật rất gần, rất thân thiết chúng ta, một nhân vật mà nhìn vào lòng như nhìn vào lòng ta vậy.

Trong tiểu thuyết, mối quan hệ giữa nhân vật và nhà văn rất phức tạp. Là sản phẩm do nhà văn sáng tạo, nhân vật tiểu thuyết là hình bóng, là hiện thân tư tưởng của nhà văn, vì “bản chất tiểu thuyết không có gì đố kị với tư tưởng, miễn là tư tưởng đừng thủ tiêu, đừng hút hết máu tươi và da thịt của nhân vật để chỉ còn lại những bộ xương khô” [57, 30]. Và “Ở những tác phẩm lớn của nhân loại về tiểu thuyết, tư tưởng cao sâu đều có cái duyên may gặp được những nhân vật sống, có cá tính, mang ra phô diễn” [57, 30]. Nhân vật tiểu thuyết là nơi thể hiện rõ nhất những quan điểm nghệ thuật và quan niệm của nhà văn về cuộc sống. Nhưng dù nhân vật có là cái loa phát ngôn cho tư tưởng của nhà văn, thì nhân vật cũng không bao giờ là hình hài của tác giả, là đồng nhất với tác giả. Nhân vật tiểu thuyết có đời sống, số phận và sức sống nội tại riêng phù hợp với sự phát triển tính cách của nhân vật và logíc của đời sống. Nó luôn biến động, luôn có sự chuyển hóa để thích nghi với những thay đổi của đời sống. Cho nên, khi xây dựng nhân vật tiểu thuyết, nhà văn phải tôn trọng tính độc lập và sự phát triển tự do của nhân vật, phải thấy được quy luật vận động nội tại của tính cách nhân vật.

Trong tiểu thuyết hiện đại, nhân vật được đặt ở vị trí trung tâm. Theo nhà nghiên cứu Trần Thanh Hiệp, trong tiểu thuyết, vấn đề quan trọng “phải là vấn đề nhân vật. Người ta sẽ tìm thấy bộ mặt của con người trong các nhân vật của tiểu thuyết (…). Trong tiểu thuyết, ngoài nhân vật còn có gì khác nữa, thời nhân vật cũng vừa là cá thể, vừa là linh hồn” [39, 93 - 94]. Tô Thùy Yên khẳng định: “gây không khí cho tiểu thuyết là một điều kiện cần thiết nhưng chưa đầy đủ (…) không khí chỉ là môi trường cho nhân vật cử động thôi, thành thử nhân vật vẫn là trọng tâm của tiểu thuyết gia” [39, 96]. Trong chuyên luận Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết, Nguyễn Văn Trung cho rằng: “Nhà văn nào cũng có ý nghĩ của mình về cuộc đời và khi cầm bút viết tức là muốn dựng lên một thế giới con người và sự vật nhằm thể hiện những ý nghĩ đó. Cho nên hai yếu tố cấu tạo

chính của tác phẩm tiểu thuyết là nhân vật và sự vật”. Nhân vật là linh hồn, là yếu tố không thể thiếu trong tiểu thuyết, ở nhân vật có thể tìm thấy “bộ mặt con người”, nhân vật là chiếc cầu nối giữa “cuộc đời thực” và “cuộc đời có vẻ thực” trong tiểu thuyết. Qua thế giới nhân vật, người đọc sẽ tìm thấy những vấn đề nhân sinh mà tác giả muốn gửi gắm, muốn chia sẻ.

Khi sáng tác, mỗi nhà văn thường chọn cho mình một thế giới nhân vật phù hợp với sở thích, cá tính của mình để miêu tả, thể hiện. Trong tiểu thuyết, nhân vật là nơi duy nhất để tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác. Để khẳng định vấn đề này, Nguyễn Đình Thi đã viết: “Vấn đề trung tâm của nghệ thuật tiểu thuyết theo tôi, là miêu tả những con người và đường đi của họ trong xã hội. Người viết tiểu thuyết nghĩ mọi vấn đề đều phải thông qua các nhân vật, xuất phát từ nhân vật hơn là từ sự việc” [66, 645].

Như vậy, nhân vật trong tiểu thuyết hết sức đa dạng, phong phú và luôn hấp dẫn, mới mẻ, có khả năng khái quát hiện thực, khái quát quan điểm nghệ thuật của nhà văn. Nhân vật có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo cảm hứng cho nhà văn sáng tạo nghệ thuật và thể hiện ngòi bút tài năng của nhà văn. Những tiểu thuyết có giá trị luôn thành công trong việc xây dựng nhân vật.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật xây dựng nhân vật tiểu thuyết của Nhất Linh (Từ nhân vật tư tưởng đến nhân vật tâm lí) (Trang 35)