Khái niệm nhân vật tâm lí

Một phần của tài liệu Nghệ thuật xây dựng nhân vật tiểu thuyết của Nhất Linh (Từ nhân vật tư tưởng đến nhân vật tâm lí) (Trang 67)

Tiểu kết chương

3.1.Khái niệm nhân vật tâm lí

Nhân vật tâm lí, theo góc nhìn nào đó, cũng chỉ là một hình thái cụ thể của nhân vật tính cách. Hạt nhân của nhân vật tính cách là cá tính - cái cá tính làm nên một nhân cách độc lập, trong khi hạt nhân của nhân vật tâm lí là tâm lí, là thế giới nội tâm, đời sống tinh thần của nhân vật. Nếu như nhân vật tính cách thường đa diện, phức tạp, chứa đầy mâu thuẫn nội tại, tính cách của nó không phải bất biến, đơn giản một chiều mà thường có một quá trình tự vận động phát triển dưới ảnh hưởng của môi trường, hoàn cảnh khiến cho nhân vật không đồng nhất giản đơn vào chính nó, thì đời sống nội tâm của nhân vật tâm lí cũng không đơn giản, cố định mà luôn biến đổi với những trạng thái tâm lí đa chiều và những diễn biến nội tâm quanh co, phức tạp.

Với loại nhân vật tâm lí này, nhà văn dồn bút lực, tâm huyết và tài năng sáng tạo của mình vào việc tái hiện “hiện thực tâm lí”, vào những hành động, động cơ, ý thức bên trong chứ không phải là những hành động bên ngoài của nhân vật. Nhiều khi hiện thực tâm lí đó không chỉ làm nên nhân vật mà còn làm nên chính câu chuyện, làm nên những tác phẩm thường được gọi là “truyện không có cốt truyện”. Từ đây, vô số thủ pháp miêu tả tâm lí được thể nghiệm, dẫn đến sự ra đời của bút pháp “dòng ý thức” mà các bậc thầy của nó là M. Proust (tác giả của Đi tìm thời

gian đã mất), J. Joyce (tác giả của Ulysse)…Nhiều nhân vật của A. Chekhov, E. Hemingway, Nam Cao, Nhất Linh, Khái Hưng…là nhân vật tâm lí.

Thứ trong tiểu thuyết Sống mòn của Nam Cao là một nhân vật tâm lí. Trong đời sống nội tâm của nhân vật luôn chứa đầy những mâu thuẫn khiến Thứ luôn phải thực hiện những động tác tự nhận thức, phân tích, lựa chọn và đấu tranh nội tâm để chiến thắng những cái xấu xa, nhỏ nhen, ích kỉ trong con người mình. Không hài lòng trước sự giả dối, keo kiệt của Oanh, Thứ cũng muốn nói cho Oanh biết rõ nhưng rồi lại thấy tự xấu hổ, ân hận, vừa lên án, vừa biện hộ cho những tính xấu của Oanh. Hay kiếp sống nghèo khổ khiến Thứ nhỏ nhen, ti tiện với bạn bè, tàn nhẫn,

nghi ngờ vợ, ghen bóng, ghen gió, làm khổ vợ và chính mình. Và cứ thế tâm lí nhân vật triền miên, nối tiếp nhau cho đến hết truyện.

Nhân vật tâm lí được tập trung thể hiện ởđời sống nội tâm sâu kín. Thế giới tâm lí nhân vật với những khuất khúc, éo le trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhà văn trong khi miêu tả nhân vật. Nhà văn trong khi miêu tả tâm lí nhân vật đã lách sâu ngòi bút của mình vào mọi ngóc ngách sâu kín trong tâm hồn nhân vật, lí giải những động cơ tâm lí làm nảy sinh hành động và phân tích những phản ứng tâm lí của nhân vật.

Nhân vật tâm lí được nhà văn tập trung phân tích, mổ xẻở “hiện thực tâm lí” - thế giới bên trong thầm kín, thế giới vi mô của con người. Đời sống nội tâm nhân vật trở thành một thế giới đặc biệt để đi sâu khám phá. Với cái nhìn hướng nội, nhà văn đã miêu tả, phân tích những biến đổi và những mâu thuẫn của đam mê tình cảm, của dục vọng thấp hèn, của khát vọng cao quý…trong tâm hồn nhân vật.

Nhân vật tâm lí được nhìn nhận với tư cách cá nhân. Những hoạt động bên ngoài của nhân vật không giữ vai trò quan trọng, nhân vật thu về đời sống nội tâm, ở trạng thái tĩnh với những mức độ biểu hiện và trạng thái đa dạng, có cả phần mơ hồ của tiềm thức, vô thức, nhiều khi nhân vật hành động mà không tự biết mình. Nhân vật tâm lí thiên về tựđối diện với những biểu hiện của cái Tôi cá nhân trong chính con người mình, thường sống với những xung đột tình cảm có tính chất nội tại, thường tự phân tích và mổ xẻ chính mình. Hành vi bên ngoài và suy nghĩ bên trong của nhân vật không thống nhất đơn giản một chiều. Đời sống nội tâm sâu kín của nhân vật hiện lên đầy sóng gió, phức tạp với những mâu thuẫn chồng chéo, đan xen. Nhân vật thường đấu tranh nội tâm để chiến thắng những dục vọng thấp hèn trong con người mình, phân tích nghiêm khắc để nhìn ra những cái sai, thừa nhận những khuyết điểm, lầm lỗi trong các hành động và quyết định của mình để lựa chọn cho mình một lối thoát, một hướng đi…

Đời sống tâm lí nhân vật hiện lên là cả một quá trình với những biểu hiện của sự vận động qua những mâu thuẫn nội tại phức tạp. Diễn biến nội tâm của nhân vật như một hành trình vô tận, vận động và biến đổi qua những trạng thái tâm lí

khác nhau. Nhà văn càng đi sâu khám phá tâm lí nhân vật thì càng phát hiện ra nhiều biểu hiện và biến thái tinh vi. Thế giới nội tâm của nhân vật như một biển cả mênh mông với rất nhiểu những lớp sóng ngầm và những chuyển biến mong manh, tế nhị của tâm hồn. Trong khi miêu tả tâm lí nhân vật, ngòi bút phân tích tâm lí của nhà văn như muốn chạm đến tận cùng đáy sâu tâm hồn nhân vật, len vào mọi ngóc ngách bí ẩn để phát hiện và lí giải từng trạng thái tâm lí tinh vi.

Ở nhân vật tâm lí, tâm lí nhân vật có thể được miêu tả, thể hiện trực tiếp hoặc được nhận thức qua quá trình phân tích của chính bản thân nhân vật. Tình huống cốt truyện đóng vai trò quan trọng, là nguyên cớ cho nhân vật tự bộc lộ thế giới bên trong của mình. Có khi tâm lí nhân vật lại tự bộc lộ ra ngoài qua những biểu hiện nhỏ nhặt, qua ngôn ngữ, hành động có tính chất bột phát, bất chấp sự kiểm soát của lí trí, ý thức. Đôi khi nhân vật cố tình hoặc khéo léo che đậy tâm lí thật của mình dưới cái vẻ bề ngoài, động cơ thầm kín bên trong không trùng khít với biểu hiện bên ngoài. Các nhà văn đã sử dụng nhiều thủ pháp miêu tả tâm lí trong khi miêu tả những biểu hiện của tâm lí nhân vật như: đối thoại tâm lí (với các dạng thức: đối thoại mang tính chất ám chỉ, đối thoại mang tính chất độc thoại, đối thoại qua những cử chỉ), độc thoại nội tâm, phân tích tâm lí…

Một phần của tài liệu Nghệ thuật xây dựng nhân vật tiểu thuyết của Nhất Linh (Từ nhân vật tư tưởng đến nhân vật tâm lí) (Trang 67)