0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (142 trang)

Ngôn ngữ nhân vật

Một phần của tài liệu NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TIỂU THUYẾT CỦA NHẤT LINH (TỪ NHÂN VẬT TƯ TƯỞNG ĐẾN NHÂN VẬT TÂM LÍ) (Trang 57 -57 )

Tiểu kết chương

2.3.3. Ngôn ngữ nhân vật

Thế giới tư tưởng, tình cảm của nhân vật một phần rất quan trọng được bộc lộ qua cách nói, cách tổ chức ngôn ngữ nói của nhân vật. Nhất Linh không chỉ để nhân vật tự bộc lộ mình qua hành động, mà tư tưởng, tâm lí của nhân vật còn biểu hiện qua ngôn ngữ đối thoại (với các dạng là đối thoại mang tính chất ám chỉ, đối thoại qua những cử chỉ, đối thoại mang tính chất độc thoại) và độc thoại nội tâm. Vì Đôi bạn tuy là tiểu thuyết luận đề nhưng đã có những bước chuyển sang loại tiểu thuyết tâm lí nên ngôn ngữ cũng có những điểm đặc sắc.

Trong Đôi bạn, ngôn ngữđối thoại đã có nhiều hình thức phong phú để phản ánh muôn vàn những cách biểu hiện tình cảm trong đời sống của con người. Ngôn ngữ đối thoại là sự giao tiếp qua lại luân phiên giữa những người cùng tham gia giao tiếp và thông qua đó, tâm lí, tính cách của nhân vật được bộc lộ. Sử dụng loại ngôn ngữ này, tác giả đã khiến cho ngôn ngữ đối thoại của nhân vật trở nên nhiều màu sắc biểu cảm hơn. Ngôn ngữ đối thoại không chỉ đơn thuần là công cụ truyền

đạt nội dung thông tin trực tiếp mà còn là mật khẩu để những người trong cuộc thông báo cho nhau, tìm hiểu, khám phá lẫn nhau, khiến nhân vật hiện lên gần gũi với đời thực hơn.

Trước hết là loại ngôn ngữ ám chỉ. Theo sự thống kê của chúng tôi, hình thức đối thoại mang tính chất ám chỉ sử dụng trong Đôi bạn là 9 lần. Qua các đối thoại ấy, mối giao cảm giữa Loan và Dũng trong Đôi bạn được thiết lập, cặp tình nhân đó có điều kiện hiểu nhau hơn để rồi xích lại gần nhau. Trong khi gia đình đang náo nức chuẩn bị cho lễ cưới của Dũng và Khánh thì Dũng lại nung nấu ý định bỏ nhà ra đi, trong đó có phần suy nghĩ “bỏđi để khỏi phụ Loan” [2, 317]. Bởi vì trong quan niệm của Dũng thì gia đình Dũng sẽ không bao giờ cho phép cưới Loan làm vợ, còn nếu hai người tự quyết định lấy nhau thì cuộc sống đơn điệu, tẻ ngắt của đời sống trưởng giả sẽ giết chết tình yêu của họ, chi bằng xa hẳn Loan ra, vì xa tức là gần Loan, mãi mãi yêu Loan và không bao giờ hết. Còn Loan, nàng đoán Dũng chắc chắn phản đối đám cưới và có lẽ sẽ rủ nàng trốn đi, trong thâm tâm nàng không hề sợ sự trốn tránh ẩn núp “nếu lúc nào cũng có Dũng ở bên cạnh nàng” [2, 321]. Nhưng đó mới chỉ là những ý định và đoán định. Họ cần phải tỏ cho nhau biết và họ đã ngầm trao đổi với nhau:

“Dũng đáp liều:

- Tôi thấy mấy quả na kia ngon mà tiếc sẽ không được ăn. Chàng giật mình vì biết mình đã nói lỡ lời. Loan sinh nghi hỏi: - Tại sao thế?

Dũng đáp: - Tại thế…

Không nói cho Loan biết hẳn mình sẽ đi nhưng Dũng vẫn muốn Loan nghi ngờđể thử ý Loan.

Loan nói:

- Anh hay trả lời mập mờ, đến bực mình thôi.

Thật ra Loan sung sướng thấy có nhiều chứng cớ về việc Dũng bỏ nhà đi. Loan nhìn Dũng rồi đứng hẳn dậy nói:

- Nào đi…. Hiền nói:

- Đã hết việc đâu mà đi. Cô giúp tôi một tay cho xong nốt chỗ này đã. Loan mỉm cười lại ngồi xuống:

- Nào thì ở lại. Đi, ở lại, hai đường phân vân…

Dũng ngồi yên lặng một lúc lâu rồi nói như khuyên Loan: - Cô nên ở lại…

Loan nhìn Dũng, đôi mắt luôn luôn chớp, có vẻ một người đương tự hỏi để tìm một câu trả lời quyết định. Nàng yên lặng, khẽ gật đầu. Rồi hai người, mỗi người nhìn một phía, cùng có dáng suy nghĩ ” [2, 322 - 323] .

Trong cuộc đối thoại này, Hiền tuy là người tham gia nhưng hoàn toàn không hiểu mục đích của nó. Những câu nói thật thà của Hiền được sử dụng làm phương tiện để kết nối mạch ngầm trao đổi giữa Loan và Dũng.

Các nhân vật của Nhất Linh qua Đôi bạn, ngoài hình thức giao tiếp bằng ngôn ngữ, họ còn giao tiếp với nhau bằng các hành vi phi ngôn ngữ. Ánh mắt, nụ cười, vẻ mặt, cử chỉ…của họ tham gia vào cuộc đối thoại không đơn giản chỉ là để bổ sung cho ngôn từ bên ngoài mà là những tín hiệu thẩm mĩ gợi ra một cuộc đối thoại khác. Kiểu đối thoại này có ý nghĩa biểu đạt trạng thái tâm lí nhân vật rất sâu sắc. Đó là đối thoại qua những cử chỉ (đối thoại không lời). Loại đối thoại này chính là một phương tiện hữu ích để trao đổi tình cảm giữa các nhân vật Dũng - Loan, Trương - Thu. Nó cũng là một môtíp phổ biến, “yêu trong tâm hồn, yêu trong ý tưởng” của văn chương Tự lực văn đoàn.

Các nhân vật chính của Đôi bạn thường dùng lối đối thoại không lời này để lặng lẽ bày tỏ tình cảm của mình cho nhau hoặc phân tích tâm lí lẫn nhau. Lúc này, những gì được miêu tả, biểu hiện đều được khái quát từ phía nhân vật. Dũng và Loan đặc biệt thích nói với nhau bằng ánh mắt, họ cảm thấy được tự do sống với những rung động của lòng mình. Khi Dũng ở nhà Thảo, đang mong thì Loan đến, “Chàng cố ngồi thật yên lặng để hoàn toàn nghĩ đến cái vui sướng của lòng mình”

[2, 218]. “Bỗng Dũng thấy Loan đưa mắt nhìn mình như lấy làm lạ, chàng tưởng nghe thấy lời Loan trách:

- Anh muốn gì em mà từ nãy đến giờ anh yên lặng nhìn em không nói nửa lời” [2, 219].

Ánh mắt mà Loan và Dũng dành cho nhau đã khiến cho bà Hai nhìn thấy vẻ thân mật lưu luyến giữa hai người. Có lúc, ở nhà Dũng, “không nhìn hẳn vào chỗ Loan ngồi, nhưng Dũng biết rằng từ lúc vào, Loan vẫn chăm chú nhìn mình (…) Nàng không nói, không mỉm cười chỉ yên lặng nhìn Dũng. Dũng đặt mũ xuống bàn và đứng dựa vào thành ghế, hơi nghiêng người để lẩn mặt trong bóng tối. Loan biết rằng Dũng muốn được tự do nhìn lại mình; hai con mắt nàng bỗng tươi hẳn lên dưới ánh đèn và hai hàng lông mi nàng hơi rung động. Nhìn Loan, Dũng thấy rõ cái ý nàng muốn hai con mắt lặng lẽ diễn cho chàng nỗi vui sướng âm thầm được trông thấy mặt chàng” [2, 231]. Họ chỉ lặng lẽ nhìn nhau nhưng có biết bao điều được trao đổi khi họđều “biết rằng” và “thấy rõ” về nhau. Cái nhìn của Loan như “đọc” được hết những điều Dũng muốn giấu giếm về những chuyến đi cùng Trúc, nó như muốn bảo “em biết rồi, đừng giấu em làm gì”.

Khi được đi cùng Dũng trong một chuyến du lịch tình cờ “từ miệng nói cho đến vẻ mặt nhìn của Loan, Dũng thấy nàng như muốn thầm bảo Dũng:

- Em cũng như anh sung sướng được đi như thế này” [2, 258].

Dũng thấy mọi lời khen được thốt ra ngoài đều trở nên tầm thường quá, “chàng muốn cứđể Loan nhìn chàng mà đoán ra được rằng chàng đương thầm khen Loan hơn là diễn ra bằng một lời nói không bao giờ ý vị bằng sự yên lặng của hai con mắt” [2, 255].

Chính vì vậy, ánh mắt đã trở thành một yếu tố quan trọng dệt lên bản tình ca không lời của cặp tình nhân Loan - Dũng. Chỉ bằng ánh mắt, đôi bạn thưở thiếu thời đã nói với nhau bao điều thiêng liêng, xúc động hơn bất kì lời bày tỏ tình yêu nào. Mối tình giàu mộng tưởng và đầy chất thơ của Loan - Dũng trong Đôi bạn là một mối tình thanh sạch, trong đó sự thầm kín được tôn thờ, không hề có một lời yêu

thương nào, chỉ có ánh mắt trao gửi như một lời tỏ tình. Chỉ bằng ánh mắt thôi, Dũng và Loan cảm thấy tất cả tình yêu:

“Không nghe tiếng Loan và Thảo nói chuyện nữa, Dũng nghiêng mặt quay về phía hai người. Chàng thấp thoáng thấy hai con mắt đen lánh của Loan. Thấy Dũng bắt gặp mình đương nhìn trộm, Loan vội nhắm mắt lại làm như ngủ; song biết là Dũng đã trông thấy rồi, nàng lại vội mở mắt ra rồi qua những ngọn lá cỏ rung động trước gió, hai người yên lặng nhìn nhau (…) Giây phút thần tiên của đôi bạn vẫn yêu nhau từ lâu nhưng lần đầu dám lặng lẽ tỏ ra cho nhau biết (…) Tình yêu hai người vẫn đã có từ trước nhưng sao cái phút đầu tiên tỏ ra cho nhau biết ấy lại quan trọng đến thế; không có gì cả mà sao Dũng lại như vừa thấy một sự thay đổi to tát trong đời, hình như tâm ái tình của chàng với Loan chỉ mới có thực, mới bắt đầu từ phút vừa qua” [2, 328 - 329]

Trong rất nhiều cách tỏ tình của những cặp tình nhân, Nhất Linh đã chọn cho họ hay nói đúng hơn, họđã lựa chọn lối tỏ tình bằng mắt. Với mối tình thanh sạch, thầm kín, họ chỉ nhìn nhau âu yếm thôi, chỉ là mỉm cười nhưng cũng đã sợ lộ quá.

Bằng lối đối thoại mang tính chất độc thoại, Nhất Linh ít nhất hai lần cho thấy sự không tương hợp về lối suy nghĩ giữa đôi bạn thân thiết như hình với bóng là Dũng và Trúc. Có lẽđó cũng là một trong những lí do để nhân vật tự rút ra nhận thức rằng mình đứng chơ vơ hẳn ra ngoài cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Với một thứ tư duy cụ thể, Trúc không thể cảm nhận được những suy tư của Dũng trước quang cảnh xơ xác tiêu điều của bến đò Gió. Cả hai đều nhất trí với nhau ở chỗ: cảnh bến đò bao giờ cũng buồn. Nhưng tại sao? Trúc không cần nghĩ ngợi nữa, đồng ý với lời Dũng: “có lẽ tại nó gợi trí nghĩ đến sự biệt ly”, để quay lại với chiếc bánh gai đang ăn dở. Nhưng Dũng không dừng lại với điều mình nói, chàng có cảm giác điều đó là không phải nên đã tìm duyên cớ sâu xa hơn. Dũng thấy những chuyến đò là hình ảnh của con người sinh ra và khuất đi như những khách bộ hành qua đò, vì vậy “Buồn có lẽ vì tại trông thấy bến đò mình như thấy rõ hình ảnh cuộc đời. Sống mà nghĩ đến mình sống thì bao giờ cũng buồn. Đã bao lâu mình không làm gì cả, nên mình không có cái gì để quên điều ấy đi” [2, 224].

“Chàng mỉm cười thấy mấy cái quán hàng trên vỉa đê và những khóm chuối lá xơ xác đương trải gió bấc:

- Bến đò không buồn lắm; buồn nhất là những cái quán xơ xác của các bến đò. Mình là những cái quán ấy, đứng yên trong gió lạnh nhìn cuộc đời trôi qua trước mặt.

Chàng nói to hỏi Trúc: - Có phải thế không, anh?

Trúc ngơ ngác không hiểu chuyện gì, cắn một miếng bánh thật to, rồi gật đầu: - Chính đó. Tôi tưởng không có thứ bánh gì ngon hơn bánh gai. Anh có thấy thế không?

Dũng cười đáp: - Chính đó. Trúc vui vẻ nói:

- Thế mới biết chúng mình bao giờ cũng đồng ý với nhau” [2, 224 - 225]. Câu kết luận đầy ngây thơ và tự mãn mà Trúc nói ra đã khiến cho nhân vật tự phơi bày sự nông nổi và đơn giản trong suy nghĩ của mình, không cần đến một lời bàn nào của tác giả. Như vậy, Dũng nói với người khác cũng chỉ như là tự nói với chính mình, tự phân tích những cảm xúc và cảm giác của mình. Lời nói ra là kết quả của một quá trình tâm lí đã có từ trước, không những không làm cho nó khép lại, mà còn mở ra những suy tư tiếp theo. Bằng vào lời nói ấy, nhân vật có thể làm ra vẻ như đang tham gia vào cuộc trò chuyện nhưng thực chất là chỉ sống với cái hiện tại khép kín của mình.

Có thể coi tình huống sau đây là một ví dụ tiêu biểu. Hoàn cảnh của cuộc đối thoại là một buổi sáng, tại nhà Thảo, với những người tham gia là Thảo, Lâm, Trúc, Dũng. Dũng có một ý muốn ngấm ngầm và tha thiết “mong Loan nhớ chàng hơn là chàng nhớ Loan, và Loan sẽ đi tìm chàng để gặp mặt. Chàng tin chắc rằng thế nào hôm nay Loan cũng đến chơi đây, tuy chàng biết sự tin ấy là vô lí” [2, 211 - 212]. Vì vậy, Dũng ngăn không cho Thảo mời Loan đến. Dũng hồi hộp chờđợi, một tiếng động ngoài vườn cũng khiến quả tim chàng đập mạnh, một tiếng giày lạo xạo trên

đường chàng cũng “nghe thấy rất nhẹ như tiếng giày một người con gái” [2, 213], nhưng hóa ra lại là…của một ông khách. Khi Trúc nói: “Ít khi thấy một ngày đẹp như hôm nay. Mùa đông mà ấm áp lạ”, chàng cũng phụ họa theo: “- Giời trong không có đám mây nào”, nhưng “vừa nói vừa nhìn về phía mái nhà Loan, ngẫm nghĩ:

- Lúc này, chắc Loan đương ngồi học, thỉnh thoảng lại nhìn ra và cũng như mình thấy cảnh trời đẹp, nghĩđến mình và muốn bỏđi chơi….

Chàng nói to với Lâm:

- Giời đẹp như thế này mà không ai đi chơi thật phí…” [2, 215]. Trong câu nói to với Lâm ấy chứa đựng cùng một lúc hai thông tin: 1. Ước gì Loan nghĩđến mình và đến đây chơi.

2. Nếu Loan không đến thì thật là đáng tiếc.

Sau đó “chàng lấy làm lạ rằng sao lại có thể mong Loan tha thiết như vậy, mong Loan như mong một người xa cách đến mấy năm” [2, 216], lại thấy tiếc sao cho không để Thảo mời Loan đến. Rồi đến khi Loan đến thật, Dũng bàng hoàng “có cái cảm tưởng rằng thời khắc ngừng hẳn lại; ánh nắng lấp lánh trên lá cây cũng thôi không lấp lánh nữa. Lòng chàng thốt nhiên êm ả lạ lùng; chàng và cả cảnh vật chung quanh như không có nữa, chỉ là một sự yên tĩnh mông mênh, trong đó tiếng Loan vang lên như có một nàng tiên đương gieo những bông hoa nở” [2, 216 - 217]. Như vậy, Dũng đã chơi trò ú tim với linh cảm của mình mà không một ai hay biết cả.

Chúng tôi đã làm một thống kê nhỏ về tỉ lệ dòng văn bản độc thoại và độc thoại nội tâm ở tiểu thuyết Đôi bạn là: 2,26% (111/4904 dòng văn bản).

Xét trên cấp độ tác phẩm, độc thoại nội tâm bao giờ cũng tỉ lệ nghịch với hành động của nhân vật. Điều này được thể hiện rõ trong nhân vật chính là Dũng. Ở nhân vật này, tác giả không chú trọng miêu tả hành động mà chủ yếu diễn tả trạng thái băn khoăn của những dự định đang hình thành của nhân vật. Mục đích mà Nhất Linh huớng tới khi xây dựng nhân vật không phải là hành động cuối cùng, vả lại Dũng cũng không có hành động cuối cùng, mà là trạng thái tâm lí. Chuyến vượt biên sang

Tầu với những lần ngoái lại quê hương, hồi tưởng kỷ niệm…của Dũng chẳng bao giờ cho thấy sự an bài nào cả. Độc thoại nội tâm đã đóng vai trò khá lớn trong việc miêu tả con người suy tư ấy, đã đặt nhân vật vào tình trạng “nghĩ”, “nghĩ ngợi”, “ngẫm nghĩ”.

Với cách hiểu độc thoại nội tâm là dạng ngôn ngữ trực tiếp tự do, chúng tôi nhận thấy trong 174 trang của Đôi bạn đã xuất hiện tới 15 lần “Dũng ngẫm nghĩ”, đó là chưa kể một số lần lời độc thoại nội tâm bật ra đột ngột, không theo logic của suy nghĩ, không cần tới sự chuyển tiếp của ngôn ngữ trần thuật, đó là những lúc nhân vật tự đối thoại với chính mình. Nhân vật Dũng luôn hiện ra với những trạng thái “nghĩ thầm”, “tự hỏi”, “ngẫm nghĩ”, “nghĩ bụng”, “thầm như”, “nghĩ”… Trước đó có thể có một vài từ ngữ thông báo trạng thái nhân vật lúc đó như “cảm động”, “buồn rầu”, “mỉm cười”…Trường hợp không báo trực tiếp bằng các từ ngữ trên thì có thể là: “đưa mắt”, “mỉm cười chua chát”, “mỉm cười sung sướng”, “cau mày”, “một ý tưởng thoáng qua”…

Nhất Linh đã sử dụng độc thoại nội tâm vào việc biểu đạt những biến động mãnh liệt trong tâm hồn nhân vật. Chúng ta đã biết nỗi ám ảnh của Dũng trong Đôi

bạn là phải ra đi, “phải cắt đứt hết các dây liên lạc, phải đoạn tuyệt hẳn” [2, 365].

Một phần của tài liệu NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TIỂU THUYẾT CỦA NHẤT LINH (TỪ NHÂN VẬT TƯ TƯỞNG ĐẾN NHÂN VẬT TÂM LÍ) (Trang 57 -57 )

×