Nghệ thuật thể loại tiểu thuyết

Một phần của tài liệu Nghệ thuật xây dựng nhân vật tiểu thuyết của Nhất Linh (Từ nhân vật tư tưởng đến nhân vật tâm lí) (Trang 39)

Tiểu thuyết - sử thi của thời hiện tại - là hình thức tự sự cỡ lớn, phổ biến thời cận đại và hiện đại. Tiểu thuyết có thể chứa đựng lịch sử nhiều cuộc đời, những bức tranh phong tục, đạo đức, xã hội, miêu tả cụ thể các điều kiện sinh hoạt giai cấp, tái hiện nhiều tính cách đa đạng trong một không gian, thời gian rộng lớn. Không phải ngẫu nhiên mà thể loại tiểu thuyết chiếm địa vị trung tâm trong hệ thống thể loại văn học cận hiện đại.

Tiểu thuyết (novel) là thể loại lớn tiêu biểu cho loại hình tự sự, “cỗ máy cái” của nền văn học hiện đại. Với đặc trưng thi pháp của mình, bằng phương pháp trần thuật, tiểu thuyết chiếm lĩnh và khái quát hiện thực cuộc sống một cách đa chiều và phong phú. Theo Puskin thì qua chữ tiểu thuyết, chúng ta hiểu là cả một thời đại được phát triển trong câu chuyện hư cấu. Có nhiều định nghĩa về thể loại tiểu thuyết

- hình thái chủ yếu của nghệ thuật ngôn từ. Theo M.Bakhtin thì tiểu thuyết là loại văn chương duy nhất luôn luôn biến đổi, do đó nó phản ánh sâu sắc hơn, cơ bản hơn, nhạy bén hơn sự chuyển biến của bản thân hiện thực. Tiểu thuyết là sản phẩm tinh thần tiêu biểu nhất cho thời đại mới của lịch sử loài người, là thành quả rực rỡ có giá trị như một bước ngoặt nhảy vọt thực sự vĩ đại của hàng ngàn năm văn chương thế giới.

Tiểu thuyết xây dựng hình tượng thuộc về một không gian - thời gian ở thời hiện tại chưa hoàn thành, miêu tả cuộc sống hiện tại đang diễn ra, không ngừng biến đổi sinh thành. Nếu đối tượng của sử thi là những nhân vật của quá khứ dân tộc thì nhân vật tiểu thuyết là những con người của thời hiện tại. Thậm chí tiểu thuyết dù có viết về nhân vật lịch sử, nhân vật trong quá khứ, nhưng cách đặt vấn đề, lí giải là theo quan điểm của thời hiện tại. Nếu sử thi dùng kinh nghiệm của cộng đồng thì tiểu thuyết chọn kinh nghiệm cá nhân làm cơ sở lí giải thế giới, đó chính là cái nhìn cuộc sống theo quan điểm cá nhân, góc độđời tư.

Một đặc điểm tiêu biểu của tiểu thuyết là chất văn xuôi. Tiểu thuyết có một cái nhìn không mang tính thi vị hóa, lãng mạn hóa như sử thi. Tiểu thuyết miêu tả cuộc sống với mọi bộn bề, ngổn ngang của cuộc đời, bao gồm cái cao cả lẫn cái tầm thường, nghiêm túc và buồn cười, bi hài lẫn lộn. Đó là chất văn xuôi của cuộc đời. Chất văn xuôi thể hiện rất rõ trong tiểu thuyết của Banzac, Stangdan, Tolstoi, Solokhov,…Tiểu thuyết có khả năng dựng lại một bức tranh rộng lớn về không khí thời đại, phong tục, lối sống,…Chính nhờ những thành phần xen, phần “thừa” của cốt truyện như yếu tố miêu tả, bình luận, những câu chuyện đan xen, ngoài cốt truyện.. làm cho tác phẩm có một không khí, linh hồn, một sinh mệnh sống thực sự…Những chi tiết kiểu này trong các loại tự sự cỡ vừa và nhỏ ít có. Hoàn cảnh của tiểu thuyết cũng rất đa dạng. Có hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh tự nhiên, hoàn cảnh chiến tranh, môi trường, phong tục, văn hóa. Hoàn cảnh có thể là môi trường cho nhân vật hoạt động, bộc lộ nội tâm; tạo không khí chung cho tác phẩm.

Tiểu thuyết xóa bỏ khoảng cách trần thuật và nội dung trần thuật. Điều này làm cho tiểu thuyết hướng về miêu tả hiện thực như cái đang xảy ra so với thời của

người kể chuyện. Là người cùng thời, nên cách nhìn nhận các nhân vật gần gũi như những người bình thường, có thể hiểu được họ bằng kinh nghiệm của mình. Chính khoảng cách gần gũi này làm cho người trần thuật có thể có thái độ thân mật, thậm chí suồng sã đối với nhân vật, do đó có thể nhìn nhân vật từ nhiều chiều, sử dụng nhiều giọng nói. Tiểu thuyết hấp thu mọi loại giọng điệu khác nhau của đời sống, cho nên có khả năng tạo nên những đối thoại giữa các giọng khác nhau mà ta gọi là đa thanh, đa giọng. Tiểu thuyết có khả năng tổng hợp cao. Tiểu thuyết có thể có sự kết hợp các loại hình nội dung với những khả năng nghệ thuật của các loại văn học khác. Tiểu thuyết thế kỷ XIX và XX đã cung cấp nhiều mẫu mực về sự tổng hợp đó. Chẳng hạn, tiểu thuyết sử thi - tâm lí của L. Tolstoi, tiểu thuyết - kịch của Marcel Proust, tiểu thuyết thế sự - trữ tình của M. Gorki, tiểu thuyết sử thi - trữ tình của Hemingue, …Những hiện tượng tổng hợp đó cho thấy thể loại tiểu thuyết là thể loại luôn vận động không đứng yên.

Về cốt truyện, tiểu thuyết có rất nhiều sự kiện liên tục. Có nhiều cách cấu trúc cốt truyện. Có cốt truyện đơn tuyến hoặc đa tuyến, đan bện vào nhau. Cốt truyện có thể mang tính kịch như tiểu thuyết của Dostoievsky, nhưng cũng có thể thể hiện tính chất trữ tình như của L. Tolstoi. Có cốt truyện phân rã trong tiểu thuyết phương Tây đầu thế kỷ XXI.

Ngôn từ tiểu thuyết vô cùng phong phú. Lời trần thuật mang tính đối thoại, có nhiều hình thức đa giọng, đa thanh như lời nhại, lời nửa trực tiếp. Trong tiểu thuyết, ngôn từ trở thành đối tượng miêu tả của nhà văn. Nhà văn miêu tả ngôn từ của nhân vật như những sản phẩm cá thể hóa cao độ, phù hợp với đặc điểm cá nhân của từng nhân vật.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật xây dựng nhân vật tiểu thuyết của Nhất Linh (Từ nhân vật tư tưởng đến nhân vật tâm lí) (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)