Nâng cao năng lực quản lý của cán bộ quản lý nhà trường

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trung học phổ thông thành phố biên hòa, tỉnh đồng nai (Trang 89)

8. Cấu trúc luận văn

3.2.2. Nâng cao năng lực quản lý của cán bộ quản lý nhà trường

3.2.2.1. Mục tiêu

Nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ CBQL nhà trường để thúc đẩy, thực hiện có hiệu quả các hoạt động nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường, đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế.

3.2.2.2. Nội dung

- Nâng cao năng lực quản lý của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trong công tác: Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, thực hiện chế độ chính sách, quản lý chuyên môn, quản lý tài chính, quản lý cơ sở vật chất, kiểm tra, đánh giá.

- Nâng cao năng lực quản lý của tổ trưởng chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ: Xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động chung của tổ; hướng dẫn xây dựng và quản lý kế hoạch cá nhân của tổ viên theo kế hoạch dạy học, theo phân phối chương trình và các hoạt động giáo dục khác của nhà trường; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ cho giáo viên; tham gia đánh giá, xếp loại các thành viên của tổ theo quy định.

3.2.2.3. Cách thực hiện

a) Nâng cao năng lực quản lý của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng:

- Ban lãnh đạo nhà trường, đặc biệt là hiệu trưởng phải nắm chắc, cập nhật các quy định của cấp trên trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, chế độ chính sách, tài chính, kiểm tra, đánh giá.

- Từ các quy định, hiệu trưởng lập kế hoạch hoạt động cho từng nội dung công việc trong nhà trường (phân cấp hợp lý cho các phó hiệu trường) với các mục tiêu nhiệm vụ rõ ràng, đúng đắn mang tính hiện thực cao.

- Phân công nguồn lực, tổ chức hoạt động trong nhà trường một cách khoa học, công bằng, dân chủ. Việc phân công nguồn lực phải xuất phát từ yêu cầu bảo đảm chất lượng giáo dục, đồng thời, có quan tâm đến hoàn cảnh, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhằm phát huy sức mạnh của mỗi cá nhân, tập thể trong nhà trường.

- Thường xuyên cải tiến công tác quản lý trường học, đảm bảo các hoạt động giáo dục của nhà trường đồng bộ, hiệu quả.

- Đổi mới phong cách quản lý: Kết hợp nguyên tắc cứng rắn với linh hoạt, mềm dẻo trong xử lý công việc; đề cao tính dân chủ, tập thể trong quản lý, phân định rõ trách nhiệm cá nhân; thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, nói đi đôi với làm; quan tâm đến đội ngũ GV, nhân viên; tổ chức khoa học lao động quản lý.

- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động trong nhà trường, bảo đảm mọi hoạt động phải tuân thủ theo pháp luật, theo đúng quy chế, nội quy của nhà trường.

b) Nâng cao năng lực quản lý của tổ trưởng chuyên môn:

Tổ trưởng tổ chuyên môn không chỉ là cánh tay nối dài từ hiệu trưởng đến từng GV trong tổ mà họ là người quản lý cấp cơ sở. Công tác lãnh đạo,

quản lý của tổ trưởng chuyên môn là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả hoạt động của tổ chuyên môn, vì vậy, việc nâng cao năng lực quản lý cho tổ trưởng chuyên môn là vấn đề cấp thiết, là một trong những giải pháp có tính đột phá để nâng cao chất lượng dạy - học ở trong nhà trường.

Nâng cao năng lực quản lý của tổ trường chuyên môn thông qua các hoạt động:

- TTCM phải đưa mọi hoạt động của tổ vào kế hoạch để tăng tính chủ động và khả năng phối hợp giữa các cá nhân và bộ phận khi thực thi nhiệm vụ. Kế hoạch phải được xây dựng dựa trên các căn cứ pháp lý, kế hoạch chung của trường và phù hợp với thực tiễn; chỉ rõ việc cần làm, thời gian, nguồn lực và biện pháp thực hiện phù hợp.

- TTCM phải được trang bị những kiến thức cơ bản về kế hoạch, hiểu và nắm được các loại kế hoạch trong quản lý giáo dục và biết xây dựng kế hoạch hoạt động của tổ; hướng dẫn mọi thành viên xây dựng kế hoạch cá nhân; kiên trì thực hiện kế hoạch đã vạch ra (kế hoạch năm học, kế hoạch tháng, kế hoạch tuần; kế hoạch dạy học, kế hoạch thao giảng, kế hoạch kiểm tra, kế hoạch ôn thi, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu; kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ, sinh hoạt chuyên đề, kế hoạch sử dụng đồ dùng dạy học, thiết bị dạy học đúng, đủ theo các tiết trong phân phối chương trình); hướng dẫn GV soạn giáo án theo phân phối chương trình, chuẩn kiến thức, kĩ năng và SGK; tổ chức thảo luận các bài soạn khó; tổ chức nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm về nâng cao chất lượng dạy học, đổi mới PPDH, đổi mới kiểm tra đánh giá.

- Phân cấp cho TTCM tham mưu Ban giám hiệu công giảng dạy, chủ nhiệm lớp. Công tác phân công GV phải theo đúng quy định, phù hợp với năng lực chuyên môn của từng GV trong tổ, tạo điều kiện để giáo viên phát triển tay nghề.

- Giao trách nhiệm cho TTCM tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho GV trong tổ, GV mới tuyển dụng (đổi mới PPDH; đổi mới kiểm tra, đánh giá; dạy học theo chuẩn kiến thức kĩ năng; sử dụng đồ dùng dạy học, thiết bị dạy học, ứng dụng CNTT trong dạy học, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá…) và trực tiếp tổ chức cho tổ đánh giá, rút kinh nhiệm vệc bồi dưỡng của tổ.

- Phân cấp TTCM quản lý, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn của GV theo đúng quy chế của nhà trường và kế hoạch của tổ chuyên môn. Dự giờ GV trong tổ theo đúng quy định (4 tiết/GV/năm học), qua đó, đóng góp những ý kiến thiết thực để GV phát huy những mặt mạnh, khắc phục những thiếu sót trong quá trình giảng dạy.

- Để thực hiện tốt các hoạt động đánh giá, xếp loại GV, đề xuất khen thưởng, kỉ luật giáo viên đòi hỏi TTCM phải nắm thật rõ về tổ viên của mình, về ưu điểm, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục được phân công.

- TTCM phải coi trọng công tác giáo dục, thuyết phục kết hợp với việc động viên khuyến khích về mặt tinh thần đối với mỗi thành viên trong tổ.

- Thực hiện việc tham mưu cho hiệu trưởng về các hoạt động giáo dục và dạy học một cách chính xác, kịp thời, thiết thực và khả thi.

3.2.2.4. Điều kiện thực hiện

- Sở GD&ĐT tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho CBQL là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn.

- Sở GD&ĐT xây dựng quy trình và thực hiện việc bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường THPT chặt chẽ, căn cứ trên năng lực chuyên

môn, năng lực quản lý và phải thực sự là người gương mẫu, có uy tín trong nhà trường, trong ngành giáo dục.

- Hiệu trưởng bổ nhiệm tổ trưởng chuyên môn phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, có chuyên môn, nghiệp vụ từ khá trở lên, có kinh nghiệm sư phạm, có năng lực quản lý, đoàn kết tốt nội bộ, được GV trong tổ tín nhiệm.

- CBQL nhà trường nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ và trách nhiệm trong công tác quản lý trường học. Có tinh thần cầu tiến, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, trong công tác, không ngừng học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ và năng lực.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trung học phổ thông thành phố biên hòa, tỉnh đồng nai (Trang 89)