Công tác đánh giá giáo viên

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trung học phổ thông thành phố biên hòa, tỉnh đồng nai (Trang 70)

8. Cấu trúc luận văn

2.3.4. Công tác đánh giá giáo viên

Công tác đánh giá, xếp loại GV được thực hiện theo các chuẩn được quy định (đã nêu ở Chương 1, mục 1.2.7). Tuy nhiên, vào cuối mỗi năm học công tác đánh giá GV của các trường THPT thường xảy ra tình trạng quá tải, dàn trải và không chính xác do phải đánh giá theo nhiều văn bản hướng dẫn, trong khi cuối năm các trường lại phải tập trung nhiều cho công tác chuyên môn (có 8,1% TTCM và 4,1% GV cho ý kiến công tác đánh giá GV chỉ đạt mức trung bình - bảng 2.14)

2.3.4.1. Đánh giá về phẩm chất đạo đức

Thực trạng công tác đánh giá về phẩm chất đạo đức đối với giáo viên trong nhà trường hiện nay thực hiện khá tốt (100% GV và TTCM đánh giá công tác này được thực hiện ở mức tốt và khá). Công tác đánh giá được thực hiện theo 03 bước: Bản thân mỗi giáo viên tự đánh giá, xếp loại, sau đó tổ chuyên môn đánh giá, xếp loại và cuối cùng là hiệu trưởng đánh giá, xếp loại. Tuy phẩm chất đạo đức có 05 tiêu chí để đánh giá (phẩm chất chính trị; đạo đức nghề nghiệp; ứng xử với học sinh; ứng xử với đồng nghiệp; lối sống, tác phong) nhưng thực tế việc đánh giá này là một việc rất khó khăn, tế nhị, nhạy cảm. Thông thường, chỉ khi nào giáo viên để xảy ra sự việc không hay (bị khiếu kiện, tố cáo, vi phạm pháp luật,…) thì mới bị đánh giá về mặt đạo đức.

Kết quả thống kê việc đánh giá phẩm chất đạo đức của giáo viên ở các trường THPT trong năm học 2012-2013 cho thấy 100% giáo viên đều xếp loại xuất sắc. Tuy nhiên, kết quả trên chưa phản ánh đúng thực chất, vì vẫn còn một số giáo viên chưa thực sự gương mẫu trong ứng xử với học sinh (thiếu công bằng, có biểu hiện trù dập, không tôn trọng học sinh), ứng xử với đồng nghiệp (chia bè phái, mất đoàn kết) nhưng vẫn được đánh giá xuất sắc (do cả nể, ngại va chạm). Việc đánh giá như vậy sẽ không giúp giáo viên cố gắng, nỗ lực tự rèn luyện về phẩm chất đạo đức mà dễ dàng bằng lòng với những gì hiện có.

Công tác đánh giá về hoạt động giảng dạy giảng dạy trong nhà trường được thực hiện khá thường xuyên, thông qua các hoạt động: Dự giờ, hội giảng, thông qua kết quả học tập của học sinh, kiểm tra hồ sơ, giáo án, thực hiện nội quy, quy chế nhà trường,… Việc đánh giá này có thể thực hiện được tương đối chính xác thông qua quy định cụ thể các tiêu chí đánh giá, điểm đánh giá cho từng loại tiêu chí.

Qua kết quả khảo sát (Bảng 2.13), có 68% GV và 51,9% TTCM cho rằng công tác đánh giá về hoạt động giảng dạy và thực hiện quy chế chuyên môn đang được thực hiện tốt trong nhà trường. Tuy nhiên, dù đã có quy định cụ thể các tiêu chí đánh giá, nhưng việc đánh giá phụ thuộc rất nhiều ở công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát thường xuyên của TTCM và công tác quản lý của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường đối với việc thực hiện các hoạt động của giáo viên.

2.3.4.3. Đánh giá về công tác chủ nhiệm

Công tác chủ nhiệm quyết định không nhỏ đến chất lượng học tập, rèn luyện của học sinh. Trong nhà trường, vai trò giáo viên chủ nhiệm hết sức quan trọng, giáo viên chủ nhiệm thay mặt nhà trường điều hành lớp, trực tiếp giáo dục tư tưởng, đạo đức, hình thành nhân cách cho học sinh, là cầu nối giữa ba môi trường giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội.

Đánh giá công tác chủ nhiệm của giáo viên thường thông qua: Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, kết quả thực hiện nội quy, phong trào thi đua của các lớp. Công tác đánh giá được thực hiện 02 lần trong một năm học (cuối mỗi học kỳ).

Kết quả khảo sát (Bảng 2.14), cho thấy khoảng 60% GV, TTCM nhận định việc đánh giá công tác chủ nhiệm được CBQL nhà trường thực hiện tốt.

Trong thực tế thì đa số giáo viên chủ nhiệm lớp chưa được tập huấn về công tác chủ nhiệm, một số GV chủ nhiệm có khó khăn về kinh tế, ít thời gian đầu tư, thiếu kiên nhẫn trong theo dõi, gần gũi, tìm hiểu nguyên nhân những khó khăn của học sinh để kịp thời giúp đỡ. Cũng có một số thì nặng về quyền hạn hơn là nghĩa vụ, không những không giúp được học sinh vượt qua khó khăn trong học tập, mà còn gây áp lực nặng nề hơn cho học sinh. Việc ít gần gũi, còn chủ quan, bảo thủ, đánh giá sai hoặc phiến diện về những nỗ lực của học sinh, nóng nảy, thiếu tế nhị của một số giáo viên chủ nhiệm có thể gây bức xúc, gây hậu quả không nhỏ đối với học sinh.

Vì vậy, để công tác đánh giá giáo viên chủ nhiệm được chính xác, khách quan, có tác dụng thúc đẩy sự cố gắng của giáo viên thì trước hết cần có giải pháp bồi dưỡng, tập huấn về công tác chủ nhiệm, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác này, đồng thời, phải đề ra các quy chuẩn rõ ràng, cụ thể để công tác đánh giá được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

2.3.4.4. Đánh giá về các hoạt động khác như: Đảng, đoàn thể, hoạt động ngoài giờ lên lớp, tham gia phong trào…

Công tác đánh giá về các hoạt động phong trào được thực hiện thông qua các tổ chức trong nhà trường như tổ chuyên môn, công đoàn, đoàn thanh niên và có tính điểm trong công tác thi đua. Tuy nhiên, hầu hết GV vẫn còn xem nhẹ công tác tham gia các hoạt động phong trào vì quan niệm GV chỉ thực hiện xong việc giảng dạy, chủ nhiệm theo số tiết quy định là hoàn thành nhiệm vụ. GV chưa nhận thức đúng đắn về vai trò của các hoạt động ngoài giờ lên lớp đối với việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Vì vậy, công tác đánh giá về các hoạt động này cũng chưa được chú trọng, chưa tạo động lực để GV tích cực tham gia (theo kết quả ở bảng 2.14 thì có 3,7% TTCM và 6,6% GV xếp mức độ đánh giá công tác này ở loại trung bình).

Tóm lại công tác đánh giá, xếp loại giáo viên trong các trường THPT thời gian qua được thực hiện tương đối đầy đủ theo các quy định, hướng dẫn của cấp trên. Công tác đánh giá đã góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, nỗ lực rèn luyện phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong đội ngũ giáo viên.

Tuy nhiên, hình thức đánh giá thường được thực hiện theo định kỳ, báo trước nên GV chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó, điều đó dẫn đến tình trạng kết quả đánh giá chưa phản ánh thực tế kết quả hoạt động sư phạm của GV trong điều kiện bình thường. Thông thường kết quả đánh giá GV còn “dĩ hòa vi quý”, nể nang, dễ dãi, qua loa, xếp loại GV cao hơn so với thực tế; Việc đánh giá chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa được đào tạo về nghiệp vụ đánh giá. Công việc đánh giá GV mới dừng ở việc xếp loại GV để phục vụ cho công tác thi đua. Có thể nói công tác đánh giá chưa tập trung vào chất lượng, chưa tạo động lực cho sự phát triển chuyên môn, chư thúc đầy mạnh mẽ việc bồi dưỡng, tự bồi dưỡng của GV về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm một cách tự giác thường xuyên, hiệu quả. Các trường chưa chú ý trao đổi, rút kinh nghiệm trong công tác đánh giá, chưa phân tích ưu, nhược điểm, nguyên nhân trong quá trình đánh giá để đưa ra các biện pháp điều chỉnh đối với đối tượng đánh giá, lực lượng đánh giá và công tác quản của hiệu trưởng

Vì vậy, để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cần phải đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá cho phù hợp.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trung học phổ thông thành phố biên hòa, tỉnh đồng nai (Trang 70)