8. Cấu trúc luận văn
2.3.3. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên
Trong những năm gần đây, Bộ GD & ÐT đã chỉ đạo, tổ chức nhiều đợt tập huấn bồi dưỡng nâng cao trách nhiệm, đạo đức nhà giáo và năng lực nghề nghiệp cho giáo viên. Ðặc biệt là các nội dung đổi mới về PPDH và đánh giá kết quả học tập, về áp dụng các hình thức tổ chức giáo dục và dạy học tiên tiến, hiện đại (PPDH tích cực, phương pháp bàn tay nặn bột, phương pháp dạy học theo dự án, phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục ở mô hình trường học mới VNEN...); các phương pháp giáo dục kỹ năng sống, giáo dục di sản, giáo dục văn hóa truyền thống, giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào dạy và học... Chương trình bồi dưỡng và nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo theo những yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp GV và chuẩn cán bộ quản lý các cấp đã giúp mỗi nhà giáo ở cương vị công tác của mình, thường xuyên học tập và rèn luyện để nâng cao mức đạt được theo các yêu cầu của chuẩn về phẩm chất đạo đức; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; năng lực tìm hiểu môi trường và đối tượng giáo dục; năng lực phối hợp với gia đình, cộng đồng và xã hội trong công tác giáo dục, về năng lực phát triển nghề nghiệp. Nhưng qua khảo sát thì công tác đào tạo bồi dưỡng hiện nay trong nhà trường cũng cần được quan tâm và tăng cường hơn nữa (kết quả khảo sát ở bảng 2.14 có trên 20% TTCM và GV đánh giá công tác này chỉ đạt mức trung bình và 4,6% TTCM, 1,5% GV đánh giá ở mức yếu).
Qua khảo sát thực tế cho thấy công tác đào tạo, bồi dưỡng về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống cho đội ngũ GV đang được các nhà trường quan tâm thực hiện theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo và của Thành ủy Biên Hòa (chi, đảng bộ trường học trực thuộc Thành ủy Biên Hòa). Hàng năm, vào cuối hè, các trường THPT đều tổ chức bồi dưỡng chính trị cho đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, giáo viên là đảng viên chiếm khoảng 33% (Bảng 2.7) cũng thường xuyên được cập nhật, bồi dưỡng về chính trị tư tưởng thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ nhà trường.
Tuy nhiên, việc nâng cao nhận thức cho giáo viên thông qua công tác bồi dưỡng về chính trị, đạo đức lối sống vẫn chưa được thực hiện thường xuyên, nội dung bồi dưỡng chưa thiết thực, chưa thực sự gắn liền với công tác giảng dạy và giáo dục học sinh (3,7% TTCM và 2,7% GV đánh giá mức độ thực hiện là trung bình - bảng 2.14). Trong các buổi họp hội đồng, sinh hoạt tổ chuyên môn, sinh hoạt các tổ chức đoàn thể của nhà trường, chủ yếu vẫn tập trung cho công tác chuyên môn, chưa dành thời gian hợp lý cho công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống cho giáo viên. Điều này, xuất phát từ các nguyên nhân chính: CBQL nhà trường chưa thực sự thấy được tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng về chính trị, đạo đức lối sống đối với đội ngũ GV; thiếu các chuyên gia, báo cáo viên trong lĩnh vực này; nội dung bồi dưỡng còn mang nặng tính lý luận, chưa gắn liền với đặc trưng nghề nghiệp; đội ngũ GV ít quan tâm, chưa thấy được nhu cầu cần phải bồi dưỡng về chính trị, đạo đức lối sống.
Một trong những mục tiêu quan trọng của nền giáo dục nước ta là giáo dục nhân cách, giáo dục làm người. Tư tưởng, lối sống là biểu hiện của nhân cách được hình thành và phát triển trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Muốn giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh đạt hiệu quả thì mỗi GV cần phải là những người có tư cách đạo đức tốt và là tấm gương
mẫu mực, xử lý các vấn đề kỹ năng trong cuộc sống linh hoạt, hiệu quả. Người GV phải luôn nêu cao tính chuẩn mực, gương mẫu đối với học sinh thông qua việc nâng cao nhận thức chính trị, trau dồi đạo đức nghề nghiệp và phẩm chất đạo đức, lối sống.
Vì vậy, công tác bồi dưỡng bồi dưỡng về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống cho đội ngũ giáo viên phải được quan tâm thực hiện thường xuyên, bằng nhiều hình thức phong phú và hiệu quả, để xây dựng đội ngũ giáo viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, tích cực học tập, không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp sư phạm, có lối sống và cách ứng xử chuẩn mực, thực sự là tấm gương cho học sinh noi theo.
2.3.3.2. Đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật
Để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh thì giáo viên cũng phải là người có kiến thức cơ bản về pháp luật. Trong thời gian qua, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn về kiến
thức pháp luật cho cán bộ, giáo viên của các trường THPT trên địa bàn tỉnh, như Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, một số quy định của Bộ luật dân sự về quyền nhân thân, thừa kế, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, giáo dục phòng chống ma túy và chất gây nghiện ở trường THPT... Đây là một trong những hoạt động thực hiện Đề án ‘Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” giai đoạn 2013- 2016 và triển khai Kế hoạch phối hợp giữa Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo về phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học.
Việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật nhằm trang bị kiến thức pháp luật cho đội ngũ giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật và hành vi chấp hành pháp luật của nhà giáo,
cán bộ quản lý giáo dục, đồng thời, góp phần giáo dục ý thức pháp luật, đạo đức, lối sống, rèn luyện hành vi ứng xử cho học sinh ngay từ trên ghế nhà.
Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật trong thời gian qua chủ yếu tập trung cho đối tượng là CBQL và GV dạy công dân mà chưa thực hiện việc lồng ghép để bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho tất cả giáo viên (đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp). Điều này đã gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhà trường.
2.3.3.3. Đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ
Công tác bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ được Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT quan tâm thực hiện. Ngày 10/7/2012 Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 26 /2012/TT- BGDĐT về Ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên, trong đó quy định về nội dung, thời lượng, hình thức BDTX, đánh giá và xếp loại kết quả BDTX giáo viên. Theo đó, Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch BDTX giáo viên của sở: Chỉ đạo, phối hợp tổ chức biên soạn, cung ứng tài liệu BDTX giáo viên; quản lí, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra công tác BDTX giáo viên của các nhà trường trên địa bàn tỉnh; cấp giấy chứng nhận hoàn thành kế hoạch BDTX giáo viên theo quy định. Đối với các trường THPT có trách nhiệm: Hướng dẫn giáo viên xây dựng kế hoạch BDTX; xây dựng kế hoạch BDTX giáo viên của nhà trường và tổ chức triển khai kế hoạch BDTX giáo viên của nhà trường theo thẩm quyền và trách nhiệm được giao; tổ chức đánh giá, tổng hợp, xếp loại, báo cáo kết quả BDTX của giáo viên; thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước và của địa phương đối với giáo viên tham gia BDTX.
Về công tác đào tạo, hằng năm căn cứ vào đề nghị cử đi học sau đại học của các trường THPT, Sở GD&ĐT ra quyết định cử đi thi và đi học. Nhờ có các chính sách hỗ trợ của tỉnh trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực nên số lượng GV của các trường THPT đi học thạc sỹ tăng nhiều trong 03 năm qua.
Tuy nhiên, qua khảo sát ý kiến (bảng 2.14) cho thấy, 22,3% TTCM và 38,1% GV đánh giá việc thực hiện đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho GV ở mức độ trung bình, 2,7% GV đánh giá mức độ yếu. Điều này xuất phát từ nguyên nhân công tác đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả như mong muốn do nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức bồi dưỡng chưa thực sự phù hợp nhu cầu của bản thân GV và chưa đáp ứng đòi hỏi của việc đổi mới GD.
2.3.3.4. Đào tạo, bồi dưỡng về ngoại ngữ, tin học
Qua thống kê (Bảng 2.9 và bảng 2.10) thì hiện nay còn 63% giáo viên THPT có trình độ tin học dưới trình độ A và 67% có trình độ ngoại ngữ dưới trình độ A, mặt khác, qua khảo sát thực trạng về công tác đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học (Bảng 2.14) cho thấy công tác đào tạo, bồi dưỡng về tin học, ngoại ngữ cho giáo viên trong nhà trường chưa được quan tâm đúng mức (GV, TTCM đánh giá mức độ thực hiện công tác này là 31,6% mức trung bình và 3,9% mức yếu - bảng 2.14). Trong thời gian qua, mặc dù Sở GD&ĐT có mở một số lớp tập huấn tin học căn bản (tương đương trình độ A) cho đội ngũ giáo viên nhưng việc tập huấn này chưa được tổ chức thường xuyên. Đối với ngoại ngữ thì hoàn toàn không tổ chức bồi dưỡng (ngoại trừ chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên tiếng Anh). Bên cạnh đó, ý thức tự bồi dưỡng của giáo viên cũng chưa cao và với đặc thù của các môn này nếu không có ý thức sử dụng thường xuyên thì dù đã có chứng chỉ cũng sẽ không sử dụng thành thạo. Vì vậy, thực chất kiến thức về tin học, ngoại ngữ của đội ngũ giáo THPT hiện nay chưa đáp ứng với yêu cầu tiếp cận tri thức mới, phương pháp mới trong giảng dạy và giáo dục học sinh.