8. Cấu trúc luận văn
2.3.2. Công tác bố trí, sử dụng giáo viên
Theo kết quả khảo sát (Bảng 2.14) cho thấy, công tác bố trí, phân công đội ngũ giáo viên tương đối hợp lý (mức độ tốt và khá khoảng 84%). Hiện nay, hầu hết các trường THPT trong thành phố Biên Hòa đều đủ giáo viên nên việc phân công giảng dạy, phân công chủ nhiệm lớp được thực hiện được theo đúng quy định của Bộ Giáo dục (2,25 giáo viên/lớp, 17 tiết/tuần), không còn tình trạng giáo viên phải dạy chéo môn như những năm trước đây, rất ít giáo viên phải dạy vượt số tiết theo quy định. Đây cũng là yếu tố thuận lợi để bảo đảm chất lượng giáo dục trong nhà trường.
Tuy nhiên, vẫn còn 26% TTCM và 5,9% GV đánh giá công tác bố trí, sử dụng giáo viên chỉ đạt mức độ trung bình (Bảng 2.14). Như vậy, chất lượng của công tác bố trí, sử dụng giáo viên không chỉ phụ thuộc vào số lượng giáo viên của trường mà còn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực quản lý của hiệu trưởng và phó hiệu trưởng. Nếu bố trí tổ trưởng tổ chuyên môn và phân công giáo viên không hợp lý (cả nể, thiếu khách quan, không khoa học, thiếu công bằng) thì không phát huy hết năng lực của đội ngũ, dễ gây ra sự phân bì, chán nản trong thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giảng dạy và giáo dục học sinh.
Việc phân công, sử dụng giáo viên phải xuất phát từ yêu cầu bảo đảm chất lượng giáo dục và quan tâm đến hoàn cảnh, nguyện vọng của giáo viên, đồng thời, phải bảo đảm tính khoa học, công bằng, vừa sức và đúng các quy định. Để thực hiện được điều này, đòi hỏi phải tăng cường nâng cao nhận thức và năng lực quản lý cho cán bộ quản lý nhà trường.