Giải pháp huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội (Trang 96)

III Công nghiệp do Huyện quản lý

3.2.2. Giải pháp huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư

3.2.2.1. Vốn ngân sách

Nguồn vốn ngân sách chủ yếu dành cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trợ giúp các chương trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Để tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, vấn đề quan trọng là phải tăng các nguồn thu trên địa bàn chủ yếu thông qua các khoản thu thuế và lệ phí: thực hiện thu đúng, thu đủ và gắn liền công tác thu với việc nuôi dưỡng nguồn thu. Lượng thu thuế từng ngành, từng khu vực phải gắn liền với sự phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh của hoạt động đó, tránh tình trạng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh thì không ngừng tăng, song kết quả thu thuế lại giảm. Cần gắn liền quyền lợi và trách nhiệm của cán bộ thu thuế với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị do cán bộ đó phụ trách. Có như vậy, các cán bộ tài chính mới tích cực tham gia tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy nuôi dưỡng và tăng nguồn thu. Bên cạnh việc tăng cường nguồn thu ngân sách địa phương, ngân sách đầu tư bổ sung từ Thành phố cần được tăng cường ưu tiên và là nguồn thu quan trọng trong tổng thu ngân sách hàng năm của huyện. Một giải pháp cần được nghiên cứu tích cực thực hiện để tăng nguồn vốn đầu tư được coi như có nguồn gốc ngân sách là thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất để tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây là một giải pháp có khả năng mang lại một lượng vốn đầu tư rất lớn mà Thanh Trì có nhiều tiềm năng và hiện đang khai thác và thực hiện.

Song song với việc tăng nguồn thu ngân sách thì vấn đề tiết kiệm chi và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách là một biện pháp cần được quan tâm và quán triệt. Tiết kiệm chi ngân sách được thực hiện trên cơ sở thực hiện cải cách

hành chính, tinh giảm bộ máy, quản lý chặt chẽ các khoản chi, chống thất thoát lãng phí nguồn vốn.

Tích cực triển khai đấu quyền sử dụng đất để lấy vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trên địa bàn huyện Thanh Trì, các khu vực nằm trong dự kiến vùng quy hoạch phát triển đô thị còn rất nhiều diện tích đan xen không thể quy hoạch phát triển khu đô thị mới, khu, cụm công nghiệp. Tất cả các diện tích này cần lập hồ sơ đấu giá để người dân tự đầu tư xây dựng.

3.2.2.2. Vốn đầu tư từ các doanh nghiệp và vốn trong dân.

Khả năng huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp phụ thuộc vào xu hướng và cơ hội phát triển của các ngành, nhất là các ngành thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Do vậy, cần có sự thúc đẩy nhanh chóng việc hình thành các khu công nghiệp, điểm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp trong nội thành chuyển ra đầu tư vào các khu công nghiệp. Muốn vậy, các khu công nghiệp phải được xây dựng và có cơ chế quản lý thực sự hấp dẫn. Các công trình hạ tầng khu công nghiệp phải được xây dựng một các hoàn chỉnh, đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông trong nội bộ khu công nghiệp và giữa khu công nghiệp với các trung tâm. Cần có các biện pháp hữu hiệu huy động nguồn, trong đó lưu ý tới một số hộ có nhu cầu vay thêm vốn để sử dụng vốn tự có hiệu quả hơn, nhu cầu đổi vốn lấy đất của dân để xây dựng nhà ở và các cơ sở sản xuất. Thực hiện tập trung tất cả các đầu mối quản lý nhà nước đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp được tiến hành ngay tại khu công nghiệp. Điều đó sẽ tránh được các phiền phức cho doanh nghiệp, sẽ tạo ra sức hấp dẫn lôi kéo các doanh nghiệp đến đầu tư. Đồng thời xúc tiến nhanh các hoạt động quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, các trung tâm giao dịch đầu mối phía nam để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực thương mại – dịch vụ trên địa bàn. Thực hiện các mô hình chuyển đổi phát triển nông nghiệp gắn với các hoạt động thương mại dịch vụ du lịch để thu hút những người dân có tiền vốn trên địa bàn hoặc ngoài địa bàn vào đầu tư. Một số công trình du lịch dịch vụ có tương lai và triển vọng phát triển tốt có thể thực hiện hình thức huy động vốn đóng góp của dân bằng các hình thức cổ phần hoặc phát hành trái phiếu công trình. Các khoản tiền đền bù đất đai khi giải phóng

mặt bằng cần được đầu tư một cách có hiệu quả thông qua các chương trình đầu tư chuyển đổi nghề nghiệp tập trung, do những người dân trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia thông qua các hình thức đóng góp cổ phần.

3.2.2.3. Nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn quỹ khác

Tăng cường cho vay vốn trung hạn và dài hạn, tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư chiều sâu, thực hiện hiện đại hóa cơ sở sản xuất và đổi mới công nghệ; thực hiện các chương trình đầu tư chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp. Cần gắn hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn huyện, các tổ chức trung gian tài chính với các hoạt động đầu tư cho các dự án phát triển sản xuất kinh doanh có nhiều triển vọng thông qua các hình thức liên doanh liên kết, góp cổ phần và cho thuê tài chính. Bên cạnh đó, hoạt động tín dụng cần được đa dạng hóa theo hướng kết hợp giữa tổ chức tín dụng nhà nước với các tổ chức tín dụng tập thể trên địa bàn để thu hút các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, đồng thời có thể đáp ứng được các khoản đầu tư nhỏ lẻ của các hộ gia đình trong huyện.

3.2.2.4. Khai thác các nguồn vốn liên doanh, liên kết từ bên ngoài.

Để thu hút các nguồn vốn trên, cần có các chính sách cởi mở và hình thức đa dạng. Đặc biệt cần có biện pháp đầu tư có trọng điểm, dứt điểm và hiệu quả: chủ động kịp thời xây dựng các kế hoạch, chương trình, dự án cụ thể, có tính khả thi cao để thu hút kêu gọi vốn đầu tư từ bên ngoài. Cùng với Thành phố, đẩy mạnh việc cải cách hành chính, trong đó các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện với các chủ đầu tư trong và ngoài nước. Xây dựng các dự án để kêu gọi các nhà đầu tư ngoài nước, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư viện trợ của các tổ chức quốc tế, các khoản vốn viện trợ phát triển không hoàn lại và vốn vay.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội (Trang 96)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(115 trang)
w