hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá của huỵên Thanh Trì
2.1.2.1. Thuận lợi
Thanh Trì là huyện có tiềm năng thế mạnh về quỹ đất đai: Từ năm 2003, một phần diện tích của huyện Thanh Trì (gồm 9 xã) đã được tách ra theo điều chỉnh địa giới hành chính của Chính phủ để thành lập quận Hoàng Mai. Mặc dù diện tích tự nhiên bị thu hẹp nhưng huyện Thanh Trì vẫn là huyện còn nhiều tiềm năng về đất đai, có thể phát triển mở rộng các công trình xây dựng cho phát triển đô thị, công nghịêp và dịch vụ. Diện tích đất nông nghiệp chủ yếu là hồ, ruộng trũng, là thế mạnh để kết hợp nuôi trồng thuỷ sản với kinh doanh du lịch sinh thái và dịch vụ. Bên cạnh đó, huyện có 3 xã nằm ngoài vùng bãi đê sông Hồng với diện tích khá rộng, có tiềm năng trở thành vùng sinh thái lớn của thành phố, đặc biệt rất thích hợp cho việc phát triển các loại rau màu thực phẩm, nhất là các loại rau sạch phục vụ tiêu dùng của thành phố Hà Nội.
Trong bối cảnh Thanh Trì đang trong vùng đô thị hoá nhanh, tiềm năng đất đai sẽ trở thành nguồn lực cho đầu tư phát triển, là yếu tố thu hút các nhà đầu tư đưa vốn vào đầu tư phát triển trên địa bàn huyện. Phần lớn diện tích Thanh Trì hiện nay
là vùng đất trống chưa đầu tư phát triển các hoạt động xây dựng đô thị. Do vậy, nếu được quy hoạch và đầu tư cơ bản ngay từ đầu, hứa hẹn trong tương lai, Thanh Trì sẽ trở thành trung tâm đô thị đẹp và hiện đại.
Thanh Trì có đủ các loại đường giao thông: đường sắt, đường thuỷ, đường bộ, rất thuận lợi cho việc giao lưư với các tỉnh trong cả nước, là cửa ngõ nhận các luồng hàng hoá từ các tỉnh phía Nam vận chuyển đi các tỉnh phái Bắc, xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng thời Thanh Trì cũng là cửa ngõ nối liền các huỵên khu vực phía Nam với trung tâm Thủ đô. Thanh Trì không chỉ là một vùng sản xuất mà trở thành địa bàn chuyển tiếp các nông sản, thực phẩm từ các huyện ngoại thành phái Nam vào trung tâm Thành phố và cung cấp các dịch vụ đến các quận huyện khu vực phía Nam của Hà Nội. Đặc biệt, trong tương lai, khi đường vành đai 4 và vành đai 3, 5 được hình thành, cộng thêm các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật của Thành phố được đầu tư, các khu đô thị được hoàn thiện thì sẽ thúc đẩy quá trình đô thị hoá mạnh, kéo theo sự chuyển biến toàn diện về kinh tế, xã hội của huyện Thanh Trì.
Thanh Trì có lợi thế sông Hồng chảy qua địa bàn huyện. Không gian mở và cảnh quan mà sông Hồng tạo ra là nguồn lực không gì so sánh được trong việc cải thiện hình ảnh của thành phố nói chung và Thanh Trì nói riêng. Với không gian mặt nước và khu vực ngoài đê có thể tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế: nông nghiệp đô thị, các lĩnh vực nghỉ dưỡng và du lịch cho cả người dân địa phương và người từ nơi khác tới: các tour du lịch bằng thuyền, phát triển công viên ven sông, thể thao dưới nước… Như trước đây, đây có thể là nơi cung cấp hàng hoá và nguyên vật liệu cho khu vực đô thị.
Thanh Trì là nơi có nhiều hồ, đầm tự nhiên; có nhiều di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng, có nhiều chùa chiền có kiến trúc độc đáo và các xã đều có những lễ hội truyền thống, cùng với sự phát triển của làng nghề. Do vậy, huyện có nhiều tiềm năng có thể khai thác cho phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch. Nếu vấn đề ô nhiễm được giải quyết thì Thanh Trì sẽ trở thành trung tâm du lịch dịch vụ rất phát triển phía Nam thủ đô. Trong tương lai, Thanh Trì sẽ trở thành vùng dịch vụ du lịch
sinh thái, trung tâm điều dưỡng, khu vui chơi giải trí và nghỉ cuối tuần của Thành phố.
Thanh Trì có nguồn lao động dồi dào với độ tuổi trẻ, rất thuận lợi cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành nghề mới, nhất là trong bối cảnh đang đô thị hoá, công nghiệp hoá. Thanh Trì cũng là vùng có nhiều ngành nghề truyền thống gắn liền với sự lành nghề của người lao động. Đây cũng là tiềm năng lớn cần chú ý đầu tư khai thác bằng cách vực dậy các làng nghề có tiềm năng, quy hoạch mở rộng các cụm công nghiệp làng nghề để kết hợp sản xuất với tiêu thụ và phát triển các hoạt động du lịch.
2.1.2.2. Khó khăn.
Trong tiềm thức của nhiều người, Thanh Trì luôn bị quan niệm là vùng ô nhiễm: Là huyện nằm ở vùng trũng nên thường xuyên bị ngập úng trong mùa mưa bão, là vùng tiêu thoát nước thải của thành phố, và sự hiện diện của nghĩa trang Văn Điển., nên khi nói đến Thanh Trì, trong nhận thức của mọi người đều cảm nhận, đây là một vùng ô nhiễm. Trên thực tế, điều kiện tiêu thoát nước thải của thành phố đã được giải quyết cơ bản qua hồ điều hoà và trạm bơm Yên Sở. Vùng ảnh hưởng của nghĩa trang Văn Điển cũng chỉ có phạm vi tối đa trong bán kính 2km, song trong nhận thức và quan niệm của người dân, các nhà đầu tư và du khách luôn cho rằng Thanh Trì nói chung là vùng ô nhiễm.
Sau khi tách huyện, toàn bộ vùng kinh tế dịch vụ ven đô được đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị hiện đại và đồng bộ nhất của huyện Thanh Trì trước đây đã tách về Hoàng Mai. Phần lớn diện tích tách về quận Hoàng Mai đều là vùng tập trung các trọng điểm đầu tư phát triển nhất của huyện Thanh Trì cũ. Trừ thị trấn Văn Điển và khu công nghiệp Cầu Bươu, phần lớn các xã của Thanh Trì hiện tại đều thuộc vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp của Thanh Trì trước đây, do vậy cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Trong bối cảnh đang diễn ra quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống xã hội của hầu hết các xã trên địa bàn huỵên cần được đầu tư cải tạo cơ bản, có nhiều lĩnh vực
cần phải làm lại từ đầu. Do vậy, nhu cầu đầu tư của huỵên trong những năm tới là rất lớn.
Thanh Trì có xuất phát điểm thấp, nền kinh tế phát triển chưa toàn diện, đời sống nhân dân còn ở mức thấp. Là huỵên có tỷ lệ dân sống ở nông thôn lớn và nằm trong vùng đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ làm cho đất nông nghiệp bình quân lao động giảm đi nhanh chóng, trong khi đó việc chuẩn bị để thay đổi nghề nghiệp cho lao động nông nghiệp còn rất hạn chế. Trình độ chuyên môn của người lao động còn thấp, phần lớn chưa qua đào tạo hoặc chỉ được học qua các khoá đào tạo ngắn hạn. Đây là một trở ngại lớn cho Thanh Trì trong thời gian tới khi quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn, việc chuyển đổi nghề nghiệp và cung cấp lao động đáp ứng yêu cầu mới sẽ rất khó khăn.
Do nằm trong vùng đô thị hoá, tâm lý người dân chưa thật sự an tâm đầu tư lâu dài trên đất đai, nhiều hộ gia đình chuyển sang sinh sống chủ yếu bằng nghề phi nông nghiệp nhưng vẫn không muốn chuyển đổi đất đai cho người khác sử dụng mà giữ đất bỏ hoang chờ thu hồi để nhận đền bù. Vấn đề này đặt ra cho công tác quy hoạch đất đai của huyện là cần chỉ rõ các khu vực quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các khu vực ổn định để người dân yên tâm đầu tư lâu dài cho sản xuất nông nghiệp.
Trên địa bàn huyện Thanh Trì hiện tại chưa có ưu thế nổi trội gì về các sản phẩm mũi nhọn hoặc các vùng lợi thế tạo nên sự đột phá tiên phong cho quá trình phát triển.
Tóm lại, Thanh Trì là huyện có nhiều tiềm năng về đất đai, thuận lợi về vị trí địa lý và có nguồn lao động dồi dào cho quá trình phát triển kinh tế xã hội, song cũng còn nhiều khó khăn và trở ngại. Do đó, việc quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, tìm ra những hướng đi phù hợp với điều kiện địa phương, khai thác được các thế mạnh, hạn chế những khó khăn trở ngại là hết sức cấp thiết để định hướng cho công tác quản lý, chỉ đạo các hoạt động đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của huyện trong tương lai.