6. Đóng góp của đề tài
3.1.2. Tính chất trò chơi và sắc thái giễu nhại của tình huống
Tình huống truyện cũng là một trong những thành phần quan trọng trong cấu tạo cốt truyện. Cùng với các sự kiện, chi tiết miêu tả, tình huống truyện là một trong những điểm mấu chốt tạo nên tính chất điểm, bước ngoặt trong truyện. Tình huống truyện có thể hiểu là hoàn cảnh, bối cảnh tạo nên câu chuyện; là mối quan hệ đặc biệt giữa nhân vật này với nhân vật khác, giữa hoàn cảnh và môi trường sống với nhân vật để qua đó nhân vật bộc lộ tình cảm, tính cách hay thân phận góp phần thể hiện sâu sắc tư tưởng của tác giả. Hay như Nguyễn Minh Châu khi phát huy sở trường tư duy bằng hình ảnh hình tượng đã coi tình huống là “cái tình thế nảy ra truyện”, là “lát cắt” của đời sống mà qua đó có thể thấy được cả trăm năm của đời thảo mộc, là “một khoảnh khắc mà trong đó sự sống hiện ra rất đậm đặc”, “khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người, thậm chí cả một đời nhân loại”.
Trong sáng tác của mình, M.Kundera xây dựng một hệ thống các tình huống truyện khá mới mẻ với dụng ý giễu nhại lại tình huống truyện truyền thống. Người đọc khó mà nhận biết được tình cảm, tính cách hay thân phận của nhân vật cũng như không thể nhận ra tư tưởng của tác giả thông qua các tình huống truyện. Mở đầu Sự bất tử, phần Khuôn mặt, M.Kundera xây dựng tình huống nhân vật “tôi” trông thấy người đàn bà độ tuổi sáu mươi, sáu lăm tại bể bơi trong lúc ngồi đợi giáo sư Avenarius. Nhân vật “tôi” nhìn “như bị hút vào bà ta” bởi vẻ tức cười cảm động. Nhưng rồi có tiếng người gọi khiến nhân vật tôi quay đi và khi quay nhìn lại thì buổi tập kết thúc. Người đàn bà mặc đồ tắm đi dọc bể bơi và nhìn về anh chàng huấn luyện viên trẻ, mỉm cười vẫy tay. Nụ cười và cử chỉ có “tinh chất duyên dáng” của người đàn bà làm “tim tôi se thắt lại”, “Tôi xúc động không nói nên lời” và làm lóe lên trong tâm trí nhân vật “tôi” cái
từ “Agnès”. Sau cử chỉ sinh ra nhân vật, câu chuyện về người đàn bà chấm dứt để chuyển sang câu chuyện về nhân vật được sinh ra từ cử chỉ - Agnès. Như thế tình huống truyện mở đầu tác phẩm không “nói” gì với người đọc về nhân vật ngoài việc tả rất tỉ mỉ việc bà ta “hít vào thở ra” như “tiếng một đầu máy hơi nước cũ từ đáy vọng lên” và ấn tượng trước vẻ duyên dáng, mĩ lệ trong nụ cười, cử chỉ. Tình huống truyện cũng không cho ta thấy được tư tưởng của người sáng tạo ra nó. Tình huống mở đầu này chỉ có tác dụng hé mở cho người đọc “nguồn gốc” nhân vật Agnès - một sáng tạo độc đáo, bất ngờ “lóe lên” từ một cử chỉ “bất tử”. Chậm rãi lại mở đầu bằng tình huống nhân vật tôi và vợ - Véra - đang chạy xe về phía lâu đài. Phía sau anh ta là chiếc xe con đang tìm cơ hội để vượt qua “giống như một con diều hâu lựa lúc lao xuống chụp con chim sẻ” khiến Véra thắc mắc: “Cứ năm phút lại có một người chết vì tai nạn giao thông ở Pháp. Nhìn mà xem, tất cả cái đám đông điên cuồng đang quay lượn quanh chúng ta. Đó cũng chính là những người đã tỏ ra thận trọng kinh khủng khi có một bà già bị móc túi ngay trước mặt họ trên phố. Làm sao họ lại không cảm thấy sợ hãi khi ngồi sau tay lái?”. Lời nói của Véra là nguyên cớ để tâm tư nhân vật “trôi” trong lí giải không chắc chắn về lí do vì sao “họ lại không cảm thấy sợ hãi khi ngồi sau tay lái?” để rồi tự rút ra kết luận: “Tốc độ là một hình thức xuất thần mà cuộc cách mạng kĩ thuật đã tặng cho con người”. Rồi, “một liên minh kì lạ”, nhân vật “tôi” lại “trôi” tiếp về hồi ức ba mươi năm về trước khi được người phụ nữ Mĩ giảng giải cho bài học về sự giải phóng tình dục, trong đó “sự giao hợp bị rút lại thành một trở ngại cần phải nhanh chóng vượt qua để đạt tới cơn bùng nổ xuất thần, mục đích duy nhất của tình ái và vũ trụ”. Sự tương đồng giữa hành động muốn nhanh chóng vượt lên của người tài xế và hành động nhanh chóng vượt qua sự giao hợp đã khiến nhân vật tôi đặt ra hàng loạt câu hỏi về “cái thú của sự chậm rãi” vì sao biến mất. Và cuối cùng, trong phần mở đầu tác phẩm, nhân vật tôi lại nghĩ đến một hành trình cách đây hai trăm năm, cuộc hành trình của bà T và chàng hiệp sĩ đi theo bà ta. Như thế, câu chuyện về bà T và chàng hiệp sĩ lại
được gợi nhớ bắt đầu từ hành động nôn nóng của người tài xế “tìm cơ hội để vượt qua tôi”. Tình huống “nguyên cớ” này chỉ giúp người đọc xâm nhập vào vùng vô thức như là giấc mơ của nhân vật với những mảng tâm tư đứt nối chứ không hề giúp người đọc hiểu được tình cảm, số phận… nhân vật. “Lát cắt” mở đầu tác phẩm là sự giễu nhại đối với quan niệm về tình huống truyện vẫn tồn tại lâu nay.
Góp phần làm nên thành công của tính chất trò chơi và sắc thái giễu nhại trong tiểu thuyết của M.Kundera còn là những tình huống kết thúc truyện. Không phải là lối kết thúc có hậu, “ác giả ác báo”, “ở hiền gặp lành”. Cũng không phải là kết thúc bi kịch gợi nỗi ám ảnh, day dứt trong lòng người đọc. Tiểu thuyết của Kundera kết thúc khi các nhân vật vẫn trong hành trình “chậm rãi” đi tìm “bản nguyên” và “sự bất tử”. Kết thúc Bản nguyên, đôi tình nhân Santal - Jan Mark đã phát hiện ra trò chơi đi tìm mình mà cả hai người lao vào chỉ là một cơn ác mộng, một giấc mơ. Nhưng liệu rồi họ sẽ có còn lao vào những giấc mơ khác nữa không? Cuối cuốn tiểu thuyết, Santal nói: “Em sợ chợp mắt kinh khủng…”, “Em sẽ để đèn sáng suốt đêm. Để suốt đêm.” Nhưng người đọc chắc chắn biết rằng nàng sẽ chợp mắt. Không chỉ vì buồn ngủ. Mà vì nàng lại muốn lao vào những giấc mơ khác, đi tìm mình trong những giấc mơ đó. Kết thúc Sự bất tử, độc giả vẫn hình dung ra rằng, thế giới nhân vật vẫn đang quẫy cựa tuyệt vọng chống lại hình ảnh, cố phá vỡ hình ảnh… để mong tìm ra mình, để tiếp tục hành trình tìm kiếm “sự bất tử”. Giáo sư Avenarius sẵn sàng ngồi tù như một kẻ hiếp dâm, chỉ để không làm lộ trò chơi chọc lốp xe của mình. Paul lặp lại cử chỉ của người đàn bà bên bể bơi, của Agnès, của Laura - cử chỉ “bất tử” - một cách khôi hài. Và giáo sư Avenarius khẳng định tất cả đàn ông mà ông ta thăm dò đều muốn đi dạo phố với Rita Hayworth hơn là ngủ với cô ta vì “đối với tất cả mọi người sự thán phục quan trọng hơn là khoái lạc”, vì “cái vẻ bên ngoài, chứ không phải là thực tế. Thực tế không có nghĩa lí gì với ai cả”. Chậm
trong lúc Véra giục: “Em van anh đấy, nổ máy đi!” thì nhân vật tôi lại “chậm rãi”: “Đợi chút đã” để chiêm ngưỡng lần cuối chàng hiệp sĩ “đang chậm rãi tiến về phía xe ngựa”. Nhân vật còn “muốn nhấm nháp nhịp điệu bước đi của chàng” và nhận thấy “dấu hiệu của sung sướng”. Khi tốc độ làm biến mất con người thì con người càng khát khao “chậm rãi” để tìm lại chính mình. Hành trình đi tìm lại mình vẫn tiếp tục dù tác phẩm kết thúc. Đó là tình huống kết thúc độc đáo của M.Kundera - một kiểu “trò chơi” trong nghệ thuật tạo tình huống.
Để nắm bắt cục diện hiện sinh của nhân vật, Milan Kundera còn đặt ra những tình huống hiện sinh tiêu biểu. Đây là những tình huống giả định mà tác giả đặt nhân vật vào để xem phản ứng, cách giải quyết của họ như thế nào. Chẳng hạn, để thử biết về mối quan hệ của Paul với Agnès (trong Sự bất tử), tác
giả cho một vị khách từ hành tinh xa lạ đến nhà họ. Tại đây, thái độ của Agnès là muốn đẩy Paul đi xa để được ở một mình với vị khách xa lạ vì những câu hỏi vị khách này đặt ra nàng không thể trả lời theo ý nàng muốn nếu có Paul. Câu hỏi đó là liệu hai người còn muốn sống cùng nhau ở một cuộc sống khác không. Và câu trả lời vang lên mạnh mẽ trong tâm nàng là không. Chỉ với cách đặt vấn đề đơn giản như vậy, toàn bộ bản chất cuộc sống hôn nhân của Agnès và Paul đều lộ ra. Tình yêu giữa họ chỉ còn là ảo ảnh. M.Kundera còn đặt ra tình huống Goethe và Hemingway gặp nhau tại thế giới bên kia để hiểu được cái nhìn của hậu thế về sự bất tử, cái họ quan tâm là đời sống của nhà văn hay là bản thân tác phẩm của họ. Chính qua những tình huống hiện sinh mà hiện sinh của nhân vật lần lượt được lộ diện.Với cách kể chuyện, tạo lập các tình huống truyện mang sắc thái giễu nhại như thế, M.Kundera khẳng định thêm một lần nữa triết lí sáng tác và quan niệm nghệ thuật của mình trong những tiểu thuyết hội đủ mọi yếu tố của cảm quan hậu hiện đại.