6. Đóng góp của đề tài
3.3.2. Trò chơi hoán đổi vị trí ngôi kể
Hai phương thức trần thuật chủ yếu được dùng trong văn học từ trước đến nay là trần thuật theo ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba. Hình thức tự sự theo ngôi thứ ba vốn là hình thức cổ xưa, xuất hiện từ rất sớm trong những câu chuyện kể dân gian. Người kể khi đó nắm vai trò toàn tri, thấu suốt toàn bộ diễn biến và các nhân vật trong truyện. Điểm nhìn của người kể không bị giới hạn, có thể di chuyển đến bất cứ nơi nào, ở mọi lúc trong toàn bộ câu chuyện. Còn lối kể ở ngôi thứ nhất chỉ mới xuất hiện trong văn học hiện đại khi ý thức về cái tôi ngày càng được khẳng định, đề cao. Nếu như lối kể ở ngôi thứ ba hướng tới một cái nhìn khách quan, thì lối kể ở ngôi thứ nhất lại thiên về tính chủ quan, cảm quan riêng của cá nhân ở điểm nhìn nội tại. Các tác giả văn chương hiện đại có xu hướng tìm tòi những hình thức tự do, những lối viết phức tạp. Tiểu thuyết của M.Kundera là một minh chứng cho việc xóa mờ, đan xen các lối trần thuật bởi trò chơi hoán đổi vị trí ngôi kể. Sự bất tử bắt đầu được kể ở ngôi thứ nhất, số ít - người kể chuyện xừng “tôi” - nhưng tiếng nói, quyền năng của “tôi” - tác giả không còn ở vị trí tuyệt đối. Chân lí không còn nằm ở nơi người kể vì người kể chỉ là một nhân vật ngang hàng với các nhân vật khác nên tiếng nói cũng không cao hơn các nhân vật khác. Thậm chí, người kể ở ngôi thứ nhất không theo hết tác phẩm, mà khi tác phẩm chuyển sang tuyến truyện khác, ngôi nhất lùi ra xa nhường lời cho ngôi thứ ba. Tuy nhiên, tác phẩm lúc đó không chỉ được thuật ở ngôi thứ ba mà có sự đan xen, hòa lẫn với ngôi thứ nhất. Sự hoán đổi vị trí ngôi kể này nhiều đến nỗi người đọc khó mà xác định được câu chuyện đang được kể ở ngôi kể nào. Chẳng hạn, trong những câu chuyện kể về Agnès, tác giả chủ yếu thuật ở ngôi thứ ba nhưng nhiều lúc tác giả - ngôi thứ nhất xen vào để nhận xét, bình luận. Không chỉ đan xen mà trong Sự bất tử còn sử dụng song hành hai ngôi kể. Phần thứ năm của tác phẩm có hai tuyến truyện song hành và có hai ngôi kể tương ứng. Câu chuyện về Agnès được kể ở ngôi thứ ba, câu chuyện của nhân vật tôi và giáo sư Avenarius được kể ở ngôi thứ nhất. Nhưng người kể xưng tôi
trong tuyến truyện lại không theo hết toàn bộ câu chuyện. Đến lúc nhân vật tôi và giáo sư Avenarius chia tay nhau thì câu chuyện vẫn được tiếp diễn bởi sự dẫn dắt của người kể khác không lộ diện. Vì thế, ngôi kể thứ nhất trong các tuyến truyện không phải là tuyệt đối.
Trò chơi hoán đổi vị trí ngôi kể như trên còn được M.Kundera sử dụng trong Chậm rãi. Còn Bản nguyên mặc dù không có sự xuất hiện của ngôi kể thứ nhất - người kể chuyện xưng tôi - nhưng vẫn thấp thoáng bóng dáng người kể chuyện trong những nhận xét, đánh giá, nghĩa là rất gần với hình thức trần thuật ở ngôi thứ nhất. Ví dụ như những trang viết đầu tiên của tác phẩm kể về nhân vật Jan Mark trong nhà ăn khách sạn. Cắt miếng giăm - bông nhưng tâm trí vẫn không thoát được ý nghĩ do hai cô bồi bàn gợi nên. Và từ đó, toàn bộ thế giới nội tâm nhân vật hiện lên với những khúc mắc, ám ảnh… Tác giả đã sử dụng điểm nhìn từ bên trong nhân vật, thâm nhập vào giấc mơ của nhân vật khiến cho người đọc ngỡ người kể là nhân vật và nhân vật đang thuật lại những ám ảnh của mình. Ở đây đã có đan xen, hoán đổi vị trí ngôi kể. Sự hoán đổi vị trí ngôi kể như thế là một cách để M.Kundera xóa nhòa ranh giới giữa các thể loại, giữa các hình thức tự sự.
Các nhà hậu hiện đại xem tồn tại của thế giới là một khối hỗn độn (chaos). Các sự vật hiện tượng cứ đan bện và chồng chéo nhau, xuất hiện, biến mất rồi lại xuất hiện mà không tuân thủ trật tự nào. Sự tồn tại đó là hoàn toàn ngẫu nhiên. Do quan niệm bản chất của tồn tại là hỗn độn ngẫu nhiên nên họ chấp nhận những dịch chuyển, hoán đổi vị trí, những tồn tại tự do, ngẫu hứng của sự vật hiện tượng. Do vậy sẽ chẳng có gì là trung tâm trong sự vận động hỗn độn này. Mỗi nhân vật trong tiểu thuyết của M.Kundera trở thành một trung tâm của một câu chuyện, giữa các câu chuyện có thể hoặc không có mối liên hệ nào và không có khả năng kết hợp lại với nhau. Điểm nhìn trần thuật và ngôi kể cũng theo đó mà dịch chuyển, hoán đổi vị trí. Tất cả tạo thành các mảnh vỡ được khớp nối theo sở thích của tác giả. Vì thế, khi đọc tác phẩm của Kundera, người đọc sẽ phải trôi theo các mảnh vỡ, chăm chú phát hiện mới nhận ra được ngôi kể và
điểm nhìn trần thuật (nhiều khi không thể nhận ra do sự dịch chuyển, hoán đổi liên tục). Mỗi điểm nhìn, ngôi kể đều có giá trị tự thân, giá trị đó lớn hay nhỏ tùy thuộc vào chuẩn đánh giá của người đọc mà không nằm trong ràng buộc với một chuẩn chung nào cả. Điểu này thể hiện cảm quan về một thế giới đa trị trong tiểu thuyết của M.Kundera.
Trò chơi hoán đổi vị trí ngôi kể trong tiểu thuyết của M.Kundera tiếp nối thể hiện cái nhìn giải cấu trúc về thế giới, sự bé nhỏ, vô nghĩa của con người. Nó cho thấy sự bất tín đối với chính bản thân nghệ thuật tiểu thuyết, sự bất tín đối với chân lí, với các bảng giá trị. Nó góp phần quan trọng tạo ra thế giới phi trung tâm và thúc đẩy quá trình xác lập các liên văn bản.