Nhìn chung về thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Milan Kundera

Một phần của tài liệu Cảm quan hậu hiện đại trong tiểu thuyết của Milan Kundera (Qua tác phẩm tiêu biểu) (Trang 31)

6. Đóng góp của đề tài

1.3.3. Nhìn chung về thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Milan Kundera

Hegel từng nói: “Lịch sử hùng vĩ và rộng rãi hơn thiên nhiên”. Lịch sử đất nước Tiệp Khắc thế kỉ XX là sóng to gió lớn mà trầm uất, bi phẫn. Nhà văn Tiệp Khắc trưởng thành dưới bối cảnh tình cảm mạnh mẽ của cách mạng, sự áp chế của cường quyền, sự bóp méo của nhân tính và sự lặp lại của lịch sử vừa kế thừa sự lạc quan và khí chất trào phúng trong thiên tính dân tộc vừa nhìn thấy trong chế độ xã hội và giai đoạn lịch sử mới bộc lộ ra mâu thuẫn về chính trị, triết học, đạo đức phức tạp. Suy nghĩ của họ bởi thế mà có sự trộn lẫn giữa hài hước và buồn thương, tìm kiếm và nghi ngờ,… Theo Kundera, không phải là một chế độ cực quyền cụ thể nào đó phải chịu sự khiển trách, mà là tất cả mọi chế độ đều

phải chịu sự khiển trách; không phải là một giai đoạn lịch sử nào đó phải chịu sự thẩm tra, mà là phải tiến hành cật vấn đối với bản thân lịch sử; không phải là một nước nào đó hoặc một cá nhân nào đó phải chịu sự cười nhạo, mà là bản thân của tồn tại phải bị hoài nghi.

Được ươm mầm từ những yếu tố mang tính đặc biệt của hoàn cảnh lịch sử nước Tiệp Khắc và những điểm riêng trong hoàn cảnh cá nhân, thế giới nghệ thuật của M.Kundera có nhiều nét riêng biệt và đặc sắc. Đó là những dự cảm về sự đổ vỡ các bảng giá trị, sự hoài nghi về sự tồn tại của kiếp người, sự xô lệch của hiện thực… Đó là cách nhìn hiện thực đầy u ám, xem hiện thực như một trò chơi, chẳng có gì là chắc chắn. Những quy ước xã hội và văn học chẳng mảy may có lợi ích gì, thậm chí trở nên nguy hiểm. Sự thiếu tin tưởng ấy khiến nhân vật của Kundera là những cá nhân cô đơn, lẻ loi, tách xa với đời sống cộng đồng, thậm chí xa lạ với chính họ. Nhân vật trong tiểu thuyết M.Kundera luôn trong hành trình tìm kiếm cái tôi của mình. Tereza trong Đời nhẹ khôn kham thường soi gương, cố gắng nắm bắt phần tâm hồn, cái bản thể riêng biệt của mình. Agnès trong Sự bất tử cũng cố gắng phân biệt khuôn mặt mình trong hàng vạn những khuôn mặt người ta. Và khác với nhân vật trong tiểu thuyết hiện thực, nhân vật tiểu thuyết Kundera bị lược bỏ tên tuổi, tiểu sử, hình dáng… Tất cả đều không rõ ràng, kể cả ngoại hình, cử chỉ cũng không được miêu tả kĩ, thậm chí, tính cá thể, tính riêng biệt cũng không tồn tại. Việc tẩy rửa nhân vật đã mang lại tính cô đọng cho tác phẩm, mở ra không gian cho người đọc có cơ hội phát huy khả năng tưởng tượng của mình. Nhân vật còn bị ám ảnh bởi những giấc mơ, sự chết chóc, mang tâm trạng bất an, lo lắng,… Sự hiện hữu của họ với tư cách là một cá thể trong xã hội trở nên mơ hồ, thiếu xác tín. Đó là những nhân vật “vô tri” muốn quay lại “bản nguyên” để đi tìm câu trả lời thế nào là “sự bất tử” trong nỗi cô đơn lạc loài vì con người chỉ là trò chơi vô tăm tích.

M.kundera có cách nhìn mới mẻ về thế giới hiện thực. Hiện thực trong tiểu thuyết của ông là một hiện thực bị xô lệch, mất trọng tâm và phi trung tâm.

Đó là thế giới được “ngụy tạo” mà ở đó cõi nhân gian bị xóa sổ, con người tồn tại bé nhỏ và vô nghĩa, các bảng giá trị bị hoài nghi. Sự tồn tại của hiện thực cũng chỉ là một thứ trò chơi. Trong thế giới hỗn mang không có thực, tất cả mọi cái sinh mệnh, tồn tại, lịch sử đều biến mất trong “trò đùa”, vĩnh viễn không trở lại. M. Kundera lộ ra thái độ hoài nghi chủ nghĩa và khinh đời ngạo vật sâu xa trong tư tưởng của mình.

Nguyên Ngọc cho rằng: “Trong các tiểu thuyết của Kundera luôn trở đi trở lại, dưới những hình thức, những ám thị khác nhau, nhức nhối và dai dẳng một chủ đề - gần như có thể coi là chủ đề tổng quát của các tiểu thuyết Kundera: sự biến mất của con người trong thế giới hiện đại” [5;758]. Con người biến mất đằng sau hình ảnh của nó. Hình ảnh, không phải để phô bày, xác định con người, mà là để che lấp, xóa bỏ, tha hóa con người. Goethe, Beethoven, Hemingway… được chuẩn bị và tự chuẩn bị để trở thành những âm bản đối với hậu thế. Những

con người bị mất tích giữa thế giới hiện đại. Trong Sự bất tử, ta không thấy những con người giống thật mà là một vấn đề hiện sinh kì lạ: con người quẫy cựa tuyệt vọng chống lại hình ảnh, cố phá vỡ hình ảnh… để mong tìm ra mình…

Đọc Kundera, ta thường thấy nỗi buồn sâu xa trong tiếng cười mỉa mai của ác quỷ mang tính tra vấn, khiêu khích. Guy Scarpetta, nhà phê bình lớn người Pháp, đã rất đúng khi viết rằng: Kundera ngày nay là một trong những người hiếm có, dám trực diện nhìn cái ác, không chút nhân nhượng - nhưng lại với vừa đủ hài hước để không rơi vào sáo rỗng của niềm tuyệt vọng triệt để.

Tài năng của M.Kundera được nảy nở trong một môi trường đầy biến động của nước Tiệp Khắc thế kỉ XX, trong tâm trạng đầy bi phẫn của kẻ hồ nghi hiện thực, sống lưu vong ở nước ngoài... Đó là sự rèn luyện tốt nhất để có một tài năng văn chương lớn. Nhà soạn kịch Shakespeare trong Othello cũng viết rằng: Phải chăng định mệnh của những đấng vĩ nhân vẫn là không được may mắn như những kẻ tầm thường. Những gì M.Kundera làm dường như đã chứng minh điều đó.

Chương 2

CẢM QUAN HẬU HIỆN ĐẠI VỀ HIỆN THỰC CON NGƯỜI TRONG TIỂU THUYẾT CỦA MILAN KUNDERA

Một phần của tài liệu Cảm quan hậu hiện đại trong tiểu thuyết của Milan Kundera (Qua tác phẩm tiêu biểu) (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(95 trang)
w