6. Đóng góp của đề tài
2.1.3. Tính ngụy tạo của thế giới
Chủ nghĩa hiện thực quan niệm thế giới là một kết cấu, cấu trúc trọn vẹn với đầy đủ lớp lang, trong mối liên hệ, chi phối hết sức chặt chẽ bởi nó được hình thành trên cơ sở các quan niệm triết học - mĩ học, khoa học… của Maxr, Đác-uyn… Chủ nghĩa hậu hiện đại lại có quan niệm bất định về thế giới, sự bất tín của con người… Chủ nghĩa hậu hiện đại khởi đầu bằng các mối tuyệt vọng về thực tại, sự bất tín ấy, cho nên nó luôn luôn nghi ngờ về thế giới. Khác với chủ nghĩa hiện đại đối lập hỗn loạn đời sống với vũ trụ sáng tạo nghệ thuật, chủ nghĩa hậu hiện đại khởi đầu bằng quan niệm cho rằng bất cứ một mô hình nào, dù là mô hình cao cả nhất về sự hài hòa thế giới, không thể không mang tính ảo tưởng. Mà đã là ảo tưởng thì luôn tìm cách biến đổi thực tiễn với sự trợ giúp của lí tưởng, hệ tư tưởng, và kết quả sinh ra ngụy tạo hiện thực. “Ngụy tạo hiện thực” là một trong những thuộc tính quan trọng của hậu hiện đại. “Đằng sau “ngụy tạo” không có hiện thực nào, bởi bản thân nó thay thế cho cái thực tiễn không tồn tại đó - một bản sao không có bản gốc. Như vậy, ở chủ nghĩa hiện đại thực tại bị lạ hóa và vô nghĩa hóa, cho tới thời hậu hiện đại nó đã “biến mất”, chỉ còn lại cái “ngụy tạo” - simulacrum” [6]. Tình trạng đó “một mặt báo hiệu sự cáo chung của những mẫu gốc (một dạng trung tâm) một mặt khẳng định tính li tâm, phi trung tâm, phi mã hóa… của các sự vật hiện tượng, lấy cái không có
thực biến thành cái có thực, xem tưởng tượng chính là thực tại hoặc xóa bỏ ranh giới giữa thực tại và tưởng tượng” [13]. Thế giới hiện thực trong tiểu thuyết của Milan Kundera là một thế giới như thế, dù thế giới được miêu tả, hiện thực được miêu tả nhiều khi tỏ ra lớp lang, hoàn hảo, chi tiết đến kì cùng. Chậm rãi kể cho
chúng ta nghe nhiều câu chuyện về con người phải đối mặt với tốc độ chóng mặt của thời hiện đại, bị cuốn vào vòng xoáy cuộc sống và bị biến mất bởi những vấn đề bên ngoài như lịch sử, chính trị, xã hội. Cái cá nhân, cá thể bị báo chí, truyền hình đè bẹp, hình ảnh được tô vẽ. Và để làm rõ chủ đề này, M.Kundera đã “ngụy tạo” một thế giới hiện thực lạ lẫm thông qua sự tập hợp những câu chuyện lạ
lẫm. Đó là câu chuyện của ngài trí thức Berck và ngài nghị sĩ Duberques “bày tỏ tình đoàn kết” với nhóm người nhiễm AIDS. “Bữa ăn diễn ra trong tình thân ái, và không để lỡ cơ hội nêu một tấm gương tốt, nghị sĩ Duberques đã mời camera đến vào đúng lúc ăn” [36;485]. Khi các nhà quay phim hiện ra, ông ta tiến gần một bệnh nhân và bất ngờ hôn vào miệng anh ta đang ăn đầy kem sôcôla. Cái hôn vĩ đại, bất tử của ngài nghị sĩ khiến Berck sững người, bất ngờ. Những suy tính khiến cho Berck mỉm cười một cách vô hồn và ba giai đoạn trên khuôn mặt ông được cả nước Pháp biết đến ngay tối hôm ấy. Để có hào quang của sự nổi tiếng, ông bay sang châu Phi chụp ảnh cạnh một bé gái nằm chết, mặt phủ đầy ruồi. Bức ảnh lập tức nổi tiếng trên khắp thế giới, hơn cả nụ hôn của nghị sĩ Duberques. Không chịu thua kém, ngày hôm sau nghị sĩ Duberques xuất hiện trên tivi với một cây nến và “với mục đích đầy phản trắc là gieo rắc sự nghi ngờ về mối quan tâm của Berck đến những miền đất xa lạ” [36;486], ông ta mời các công dân xuống đường để tỏ tình đoàn kết với các trẻ em đang đau khổ. Ông ta lại mời đích danh Berck dẫn đầu đoàn tuẫn hành. Berck thoát khỏi cái bẫy này bằng một hành động bất ngờ và táo bạo: bay thẳng sang một nước châu Á đang có nổi loạn để bày tỏ sự ủng hộ của mình với những người bị áp bức. Nhưng “ông vua tuẫn đạo của những người khiêu vũ” này đã phải trở lại Paris trong tình trạng đói khát và bị mắc bệnh cúm trước khi đến được xứ sở kia để tìm kiếm sự vĩ đại. Khi khát vọng vinh quang, khát vọng chiếm lĩnh sân khấu để làm tỏa rạng cái tôi của mình lớn quá mức, những “người khiêu vũ” như nghị sĩ Duberques, như Berck, như nhà côn trùng học… phải đánh mất cái tôi của riêng mình. Tạo ra một thế giới của những “người khiêu vũ” trong cái nhìn đa chiều với nhiều “trung tâm” nhân vật, nhiều mảng hiện thực được được sắp xếp có vẻ hỗn độn ngẫu nhiên… là cách biến đổi thực tiễn của Milan Kundera.
Bản nguyên lại “ngụy tạo” một thế giới của những giấc mơ. Santal nhận
thấy mình trong những giấc mơ, còn Jan Mark tìm thấy mình trong tiểu thuyết của anh. Họ nhận ra điều ấy và sợ hãi khi không nhận ra đâu là bản nguyên của
mình. Trong tưởng tượng, trong giấc mơ hay trong sự thật? Câu chuyện thực trở thành giấc mơ hủy diệt - hủy diệt tình yêu, hủy diệt bản ngã con người. Những giấc mơ kì quặc, đứt nối như thế chỉ tồn tại trong văn chương hậu hiện đại - nơi thế giới được tạo lập bởi trí tưởng tượng của nhà văn, không có “nguyên mẫu”.
Sự bất tử lại làm rối loạn tâm trí người đọc vì đan xen của nhiều tuyến
truyện, nhiều không gian, thời gian, điểm nhìn trần thuật… Mối quan hệ chồng chéo Bettina - Goethe, Bettina - Beethoven; cuộc gặp gỡ kì lạ giữa Goethe và Hemingway ở bên kia thế giới; cuộc gặp gỡ giữa Paul, Agnès với người đàn ông đến từ hành tinh khác; hành động đỏng đảnh của Laura; hành động kì quặc chọc lốp xe của giáo sư Avenarius; cử chỉ vẫy tay của người đàn bà, của Agnès, của Laura… tạo thành một thế giới hỗn mang đang quay cuồng tìm sự bất tử và vùng vẫy phá vỡ hình ảnh để tìm ra mình trong một thế giới hiện thực hoàn toàn biến mất.
Tính ngụy tạo của thế giới là một đặc điểm dễ nhận thấy trong cảm quan hậu hiện đại trong tiểu thuyết của M.Kundera dù người viết tỏ ra cố gắng xây dựng một hiện thực hoàn hảo, lớp lang… bao nhiêu đi nữa. Do tạo dựng một thế giới không có thực nhưng cực kì phức tạp, chồng chéo như thế nên tiểu thuyết của Milan Kundera không phải là không khó tiếp nhận. Và đây cũng là bản chất hiện thực của kỉ nguyên hậu hiện đại.