Sự hoài nghi các bảng giá trị văn hóa

Một phần của tài liệu Cảm quan hậu hiện đại trong tiểu thuyết của Milan Kundera (Qua tác phẩm tiêu biểu) (Trang 49)

6. Đóng góp của đề tài

2.3.1. Sự hoài nghi các bảng giá trị văn hóa

Trong truyền thống, và ngay cả hiện tại, văn hóa và các giá trị văn hóa luôn được quan tâm. Tuy nhiên, trong chủ nghĩa hậu hiện đại nói chung và trong

tiểu thuyết của Milan Kundera nói riêng, các bảng giá trị văn hóa luôn bị nghi ngờ. Điều này thể hiện trong việc nhân vật hay nhìn về các giá trị truyền thống trong sự hoài nghi. Nó không tin vào những phán truyền từ truyền thống. Chúa - một thế lực vô hình siêu nhiên và vô cùng thiêng liêng cũng không thoát khỏi sự hoài nghi ẩn trong thứ ngôn ngữ châm biếm chua cay của M.Kundera. Tuy nhiên, Kundera không có ý định chĩa mũi dùi vào tôn giáo. Ông chỉ mượn Chúa để bộc lộ sự sụp đổ các giá trị, sự tan vỡ của niềm tin trong thời hiện đại. Những điều tưởng như thiêng liêng không thể chạm tới, những thứ từng nâng đỡ tinh thần con người - trong thời hiện đại - hầu như không còn ý nghĩa gì với họ, không thể giải thoát họ khỏi những vướng mắc, tan vỡ do cuộc sống hỗn độn này mang đến. M.Kundera đưa vào tiểu thuyết của mình - Sự bất tử - “điều răn thứ mười một”: “không được nói dối!” (là điều răn không có trong mười điều răn của Chúa). “Có lẽ chỉ có Chúa là có quyền nói ra những lời này với người đó, nhưng Chúa chẳng cần gì phải nói ra, nếu như người đã biết hết tất cả và không cần ðến câu trả lời của chúng ta” [36;149]. Thế nên, để “thay thế” Chúa, người ta đã lắp vào phòng người nói dối một máy nghe trộm để “bảo vệ quyền thiêng liêng của mình là yêu cầu phải trả lời”. “Điều răn thứ mười một” trở thành điều răn có quyền lực với mọi người trong thế kỉ này, khi mà mười điều răn của Chúa hầu như đã bị quên lãng! Những phán truyền của Chúa - những phán truyền từ truyền thống không có ý nghĩa bằng chiếc máy nghe trộm. Không chỉ như thế, con mắt - lời phán xét của Chúa cũng không tồn tại trong thời hiện đại khi có sự xuất hiện của camera, máy ảnh. Từ nhỏ, Agnès đã từng sửng sốt với ý nghĩ Chúa nhìn thấy nàng và nhìn thấy liên tục. “Có lẽ khi đó lần đầu tiên trong đời nàng cảm nhận được sự khoan khoái, ngọt ngào không nói nên lời của một người được nhìn thấy vào phút giây riêng tư, khi bị cưỡng hiếp bởi cái nhìn”. Nhưng, “hôm nay con mắt của Chúa đã được thay bằng ống kính. Con mắt của một người được thay bằng những cặp mắt của tất cả mọi người” [36;45]. Và như thế, cuộc sống biến thành cuộc “truy hoan” duy nhất có tất cả mọi người tham gia.

Điều đó có ý nghĩa rằng cá nhân không thuộc về mình nữa, rằng nó hoàn toàn là tài sản của người khác. Khi ống kính máy quay thay thế toàn năng của Chúa có nghĩa là sự tồn tại của giá trị tinh thần này bị hoài nghi. Trong tiểu thuyết của M.Kundera, Chúa còn được gắn với tất cả những gì phi lí, buồn cười. Chúa có thể chỉ là những chiếc máy tính vô hồn của tạo hóa, thậm chí Chúa chỉ là biểu trưng của những nơi phàm tục gắn trên cơ thể loài người. Châm biếm sâu cay về Chúa nhưng M.Kundera không hề ác độc, đem Chúa ra làm trò đùa. Tác giả chỉ muốn, thông qua hình ảnh này, thể hiện sự hoài nghi các bảng giá trị của văn học hậu hiện đại.

Một giá trị văn hóa thiêng liêng của con người mà bao đời nay văn chương ca tụng, nhân gian xây đắp là tình yêu nhưng khi đi vào văn chương hậu hiện đại nó cũng trở nên mờ nhòe, bị hoài nghi. M.Kundera cũng đề cập nhiều về tình yêu của con người trong thời hiện đại, ông cũng không né tránh, chẳng ngại ngùng khi nhắc đến tình dục. Từ học thuyết Freud, tình dục chỉ là cái cớ để Kundera đưa đến triết lí về giá trị thật của tình yêu trong cuộc sống. Đi đến tận cùng của bản năng, con người sẽ càng cảm thấy cô đơn trong chính tiểu vũ trụ bản thân, nếu như họ không tồn tại cái gọi là tình yêu. Nhưng, oái ăm thay, thế giới nhân vật của Kundera không tìm thấy tình yêu nơi cuộc sống hiện tại. Laura

(Sự bất tử) thay người tình liên tục vẫn không thôi khao khát tình yêu. Agnès bề

ngoài có vẻ có hạnh phúc viên mãn bên gia đình nhưng lại có khát vọng mãnh liệt được ở một mình, được nói to lên với người khách lạ mặt về mong muốn không ở bên chồng trong một thế giới khác, thậm chí nàng muốn chết thật mau để khỏi phải gặp chồng. Rubens gặp gỡ, làm tình với cô A, cô B, cô C… không phải vì tình yêu. Và càng bội thực tình dục bao nhiêu, anh ta càng chết đói tình yêu. Santal và Jan (Bản nguyên) tìm đến với nhau, giúp nhau tìm lại mình trong hàng loạt giấc mơ hoang tưởng nhưng hoàn toàn không hiểu nhau… Có hay không một tình yêu tuyệt bích trong thời hiện đại là câu hỏi, sự hoài nghi của người đọc khi đọc Milan Kundera.

Không chỉ tình yêu, vấn đề tình mẫu tử, tình chị em - những giá trị đạo đức con người luôn coi trọng - cũng bị đặt trong cái nhìn hoài nghi của M.Kundera. Agnès luôn tôn thờ và yêu da diết bố nhưng nàng luôn hoài nghi tình cảm của mẹ. Nỗi ám ảnh trong suốt tuổi thơ của nàng là sự tưởng tượng ra cảnh mẹ dắt tay Laura chạy trốn đội xử bắn mà không một lần ngoái nhìn nàng và bố. Trong khi Laura hét lên vì gặp bố bên đống ảnh mẹ bị xé nát thì Agnès lại hết sức thông cảm, bênh vực bố. Agnès cũng cảm thấy mệt mỏi trong tình cảm với em gái mình. Nàng luôn thường trực ý nghĩ về cuộc đuổi bắt giữa nàng và Laura, nàng thua cuộc. Phải chăng, trong thời đại của công nghệ, của khoa học, những tình cảm - giá trị văn hóa tinh thần cao quý đó không thể tồn tại?

Sự hoài nghi các bảng giá trị văn hóa trong tiểu thuyết của M.Kundera là một đặc điểm mới làm nên diện mạo độc đáo của ông, và là một đóng góp cho văn học hậu hiện đại. Khi chân lí, bảng giá trị bị hoài nghi là khi con người được giải phóng khỏi sự đam mê chân lí, các giá trị văn hóa một cách điên cuồng để biết rằng không có gì trong cuộc sống này là tuyệt bích. Hoài nghi cũng là cách thức để tư duy con người tiếp tục tồn tại và phát triển.

Một phần của tài liệu Cảm quan hậu hiện đại trong tiểu thuyết của Milan Kundera (Qua tác phẩm tiêu biểu) (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(95 trang)
w