Một hiện thực xô lệch, mất trọng tâm và phi trung tâm

Một phần của tài liệu Cảm quan hậu hiện đại trong tiểu thuyết của Milan Kundera (Qua tác phẩm tiêu biểu) (Trang 34)

6. Đóng góp của đề tài

2.1.1. Một hiện thực xô lệch, mất trọng tâm và phi trung tâm

Chủ nghĩa hiện thực cổ điển chủ trương lấy hiên thực xã hội và những vấn đề có thực của con người làm đối tượng sáng tác. Chủ nghĩa hiện thực hướng tới cung cấp cho công chúng nghệ thuật những bức tranh chân thực, sống động, quen thuộc về cuộc sống, về môi trường xung quanh. Phê phán chủ trương này, những nghệ sĩ hiện đại cho rằng chủ nghĩa hiện thực chỉ là sự mô phỏng, bị lệ thuộc vào thực tại . Với họ, nghệ thuật phải mổ xẻ cuộc sống và bay ra khỏi cuộc sống. Với một quan niệm hoàn toàn khác, chủ nghĩa hậu hiện đại lại chối bỏ sự thật khách quan và siêu tự sự. Nó nhấn mạnh vai trò của ngôn ngữ, những quan hệ quyền lực, động cơ thúc đẩy; đặc biệt nó tấn công việc sử dụng những sự phân loại rõ ràng như nam với nữ, trắng với đen, đế quốc với thực dân. Đó là sự giải thoát có chủ ý từ những cách tiếp cận của chủ nghĩa hiện đại đã thống trị trước đó. Thế giới hiện thực trong văn chương hậu hiện đại không còn là thực tại khách quan “tai nghe, mắt thấy”, cũng không còn là thực tại bị “mổ xẻ”, bị “bay” ra khỏi cuộc sống mà là thực tại khó nắm bắt, nhập nhằng, lẫn lộn, không có thực.

Trong văn chương nói chung và văn xuôi truyền thống nói riêng, ý thức hướng về trung tâm là rất quan trọng. Ý thức ấy chi phối mọi hoạt động sáng tạo. Nó thể hiện trên mọi phương diện: chủ đề, đề tài, cảm hứng, nhân vật, hiện thực được tái tạo… Đối với chủ nghĩa hậu hiện đại, ý thức hướng về trung tâm dường như không còn tồn tại, nghĩa là trong sự chiêm nghiệm, sự lí giải thế giới (thậm chí tác giả không còn mặn mà với việc lí giải thế giới). Trong sáng tác của các nhà văn này, hiện thực không còn đứng vững, tập trung, trọn vẹn… bởi tác giả luôn có một cái nhìn về một hiện thực mà tất cả các mảng, miếng, các sự vật,

hiện tượng… đều mang tính chất bình đẳng, tương đối. Bằng chứng là các câu chuyện được kể, những sự kiện, các trạng thái hiện thực… không được mô tả trong sự thiên lệch, nhấn mạnh, điểm xuyết hay coi trọng, xem nhẹ… Mọi giá trị đều bình đẳng. Điều này thể hiện rất rõ trong tiểu thuyết của Milan Kundera. Những tác phẩm văn học truyền thống luôn có một cốt truyện chính, dù có thể có nhiều cốt truyện nhỏ lồng vào. Truyện của Kundera là sự tập hợp của nhiều tuyến truyện nhưng không có tuyến nào là chính. Chúng có giá trị tương đương nhau. Các sự kiện, các yếu tố trong văn học truyền thống được sắp xếp trật tự, logic, rành mạch. Tiểu thuyết của M.Kundera phân rã những yếu tố, sự kiện này thành những mảnh vụn, rời rạc, không theo bất kì trật tự nào. Nó có thể được mở ra bằng một sự kiện bất kì mà không cần phải chú trọng đến trình tự kể chuyện. Chẳng hạn như chuyện của ngài trí thức Becrk (trong Chậm rãi) được bắt đầu bằng câu chuyện tìm kiếm vinh quang của ông khi sang châu Phi chụp ảnh cạnh một bé gái da đen nằm chết, mặt phủ đầy ruồi. Thế nhưng ngay sau đó, câu chuyện này bị lãng quên để chuyển sang các sự kiện khác hoàn toàn không liên quan đến sự kiện trên rồi lại tiếp tục với những rắc rối của ngài Becrk với “mối tình thơ ngây” sau hai mươi năm. Hay như Bản nguyên, câu chuyện về những cơn ác mộng của một đôi tình nhân đi tìm bản thân mình cũng không sắp xếp các sự kiện theo một trật tự nào dù có vẻ như tác phẩm này chỉ xoay quanh một cốt truyện chính. Còn Sự bất tử là sự tập hợp trong mỗi tuyến truyện những sự kiện rời rạc, đan xen, chồng chéo, không liên quan đến nhau. Sự kiện mang tính chất cao trào trong tuyến truyện Goethe và Bettina là sự kiện Bettina bị vợ Goethe đập vỡ kính bất ngờ được đưa vào đầu tuyến truyện rồi dừng lại, lãng quên để chuyển đến việc Goethe gặp gỡ Napoleon, chuyển sang cuộc sống của Bettina, những cuộc viếng thăm Goethe của Bettina, rồi quay trở lại việc Bettina bị vợ Goethe đánh vỡ kính… Việc sắp đặt những mảnh ghép độc lập, khác nhau không theo bất kì một quy luật nào bên cạnh nhau tạo cho tác phẩm một cấu trúc phân mảnh như là ẩn dụ về một hiện thực xô lệch, mất trọng tâm và phi trung tâm.

Bối cảnh hiện thực, thứ tự biên niên, quan hệ nhân quả… cũng là những thứ mà M.Kundera không bao giờ quan tâm trong tiểu thuyết của mình. Sự bất tử là tập hợp tất cả những xáo trộn về thời gian, không gian trần thuật: có thời

gian, không gian lịch sử gắn với mối quan hệ Goethe và Bettina; có thời gian, không gian hiện tại gắn với các nhân vật Laura, Agnès, Paul…; có thời gian, không gian quá khứ trong hồi ức nhân vật Agnès; có thời gian không gian tương lai dự báo biến cố xảy ra; thậm chí có cả thời gian, không gian tưởng tượng gắn với cuộc gặp gỡ Goethe và Hemingway ở thế giới bên kia… Sự xáo trộn, đứt nối này góp phần thể hiện một cảm quan về thế giới hiện thực - một hiện thực hỗn độn, xô lệch, phi trung tâm.

Bởi không tin vào cái mô hình thực tại hài hòa, bất biến của các nhà hiện đại chủ nghĩa, nghệ thuật hậu hiện đại xây dựng cho mình một “chiến lược” dựa trên sự chấp nhận thực tại hỗn độn, thậm chí gia tăng sự hỗn độn bằng cách “giải cấu trúc mọi trung tâm văn hóa”. “Nó đập vỡ không thương tiếc mô hình nghệ thuật cao cả của chủ nghĩa hiện đại cùng các mô hình văn hóa nghệ thuật trước đó, và từ những mảnh vỡ lắp ghép một thực tại giống như kính vạn hoa mang đầy trích dẫn, chắp vá” [6]. Bản nguyên kể về một đôi tình nhân lao vào một trò chơi thoạt tiên là để giúp người yêu tự nhận ra mình, đã đi vào một cơn ác mộng. Trong giấc mơ dài đầy “cảm giác ghê tởm” [36;612], Santal thấy hiện tại hoàn toàn biến mất. “Nàng vốn gắn với hiện tại của mình mạnh đến mức có đem cho kho báu nào nàng cũng không bao giờ đánh đổi nó lấy quá khứ hay tương lai. Vì vậy nàng không thể chịu được các giấc mơ” [36;612]. Trong những giấc mơ, Santal nỗ lực tìm kiếm mình với sự giúp đỡ của Jan Mark (tất nhiên là nàng không ngờ tới) nhưng càng cố gắng bao nhiêu cái bản nguyên của nàng càng không thể tìm ra trong cái thế giới hiện đại bức bối này. Jan Mark, trong cơn ác mộng, cũng “lắp bắp nức nở: Santal, Santal bé bỏng của anh!Dường như anh muốn dùng những lời đó trả lại những đường nét cũ, trả lại bản nguyên đã bị mất đi cho bộ mặt đổi khác của nàng” [36;636]. Nỗi ám ảnh bởi cái câu “đàn ông

không thèm nhìn em nữa” của Santal cộng với cơn ác mộng về Santal cùng bộ mặt xa lạ và khó chịu, Jan Mark quyết định chơi trò chơi viết thư. Tuy nhiên, trò chơi này cũng là một ác mộng với cả hai. Khi sự thật được phơi bày, Santal càng cảm thấy bế tắc bởi rốt cuộc, nàng vẫn không tìm được mình... Tất cả chỉ là giấc mơ và tác giả đặt câu hỏi “ từ lúc nào cuộc sống thực của họ bắt đầu biến thành sự tưởng tượng dối lừa?” [36;748]. Nhiều giấc mơ trong một giấc mơ nhưng không có giấc mơ nào là chính. Khối hỗn độn, phân mảnh của những cơn ác mộng nói với chúng ta về một hiện thực cuộc sống đầy rối ren, xô lệch, gian dối mà ở đó con người đã đánh mất bản thân; càng quay cuồng tìm kiếm bản nguyên con người càng lún sâu vào mê cung tuyệt vọng, vào những cơn mơ dài…

Như vậy, thật khó mà tìm ra một thế giới hiện thực toàn vẹn, chân thực, khách quan trong tiểu thuyết của M.Kundera bởi ông nhìn hiện thực không phải như nó vốn có mà như nó phải có. Và chính cái nhìn đậm dấu ấn chủ quan của nhà văn chi phối cảm quan về thế giới hiện thực-một hiện thực xô lệch, mất trọng tâm và phi trung tâm.

Một phần của tài liệu Cảm quan hậu hiện đại trong tiểu thuyết của Milan Kundera (Qua tác phẩm tiêu biểu) (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(95 trang)
w