Các văn bản sử học, chân dung, tiểu luận văn học

Một phần của tài liệu Cảm quan hậu hiện đại trong tiểu thuyết của Milan Kundera (Qua tác phẩm tiêu biểu) (Trang 77)

6. Đóng góp của đề tài

3.2.3.Các văn bản sử học, chân dung, tiểu luận văn học

Tiểu thuyết của M.Kundera chính là một tấm kính vạn hoa được tô vẽ không chỉ là kiến thức âm nhạc, triết học mà còn là nơi ghi dấu những văn bản sử học, chân dung, tiểu luận văn học. Đây là những văn bản tiền đề tạo lập nên các văn bản của Kundera khiến thế giới nghệ thuật của tác giả như một giao điểm trong mạng lưới vô cùng rộng lớn của những văn bản khác.

Phần hai, Sự bất tử, của tiểu thuyết Sự bất tử nhắc đến sự kiện Bettina cùng chồng mình là nhà thơ Achim von Achim ở thăm vợ chồng Goethe tại Weimar vào ngày 13 tháng chín năm 1811. Ngày hôm ấy Goethe ở nhà đến tận trưa, còn Christiane dẫn cặp vợ chồng trẻ đi xem triển lãm, ở đó treo nhiều bức tranh được Goethe khen. Bà Christiane không biết gì về tranh, nhưng nhớ kĩ những điều Goethe nhận xét, nên bây giờ thoải mái coi đó là ý kiến đánh giá của mình. Bettina giận sôi lên, không đồng ý với bà ta “Bởi lẽ những bức tranh này hoàn toàn vô nghĩa” [36;65]. Christiane cũng giận dữ không kém rồi vung tay vào mặt Bettina, chiếc kính rơi xuống đất vỡ tan. M.Kundera lại đề cập đến sự kiện năm 1981 khi Francoi Mitterrand được bầu làm tổng thống. “Quảng trường Panthéon ngập tràn biền người hân hoan chào mừng và ông tách ra khỏi đám đông: một mình ông đi lên chiếc cầu thang rộng (giống y như Shakespeare bước lên Ngôi Đền Vinh Quang), tay cầm ba bông hồng” [36;69]. Rồi, ông lần lượt đặt ba bông hồng lên ba hầm mộ đã được lựa chọn. Sự kiện này gợi nhắc đến sự kiện vị tổng thống tiền nhiệm Valéry Giscard d’Estaing, năm 1974 đã mời những người quét rác vào điện Eslysée dự bữa ăn sáng đầu tiên của mình. Còn tổng thống Mĩ Jimmy Carter thì luôn gây được thiện cảm khi ông ta “mặc quần áo thể thao cùng chạy với một nhóm các cộng sự, huấn luyện viên và vệ sĩ của mình” [36;70]; đang chạy đột nhiên trán tổng thống vã mồ hôi, khuôn mặt méo xệch vì co giật, hóa ra ông ta bị một cơn đau tim vừa phải. Và nhà thiên văn vĩ đại Tycho Brahé trong bữa tiệc tối trọng thể tại cung điện hoàng gia ở Praha. Vì ngại giữa chừng bữa ăn đi toa lét nên ông cố nhịn tiểu. Kết quả là bọng đái vỡ tung…

Điều đặc biệt là những sự kiện có tính lịch sử như trên lại được M.Kundera nhìn dưới góc độ các nhân vật nỗ lực tìm sự bất tử. Các nhân vật cư xử như là đang được chụp ảnh vậy. Nhưng có khi các nhân vật “bước vào một sự bất tử mà chúng ta gọi là sự bất tử lố bịch” [36;70] như trường hợp của tổng thống Mĩ Jimmy Carter và nhà thiên văn vĩ đại Tycho Brahé. Tất cả các hành động của nhân vật đều được nhà văn lí giải cặn kẽ. Kundera đã đặt vào đầu nhân vật một cái micro để mọi tiếng nói ẩn tàng của nhân vật đều được phát lên. Trước hành động đặt ba bông hồng trước ba hầm mộ của Francoi Mitterrand, Kundera cho rằng “Ông ta đặt ba bông hồng như kiểu người ta đo đất đóng ba cột mốc trên khu công trường rộng lớn của vĩnh hằng để khoanh lại khu đất hình tam giác mà ở giữa đó ông ta sẽ dựng lên lâu đài của mình” [36;69]. Đối với vị tổng thống mời những người quét rác vào điện Élysée dự bữa ăn sáng, M.Kundera nhận ra “Đó là cử chỉ của nhà tư sản đa cảm muốn lấy lòng những người chất phác bình thường và gây cho họ ý nghĩ rằng ông ta là người của họ” [36;69]. Hành động của tổng thống Mĩ Jimmy Carter khiến M.Kundera hài hước: “Lẽ ra cuộc chạy này là dịp để tổng thống cho toàn dân thấy sự trẻ trung mãi mãi của mình” và các nhà quay phim không có lỗi “khi phải quay chiếu cho chúng ta thấy một ông già gặp rủi ro thay vì một vận động viên tràn đầy sức lực” [36;70]. Còn nhà thiên văn vĩ đại của chúng ta lại nhận được sự nhạo báng “ông ta giành được sự bất tử lố bịch của kẻ tuẫn tiết vì xấu hổ và nước tiểu” [36;71]... Các văn bản sử học trong tiểu thuyết của M.Kundera không đơn thuần là những dấu ấn lịch sử mà còn “chở” chiêm nghiệm của nhà văn về cuộc sống.

Ở các văn bản chân dung văn học, M.Kundera không có ý định đánh giá lại sự nghiệp văn học của các nhà văn được đề cập tới. Điều ông quan tâm không phải là giá trị các tác phẩm của các tác giả mà là những mảnh ghép rời rạc trong cuộc đời họ xoay quanh nỗ lực tìm kiếm sự bất tử. Người được M.Kundera nhắc đến nhiều nhất trong Sự bất tử là Goethe. Kundera khắc họa chân dung nhân vật đầu tiên bằng mối tình bất tử giữa nhân vật vĩ đại này với Bettina - con gái của

người phụ nữ mà Goethe đem lòng yêu lúc hai mươi ba tuổi. M.Kundera không ghi nhận ảnh hưởng của Bettina đối với Goethe về mặt văn học, nghĩa là không đưa ra tác phẩm nào của Goethe có hình ảnh Bettina ngoài dòng nhật kí “Nàng

Bretano”. Điều Kundera quan tâm ở mối tình của cặp tình nhân nổi tiếng này là

“đã gặp nhau bao nhiêu lần trong suốt cả cuộc đời?”; họ “thật sự được ở bên nhau chỉ có hai người với nhau, mặt nhìn tận mặt, bao nhiêu lần?” và tự trả lời: “Khoảng ba, bốn lần chứ không hơn” [36;83]. Trong mối tình này, Goethe luôn tỏ ra thận trọng. Kundera nhận ra “Cái xảy ra giữa họ đang nói đây, không phải là tình yêu. Đó là sự bất tử.” [36;87]. Goethe còn được đặt trong mối quan hệ với hoàng đế Napoleon. Cuộc gặp gỡ giữa một nhà thơ bất tử với một vị tướng bất tử diễn ra vào ngày 2 tháng 10 năm 1808 trong lúc Goethe đang rất bận viết cuốn

Học thuyết về màu sắc mà ông coi là đỉnh cao sáng tác của mình. Sau một vài

câu hỏi vu vơ về gia đình, về sân khấu, “người bất tử” đề nghị Goethe “viết một vở kịch về cuộc gặp Erfurt, một sự kiện chắc chắn sẽ đem đến cho loài người sự thanh bình và hạnh phúc” [36;78] để dành tặng hoàng đế Alexandre - người ông ta muốn lôi kéo về phía mình. Tiếp đó Napoleon tặng cho Schilloethe (cái tên trộn lẫn giữa Goethe và Schiller) một bài giảng về văn học và sân khấu… Cuộc gặp gỡ mà Goethe háo hức với “người bất tử” rốt cuộc chỉ là phương cách để Goethe bất tử theo mà thôi. Nhân vật Goethe trong tiểu thuyết Sự bất tử của M.Kundera như là nguyên cớ để các nhân vật khác xuất hiện. Và từ câu chuyện của họ, một chân dung văn học khác được dựng lên. Ernest Hemingway cùng cuộc nói chuyện thú vị với Goethe ở thế giới bên kia là một ví dụ. Hemingway nói: “… Tôi cũng không được yên vì những lời buộc tội muôn đời của hậu thế. Thay cho việc đọc các tác phẩm của tôi, giờ đây họ lại viết về tôi. Rằng tôi không yêu các bà vợ của mình. Rằng tôi đã đấm vào mõm của một nhà phê bình. Rằng tôi đôi trá. Rằng tôi khoe bị hai trăm ba mươi vết thương nhưng thực ra chỉ có hai trăm mười vết. Rằng tôi là thằng thủ dâm. Rằng tôi làm mẹ tôi giận” [36;112]. Nhà văn Mĩ La Tinh này khảng khái bộc lộ thái độ “phỉ nhổ vào sự bất

tử” bằng cách chuyển sang ở Cu Ba và từ chối đến Stockholm nhận giải thưởng Nobel bởi “Con người có thể chấm dứt cuộc đời. Nhưng không thể chấm dứt sự bất tử”. Hemingway cũng xúc động đến run người khi nói về giấc mơ của mình… Goethe, Beethoven, Heminhway là những nhân vật lịch sử tưởng chừng như bất tử nhưng cũng được hậu thế đem ra tòa án vĩnh hằng. Bởi vì, thời đại thông tin khoa học không đánh giá các tác phẩm mà đi tìm hiểu giới hạn sự vĩ đại của họ, soi mói vào cuộc sống cá nhân, sở thích riêng tư của họ. Các chân dung văn học mà M.Kundera dựng lên không giống với những gì chúng ta được tìm hiểu qua sách vở bởi có những “góc khuất” mà chỉ khi sang thế giới bên kia, nhân vật mới thổ lộ (tất nhiên là qua lí giải của Kundera). Đó là sự tạo dựng của riêng nhà văn giúp người đọc hiểu thêm về mình, hiểu thêm về sự phức tạp, nhập nhằng mang tính nước đôi của cuộc sống.

Trước M.Kundera đã có nhiều nhà văn lấy tiểu thuyết làm đề tài của tiểu thuyết, tiêu biểu là Grillet, Gide… Sự bất tử của Kundera cũng có thể xem là một tiểu thuyết luận bàn về tiểu thuyết, tuy nhiên, việc bàn luận về tiểu thuyết của Kundera hóa thân vào các nhân vật, tình huống. Trong Nghệ thuật tiểu

thuyết, trang 123, M.Kundera đã nêu một quy tắc: “Quy tắc của tôi rất ít ẩn dụ

trong một cuốn tiểu thuyết; nhưng cái ẩn dụ này phải là những đỉnh cao nhất”.

Sự bất tử cũng có thể cho là một ẩn dụ đỉnh cao bởi thông qua bảy phần của tác

phẩm chính là bảy vấn đề mà Kundera đã phân tích trong tiểu luận của mình về nghệ thuật tiểu thuyết. Bài viết "Sự bất tử của Milan Kundera - một sắc diện mới cho tiểu thuyết" của Trần Thanh Hà trên Tạp chí Sông Hương đã chỉ rõ: Phần I -

Khuôn mặt - là diện mạo tiểu thuyết với quan niệm, tiểu thuyết luôn đòi hỏi sự

khác biệt đối với các thể loại khác và đối với những tiểu thuyết đã ra đời trước đó. Điều này giống như nhân vật Agnès trong tác phẩm loay hoay, hoảng sợ khi thấy mình chỉ là phiên bản của thế hệ trước và giống hệt mọi người xung quanh. Phần II - Sự bất tử - là lời khẳng định về giá trị của nghệ thuật đã làm nên lịch sử Châu Âu, về vai trò, sứ mệnh của tiểu thuyết và chỉ ra: Sự bất tử không phải là

đời tư các danh nhân mà chính là giá trị những tác phẩm của các danh nhân để lại. Phần III - Đấu tranh - bàn luận về thực trạng của văn chương, số phận của tiểu thuyết thông qua mâu thuẫn giữa hai chị em Agnès và Laura. Phần IV - Con người tình cảm - là phần bàn luận của Kundera về những tư tưởng đã xuyên suốt

lịch sử văn học Châu Âu. Xen kẽ trong những câu chuyện là quan niệm về mĩ học và văn minh Châu Âu qua các thời kì; đây cũng là phần tổng kết của tác giả về lịch sử phát triển tiểu thuyết Châu Âu. Phần V - Ngẫu nhiên - bộc lộ quan niệm của Kundera về kết cấu tiểu thuyết. Phần VI - Mặt số đồng hồ - chính là thời gian Châu Âu, thời gian lịch sử. Đây là phần bộc lộ quan niệm của M.Kundera về quá trình sáng tạo của một nhà tiểu thuyết. Phần cuối - Lễ mừng - là sự thừa nhận và khẳng định lại các giá trị, bộc lộ niềm tin của Kundera về con đường phát triển tiểu thuyết tương lai. Như thế, Sự bất tử nói riêng, tiểu thuyết của Kundera nói chung, trong tiểu thuyết có tiểu luận, trong tiểu luận có tiểu thuyết.

Những tác phẩm vĩ đại luôn là tiểu thuyết bách khoa. Điều này đúng với những sáng tác của Milan Kundera khi trong tác phẩm của ông liên văn bản là một tính chất đặc trưng.

Một phần của tài liệu Cảm quan hậu hiện đại trong tiểu thuyết của Milan Kundera (Qua tác phẩm tiêu biểu) (Trang 77)