6. Đóng góp của đề tài
2.2.1. Một cõi nhân sinh bị xóa sổ
Hai cuộc thế chiến tàn khốc đã đẩy khủng hoảng xã hội châu Âu và phương Tây lên một quy mô chưa từng thấy, làm gia tăng cảm giác về sự vô căn cứ của những đức tin tự do - nhân đạo của thế kỉ XIX, vào tính bền vững của văn minh và tiến bộ. Cuộc sống con người và thực tại hiện tồn trở nên phi lí và vô nghĩa. Ở các nghệ sĩ xuất hiện một thứ “phản xạ nghệ thuật” - chối bỏ cái thực tại phi lí và hỗn loạn, kiếm tìm một thực tại thuần khiết và cao cả bằng cách cố gắng xây dựng một mô hình thế giới hài hòa, một thế giới của đức tin. Tuy nhiên, trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, ảo tưởng về một thế giới như thế bị
lung lay. Thay vì những nhân vật như những “con người này” (Hê-ghen), cá nhân con người bị tan biến, cõi nhân sinh bị mờ nhòe, thậm chí bị xóa sổ. Cõi nhân sinh ở đây, dĩ nhiên, không nên hiểu là bản thân đời sống thế tục, mà là trạng thái tồn tại của con người trong các mối quan hệ, đúng hơn là trạng thái của quan hệ người. Phổ biến trong các sáng tác của M. Kundera là một tình thần mỏi mệt, thiếu sức sống - biểu hiện của sự chết. Trong hành trình đi tìm khuôn mặt, bản thể của mình, Agnès (Sự bất tử) là một kẻ cô đơn mỏi mệt cùng nỗi ám ảnh về cái chết và khát vọng có “niềm vui được ở một mình” [36;41]. Từ lúc còn bé, nàng đã từng tưởng tượng ra cảnh: bố nàng đứng, hai tay dắt hai cô con gái trước đội lính đang xếp hàng đợi lệnh xử bắn. Người mẹ cầu xin và được phép cứu hai người, bà đã cứu hai cô con gái trước sự buồn bã và nhẫn nhục của bố. Đôi khi nàng lại hình dung, mẹ chỉ được cứu một trong ba người - bà cứu Laura và “hai người đã chạy xa và không một lần nào ngoái lại chỗ hai bố con đang đứng” [36;312]. Nỗi ám ảnh về cảnh xử bắn đó lại sống dậy khi hai chị em cãi nhau vì bắt gặp bố bên cạnh đống ảnh bị xé nát. Khi bố qua đời, Agnès đã chỉ - có - một - mình. Nàng thật sự mỏi mệt vì mối quan hệ giữa hai chị em từ hồi nhỏ đã giống như một cuộc đuổi bắt: Agnès chạy trước, cô em bám theo sau. Khi chiếc kính râm của Laura vỡ nát cũng là khi “Agnès đã nghe thấy hơi thở của cô em sát ngay sau gáy mình và cảm thấy mình thua cuộc”. “Cảm giác mệt mỏi càng lâu càng mạnh” [36;314]. Nàng mơ một nước cờ “quân vua đột nhiên biến mất” [36;315]. Cái từ “ra đi” vang lên trong óc nàng như một sự cám dỗ tuyệt vời cùng ý nghĩ: “sống là một việc chẳng sung sướng gì. Sống: đó là mang cái “tôi” bệnh tật của mình trên thế gian” [36;350]. Trong cơn hấp hối của mình, Agnès ngạc nhiên là nàng không hề thấy buồn, thấy luyến tiếc, thấy hoảng sợ. Nàng lại có “một ý muốn điên cuồng, mãnh liệt để anh không nhìn thấy nàng. Nàng đã quá mệt mỏi và không muốn cho ai nhìn thấy nàng nữa” [36;362]. Cảm giác này cũng diễn ra ở nhân vật Santal (Bản nguyên) khi nhân vật nỗ lực quẫy đạp trong những giấc mơ đứt nối để tìm lại mình. Những giấc mơ hoang tưởng,
không thể nào thoát ra được của Santal và Jan Mark, dù “để đèn suốt đêm” [36;749] là một biểu hiện khác của sự chết. Như đã nói ở trên, mệt mỏi, thiếu sức sống là một trạng thái tinh thần phổ biến trong các sáng tác của M.Kundera. Các biểu hiện của trạng thái đó cũng như các biểu hiện của sự chết, cái chết cho thấy trong tiểu thuyết của Kundera một cõi nhân sinh bị xóa sổ.
Vì sao lại có hiện tượng “xóa sổ” này trong tiểu thuyết của M.Kundera? Như đã nói ở trên, thế kỉ XX là thế kỉ của những biến động dữ dội: Hai cuộc thế chiến thực sự là lò sát sinh, là sự “xóa sổ” số phận con người, cõi nhân sinh với khoảng sáu mươi triệu người chết và chín mươi triệu người bị thương; hàng triệu người Do Thái, trong đó có cả những người đồng hương Tiệp Khắc của M.Kundera, bị phát xít Đức tiêu diệt; sự đàn áp của Đảng cộng sản Tiệp Khắc; cuộc xâm lược, đàn áp của quân đội Liên Xô… gây bao cảnh chết chóc, li tán (mà M.kundera là một trong những nạn nhân). Những điều trên dẫn đến hai thực tế: một là, cái chết trở nên phổ biến trong văn học thế kỉ XX; hai là, cái chết trở nên phổ biến trong sáng tác của M.Kundera. Điều này lí giải vì sao thế giới nghệ thuật của Kundera đầy ám ảnh bởi cái chết, sự mệt mỏi, thiếu sức sống.